Rò Bâm - Một loại hình nghệ thuật đặc sắc

07:04, 14/04/2016

Khó có thể xác định một cách có căn cứ về nguồn gốc của loại hình vũ kịch mặt nạ này ở ĐBSCL.

Khó có thể xác định một cách có căn cứ về nguồn gốc của loại hình vũ kịch mặt nạ này ở ĐBSCL.

Song điều chắc chắn là nó đã có mặt từ lâu đời và là loại hình sân khấu cổ xưa nhất của người Khmer.

Hiện nay, Rò Bâm không còn phổ biến rộng rãi nữa, mà ngay cả hơn hai mươi năm về trước loại hình nghệ thuật này cũng chỉ ở một số địa phương có đông người Khmer sinh sống như : Giồng Lức, Cà Hom, Hiếu Tử thuộc tỉnh Trà Vinh hoặc Bố Thảo, Bưng Chông... của tỉnh Sóc Trăng.

Các địa phương khác ở miền Tây Nam bộ, Rò Bâm không hề có hoặc đã không còn nghe nhắc tới…

 

Từ khi loại hình Dù Kê cơ động ra đời, Rò Bâm đã mất đi vị trí vốn có của nó trước kia. Ở vào thời hoàng kim của mình, Rò Bâm rất được sự hâm mộ của đông đảo người xem, nhất là những người lớn tuổi.

Loại hình vũ kịch mặt nạ này có tác dụng không nhỏ đến đời sống thẩm mỹ nghệ thuật của người Khmer ĐBSCL trong một giai đoạn lịch sử nào đó.

Với kịch bản rút từ truyện Riêm Kê, Rò Bâm đã là phương tiện truyền đạt có hiệu quả và sinh động trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ và thắng lợi của chính nghĩa, khẳng định thiện thắng ác và đề cao lòng chung thủy vô bờ bến của nàng Xê Đa, nói cách khác nó đã chuyển tải một cách sống động truyện Riêm Kê, tác phẩm văn học nền tảng của văn hóa Khmer.

 

Múa dân gian Khmer. Ảnh: DUY KHÔI
Múa dân gian Khmer. Ảnh: DUY KHÔI

 

Theo một số nghệ nhân lớn tuổi cũng như những người am hiểu về loại hình nghệ thuật này cho biết, trước đây, việc dàn dựng kịch bản Rò Bâm mỗi nơi mỗi khác, hoàn toàn không ổn định.

Tuy có cùng xuất xứ là truyện Riêm Kê, nhưng mỗi đoàn chỉ dựa vào những tình tiết cơ bản của cốt truyện, sau đó sắp xếp thành vở diễn riêng. Việc chọn lựa các trích đoạn cũng không giống nhau.

Có đoàn diễn đoạn : "… Từ lúc Piphếc, em của chúa chằn Krông Riếp, bị anh đuổi khỏi Lân Ka về hàng phục Prặc Riêm. Cho đến lúc Riêm chiếm được Lân Ka, phong cho Piphếc thay Krông Riếp làm vua Lân Ka…" .

Lại có đoàn diễn đoạn: "..Hãnuman ra Lân Ka đem tin tức cho nàng Xê Đa..." hoặc đoạn: "Prặc Riêm thử cung và được đạo sĩ gả Xê-Đa…".

 

Xét ở góc độ nghệ thuật thuần túy phương thức biểu đạt chính của Rò Bâm là múa. Do đó, để trình diễn một tích tuồng có quy mô đồ sộ là Riêm Kê đòi hỏi một khối lượng động tác múa tương xứng, với một trình độ nghệ thuật cao khả dĩ truyền đạt được cho người xem những hình tượng sân khấu và chủ đề của tác phẩm.

Bước vào vở diễn, các diễn viên khi ra sân khấu phải múa chào rồi mới diễn và trước khi kết thúc cũng múa lại động tác lúc đầu rồi mới vào. Đó là nguyên tắc chung cho các vai chính diện không đeo mặt nạ (Prặc Riêm-Prặc Lẹt-Xê Đa...), còn các vai có đeo mặt nạ lại khác, nói chung mỗi loại nhân vật đều có điệu múa riêng thể hiện vai của mình.

Nếu ở vai thiện, các động tác múa thống nhất ở chỗ dịu dàng, mềm mại, hoặc có lúc đĩnh đạt, tình tứ, thiết tha hay dồn dập quyết liệt khi đối đầu với kẻ thù. Nhưng ở tất cả mọi tình huống đều giữ được phong thái của người cao thượng, chính đại khác hẳn với tính bản năng, thô bạo của phe ác – của bọn chằn tinh.

Ở phe phản diện, đều là dòng họ của chằn Krông Riếp. Đó là anh em của hắn (Wì Riếp - Cômaka - Asêl - Wiđacaxây...) hay là con cái (lnđachích). Tất cả đều mang mặt nạ có nhiều tầng đầu, mặt mũi dữ tợn. Mỗi nhân vật đều có mặt nạ riêng, y trang ngoại hình khác nhau, nhưng lại múa một số động tác giống nhau. Khi chằn xuất hiện trên sân khấu thì toàn bộ cục diện sân khấu trở nên ồn ào, sôi động.

Phong cách đặc trưng của vai chằn là bước đi nặng nề, chân giậm mạnh trên sàn, tấn thấp, chân khuỳnh ra hai bên, trong khi đó tay luôn chỉ trỏ, eo mềm, mông lắc theo nhịp nhạc nhanh, dồn dập bộc lộ tính chất hách dịch, võ biền.

Đứng về khía cạnh riêng của nghệ thuật múa mà xét thì múa chằn là sáng tạo đáng chú ý, đạt trình độ kỹ thuật cao và giàu khả năng biểu hiện.

 

Ngoài hai tuyến nhân vật trên, Rò Bâm còn một loạt những nhân vật khác như: đạo sĩ, bà lão, chim thần, hề và đặc biệt quan trọng là khỉ. Mà tướng khỉ Hãnuman còn có khi gọi là Hắc Hầu Vương, một thuộc hạ trung thành của Prặc Riêm, là nhân vật cầm đầu đoàn quân khỉ. Ngoài ra còn có thêm hai nhân vật vua khỉ - cậu của Hãnuman.

 

Tất cả các vai khỉ đều mang mặt nạ khỉ và có các động tác múa riêng. Nhìn chung, các động tác múa của vai khỉ có tính ước lệ và cách thể hiện đã gây nên hiệu quả tạo hình nhất định. Đôi lúc các diễn viên khỉ cũng nhại lại dáng đi đứng và sinh hoạt của loài vật này một cách tự nhiên chủ nghĩa như gãi sườn, gãi nách, bắt chí, nhào lộn và nhảy nhót.

 

Như vậy, múa trong Rò Bâm là một tập hợp phong phú và quy cũ có khả năng diễn đạt một cách ước lệ tất cả các tình huống, cũng như tính cách và tâm lý nhân vật. Tuy lấy múa làm ngôn ngữ chính nhưng lời ca và âm nhạc cũng dự phần quan trọng.

Múa tất nhiên là múa trên nền nhạc: hoặc vừa múa vừa hát (các vai không mang mặt nạ); tiếng hát trong hậu trường hoặc múa trên nền nhạc hòa tấu.

Lúc đối thoại thì không có nhạc, cũng không múa. Riêng vai hề thì không hát, cũng không múa theo bài bản quy định mà chỉ pha trò theo khẩu ngữ hoặc chỉ hát những làn điệu dân gian có tính hứng diễn. Với vai hề, sân khấu Rò Bâm vui tươi hơn và đời hơn. Hề làm thay đổi cái không khi cổ xưa và thần thoại của vở diễn.

 

Đứng ở khía cạnh dân tộc học, các đoàn Rò Bâm khi biểu diễn các trích đoạn của truyện Riêm Kê, ít nhiều mang màu sắc tín ngưỡng. Ngày xưa một số đoàn Rò Bâm thường biểu diễn với đầy đủ y trang mặt nạ, nhạc cụ phục vụ cho lễ Dâng bông và lễ cúng ông Tà.

Ở trong buổi diễn này, đoàn Rò Bâm đi theo đoàn người dâng bông từ nhà đến chùa và đi ba vòng quanh chính điện. Vừa đi các diễn viên vừa múa hát. Việc biểu diễn này không chỉ để giúp vui cho buổi lễ mà chủ yếu nhầm "đánh quỷ để dẹp đường" cho đám người hành lễ.

Trò diễn này trong chừng mực nào đó có ý nghĩa tương tự như trò Tề Thiên đánh động của người Việt ở ĐBSCL. Mặt khác, như một tập quán, việc biểu diễn Rò Bâm chỉ tổ chức trước mùa mưa, trong lễ cúng ông Tà là hình thức biểu diễn có chức năng của một nghi lễ nông nghiệp rõ rệt.

Theo đó, việc chiến thắng chằn Krông Riếp hàm ý là sự thắng lợi của điều tốt, tiêu diệt điều xấu; và ở thời điểm ấy thì điều xấu chính là nắng hạn, dịch bệnh và điều tốt là mưa thuận gió hòa, sự sung túc và bình yên cho dân sóc.

 

Dường như hiện nay loại hình vũ kịch mặt nạ Khmer ĐBSCL gần như đã mai một. Có còn chăng là một, hai trích đoạn ở các đoàn nghệ thuật Khmer lớn nhưng việc đem ra biểu diễn thì cũng "năm thì mười họa".

Còn các đoàn Rò Bâm tự phát trong bà con nông dân thì đã hàng mấy chục năm nay hoàn toàn vắng bóng.

Có lần, tôi đọc được trên Báo Cần Thơ Chủ nhật, bài viết "Đôi nét về Dân nhạc - dân ca - Dân vũ của người Khmer ở Cà Mau" của hai tác giả Nguyễn Tri và Phạm Anh Hoan, đã đề cập đến khá nhiều loại hình nghệ thuật của người Khmer nhưng không thấy nói tới Rò Bâm.

 

Ở khá nhiều ngôi chùa Khmer miệt Sóc Trăng, Trà Vinh vẫn còn các pho tượng chằn Krông Riếp nhiều tầng đầu dữ tợn, đứng đó như chứng nhân cho một loại hình nghệ thuật đã lùi vào dĩ vãng.

Thời gian trôi qua, đem đến cho chúng ta nhiều niềm vui, hạnh phúc mới, thì cũng lấy đi một điều gì đó, những nghệ nhân sắm vai: Prặc Riêm, nàng Xê Đa, Chúa khỉ Hãnuman... giờ ở đâu? Nếu Rò Bâm thật sự đã mai một tiếc lắm thay!

Theo Báo Cần Thơ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh