Non xanh nước biếc một vùng đất tổ

01:04, 05/04/2016

Vua Hùng thuở ấy chọn vùng đất thiêng, nơi non xanh nước biếc để mấy ngàn năm về sau con cháu mỗi lần hội tụ nơi đây đều bồi hồi xao xuyến tưởng nhớ tổ tiên.

Vua Hùng thuở ấy chọn vùng đất thiêng, nơi non xanh nước biếc để mấy ngàn năm về sau con cháu mỗi lần hội tụ nơi đây đều bồi hồi xao xuyến tưởng nhớ tổ tiên.

Cách Hà Nội 90km, khu đền Hùng tọa ngự trên đất Phong Châu (Phú Thọ). Núi Nghĩa Lĩnh cao 1.075m giữa một khoảng trời thoáng đạt, như con rồng vươn mình bay về phía trời Nam. Phía trước là ngã ba Hạc, điểm nhấn của vùng châu thổ Bắc Bộ. Nơi đây, những đồi núi nhấp nhô hướng về ngọn Nghĩa Lĩnh.

Dòng sông Lô uốn lượn bên trái, nhô lên là dãy núi Tam Đảo vời vợi trời mây cây cỏ, bên phải là Ba Vì cao chót vót đằng sau Nghĩa Lĩnh, hàng trăm núi đồi kéo dài hàng chục cây số, như đàn voi chầu về đất Tổ.

Nghĩa Lĩnh có trên một trăm thảo mộc quý, xưa kia có nhiều động vật hoang dã sinh sống. Một vùng non nước hữu tình, hội tụ khí thiêng sông núi.

Những giá trị ngàn năm ngời sáng

Hàng trăm di tích văn hóa lịch sử về thời đại Hùng Vương nơi đây được gìn giữ vững bền, gợi nhớ thuở tổ tiên dựng nước và giữ nước. Cách đền Trung 120 bậc có đền thờ Vua Hùng và các vị thần Nông, thần Núi, cũng là nơi có lăng mộ Vua Hùng thứ 6.

Trên đền Thượng có cột đá thề Thục Phán dựng lên khi lên ngôi để tế trời đất, nguyện đời đời giữ gìn giang sơn.

Một loạt hiện vật từ cổ xưa như rìu đá, rìu đồng, bàn mài, giáo đồng và quý nhất là trống đồng lớn đường kính gần 1m, với những họa tiết độc đáo; hoa văn chim cảnh, người múa, thuyền lướt sóng và cờ quạt.

Các di vật khu Đền Hùng qua các đời hưng thịnh sau này được tìm thấy rất nhiều như ngói ống, trụ đá, gốm sứ,… Những viên gạch đất nung làm trang trí các hoa dây cúc hình rồng lượn, rồng chầu. Còn nữa, những bát đĩa men xanh ngọc, men nâu trang trí họa tiết hoa sen, hoa cúc…

 

Lễ hội rộn rã mùa xuân

Lễ hội nơi đất Tổ là dịp tưởng nhớ về cội nguồn, đậm đà chất dân dã của văn hóa làng xã, văn hóa vùng văn minh lúa nước. Những lễ tế, lễ rước, những trò vui diễn ra thật phong phú và cũng rất trẻ trung.

Ở Tứ Xã, có hội vui cho trai thanh, gái lịch được phép tỏ tình âu yếm. Ở Hương Nha, Khúc Lạc có lễ hội Nõ Nường (hay còn gọi là lễ hội Phồn Thực) là loại hình sinh hoạt cộng đồng cổ xưa nhất còn truyền lại đến ngày nay.

Lễ hội Tiếng hú diễn ra ở làng Vị Cương và Triệu Phú. Tiếng hú gợi về thuở hoang sơ người ta hú gọi nhau ra sông đánh cá, lên nương làm rẫy hoặc báo tin cho nhau cùng ra trận đánh đuổi giặc ngoại xâm. Có làng mở hội đi săn, con thú săn được làm vật tế thần rồi chia đều thịt cho dân làng.

Trai tráng chơi trò đuổi lợn, đuổi chim để rèn luyện thân thể, nâng cao tinh thần thượng võ.

Những đoàn rước, quần áo cờ quạt sắc màu rực rỡ, mô tả cuộc sống nông nhàn rất vui; như rước lửa thần, rước đồ mã hình gia súc, các nông cụ gắn bó với đời sống hàng ngày “một nắng hai sương” để mùa màng bội thu.

Lễ gọi lúa vàng về đồng, lễ cầu nước mát cho cây cối tươi tốt, người người khỏe mạnh. Lễ hội mỗi năm một phong phú. Ngoài các đám rước, là những màn trò hấp dẫn: những đám hát xoan, hát đúm say sưa. Những chiếu chèo mở, những màn múa rối. Rộn ràng làn điệu dân vũ, dân ca trong hội làng.

Có làng dựng hẳn một sân khấu lớn trên bãi cỏ non xanh, diễn cảnh kéo quân, chuyển quân đi đánh giặc. Các xới vật gợi nhớ cảnh người xưa thi chọn trai tráng vào đội quân của vua Hùng.

Biết bao đời nay, câu hát như lời mời gọi tha thiết về với mùa xuân nơi đất Tổ:

Làng ta mở hội vui mừng

Chiêng kêu, trống dóng vang lừng đôi bên.

QUỲNH TRANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh