Đi vào vùng "lõi" nền văn hóa Óc Eo

01:05, 14/05/2016

Qua những di chỉ khảo cổ, xác định nền văn hóa Óc Eo có thời gian tồn tại gần 2.000 năm, kéo dài từ trước Công nguyên cho đến khoảng thế kỷ thứ VII sau Công nguyên.

Qua những di chỉ khảo cổ, xác định nền văn hóa Óc Eo có thời gian tồn tại gần 2.000 năm, kéo dài từ trước Công nguyên cho đến khoảng thế kỷ thứ VII sau Công nguyên.

Cội nguồn của nền văn hóa này chính là cư dân bản địa hậu kỳ thời đồ đá mới- sơ kỳ kim khí- mà giai đoạn cuối gắn liền với sự phát triển rực rỡ, cực thịnh của vương quốc Phù Nam.

Ngọn núi Ba Thê nhìn từ Di tích Gò Cây Thị A, bao quát toàn bộ Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo.
Ngọn núi Ba Thê nhìn từ Di tích Gò Cây Thị A, bao quát toàn bộ Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo.

Di chỉ của nền văn hóa Óc Eo phân bố trên địa bàn rộng lớn, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Thoại Sơn (An Giang) trải rộng khắp ĐBSCL, kéo dài đến Đông Nam Bộ, vùng rừng Cát Tiên (Lâm Đồng). Ngoài ra, nền văn hóa này còn lan tỏa đến tận Campuchia, Thái Lan, Malaysia,...

Từ thị trấn Óc Eo, rẽ vào ấp Trung Sơn khoảng 2 cây số sẽ thấy Linh Sơn cổ tự nằm trên gò cao khoảng trên 15m so với chân ruộng, ngôi chùa nằm cách chân núi Ba Thê 1 cây số, quay mặt về hướng Đông.

Lấy ngôi chùa làm trung tâm, vẽ một hình chữ nhật có chiều rộng 1.500m và chiều dài 3.000m, nơi này được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 1998.

Ở đây, hầu như mỗi bước chân là chạm vào di chỉ của một nền văn hóa cổ xưa đang dần lộ diện một cách rõ ràng hơn qua những cuộc khai quật khảo cổ lớn gần đây.

Ngồi trong quán nước mía đối diện chùa Linh Sơn, đợi người bạn học nhiều “cơ duyên” từ hồi phổ thông cho đến đại học, giờ là Phó Giám đốc Bảo tàng Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo- Ths. Nguyễn Thuận Thảo.

Tôi thật sự “choáng” khi anh Thảo chỉ dưới chân mình: “Đó, nãy giờ ông đang đạp trên di vật quan trọng của kiến trúc Óc Eo đó”.

Trời, thì ra những lớp gạch có màu sáng kỳ lạ lót trên cái nền quán nước mía này chính là vật liệu xây dựng có niên đại cách đây hàng ngàn năm; cái loại gạch dù có bị chôn vùi hay nắng mưa bất kể, qua hàng ngàn năm vẫn giữ được màu nguyên thủy mà không bị rong rêu, phai màu.

Anh Thảo chỉ tôi phân biệt gạch kiến trúc thuộc nền văn hóa Óc Eo vì có 2 loại: một loại có màu sáng, nhẹ thuộc thời kỳ đầu; một loại thời kỳ sau có màu sẫm và hơi nặng tay hơn.

Điều đó chứng tỏ, kỹ thuật xây dựng của thời kỳ đầu văn hóa Óc Eo cao hơn nhiều so với hậu kỳ và trong khi khai quật các cụm di tích như Nam Linh Sơn, phát hiện rõ ràng có một kiến trúc xây dựng mới chồng lên trên kiến trúc cũ đã sụp lún, với 2 loại gạch xây dựng hoàn toàn khác nhau.

Và ngay phía sau quán nước này, còn dấu vết đào bới hồi năm ngoái, do mấy nhóm nghiên cứu sinh tiến sĩ đến từ Pháp, họ ăn dầm nằm dề mấy tháng trời để khảo sát, mà hầu như ở khu vực này chỉ cần đào xuống vài thước đất là có thể phát lộ ra những kiến trúc gạch đá thời Óc Eo.

Đây cũng là cái khó của công tác khảo cổ, bảo tàng hiện nay đối với nền văn hóa cổ còn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí này- anh Thảo cho biết. Phạm vi khoanh vùng đặc biệt 450ha của khu di tích này đều nằm gọn trong ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, nhưng đây là địa bàn tập trung đông đúc dân cư, đất di tích cũng chồng lấn, xen lẫn trong đất ruộng, đất thổ người dân.

Do đó, nếu có phát hiện những di chỉ đặc biệt quan trọng thì công tác khai quật, khoanh vùng gặp khó. Trong khi đó, ngay từ những cuộc khai quật đầu tiên của nhà khảo cổ người Pháp Louis Mallerret năm 1944, đã xác định vùng đất nằm dưới chân núi Ba Thê này chính là trung tâm giao lưu, có thể là một thương cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam.

Những cuộc khai quật khảo cổ tiếp nối sau này đã dần lộ diện gần như trọn vẹn một nền văn hóa phát triển cực thịnh lúc bấy giờ.

Ngay trong Linh Sơn cổ tự, chúng tôi “diện kiến” ngay những di vật được xem là vô cùng quý giá đã được ghi nhận vào Sách kỷ lục Việt Nam, đó là tượng Phật 4 tay và 2 phiến đá bia có niên đại 2.000 năm khắc những dòng chữ Phạn cổ mà đến nay chưa ai dịch được.

Thật ra, đây là tượng Thần Visnu của Bà la môn giáo mà dáng đứng được khắc từ nguyên khối đá đen khoảng 3m3; nhưng do người dân đã đúc lấp phần chân, biến thành dáng Phật ngồi thiền, rồi sơn phết lòe loẹt; đã làm giảm đi giá trị lịch sử và nghệ thuật vô cùng đặc sắc của pho tượng.

Toàn bộ khu di tích đặc biệt này chỉ có 450ha, nhưng để tìm hiểu cho hết những kiến trúc đã khai quật thì khó mà hết trong một ngày, như các di tích đã được xếp hạng và bảo vệ như: Nam Linh Sơn tự, Di tích Cây Thị A, Di tích Gò Bà Chruon, xưởng chế tác thủy tinh,...

Đặc trưng tiêu biểu di vật đã tái hiện sinh động đời sống vật chất cư dân Óc Eo, qua hệ thống đền tháp, các bộ sưu tập tượng thần, linh vật bằng nhiều loại chất liệu như: vàng, đồng, gỗ, đá, gốm... thể hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú của cư dân tín ngưỡng Bà la môn giáo, với tục thờ cúng thần linh, những nghi lễ cúng bái đậm màu sắc tín ngưỡng cầu mong sự phù hộ của thần linh.

Những di vật khảo cổ được cho đến nay đã thể hiện khá rõ nét một nền văn hóa cổ Óc Eo; tuy nhiên, những phần việc quan trọng vẫn còn nhiều ở phía trước.

Ths. Nguyễn Thuận Thảo cho biết, sắp tới đây đoàn khảo cổ từ Trung ương sẽ vào đây với kế hoạch khai quật trong 30 tháng, làm cơ sở, luận chứng khoa học để có thể lập hồ sơ trình UNESCO, công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo là Di sản văn hóa thế giới.

Còn để có thể tìm hiểu những bộ sưu tập trọn vẹn, tương đối đầy đủ nhất cho đến nay với những gì tôi được biết, có lẽ anh Hiệp “Óc Eo” (TP Rạch Giá) chính là người đang nắm giữ bộ sưu tập đồ sộ, mà anh đã dành tất cả tâm huyết, tài sản của mình để có được nó- người có thể bán 3 căn nhà, bỏ ra 50 cây vàng trong những lần... thu gom cổ vật Óc Eo. Nhân vật “kỳ bí” sẽ được nhắc đến trong những câu chuyện tiếp nối về nền văn hóa Óc Eo.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh