Phát hiện thêm 4 đạo sắc cổ quý hiếm liên quan đến Tô Hiến Thành

05:04, 01/04/2016

4 đạo sắc phong này còn nguyên vẹn, được viết bằng chữ Hán cổ trên nền giấy gió vàng nghệ với nét chữ sắc sảo. Nội dung sắc phong là phong thần cho Lý Thái úy Tô Hiến Thành và giao cho xã Cương Đoán (nay là xã Xuân Liên) phụng thờ.

4 đạo sắc phong này còn nguyên vẹn, được viết bằng chữ Hán cổ trên nền giấy gió vàng nghệ với nét chữ sắc sảo. Nội dung sắc phong là phong thần cho Lý Thái úy Tô Hiến Thành và giao cho xã Cương Đoán (nay là xã Xuân Liên) phụng thờ.

Các đạo sắc phong đang được lưu giữ, bảo quản cẩn thận tại nhà thợ họ Nguyễn Bá
Các đạo sắc phong đang được lưu giữ, bảo quản cẩn thận tại nhà thợ họ Nguyễn Bá

Sáng 1/4, ông Hồ Bách Khoa, Trưởng Ban quản lý Di tích Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong quá trình nghiên cứu bộ sưu tập sắc phong cổ tại nhà thờ họ Nguyễn Bá ở thôn Cường Thịnh, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, nhóm nghiên cứu Trung tâm Dữ liệu di sản văn hóa - Ban Quản lý Di tích Nguyễn Du đã phát hiện thêm 4 đạo sắc phong cổ quý hiếm có nội dung liên quan đến Tô Hiến Thành, nhân vật lịch sử vương triều nhà Lý.

Đó là các đạo sắc phong có niên đại Tự Đức năm thứ 3 (1850), Tự Đức năm thứ 33 (1880), Duy Tân năm thứ 3 (1909) và niên đại Khải Định năm thứ 9 (1924). Các đạo sắc phong này vẫn còn khá nguyên vẹn (chiều dài hơn 1,2m, rộng 53cm) và được viết bằng chữ Hán cổ trên nền giấy gió vàng nghệ với nét chữ mảnh, rõ ràng, sắc sảo, mặt trước trang trí họa tiết hoa văn hình rồng, xung quanh được viền bằng các họa tiết hình vạch... Nội dung sắc phong là phong thần cho nhân vật lịch sử Lý Thái úy Tô Hiến Thành và giao cho xã Cương Đoán (nay là xã Xuân Liên) phụng thờ.

Qua nghiên cứu bước đầu, 4 đạo sắc phong này được phong thờ tại đền Bến thuộc làng Bừ, xã Cương Đoán xưa. Đây là một trong những ngôi đền lớn trong vùng, trong quá trình hợp tự, tại đền Bến cũng đã lưu giữ trên 50 đạo sắc phong thần (niên đại Cảnh Hưng, Khải Định, Minh Mạng, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại…) cho các vị nhân thần như: Quốc công Nguyễn Xí, Hoàng Minh, thần núi Kim Sơn…

Để bảo vệ an toàn cho bộ sưu tập các đạo sắc phong này, đã hình thành lệ làng là cứ theo định kỳ các dòng họ trong làng thay phiên nhau rước về nhà thờ họ để bảo vệ. Lệ làng đó hiện vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Việc phát hiện 4 đạo sắc phong trên, nhóm nghiên cứu sẽ có thêm tư liệu quý bổ sung vào bộ sưu tập sắc phong cổ có nội dung liên quan đến Lý Thái úy Tô Hiến Thành trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó, ngày 24/3/2014, Ban Quản lý Di tích Nguyễn Du cũng phát hiện 1 đạo sắc phong cổ (niên hiệu Đồng Khánh 1887) tại đền Am, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, với nội dung phong thần cho Lý Thái úy Tô Hiến Thành và giao cho nhân dân địa phương thờ phụng.

Tiếp đó, đầu tháng 7/2014, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cũng phát hiện tại đền Thượng (ở làng Vân Hải, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân) đang lưu giữ 8 đạo sắc phong cổ còn nguyên vẹn, chiều dài hơn 1,2m, rộng 53cm, được viết bằng chữ Hán cổ trên nền giấy gió màu vàng nghệ. Nội dung của 8 sắc phong này liên quan đến nhân vật lịch sử Thái úy Tô Hiến Thành do triều đình nhà Nguyễn phong tặng Trung đẳng thần và Thượng đẳng thần. Sắc phong bao gồm các đời vua Thiệu Trị (1846), Tự Đức (1850 và 1880), Đồng Khánh (1887), Thành Thái (1890), Duy Tân (1909) và Khải Định (1924).

Lý Thái úy Tô Hiến Thành (sinh năm 1102 - quê ở làng Hạ Mỗ, huyện Ô Diên, nay thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội) còn có tước hiệu là Tô Đại Liêu. Ông đỗ Thái học sinh khoa Mậu Ngọ (1138), sống và làm quan dưới triều vua Lý Anh Tông (1133 - 1174) và Lý Cao Tông (1175 - 1209), làm đến chức Đại Liêu phù tá.

Tô Hiến Thành là một nhân vật lịch sử văn võ song toàn, là danh nhân kiệt xuất về chính trị, quân sự và văn hóa của đất nước. Đặc biệt, Tô Hiến Thành đã tổ chức khai hoang lấn biển các vùng ven biển thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh ngày nay. Sau khi ông mất (năm 1179), nhiều nơi tôn vinh ông làm Phúc thần, thờ ông làm Thành Hoàng làng, nhiều địa phương trên cả nước đã lập đền thờ để ghi nhớ công ơn của ông.

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh