Những ngày tháng đầu năm 1973 khi Hiệp định Paris mới vừa ký kết, quân đội chính quyền Sài Gòn ráo riết mở nhiều cuộc càn quét lấn chiếm các vùng giải phóng của ta.
Những ngày tháng đầu năm 1973 khi Hiệp định Paris mới vừa ký kết, quân đội chính quyền Sài Gòn ráo riết mở nhiều cuộc càn quét lấn chiếm các vùng giải phóng của ta.
Đối phó với âm mưu này, cùng với toàn vùng Tây Nam Bộ, quân và dân Vĩnh Long đã giáng trả địch những đòn đích đáng giữ vững vùng giải phóng, thời điểm đó xuất hiện một cách đánh địch rất hiệu quả đã bức hàng bức rút hàng chục đồn bót…
Có một “tiểu đoàn” như thế!
Những ai đã từng sống ở vùng giải phóng và vùng tranh chấp với địch trong những ngày tháng ấy tại tỉnh Vĩnh Long chắc không thể quên cái không khí nhà nhà hồ hởi khi Hiệp định Paris vừa được ký kết.
Lúc ấy, lá cờ nửa đỏ nửa xanh với sao vàng ở giữa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay khắp nơi, kể cả sát đồn địch.
Khi địch thực hiện âm mưu giành đất giành dân tổ chức càn quét lấn chiếm các vùng giải phóng tại tỉnh Vĩnh Long, 2 tiểu đoàn địa phương quân tập trung trực thuộc Tỉnh Đội cùng với các tiểu đoàn chủ lực của Quân khu 9 giáng cho địch nhiều đòn chí tử, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang tại các huyện thị với sự hỗ trợ hậu cần của người dân tại chỗ vận dụng “3 mũi giáp công” (chính trị, quân sự và binh vận) vùng lên đánh địch không ngừng nghỉ.
Thời điểm này, căn cứ Tỉnh ủy và các ban ngành cấp tỉnh hầu hết đóng trên địa bàn huyện Tam Bình. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Năm Liệt (Nguyễn Ký Ức), bên cạnh hoạt động của các lực lượng vũ trang tập trung, cán bộ, nhân viên các ngành tỉnh và huyện Tam Bình ban ngày phối hợp với lực lượng địa phương củng cố xã ấp chiến đấu chống địch càn quét lấn chiếm và làm nhiệm vụ theo chuyên môn của mình, để ban đêm hợp lại cùng du kích địa phương xây dựng hệ thống “pháo đài”, công sự “hàm ếch”, nơi có điều kiện thì đào chiến hào vây ép các đồn địch.
Từ các hoạt động này, tại các đơn vị xuất hiện ngày một nhiều cá nhân bắn tỉa hay đào chiến hào giỏi… Chẳng hạn, ở xã Ngãi Tứ có anh Bảy Kềm- cán bộ căn cứ của Tỉnh ủy, nổi danh là “Bảy chiến hào”.
Danh hiệu danh dự này thật ra là do các đồng đội tôn vinh cho anh chứ chưa hề có tổ chức nào phong tặng. Với anh Bảy, có một cái vá (leng) đào đất cán ngắn sắc lẽm kết hợp kỹ thuật đào đất của một nông dân chính hiệu của mình là anh có thể tạo ra những mét hào không chê vào đâu được, có những mét hào tiến sát hàng rào thứ nhất của đồn địch nhưng vẫn chưa bị chúng phát hiện, bởi trên nóc đường hào còn một lớp đất mỏng được cỏ dại cố định mà anh khéo léo giữ lại và dễ dàng tốc lên chỗ nào đó khi cần thiết…
Có điều ai cũng nhận ra rằng những hoạt động như thế sẽ khó phát huy hết tác dụng trong bức rút bức hàng các đồn bót địch nếu như thiếu những quả đấm quân sự hiệu quả của ta tiếp theo vào bọn chi viện cho các đồn bị vây ép.
Từ thực tế đó, lực lượng đặc biệt có tính chất hợp tan này liên tục được củng cố càng lúc càng hoàn thiện hơn về các kỹ chiến thuật công đồn và đã viện, đặc biệt là đánh phối hợp với binh vận.
Họ tuy bao gồm cán bộ, nhân viên trẻ từ nhiều cơ quan ban ngành tỉnh có mang theo vũ khí đủ loại của cơ quan mình khi đi hợp quân, nhưng quan trọng là được Đội Phòng thủ Tỉnh ủy (đội bảo vệ Tỉnh ủy có tên là C 40) làm nòng cốt trong chiến đấu cũng như chỉ huy theo một kế hoạch thống nhất.
Lúc ấy, khi nhắc đến đơn vị chưa kịp có tên này, nhiều người thường gọi anh em là lính của “Tiểu đoàn 3” cho… oách, bởi tỉnh lúc đó đã có Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2.
Chiến công nối tiếp chiến công
Như trên đã nói, tuy tên gọi là “tiểu đoàn” có nhiệm vụ tác chiến nhưng quân số của đơn vị thường chỉ 50 hay 60 người, đông hay ít hơn tùy yêu cầu từng đợt công tác.
Trong đơn vị này, ngoài các cán bộ, chiến sĩ của Đội Phòng thủ đều rất thiện chiến làm nòng cốt trong các mũi chiến đấu, hầu hết số còn lại thường ngày quen với các con số, cây viết, máy đánh chữ, các máy thu phát sóng hay bộ gõ tín hiệu morse hơn là cầm…súng, bởi họ là cán bộ văn phòng hay công tác phong trào, phóng viên, nhiếp ảnh viên, là cơ công hay điện báo viên của các đài vô tuyến điện… nên trên chiến trường, kỹ thuật tác chiến của họ tuy có bị hạn chế nhưng tinh thần chiến đấu thì có thừa.
Vì thế trong chiến đấu họ rất hồn nhiên như cách hạ các tên địch của anh Năm Hùng- một nhiếp ảnh viên của Tiểu ban Thông tấn Báo chí trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh: “Nó mò vô ngay chóc tôi, xin chào…”.
Còn anh Chín Long, điện báo viên Đài Minh ngữ cũng của tiểu ban này thích thú kể: “Mới biết, giựt nụ xòe thủ pháo nó lóe sáng thấy cả nút áo…”.
Hồn nhiên thế, nhưng thực sự đó là hành động nổ súng đã bẻ gãy một mũi tiến công của địch trong một trận càn, là đánh thủ pháo vào một lô cốt trong đêm tối góp phần khiến địch phải bỏ đồn tháo chạy…
Ngay sau khi thành lập, với chiến thuật bao vây đánh lấn bằng chiến hào, pháo đài kết hợp 3 mũi giáp công đánh địch trong đồn lẫn bọn chi viện, thành tích của “tiểu đoàn” cứ tiếp nối:
Chỉ trong năm 1973, tháng Giêng: bao vây bức rút đồn Giáo Mẹo (xã Đông Thành- Bình Minh); 3 tháng sau đó: đánh chiếm đồn Đầu Sóc cùng xã; tháng 5: bao vây và đánh bọn chi viện kết hợp với công tác binh vận buộc đồn Bình Phú (xã Ngãi Tứ- Tam Bình) tháo chạy; tháng 6: phối hợp với Địa phương quân huyện Tam Bình lập thêm một chiến công to là bức rút Hậu cứ An Hòa giải phóng hoàn toàn xã Ngãi Tứ. Tiếp đó vào tháng 7, bao vây đánh chiếm đồn Lộ Mới (xã Đông Thành).
Cuối tháng này, với kỹ thuật bắn tỉa đã bức rút đồn Lung Chuối (xã Mỹ Lộc- Tam Bình). Có trận tuy chưa phải là dữ dội nhất, nhưng tính chất rất ác liệt khiến bọn địch phải dè chừng họ là vào tháng 11 năm này trong lần bao vây đánh đồn Đường Trâu (xã Song Phú- Tam Bình), một bộ phận của đơn vị bị địch bất ngờ điều Tiểu đoàn Bảo an 403 của Chi khu Bình Minh và Tiểu đoàn 520 ở TX Vĩnh Long bao vây.
Trận địa rất căng, địch có tổng cộng khoảng 500 quân được nhiều cụm pháo binh yểm trợ, trong khi quân ta vỏn vẹn có 30 cán bộ, chiến sĩ.
Với hỏa lực và quân số áp đảo suốt 2 ngày đêm, địch mở hàng chục đợt xung phong nhưng đều bị quân ta dựa vào các mương vườn, bãi mìn và hệ thống công sự đẩy lùi, giữ vững được trận địa dù bị địch cô lập không cho tiếp tế lương thực, cán bộ chiến sĩ phải ăn rau tai tượng và bông súng để có sức cầm cự với chúng, đến đêm thứ 3 mới mở đường máu thoát vòng vây.
Kết thúc trận đánh, quân ta loại khỏi vòng chiến đấu 30 tên địch và thu được 3 khẩu tiểu liên AR 15, may mắn là ta chỉ có 2 chiến sĩ bị thương.
Ngay từ đầu năm 1974, “Tiểu đoàn 3” phát huy thắng lợi tiếp tục vây ép các đồn bót trên đia bàn, chỉ riêng trong chiến dịch Xuân Hè 1974 từ tháng 4 đến tháng 6, đơn vị bức rút 6 đồn địch cấp trung đội như: đồn Mương Ranh, Chú Kiển, Đường Đình, Bản Đồng, Sóc Chòm Tre, Ngã Cái,…
Đến thời điểm này đã cho thấy, dù là một đơn vị hợp tan với quân số phối hợp không đông từ nhiều cơ quan khác nhau nhưng trong chiến đấu, anh em đoàn kết hỗ trợ nhau thực hiện nhiệm vụ, phát huy tốt cách đánh địch đầy sáng tạo mà số thương vong ít đến khó tin, dù có đồn họ phải bao vây bức rút đến mấy lượt do địch ngoan cố tái chiếm hay vừa công đồn vừa phải đã viện và đối phó với mật độ phi pháo cao, diệt được địch song phải bảo đảm an toàn cho dân…
Điều khiến anh em rất phấn chấn là họ luôn được bà con, hội mẹ chiến sĩ ở các tuyến sau lúc nào cũng kịp thời hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất cho tuyến trước, đơn vị gắn kết được với các lực lượng vũ trang khác cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy và Tỉnh đội khi cần thiết nên tạo được một không khí toàn dân, toàn quân phấn khởi kết hợp 3 mũi giáp công đánh địch rất nhịp nhàng, giải phóng xã Ngãi Tứ và các xã Bình Ninh, Hậu Lộc, Mỹ Lộc của huyện Tam Bình cũng cơ bản được giải phóng mở ra vùng giải phóng liên hoàn với các huyện lân cận.
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin