Ba gọi về nhà phụ làm bến nước. Con nước triều dâng mấy bận cuốn phăng cả cây cầu dừa. Cây gòn bằng bắp vế cưa đôi đặt song song vừa chừng mép nước, thêm vài tấm ván còng vắt ngang lên, vậy là thành bến nước.
Ba gọi về nhà phụ làm bến nước. Con nước triều dâng mấy bận cuốn phăng cả cây cầu dừa. Cây gòn bằng bắp vế cưa đôi đặt song song vừa chừng mép nước, thêm vài tấm ván còng vắt ngang lên, vậy là thành bến nước.
Bến nước ngày xưa cho cả xóm Bần Ổi dùng chung. Tắm giặt, múc nước, tiễn cô dâu mới đi lấy chồng, mừng chàng trai trẻ đi làm thành phố lâu lâu trở về quê. Và cả tiễn đưa một người lớn tuổi rời xóm làng đi mãi qua bến kia sông…
Chú Tư bán cua mở hàng bến nước lúc con gà trống cồ vừa đập cánh gáy sáng ó o. Ngày nào cũng vậy, hễ nghe tiếng cây dầm gác lên xuồng ba lá, tiếng sợi dây xích rổn rang bị lôi xồn xột cột xuồng vào gốc mù u, là ba tôi thức dậy thắp đèn dầu đặt trước mái hiên, rồi lật đật nhóm bếp lửa nấu nước pha trà.
Bàn chân to bè chú Tư chưa từng biết mùi đôi dép nhựa bước lên bến nước bập bình… Giọng chú lúc nào cũng sang sảng “tui đem cua nè anh Hai ơi”. Nhà tôi bán bún riêu, nên đặt mua cua chú bắt.
Ở dưới bếp, tiếng ba đáp lời “dzô bàn ngồi đi chú, tui pha bình trà uống chơi”. Củi bén lửa cháy răng rắc, tỏa mùi hăng hăng quyện hơi khói lan khắp nhà. Tôi ghiền cái mùi khói củi đó luôn. Nó mách bảo người kể chuyện ruộng đồng hấp dẫn tôi mê đã tới. Nằm trong mùng mà hóng chuyện người lớn.
Chuyện từ con cua bây giờ khan hiếm, móc cả ngày trời có ký hơn, nồi bún riêu chị Hai chắc bớt ngọt. Chuyện trong đập Cống Đá mấy bà đi chợ khuya đồn có con rắn khổng lồ, không ai dám bơi xuồng đi đêm một mình, sợ nó rượt mất dép.
Chuyện ở Gò Ân Nước Xoáy có cái xoáy khủng khiếp mà dân thương hồ ai cũng bảo nó sâu bất tận, có người làm dấu trái dừa thả xuống vòng xoáy coi nó cuốn đi đâu, ít lâu thấy nó nổi lên ở tận… cầu Mỹ Thuận. Hư hư thật thật. Mà nghe đã dữ dội thiệt! Uống đến mấy tuần trà, bao nhiêu chuyện nhân tình thế thái không cạn nổi…
Khi sáng tỏ mặt người, mấy chị xóm trong xách giỏ đi chợ xuống bến qua sông í ới gọi nhau. Nay đi chợ mua cá nấu canh chua, mua bánh đi đám giỗ, mua quần áo, xà bông đi đám đầy tháng… tính sẵn trong bụng hết.
Tính còn ghé hàng má tôi ăn bún riêu, không biết vì đi nhờ bến sông hay bún riêu má nấu ngon thiệt, mà mấy chị luôn miệng “ăn là ghiền”.
Tiếng rao đi qua bến sông khi nắng chan đầy mặt sông “Muối ô… ôn… hôn…, muối… hôn… ôn… n”, lăn dài theo đợt sóng lăn tăn trôi đi xa, xa mãi…
Xa tuốt xóm trong, ngọn đình… Nối tiếp tiếng rao ồn ào như tát nước vào mặt “Ai mua gạch hôn, ai mua gạch làm nhà, làm sân hôn…” Trong tiếng rao bán vừa kiêm luôn chỉ dẫn người ta mua gạch để làm gì luôn chứ.
Ngày ngày không biết bao nhiêu chuyến hàng, bao nhiêu người, bao nhiêu chuyện diễn ra nơi bến nước này. Nhiều lúc chủ ghe lúa, ghe bán rau củ dừng lại lên bến ghé nhà xin ca nước mưa. Rồi lu loa hằng hà thông tin thị trường nông sản nơi này, nơi khác.
Hỏi sao khoai lang 3 ký 10 ngàn, dưa hấu 3 ký 15 ngàn, khoai mỡ, khoai từ cũng vậy, đâu mà rẻ vậy hè? Thì do ế hàng, dội chợ, khoai ruộng bán giá rẻ mạt, nông dân như tui xót của, chất xuống xuồng máy len lỏi tận những ngóc ngách xa lắc của những dòng sông, vớt vát chút đỉnh.
Đi mấy chuyến khoai, anh nông dân trở thành thương lái, dù sao cũng có đồng ra đồng vô ổn hơn nghề làm khoai lúa bấp bênh.
Có hôm xách con cá lóc đồng từ bến sông hí hới “nướng trui nhậu chơi anh Hai ơi, làm vài xị đế cho hỉ hả, buôn bán ế ẩm chắc tui lên bờ…” Nói vậy thôi, chừng ra vườn búng tay lốc ba lốc bốc mấy trái bưởi coi hái được chưa, vỗ lốp ba lốp bốp vào mấy trái mít to đùng… thì hết chán “có nhiêu bán hết cho tui”.
Sống với nghề sông nước quen rồi, đâu muốn bỏ là bỏ được đâu!
Cũng như bến nước này, giờ ít người còn lui tới, vẫn luôn nhẫn nại lưu lại đó biết bao câu chuyện của cuộc sống, đời người! Những ngày cũ vùi trong dòng ký ức lấp lánh phủ mờ lớp bụi thời gian vô thường.
LAN THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin