Theo cuốn "Cổ Việt thập bát Thế thánh Vương Ngọc Phả cổ truyền" soạn năm Hồng Đức Nguyên Niên (1470) và lưu truyền ở vùng đất tổ Hùng Vương: Khải tổ Kinh Dương Vương là người "tiền phong dựng nước Văn Lang" và cũng là người đầu tiên "tìm đường" định đô trị quốc.
Theo cuốn “Cổ Việt thập bát Thế thánh Vương Ngọc Phả cổ truyền” soạn năm Hồng Đức Nguyên Niên (1470) và lưu truyền ở vùng đất tổ Hùng Vương: Khải tổ Kinh Dương Vương là người “tiền phong dựng nước Văn Lang” và cũng là người đầu tiên “tìm đường” định đô trị quốc.
Sau nhiều năm tìm kiếm ở nhiều vùng đất, không đâu đạt yêu cầu xây dựng đế đô, đến lần dừng chân cuối cùng ở núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, nay thuộc TP Việt Trì), Người đã quyết định xây dựng kinh đô buổi đầu dựng nước ở đây.
Lý do: “Miền Thao hợp với Lô, Đà; nơi linh địa cứ kể qua còn nhiều; bao lần thử bao nhiêu lựa chọn; muôn loài cùng chờ đón tiếp theo; đến nơi thế đất rồng bay; Tản Viên, Tam Đảo cùng quay đầu về; sông núi tựa bốn bề hào lũy; bọc đô thành đất Quý Phong Châu; bốn ngàn năm trải bể dâu; thủ đô dựng nước buổi đầu là đây...”
Gần 2.000 năm “định đô” ở đất Phong Châu, trải qua 18 đời Hùng Vương đã để lại ở đây và nhiều vùng phụ cận nhiều di chỉ, sự kiện, truyền thuyết, phong tục, đền thờ, điểm thờ Hùng Vương cũng như những tướng lĩnh, anh hùng hào kiệt phò vua giúp nước trong thời kỳ dựng nước gần 2 thiên niên kỷ trước công nguyên (TCN).
Theo các nhà sử học, trong thời đại Hùng Vương dựng nước đã để lại nơi miền quê đất Tổ đến 10 cái nhất, đang được bảo tồn và lưu truyền.
1. Ngôi đền thờ xuất xứ cổ nhất
Các đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh xây thời Hậu Lê, nhà Nguyễn, nhưng thực tế tín ngưỡng ở đây đã có từ thời Hùng Vương. Đền Thượng Nguyên là miếu thờ trời, do Vua Hùng thứ 6 lập nên, để tạ ơn trời phù trợ đánh thắng giặc Ân 3.200 năm về trước. Đến thế kỷ III TCN, Thục Phán được nhường ngôi mới lập miếu thờ dòng tộc Vua Hùng để “tri ân”.
2. Phú Thọ- nơi có “truyền thuyết” Hùng Vương nhiều nhất
Ở nơi đây, đã sưu tầm được 31 truyền thuyết như: bọc trăm trứng, bánh chưng bánh giầy, củ khoai lang, dạy dân săn lưới, cấy lúa, bắt trâu kéo cày, dưa chua, mật mía, Tiên Dung công chúa, Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh, Lý Văn Lang, Năm anh em lốt rắn, trâu nước, cột đá thề, ba ông Đô Sĩ, Đăng Hồng, Hùng Bảo, Hùng Dũng, Đinh Chính, Hùng Việt, Lang Bút, Lang Lôi, Lang Mao, Đình Xá, Thạch Trăng Thổ Lân, Sơn Thắng, Thiên Cương, Đại Hải, Bạch Thạch.
3. Nơi cấy lúa nước sớm nhất
Đồng Lú ở xã Minh Nông là nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa, có đền thờ Thần Nông do vua lập nên. Hàng năm, cúng tế Thần Nông trước khi vào vụ cấy, sau này cũng thế, dân phải “làm hèm”.
Vua Hùng dạy dân cấy lúa- tức là chủ tế xuống cấy vài cái mạ tượng trưng, sau đó dân mới được cấy ruộng nhà, làm thế để có mùa lúa bội thu.
4. Nơi có nhiều phong tục cổ nhất
Các phong tục cưới xin, sinh đẻ, Tết Nguyên đán, hội cầu mùa, cầu đình, cầu thần làng, tang ma, thờ gia tiên, thờ vật linh đều có “xuất xứ” thời Hùng Vương ở đất Phong Châu.
Trước cách mạng 1945, các làng quê trong vùng vẫn còn giữ các tục lệ này, thí dụ khi đón dâu về, cho đôi trẻ uống 2 bát rượu mọng, ăn cơm nếp, khi sinh con lấy lá chuối tươi thui mềm làm tã, có đám tang thì lấy chày giã xuống cối không, kêu “kênh kênh”, để biến báo dân làng.
5. Nơi có vật linh quý nhất
Ở Đền Hùng xưa thờ “hạt lúa”, vì Vua Hùng là ông Tổ của nghề trồng lúa nước. Hạt lúa là lương ăn chủ chốt, quý báu nhất, là thứ “ngọc thực” của nhân dân.
Các đền miếu thôn làng thờ vật linh, đến ngày cầu đem ra làm hèm. Dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm 2005, hạt lúa được rước lên Đền Thượng. Hạt lúa thờ được chạm đục bằng gỗ dài 82cm, rộng 37cm.
6. Nơi có điệu hát cổ nhất
Đó là một điệu hát mừng Tân Xuân, chỉ biểu diễn trong mùa xuân. Điệu hát này được Nguyệt Cư công chúa- con gái Vua Hùng thứ 17 yêu thích.
Đến thế kỷ XII, hoàng hậu vua Lý Thần Tông quê miền Hưng Hóa có công giúp đỡ Phường Xuân nên Phường Xuân kiêng tên Hoàng hậu, gọi chệch đi là hát xoan.
7. Nơi có lời thề quang minh nhất
Thục Phán được vua Hùng thứ 18 nhường ngôi theo đề xuất của Phò mã Nguyễn Tuấn. Thục Phán rất cảm kích, đã cho lập 2 cột đá thề trên Nghĩa Lĩnh sơn, và đã thề rằng: Sẽ quyết tâm “giữ nước” và mãi mãi thờ phụng các vua Hùng- nếu làm trái đi sẽ bị trời tru- đất diệt!”
8. Nơi có vị thánh thiêng nhất
Đó là Thánh Tản Viên sơn. Thánh có tên tục là Nguyễn Tuấn, quê ở Động Lăng Xương, xã Trung Nghĩa, nay thuộc huyện Thanh Thủy, mồ côi cha mẹ từ lúc tuổi thơ, làm con nuôi bà Chúa ở núi Ba Vì, lớn lên có nhiều tài lạ, được Vua Hùng 18 gả công chúa Ngọc Hoa cho.
Nhà vua không có con trai kế vị, đã nhường ngôi cho. Người cháu họ xa của vua là Thục Phán dấy binh tranh ngôi.
Sau khi giúp Nhạc phụ đánh bại Thục Phán, Nguyễn Tuấn đề xuất với vua nhường ngôi cho Thục Phán, rồi ông lên đỉnh núi Ba Vì, tán tròn vo, gọi là Tản Viên, tu tiên hiển thánh.
Thánh Tản Viên sơn linh thiêng nổi tiếng trong hàng thần thánh nước ta, được hàng trăm làng xã trong vùng lập miếu thờ để tri ân.
9. Là quê hương Đất tổ Hùng Vương
Phú Thọ là vùng đất có nhiều di chỉ Hùng Vương nhất nước: Phú Thọ đã có hơn 60 trong trên 200 di chỉ Hùng Vương, tập trung xung quanh đền Hùng; bán kính 20km có 47 di sản, đủ 4 giai đoạn; Phùng Nguyên (4.000 năm), Đông Đậu (3.500 năm), Gò Mun (3.000 năm) và Đông Sơn cách ta từ 2.800 đến 2.000 năm TCN.
10. Là nơi có nhiều đền, miếu thờ thời Hùng Vương nhất
Không chỉ là nơi có trên 30% di sản Hùng Vương, Phú Thọ vẫn là nơi có nhiều điểm, đền, miếu thờ các nhân vật nổi tiếng, vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương nhất nước.
Qua sưu tầm, kiểm kê, tính đến giữa thế kỷ XX, Phú Thọ đã có trên 500 điểm, trong khi đó ở Thanh Hóa có 261 điểm, vùng Sơn Nam: 231, Kinh Bắc: 112, Hải Dương: 112, Nghệ An: 72 điểm thờ.
Đến tháng 8/2003, qua khảo sát điều tra ở nhiều địa bàn, cả nước đã có đến 1.064 di tích thời Hùng Vương ở 11 tỉnh- thành, gồm Thừa Thiên Huế, Sài Gòn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Tây và Phú Thọ thì ở Phú Thọ có 321 di tích, chiếm 30,16%.
Năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) thời Lê Trung Hưng cả Đại Việt có 73 làng có đền thờ Hùng Vương hầu hết nằm trong vùng kinh đô Văn Lang thời vua Hùng dựng nước.
Không chỉ có thế, cơ quan hữu quan đã phát hiện ở 6 tỉnh thuộc Bộ Văn Lang là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang có đến 245 bản thần sắc, thần tích, ngọc phả thờ Vua Hùng. Riêng Phú Thọ có 62 bản, chỉ kém Hà Tây 12 bản.
Trước thực tế lịch sử 2.000 năm TCN của dân tộc, trong bài diễn ca 210 câu nói về “lịch sử nước ta” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết đầu năm Nhâm Ngọ - 73 năm về trước ở Pắc Bó (Cao Bằng) có 2 câu ca bất hủ, và khẳng định:
“Hồng Bàng là tổ nước ta,
Nước ta khi ấy gọi là Văn Lang....”
Đến mùa thu năm Giáp Ngọ (1954), trên đường về giải phóng Thủ đô- ngày 19/9/1954, nói chuyện với bộ đội Đại đoàn quân tiên phong (F. 308) bên cây thiên tuế, trước Thiên Quang thiền tự trên núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
- Đây là đền thờ Hùng Vương tổ tiên của chúng ta. Ngày xưa, “các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử suốt chặng đường dài mấy ngàn năm tồn tại và phát triển của dân tộc, đã được Bác Hồ tổng kết bằng câu nói nổi tiếng đó ngay tại đền thờ các vua Hùng, người khẳng định sự thật của thời đại vẻ vang này- thời kỳ bình minh của lịch sử dân tộc khai sinh ra nước Văn Lang tồn tại gần 20 thế kỷ, rồi đến Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Việt và Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hôm nay.
Để tri ân Quốc tổ Hùng Vương, hàng trăm năm qua, cứ sau Tết Nguyên đán, nhân dân ta từ Bắc chí Nam lại nhắc nhở nhau bằng 2 câu ca dao.
- “Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
Nhà nước ta đã chính thức quyết định ngày 10/3 âm lịch hàng năm là ngày Quốc giỗ, ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương, và từ năm 2007 Nhà nước còn quyết định cán bộ công nhân, bộ đội được nghỉ (có lương) ngày này, để họ có điều kiện “hành hương” đến Đền Hùng, hoặc nơi có di tích thờ các vua Hùng, để “Cúi đầu trình diện Tổ Vương, cháu con từ những ngàn phương đổ về, trước 18 Thánh vương Thánh vị, Tổ tiên mình tôn kính, tin yêu; nguyện cùng theo gót Lang Liêu, đem tài dâng với bao nhiêu tâm thành, làm rạng rỡ thanh danh đất nước, tiếp bao người đã bước đi lên, sánh cùng bốn bể nêu tên. Mong sao ân trả nghĩa đền tổ tông”. |
THẢO VÂN (Sơn La)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin