Nhỏ to chuyện của nhà báo nữ

08:06, 19/06/2016

Nghề báo là một nghề vất vả, đối với nhà báo nữ những khó khăn ấy như lại nhân đôi. Bởi ngoài công việc, nữ nhà báo còn làm mẹ, làm vợ,…

Nghề báo là một nghề vất vả, đối với nhà báo nữ những khó khăn ấy như lại nhân đôi. Bởi ngoài công việc, nữ nhà báo còn làm mẹ, làm vợ,…

Nhà báo nữ trẻ với những giây phút thư giãn. Ảnh: DƯƠNG THU
Nhà báo nữ trẻ với những giây phút thư giãn. Ảnh: DƯƠNG THU

“Làm dâu trăm họ”

Gọi là làm dâu trăm họ không chỉ vì tác phẩm của nữ nhà báo phải đưa thông tin đến hàng ngàn bạn đọc mà còn vì công việc khó khăn, luôn tiếp xúc với rất nhiều người, nhiều giới, nhiều giai tầng xã hội và chọn lọc trong hàng ngàn thông tin để chắt lọc thông tin đắt nhất, chính xác nhất.

Tôi còn nhớ nụ cười của các chị nhân viên văn phòng ở huyện khi thấy tôi đội mưa đi xã: “Cưng hay thiệt, chị chạy tới chạy lui như vậy không nỗi đâu”. Tôi cười “mỗi nghề có cái khó riêng chị ơi”.

Chúng tôi không chỉ căng thẳng cho những bài viết, thậm chí từng cái tin trăm chữ mà còn phải “lặn lội thân cò” chạy xe đi cơ sở vài chục cây số là chuyện thường tình, thậm chí có lần tôi tự cầm xe chạy đi Trà Vinh qua Hậu Giang công tác- quãng đường lên tới hàng trăm cây số, rồi về trong ngày.

Nhà báo Thúy Quyên có lần cười, nói với tôi là “chị đi công tác không biết mệt”. Chị nói vậy rồi tất tả đi Mang Thít theo đoàn trao quà cho thiếu nhi nhân Tết Trung thu. Trong khi đó, tôi đang “thở không ra hơi” vì vừa đi công tác Trà Ôn về với chị.

Bất chấp nắng hay mưa, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình bằng 2 thứ: trách nhiệm và lòng yêu nghề. Tôi nhớ nhà báo Hải Yến chở tôi từ Mang Thít về cơ quan, hốt hoảng vì quá giờ rước con. Cô giáo còn nhắn tin: “Chị không thương con chị sao? Người ta rước con hết rồi!” Nhưng chị vẫn không quên dặn dò tôi “tối nay, em viết phần này xong thì mail qua cho chị…”.

Nếu tính lương nhà báo theo giờ, chắc nhà báo chúng tôi giàu nhất. Vì chúng tôi thường làm hết việc không hết giờ, những bài gấp có thể đi công tác trong ngày và trắng đêm để viết. Nói trắng đêm cũng không đúng, vì phải đợi qua lối 22 giờ khi con đã ngon giấc mới có thể bắt tay vào công việc của mình.

Tất tả “chạy sô” vì phải đi nhiều tin trong ngày, nhà báo Hồng Trâm- Đài Truyền hình Vĩnh Long vẫn thấp thỏm gọi về nhà nhắc ba “rước cháu dùm con”.

Mỗi lần giải lao, chị lại kể chuyện vui buồn công việc, chuyện nhà, chuyện 5 giờ sáng thức dậy đi chợ chọn cho con từng miếng ăn ngon nhất. Xong việc nhà, lại đến cơ quan, xong cơ quan lại đến việc nhà!

Còn nhà báo Thanh Hường- Thư ký Tòa soạn Báo Vĩnh Long- là người đã lặng lẽ nâng bước chúng tôi. Các bài viết qua tay chị biên tập đều hay hơn, chính xác đến từng chi tiết. Mỗi ngày, chị Hường phải đọc tin, bài của phóng viên chúng tôi và cộng tác viên rồi chỉn chu, sửa chữa.

Công việc cực kỳ phức tạp và mệt óc hại não. Ấy vậy mà khi chúng tôi có sai sót gì chị đều nhẹ nhàng hỏi thăm “chắc là đang căng đầu lắm phải không?”

Không chỉ đảm việc cơ quan, chị Hường còn đảm việc nhà, là cầu nối yêu thương giữa các thành viên trong gia đình để chồng, con cái hoàn thành tốt việc học tập và công tác.

Còn rất nhiều những nữ nhà báo có tài và có cả gia đình hạnh phúc xung quanh bạn, xung quanh tôi như vậy. Các chị là những tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo dù nữ làm báo có lắm nỗi nhọc nhằn.

Xây “bức tường” cho mình

Say mê cùng máy ảnh.Ảnh: KHÁNH DUY
Say mê cùng máy ảnh.Ảnh: KHÁNH DUY

“Bức tường” của nữ nhà báo chính là những người thân trong gia đình. Đó là người chồng cảm thông, biết san sẻ cùng vợ; là mẹ, là cha phụ chăm sóc cháu, quán xuyến việc nhà.

Những chuyến đi công tác dài ngày, phóng viên Cẩm Huệ yên tâm gửi con về ngoại. Bà nội cũng thường lên Vĩnh Long chăm cháu.

Ông xã cũng thông cảm công việc của vợ, hễ có chút thời gian là anh đảm nhiệm việc chăm sóc con vừa giúp vợ rảnh tay viết bài hoặc nghỉ ngơi vừa kết nối và thắt chặt tình cha con.

Nói như nhà báo Phạm Hoàng Thy- Đài Truyền hình Vĩnh Long thì “Nữ làm báo cần phải bản lĩnh và mạnh mẽ”. Ngoài ra, nữ nhà báo còn cần có sự cảm thông, chia sẻ và hậu thuẫn từ gia đình: như vì sao không thể rước con hôm nay được hay thỉnh thoảng phải xa nhà đi công tác nhiều ngày.

Bức tường tinh thần ấy là sự giúp đỡ, ủng hộ tinh thần của Ban biên tập, của những nam đồng nghiệp “ga- lăng”. Sự sẻ chia kinh nghiệm sống của các chị em đi trước cho những nữ nhà báo đi sau là biết cách gói ghém thời gian, cách giao tiếp phù hợp từng đối tượng, rồi đi cơ sở như thế nào để gặt hái được nhiều đề tài và “bội thu” về tư liệu.

Hạnh phúc mà nữ nhà báo có được là niềm vui khi bạn đọc nhắc đến mình, là khi bài viết được khen, được góp ý hoặc có tác động đến xã hội. Hạnh phúc khi một giáo viên trường cao đẳng nhắn tin: “Cảm ơn bài viết phản ánh của em, ai cũng biết vậy mà không dám nói”.

Vui khi chị Nguyệt (Phường 8) báo tin là từ khi báo đăng, chuyện bọn trẻ vô góc công viên hít keo, công an truy đuổi miết, bọn trẻ đã hết hít keo rồi. Chúng tôi mừng khi có một vài cú điện thoại đóng góp ý kiến cho bài viết hay hơn, rồi lại thầm biết ơn chú Sáu (xã Hòa Bình- Trà Ôn) có gì liên quan đến báo là “gọi cho con hay để con viết”.

Mấy chị ở ủy ban xã thì “có gì gọi cho nhà báo là nhanh nhất”. Trái ngọt của nghề không chỉ là các giải báo chí tỉnh, giải quốc gia mà còn là tác động của bài báo, đứa con tinh thần của mình đối với cộng đồng, xã hội.

Chọn nghề báo là chúng tôi chấp nhận vất vả ngược xuôi để tìm kiếm thông tin, chấp nhận làm đêm, làm ngày, làm luôn cả lễ tết cho bạn đọc có những thông tin “nóng hôi hổi”. Nhiều người cho rằng nữ làm báo không tốt bằng nam, nhưng theo tôi, nghề báo không phân biệt giới tính.

Mỗi nhà báo có một phong cách riêng, bản lĩnh riêng và… lợi thế riêng. Hãy tưởng tượng nhiều ngày liên tiếp bạn thức dậy lúc 5 giờ, làm biết bao công việc không tên, đi công tác viết tin ngay rồi mới được ăn trưa, rồi lại tiếp diễn với áp lực công việc và việc nhà đến 22- 23 giờ.

Nhà báo nữ có rất nhiều áp lực- nhưng sao mà yêu nghề nhiều đến thế!

CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh