Ở chốn phồn hoa, họ thường không được "đánh giá cao".
Ở chốn phồn hoa, họ thường không được “đánh giá cao”. Bởi không thể mang đến cho đô thị “vẻ mỹ quan” như mong muốn, cũng không đóng góp khoản kinh tế đáng kể nào, càng không thể “phô trương thanh thế” bằng chiều cao hay quy mô to lớn… bởi họ chỉ là những người buôn bán nhỏ chút thức ăn, quà vặt, sửa chìa khóa hay may giày dép… nơi vỉa hè, góc phố.
Nhưng có lẽ họ chính là những người thức sớm đầu tiên của thành phố, để chuẩn bị xửng xôi vò bốc khói hay dĩa cơm tấm sườn bì thơm nức mũi. Họ cũng là những người “không bao giờ nghỉ trưa” để đánh thêm giúp bạn chiếc chìa khóa hoặc may lại chiếc dép đột nhiên sứt quai.
Họ luôn thức đêm và trở về nhà muộn nhất để “lo bữa tối” cho khách bằng vài trái chuối nướng hoặc tô cháo trắng thanh đạm. Hàng ngày, họ vẫn lầm lũi mưu sinh trên những cung đường, góc phố quen thuộc, bắt đầu khi mặt trời chưa ló dạng và chỉ kết thúc công việc khi ngày mới bắt đầu.
Cô bán sương sa hột lựu nước cốt dừa nói năm nay cô đã gần bảy mươi, tính ra bán vầy đã ba bốn chục năm. Cũng nhờ thau sương sa góc chợ mà nuôi con cái nên người, giờ nghỉ được rồi nhưng “đi bán vui hơn”. Còn chị bán nước mía nói ngày được trăm, hai trăm ngàn, “hỏng giàu có gì mà đều sống được”.
Buôn bán góc phố, vỉa hè thường bị chê bẩn, thiếu vệ sinh, làm xấu mặt đô thị… nhưng thiết nghĩ, nếu đô thị chỉ toàn nhà hàng, khách sạn, siêu thị, không biết người dân phố và du khách tới có còn thấy được hết nhịp sống đời thường của đô thị.
Cho nên, làm sao để những người nghèo, người lao động đô thị có được thu nhập ổn định tự lo cho cuộc sống gia đình, góp phần giảm gánh nặng xóa đói giảm nghèo cho địa phương, mà lại tạo nên một vẻ đẹp của “hồn phố”, ắt hẳn rất cần có các nhà quản lý nặng tình với đô thị.
NGUYÊN CHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin