Sau khi thi hài nữ diễn viên Pratyusha Banerjee đã hỏa táng, nghi vấn xung quanh vụ tự tử của cô vẫn đang gây tranh cãi: trầm cảm, cô độc, thất tình, bị bạo hành hay áp lực hào quang?
Sau khi thi hài nữ diễn viên Pratyusha Banerjee đã hỏa táng, nghi vấn xung quanh vụ tự tử của cô vẫn đang gây tranh cãi: trầm cảm, cô độc, thất tình, bị bạo hành hay áp lực hào quang?
Pratyusha Banerjee đóng vai cô dâu Anandi từ tập 516 đến 1214. - Ảnh: indiamovie |
Cái chết bất ngờ của Pratyusha Banerjee khiến dư luận Ấn Độ đặt câu hỏi vì sao các nghệ sĩ nổi tiếng khi trầm cảm, cô độc, thất tình và thất bại thường né tránh việc nhờ tới sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý?
Trang tin Indian Express khi đưa tin về việc Pratyusha Banerjee tự tử đã viết: “Mọi thứ lấp lánh đều không phải là vàng, câu ngạn ngữ đó có lẽ thật đúng với thế giới Bollywood”.
Cái chết của nữ diễn viên Pratyusha Banerjee thêm một lần nữa khiến dư luận nhìn lại thực tế đời sống khắc nghiệt mà nhiều người nổi tiếng đã và đang phải đối mặt.
Giấc mơ đổi đời của hàng ngàn cô gái
Pratyusha Banerjee chỉ là một trong hàng ngàn cô gái từ khắp các tỉnh, thành phố Ấn Độ đổ về Mumbai với mơ ước trở thành một Priyanka Chopra (Hoa hậu Thế giới 2000 và là nữ diễn viên rất thành công của Ấn Độ) hay một Deepika Padukone (được coi là nữ diễn viên xinh đẹp nhất Ấn Độ với thù lao cao hàng đầu).
Nhưng rồi rất nhanh, nhiều cô gái trẻ ấy nhanh chóng rơi vào cái vòng luẩn quẩn của những bế tắc và dẫn tới trầm cảm, một số người tìm đến cái chết để giải thoát.
Với những người gây dựng được tên tuổi trên truyền hình như Pratyusha, việc duy trì tên tuổi cũng trở thành áp lực không dễ đối mặt.
Hoặc họ sẽ trở nên mờ nhạt sau một thành công đình đám, hoặc tiếp tục nỗ lực để “vươn tới một ngôi sao Bollywood” nếu như không muốn giấc mơ đổi đời của mình phút chốc tan thành mây khói.
Cả hai tình huống này đều dẫn tới những căng thẳng về tài chính và khủng hoảng, trầm cảm.
Tờ Indian Express chia sẻ góc nhìn của chuyên gia tâm lý học lâm sàng Seema Hingoranti về việc vì sao những người nổi tiếng không muốn tìm tới các chuyên gia nhờ giúp đỡ trong các tình huống bế tắc đó.
Pratyusha đã gặp nhiều áp lực sau khi thành công với Cô dâu 8 tuổi. - Ảnh: indiamovie |
Càng nổi tiếng, nghệ sĩ càng cô đơn?
Trên thực tế, càng nổi tiếng, người nghệ sĩ càng cô đơn. Người ta vẫn nói "càng lên cao thì càng lạnh" là vì vậy. Mặc dù có một lượng fan đông đảo, nhưng người nghệ sĩ nổi tiếng vẫn thấy cô đơn.
Trầm cảm là một thứ dịch lây lan và tác động tới rất nhiều người trong giới nghệ sĩ. Người nổi tiếng có rất nhiều bạn, nhiều fan, nhưng họ lại không thể chia sẻ được với những người đó về cảm giác trầm cảm của mình.
Người nổi tiếng lại không muốn thế giới xung quanh biết họ bị trầm cảm. Cuộc sống của họ trong mắt mọi người quá thú vị, hào nhoáng và đình đám, họ không muốn thế giới biết rằng, thực tế là họ là kẻ cô đơn hay bị trầm cảm.
Nhiều nghệ sĩ nữ lệ thuộc vào bạn trai. Nhiều người trong họ có những rắc rối lớn về quan hệ tình cảm. Họ cảm thấy cần có ai đó bên cạnh mình vì sợ dư luận sẽ đặt câu hỏi dò xét, tọc mạch: “Đẹp thế, giỏi thế sao không có người yêu vậy”.
Pratyusha Banerjee và bạn trai Rahul Raj Singh. - Ảnh: Instagram. |
Việc chia tay khi không còn yêu hay mâu thuẫn với người yêu của nghệ sĩ cũng trở nên khó khăn.
Chuyên gia tâm lý Seema Hingoranti cho biết nhiều nghệ sĩ còn không muốn chấm dứt một quan hệ tình cảm ngay cả khi họ là nạn nhân bị lạm dụng, ngược đãi. Lý do vẫn rất quen thuộc, họ sợ bị dư luận xung quanh đánh giá, chỉ trích.
Chuyên gia Seema cho rằng: "Phải rất mạnh mẽ để có thể tuyên bố rằng bạn đã chia tay. Việc phải làm thỏa mãn quá nhiều người trở thành áp lực rất lớn với những người nổi tiếng, từ đó dẫn tới trầm cảm".
Các nghệ sĩ không muốn gặp chuyên gia tâm lý khi bị trầm cảm vì họ sợ kỳ thị xã hội. Theo chuyên gia tâm lý Seema, thậm chí ngay cả những người tới gặp ông nhờ giúp đỡ, họ cũng lo ngại và yêu cầu ông đừng nói cho ai biết việc đó.
Ngay cả khi được giải thích rất kỹ rằng trầm cảm cũng chỉ là một thứ bệnh như bao căn bệnh khác cần chữa trị, các nghệ sĩ vẫn không thích để người khác biết mình cần hỗ trợ vì bị trầm cảm.
Về trường hợp tự tử gây chấn động làng showbiz Ấn Độ của "cô dâu 8 tuổi" Pratyusha, chuyên gia tâm lý Seema nói: “Tôi chắc chắn rằng cô ấy đã có ý nghĩ muốn tự tử và đây không phải hành động bột phát một sớm một chiều. Chắc chắn nó nhen nhóm một thời gian dài trong đầu cô ấy”.
Do đó, lời khuyên của vị chuyên gia Seema là bất kể là ai, khi bắt đầu có những cảm giác "chán sống", muốn tự tử, điều đầu tiên bạn cần làm là hãy nhờ tới sự giúp đỡ của cha mẹ, bạn bè và những chuyên gia tâm lý.
Nữ diễn viên Pratyusha Banerjee, sinh năm 1991, người thủ vai Anandi, vai nữ chính trong seri phim truyền hình dài tập Cô dâu 8 tuổi của Ấn Độ ngày 1-4 thắt cổ tự tử tại nhà riêng ở vùng ngoại ô Mumbai. Trước Pratyusha Banerjee, làng showbiz Ấn Độ có nhiều vụ nghệ sĩ tự tử khác. Cái chết đột ngột của Pratyusha Banerjee khiến giới điện ảnh và truyền hình Ấn Độ bàng hoàng, nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp "sốc và buồn". Một ngày sau khi qua đời, thi hài Pratyusha Banerjee được hỏa thiêu tại Mumbai theo nghi lễ của người Hindu. |
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin