Bác Hồ tặng quà lưu niệm

05:05, 21/05/2016

Ai một lần gặp Bác Hồ là vinh hạnh lắm, nhất là dân miền Nam và việc gặp Bác- vị Cha già kính yêu của dân tộc luôn là chuyện ước mơ. Ở Vĩnh Long, có người được Bác Hồ tặng quà lưu niệm, một kỷ vật. Chuyện nghe như "huyền thoại" thời kháng chiến.

Ai một lần gặp Bác Hồ là vinh hạnh lắm, nhất là dân miền Nam và việc gặp Bác- vị Cha già kính yêu của dân tộc luôn là chuyện ước mơ. Ở Vĩnh Long, có người được Bác Hồ tặng quà lưu niệm, một kỷ vật. Chuyện nghe như “huyền thoại” thời kháng chiến.

Người được tặng đồng hồ đeo tay Wyler

Ông Nguyễn Thanh Sơn kể lại rằng, năm 17 tuổi, ông đang học trường trung học Cần Thơ (1927) thì được ông Nguyễn Văn Côn tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước và vận động tổ chức thanh niên Nam Bộ đi dự khóa huấn luyện cách mạng Nguyễn Ái Quốc (khóa 3) tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Ông Nguyễn Thanh Sơn.
Ông Nguyễn Thanh Sơn.

Đã có 9 thanh niên khát vọng lý tưởng cách mạng như nắng hạn gặp mưa rào. Cái khó không phải sợ chính quyền thực dân Pháp, bắt bớ tù đày, mà vấn đề là tiền bạc kinh phí đi xa. Nguyễn Thanh Sơn có “sáng kiến” phù phép có 2.000đ (bằng 200 tấn lúa), vừa đủ đảm bảo đi học. 

Người thanh niên con nhà giàu có quê ở xã Trà Côn (Trà Ôn) đã dấn thân vào con đường cách mạng, rất tôn trọng thần tượng Nguyễn Ái Quốc, nhưng đến nơi học thì Nguyễn Ái Quốc đã rời Quảng Châu trước đó (được Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn thay thế).

Về nước hoạt động cách mạng ở Cao Lãnh, Gia Định, ông bị tù chung thân đày ra Côn Đảo. Ra tù tiếp tục hoạt động các tỉnh Tây Nam Bộ, Nguyễn Thanh Sơn tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đắc cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946 đơn vị tỉnh Trà Vinh khi là Phó Chủ tịch Ủy Ban kháng chiến miền Nam Việt Nam.

Từ năm 1948, ông được phân công Xứ ủy viên Nam Bộ, phụ trách công tác Đảng ở Campuchia; Tư lệnh kiêm Chính ủy quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, thành viên phái đoàn quân sự Việt Nam, Campuchia, Lào tại hội nghị Genève (Pháp rút quân về nước) và được Bác Hồ khen tặng quà lưu niệm là chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Wyler do Thụy Sĩ sản xuất.

Chiếc đồng hồ nhỏ đẹp, gọn gàng vừa đảm bảo giờ giấc làm việc, trong đó có sự nhắc nhở động viên quan tâm của Bác kính yêu.

Người được tặng viết máy Hero

Ở một trường hợp khác, Lê Minh Đức nhỏ tuổi hơn Nguyễn Thanh Sơn một con giáp (sinh năm 1922, tại xã Mỹ Thuận, huyện Bình Minh), gốc con nhà nghèo, Đức tự lực vươn lên trong cuộc sống bằng việc cố gắng học tập.

Ông Lê Minh Đức.
Ông Lê Minh Đức.

Các Mạnh thường quân và nhà trường hết lòng giúp đỡ Lê Minh Đức học đỗ từ Trường Cần Thơ, tốt nghiệp kỹ sư từ Trường Kỹ thuật Sài Gòn (có tên Trường Bách nghệ Sài Gòn).

Tham gia khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám thành công tại quê nhà xã Mỹ Thuận (Bình Minh) trong hoàn cảnh thiếu súng đạn chuẩn bị chống Pháp tái chiếm, Lê Minh Đức từ du kích xã tổ chức chế tạo vũ khí thô sơ chống địch.

Ngay từ đầu, Lê Minh Đức làm quản đốc chế tạo vũ khí cho Công an tỉnh, rồi rút làm quản đốc chế tạo vũ khí ở khu Tây Nam Bộ. Vũ khí từ xưởng chế tạo có tác dụng đánh giặc Pháp góp phần giành thắng lợi. Lê Minh Đức còn đào tạo nhiều cơ sở, tạo thành phong trào toàn dân, dùng vũ khí đánh địch.

Năm 1954, Lê Minh Đức tập kết ra miền Bắc được phân công ở ngành đường sắt Việt Nam.

Suốt 21 năm từ người thợ giỏi chuyên sửa chữa đầu máy xe lửa khắc phục khó khăn, thiếu thốn đến sau khi chống Pháp lập lại hòa bình, ông cùng tập thể công nhân tàu lửa kịp thời nối mạch máu giao thông bất chấp mọi hiểm nguy, hoàn thành tốt nhiệm vụ khi địch tập trung đánh phá ác liệt đường giao thông ngăn chặn sự vận chuyển vũ khí và phương tiện cho miền Nam, muốn biến miền Bắc như thời kỳ đồ đá.

Từ người thợ máy đến Phó Tổng cục Đường sắt Việt Nam với hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Lê Minh Đức xứng đáng được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động.

Lê Minh Đức có nhiều khóa đắc cử đại biểu Quốc hội và HĐND tại đơn vị Hà Nội, nhiều lần được mời dự đoàn chủ tịch danh dự trong các ngày lễ lớn hoặc tiếp khách nước ngoài và ông có dịp hội họp, sinh hoạt gần gũi Bác Hồ.

Lê Minh Đức kể lại: Khi được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, ông được Bác Hồ mở hộp bút tặng quà lưu niệm là cây viết máy hiệu anh hùng (Hero) do Trung Quốc sản xuất.

Thời này, đây là cây viết đẹp tốt nhất ở miền Bắc. Theo lời kể của Lê Minh Đức: “Tôi rất bất ngờ, vừa mừng vừa run vì lần đầu gặp Bác Hồ. Về sau mới hiểu bản thân là một công nhân miền Nam tập kết và lần đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, nên Bác rất quan tâm. Đó là một danh dự lớn cho công nhân lao động miền Nam”.

Sau này, hỏi Vũ Kỳ- thư ký riêng của Bác, Lê Minh Đức mới biết quà lưu niệm Bác tặng là từ nhuận bút Bác viết báo, làm thơ. Bác không dùng tiền nhà nước mua để tên riêng mình tặng. Cái gì công ra công, tư ra tư mạch lạc rõ ràng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn đã đi theo Bác Hồ và các bậc tiền bối về cõi vĩnh hằng được 20 năm.

Anh hùng Lao động Lê Minh Đức đã 94 tuổi, trí óc còn minh mẫn và hay kể chuyện những lần gặp Bác là một bài học quý giá trong đời.

Cái giống nhau của 2 ông là có tủ trưng bày quà lưu niệm đời hoạt động cách mạng của mình; trong đó nổi bật là chiếc đồng hồ Wyler và cây viết Hero như nhắc nhở một thời quá khứ hào hùng mà Bác Hồ- vị Cha già kính yêu của dân tộc hàng quan tâm.

Nguyễn Chiến Thắng (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh