Phim Việt không thể "im lặng" mà ra thế giới

10:06, 21/06/2016

Các liên hoan phim quốc tế luôn là cơ hội tuyệt vời để điện ảnh Việt Nam giới thiệu mình với thị trường thế giới. Tuy nhiên, sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu quảng bá cũng như sự vụng về trong tiếp cận khán giả khiến cho phim Việt dù không dở cũng "chìm nghỉm" giữa một rừng các tác phẩm thế giới. 

Các liên hoan phim quốc tế luôn là cơ hội tuyệt vời để điện ảnh Việt Nam giới thiệu mình với thị trường thế giới. Tuy nhiên, sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu quảng bá cũng như sự vụng về trong tiếp cận khán giả khiến cho phim Việt dù không dở cũng “chìm nghỉm” giữa một rừng các tác phẩm thế giới. 

“Chom và Sa” là bộ phim Việt đầu tiên được quảng bá tại LHP Nantes
“Chom và Sa” là bộ phim Việt đầu tiên được quảng bá tại LHP Nantes

Gian nan đưa phim ra nước ngoài

Thuyết phục, nài nỉ, thậm chí là “ăn cắp” một thước phim để có cơ hội được trình chiếu tại nước ngoài, đó là câu chuyện kỳ lạ của đạo diễn Lê Lâm, người nổi tiếng với nhiều tác phẩm như “Long Vân khánh hội”, “Đế chế tàn vụn”, “Công binh - đêm dài Đông Dương”… , một trong những người có công lớn trong việc đưa những thước phim Việt Nam ra thế giới.

“Đó là năm 1980, lúc ấy nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng đi công tác tại Pháp, anh ấy đến thăm nhà tôi tại Paris. Anh Hoàng mang 3 cuộn phim nhựa cho Đại sứ quán Việt Nam tại Paris, hỏi ra mới biết là phim “Chom và Sa” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam.

Tôi đã nói khó với anh Hoàng để lại cho tôi 3 cuộn phim đó để hôm sau mang đi giới thiệu tại Liên hoan phim Nantes. May làm sao anh ấy đồng ý”.

Sau khi có trong tay những cuộn phim “quý như vàng” đó, đạo diễn Lê Lâm đã thuyết phục Ban tổ chức LHP Nantes cho trình chiếu bộ phim “Chom và Sa” và tự động dùng micro dịch trực tiếp từ tiếng Việt ra tiếng Pháp để khán giả theo dõi.

Cần biết rằng, vào giai đoạn những năm 1980, thì việc có một bộ phim Việt Nam được trình chiếu tại các kỳ festival hay liên hoan phim Âu châu ngoài khối Liên Xô là cực kỳ hy hữu. 

Đạo diễn Lê Lâm cũng cho biết, việc quảng bá phim Việt ra nước ngoài vẫn còn bị động. Trải qua nhiều vòng lựa chọn, sàng lọc, khó khăn lắm mới được trình chiếu ở một liên hoan phim nhưng ông cho biết, việc đơn giản nhất là đứng lên để giới thiệu phim trước mỗi buổi chiếu thì không ai làm.

“Tôi sống ở Pháp nhiều năm thấy mỗi khi phim Trung Quốc ra rạp thì người dân đổ xô đi xem không kém gì phim Hollywood vì họ quảng cáo rầm rộ.

Còn phim Việt thì gần như ít được biết đến vì không nổi bật, không ai giới thiệu. Rất nhiều lần tôi phải tranh thủ xông ra để nói chuyện về phim Việt”, trong khi rõ ràng đây là công việc của các đạo diễn. 

“Ngại” nói về mình

Sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu quảng bá khiến cho phim Việt dù không phải là dở vẫn “chìm nghỉm” giữa một rừng phim nước ngoài.

Một biên kịch có tiếng trong nước đã từng chia sẻ, có một thực trạng là phim Việt dù được mua bản quyền xong thì chỉ được phát hành theo dạng DVD và chiếu lẻ tẻ trên các kênh truyền hình nước ngoài.

Một số phim được chiếu để phục vụ bà con kiều bào chứ không thấy phim nào chen chân vào các rạp chiếu thương mại. Nhất là khi phải cạnh tranh với những nền điện ảnh hùng mạnh của châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ và không thể không kể đến đó là Hàn Quốc đang tạo nên một “cơn sốt” trên toàn cầu.

Nhận định về cơ hội để điện ảnh Việt có thể tìm đường ra thế giới, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, phim Việt trước hết phải xác định là không thể quảng bá ở nước ngoài như cách mà một số đoàn làm phim trong nước đang áp dụng, tức là phim chưa chiếu đã lăng xê những câu chuyện bên lề để thỏa chí tò mò.

Mặt khác, việc khuếch trương về kỹ thuật hay kỹ xảo làm phim cũng không phải là phương án khả thi, bởi rõ ràng công nghệ làm phim của chúng ta vẫn còn khá lâu mới bắt kịp thế giới. NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, quan trọng nhất vẫn là nội dung phim.

Ông cho biết, một bộ phim nghệ thuật hay không nghệ thuật khác nhau ở chỗ nó có làm cho người xem xúc động, có chạm đến trái tim của họ hay không. Những phim Việt “tỏa sáng” trên trường quốc tế phần lớn được đánh giá cao ở cái “tôi”, nói được tiếng nói, bản sắc cũng như tâm hồn Việt. 

Để một bộ phim gây được chú ý thì trước tiên nội dung nó phải hay  rồi mới bàn đến những yếu tố khác. Thế nhưng, trong khi vẫn đang mỏi mắt tuyển lựa những bộ phim đáp ứng đủ tiêu chí dự thi, thì chúng ta đang  lãng phí tài nguyên bằng việc bỏ qua rất nhiều công đoạn, từ giới thiệu thông tin bộ phim, chuẩn bị tờ rơi, áp phích quảng cáo đến những chiến dịch truyền thông… để thu hút sự chú ý của giới chuyên môn cũng như khán giả.

Thế nên mới có chuyện, có những năm chúng ta gửi sang thảm đỏ Cannes một đội ngũ nhìn qua toàn những diễn viên sáng giá, nhưng khi phóng viên quốc tế đến phỏng vấn về phim, thì ai cũng nhìn nhau… cười trừ.  

Theo ANTĐ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh