Đàm Vĩnh Hưng cho biết điều khó quên trong sự nghiệp của anh là màn song ca với Mỹ Tâm ca khúc "Trái tim không ngủ yên" khi mới đi hát.
Đàm Vĩnh Hưng cho biết điều khó quên trong sự nghiệp của anh là màn song ca với Mỹ Tâm ca khúc "Trái tim không ngủ yên" khi mới đi hát.
Sol Vàng tháng 5 sẽ dành thời lượng để tôn vinh một tên tuổi lớn của nhạc trẻ Việt - nhạc sỹ Thanh Tùng với những sáng tác đi vào lòng người. Nhạc sỹ Thanh Tùng (sinh năm 1948) là người gốc Nha Trang nhưng ông lớn lên tại Hà Nội.
Từ năm 1971 đến 1975, Thanh Tùng là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II. Sau đó, ông chuyển vào TP Hồ Chí Minh sống và sáng lập Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đồng thời khai sinh nhóm hợp ca Những làn sóng nhỏ.
Ngoài ra, ông còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn ca múa Bông Sen cũng như phụ trách âm nhạc cho đoàn Hải Đăng (Khánh Hòa). Ông đã viết hơn 200 bài hát trước khi qua đời vào tháng 3 vừa rồi.
Các sáng tác của ông được giới trẻ yêu thích đến tận bây giờ như: Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Chuyện tình của biển, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi…
Thành công trong âm nhạc Thanh Tùng phải kể đến những tên tuổi như: Cẩm Vân, Mỹ Hạnh, Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng…
Tham gia chương trình Sol vàng – Lối cũ ta về tưởng nhớ Thanh Tùng cũng là dịp để các nghệ sỹ từng gắn bó với các bài hát của ông cùng ôn lại kỷ niệm với người nhạc sỹ tài hoa này.
Ca sỹ Cẩm Vân là người thành công và tạo dấu ấn với những tác phẩm của Thanh Tùng, trong đó Hoàng hôn màu lá là bài hát mà chị được nhạc sỹ gửi gắm hát đầu tiên và đem lại thành công vang dội năm 1982.
Ca khúc Ngôi sao cô đơn đã giúp Cẩm Vân đạt Huy chương vàng Liên hoan sinh viên thế giới tại Bình Nhưỡng năm 1989.
Từng có nhiều kỷ niệm khi cả hai cùng làm việc tại đài truyền hình TP. HCM, trong mắt Cẩm Vân, nhạc sỹ Thanh Tùng là một người anh thật sự. Ông từng cho Cẩm Vân rất nhiều lời khuyên bổ ích trong sự nghiệp mà đến giờ chị vẫn nhớ như in đó là:
“Vân cứ bước chậm mà chắc. Mình muốn làm cây cổ thụ thì phải vậy chứ lớn mau như cây giá đỗ thì dễ ngã lắm!”. Cẩm Vân kể rằng cố nhạc sỹ là người đào hoa, lãng tử và nghệ sỹ tính vô cùng.
Ông cũng khá lành tính nên chị chưa bao giờ nghe Thanh Tùng nói xấu ai. Thanh Tùng cũng là người vui tính và rất yêu gia đình. Trong chương trình Sol Vàng tôn vinh nhạc sỹ Thanh Tùng, Cẩm Vân sẽ hát lại Hoàng hôn màu lá và Một mình của ông.
Mỹ Hạnh là học trò của nhạc sỹ Thanh Tùng trong đoàn Hải Đăng. Lúc nào chị cũng gọi ông hai tiếng “thầy Tùng” đầy kính mến. Chị đóng dấu tên tuổi với rất nhiều sáng tác của Thanh Tùng, đặc biệt là Mưa ngâu và Phố biển được đưa cho Mỹ Hạnh hát đầu tiên khi ông vừa sáng tác xong.
Trong đó, Mưa ngâu là viết cho riêng Mỹ Hạnh vì “tính tình của em bốc đồng, mưa nắng thất thường quá” – nguyên văn lời Thanh Tùng dành cho chị khi vừa sáng tác xong ca khúc ở Lào năm 1989.
Cũng trong Hội diễn các đoàn nghệ thuật toàn quốc năm 1989, khi được thầy giao bài cho hát mà bản thân không thấy phù hợp, Mỹ Hạnh đã giận dỗi không muốn tham gia tranh tài, cũng đòi bỏ luôn đoàn Hải Đăng khiến cố nhạc sỹ Thanh Tùng “nổi cáu” nhưng cũng xuống nước dỗ dành cô học trò ương bướng.
Nhạc sỹ hỏi Mỹ Hạnh: “Bây giờ em muốn hát bài gì thì mới chịu hả?” , chị bảo: “Hát bài nào mới sáng tác của thầy đó!”. Thế là ông ngồi vào bàn sáng tác trong vài tiếng và đưa ra ngay ca khúc Phố biển, đồng thời hát mẫu, vỡ bài cho chị và không quên cảnh cáo:
“Em không phải nhân vật trong bài, tôi cũng không viết bài này cho em nhưng thôi cho em hát đầu tiên! Em cũng hợp với bài này đó” (thật ra đây là ca khúc mà Thanh Tùng viết tặng cho nàng thơ của ông lúc bấy giờ – ca sỹ Ngọc Thúy, ngôi sao ca nhạc nổi tiếng của đoàn Hải Đăng).
Kết quả là Mỹ Hạnh đã không phụ lòng Thanh Tùng, năm đó cô giành Huy chương vàng tại hội diễn và góp phần đưa Phố biển đến với đông đảo công chúng. Trong chương trình Sol Vàng Thanh Tùng, Mỹ Hạnh sẽ thể hiện lại hai ca khúc: Ngôi sao cô đơn và Chuyện tình của biển.
Lam Trường không quá gắn bó với Thanh Tùng tuy anh hát rất thành công một số bài hát của ông là Tình không biên giới, Trái tim không ngủ yên… Ấn tượng của Lam Trường về Thanh Tùng là ông rất nghệ sỹ tính, quý phái, sang trọng.
Những năm cuối thập niên 1990, Lam Trường có dịp gặp nhạc sỹ Thanh Tùng ở Hà Nội, trông ông cực kỳ sành điệu với bộ vest linen cùng chiếc mũ phớt rộng vành. Ông đã bắt đầu chống gậy nhưng là gậy thời trang mà không phải ai cũng có được.
Có lúc Thanh Tùng nhìn như một doanh nhân sang trọng chứ không phải nghệ sỹ. Trong chương trình Sol Vàng, Lam Trường sẽ trình bày lại nhạc phẩm cùng tên trong bộ phim Tình không biên giới cùng ca khúc Phố biển.
Đàm Vĩnh Hưng thì lại bén duyên với âm nhạc Thanh Tùng hơi muộn. Anh gặt hái nhiều thành công với: Lối cũ ta về, Giọt nắng bên thềm, Em và tôi…
Điều khó quên trong sự nghiệp của Đàm Vĩnh Hưng là khi mới đi hát, anh song ca với Mỹ Tâm ca khúc Trái tim không ngủ yên. Và bức ảnh chụp hai người hát với nhau trên sân khấu đã được chọn làm bìa báo Tuổi trẻ năm 1998.
Đó là một niềm tự hào trong sự nghiệp của Đàm Vĩnh Hưng. Trong chương trình Sol Vàng Thanh Tùng, Đàm Vĩnh Hưng hát lại Cảm ơn mùa thu, Lời tỏ tình mùa xuân và Vĩnh biệt mùa hè.
Ngoài ra, chương trình có sự tham gia của các ca sỹ: Quang Dũng, Ngọc Ánh, Nguyên Vũ, Nhóm MTV, Ngọc Châm, Tố Ny, Triệu Long… trong các ca khúc: Giọt sương trên mi mắt, Hoa cúc vàng, Mưa ngâu, Trái tim không ngủ yên, Hát với chú ve con…
Theo VTC News
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin