Phim tài liệu Việt Nam: Bao giờ trở lại thời hoàng kim?

09:04, 04/04/2016

60 năm, không còn là "trẻ" với phim tài liệu Việt Nam. Đã tới lúc phải đối diện với hiện thực để xây dựng những tác phẩm có giá trị

60 năm, không còn là “trẻ” với phim tài liệu Việt Nam. Đã tới lúc phải đối diện với hiện thực để xây dựng những tác phẩm có giá trị.

Phim tài liệu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ và các cuộc chiến tranh giữ gìn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước đã từng chiếm một vị trí và được quan tâm đối với thế giới.

Nhưng kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới và nhất là khi Việt Nam bước vào thế kỷ 21, với xu thế hội nhập toàn cầu… thì phim tài liệu Việt Nam gần như không có tiếng nói nào để có thể làm cho thế giới chú ý quan tâm đến Việt Nam.

Những người nặng lòng với phim ảnh Việt phải buồn bã ước ao: Khi nào cho đến ngày xưa?

Phim Tài liệu Những chiến công thầm lặng
Phim Tài liệu Những chiến công thầm lặng

60 năm tính từ năm 1956- 2016, khi thành lập Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương (TL&KH), các nhà làm phim tài liệu Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho ngành điện ảnh Việt Nam với hàng chục giải thưởng danh giá tại các Liên hoan phim (LHP) quốc tế, LHP quốc gia và giải hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Tuy nhiên, 15 năm trở lại đây, phim tài liệu Việt Nam có gì ngoài những giải thưởng trong nước mà chỉ ta với ta khen nhau, còn không có một phim nào được "chạm chân" đến các cuộc LHP Quốc tế danh giá.

 “Album ảnh” đương đại mờ nhạt

“Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh”- Trích câu nói của nhà làm phim tài liệu Chile nổi tiếng  Patricio Guzman.

Vì vậy, các tác phẩm phim tài liệu của Việt Nam phần lớn nặng lòng với những mất mát, đau thương, chia sẻ với những số phận con người...

Lịch sử điện ảnh nước nhà đã ghi nhận nhiều phim tài liệu có giá trị lớn, khẳng định tên tuổi nhiều nhà làm phim, từ Bùi Đình Hạc, Phan Trọng Quỳ, Nguyễn Khánh Dư, Nguyễn Xã Hội... đến Lê Mạnh Thích, Lò Minh, Trần Văn Thuỷ, Đào Trọng Khánh, Sĩ Chung, Lại Văn Sinh, Văn Lê, Trần Thế Dân…

Khi chiến tranh đi qua, ở thời kỳ hòa bình và đổi mới có thêm nhiều bộ phim tài liệu Việt Nam gắn bó với cuộc sống đương đại, nhiều bộ phim tạo nên bước ngoặt trong tư duy sáng tác, lôi cuốn và có ảnh hưởng trong đời sống xã hội như “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”- Trần Văn Thủy…, phim gây sốc cho người xem bởi những vấn đề đặt ra, không chỉ nhìn vào sự thật, nói ra sự thật, mà còn định hướng tư duy và phong cách sáng tác mới cho những người làm phim tài liệu tâm huyết với nghề.

Ở thời điểm này có một số phim tài liệu cũa Hãng phim TL&KH được chú ý như: “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”- Trần Văn Thủy; “Nơi chiến tranh đã đi qua”- Vũ Lệ Mỹ;  “Trở lại Ngư Thủy”- Lê Mạnh Thích – Đỗ Khánh Toàn; “Chị Năm khùng”, “Những nẻo đường công lý”- Lại Văn Sinh và “Chốn quê”- Nguyễn Sĩ Chung…

Đặc biệt, các phim này đều giành được giải thưởng tại LHP Châu Á- Thái Bình Dương trong 4 năm liền, với 3 giải Phim ngắn xuất sắc nhất và 1 giải đặc biệt của Ban giám khảo.

Nhưng “album ảnh” Việt Nam khi bước sang thiên niên kỷ mới trong khoảng 15 năm trở lại đây có gì đặc biệt, có gì mới, có phim nào đặc sắc, điều gì đang được quan tâm và được mang lên phim… quả thật khó tìm được câu trả lời trọn vẹn.

Gần nhất, và nổi trội có lẽ là phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”- Nguyễn Thị Thắm nhận được sự tán dương bởi các nhà phê bình điện ảnh, khi đề cao nội dung, phong cách tài liệu mới mẻ và kỹ thuật quay. Phim được chọn giới thiệu tại LHP Hiện thực Paris, LHP Margret Mead tại New York- Mỹ và LHP Chopshots tại Indonesia.

Gần hơn nữa là “cơn sốt” phim tài liệu “Lửa Thiện Nhân”- Đặng Hồng Giang, chiếu khai mạc LHP độc lập New York 2014, trình chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội 2014.

Xa hơn, mấy năm trước, một sự kiện đối với phim tài liệu Việt Nam là tháng 5/2011, hơn 400 triệu khán giả của kênh truyền hình Discovery trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương được xem 4 bộ phim tài liệu nói về sự chuyển biến nhanh chóng trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam: 

Những chiến binh chống tắc đường(Jam Busters), Rạp chiếu phim di động của ông Long (Mr Long's Travelling Cinema),Thành phố một nghìn năm (City of A Thousand Years) và Câu chuyện cải táng(Digging Up The Dead).

Đây là 4 phim tài liệu xuất sắc trong cuộc thi “Lần đầu làm phim với Discovery”- (First Time Filmmakers), do quỹ Ford tài trợ, được tổ chức bởi kênh Discovery châu Á- Thái Bình Dương, hãng Uproar châu Á và công ty RedBridge là quản lý dự án… Nhưng cũng chỉ có thế.

Vẫn loanh quanh trong “ao” nhà

Điểm danh phim tài liệu Việt Nam của hãng phim TL&KH trong năm 2015, một danh mục phim rất khiêm tốn với 17 phim trong kế hoạch được đưa vào sản xuất với các mảng đề tài: Chân dung nhân vật, Hậu chiến tranh, Văn hóa, Y tế, Giáo dục, Biển đảo, Xã hội.

Ngoài ra, còn có các bộ phim đặt hàng sản xuất trong năm phục vụ nhiệm vụ chính trị được Quốc hội, Ban Tuyên giáo, Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao, Cục Điện ảnh giao.

Nhưng hỏi trong số phim đó có phim nào gây ấn tượng, phim nào tạo ảnh hưởng xã hội, cộng đồng sâu rộng? Phim nào có thể mang ra đấu trường quốc tế trong các LHP tài liệu thế giới?

Ngay trong LHP quốc gia 19 diễn ra tháng 12/2015, mảng phim tài liệu cũng chỉ là “nhân vật” phụ của LHP, góp vào cho đủ “cơ số” như quy định, quy chế, dù cũng có Bông sen vàng, bạc, nhưng gần như không ai quan tâm đoái hoài đến phim gì, phim ra làm sao.

Và truyền hình quốc gia thì cũng rất “nhạt” với phim tài liệu, thường chiếu những giờ ít người xem, hoặc dùng để lấp chỗ trống trên sóng đợi giờ “vàng” cho các chương trình “nóng” khác.

Có rất nhiều nguyên nhân để phim tài liệu Việt Nam mờ nhạt trong đời sống văn hóa đương đại. Nhưng trước hết, có lẽ các nhà làm phim tài liệu Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi cách tiếp cận mang tính “nhỏ, lẻ”, lời bình nhiều, trong khi đó hình ảnh thì ít, lời bình thiếu chất văn học, nặng minh hoạ theo hình ảnh, diễn giải sự việc, thiếu sức khái quát, gợi mở cho người xem,…

Bản thân đạo diễn phim tài liệu Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi chính mình, đổi mới tư duy sáng tạo nghệ thuật, tự giới hạn trong cách chọn đề tài thể hiện, đặc biệt là những đề tài mang tính khái quát cao, những vấn đề được cộng đồng quan tâm.

Hình thức thể hiện theo thói quen cũ, thiếu tính tương tác, nên phim trở nên thiếu hấp dẫn, rời rạc, tính hiện thực khô cứng, càng ngày càng nhạt, chán, và nhất là không còn sức thuyết phục khán giả bởi thiếu tính chân thực, thiếu tính thời sự. Và ở một chứng mực nào đó thì phim tài liệu Việt Nam hiện tại vẫn chưa theo kịp xu hướng làm phim tài liệu của thế giới.

Trong dự án “Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, có phần nói về việc phát triển dòng phim tài liệu Việt Nam, góp phần gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.

 Điều đó cũng là một thách thức, buộc các nhà làm phim tài liệu Việt Nam trước hiện thực cuộc sống phải biết vượt lên trên bản thân để làm ra những tác phẩm mang tính Chân - Thiện - Mỹ, đậm chất nhân văn và đem lại hiệu quả xã hội.

60 năm, không còn là “trẻ” với phim tài liệu Việt Nam. Đã tới lúc phải đối diện với hiện thực để “biết mình, biết người”, để có những điều chỉnh thích hợp về mọi mặt một cách chuyên nghiệp để xây dựng những tác phẩm có giá trị cao, mang ấn tượng sâu sắc và chân thực về cuộc sống./.

Theo VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh