Mỗi lần Nguyễn Ngọc Tư ra mắt tác phẩm mới, cũng kín đáo, nhẹ nhàng, mộc mạc như chính con người chị. Thế nhưng càng đọc những tác phẩm gần đây, càng thấy bút lực ngày một đầy hơn, dày dặn hơn và câu chuyện mà chị kể với mọi người cũng thâm trầm, sâu lắng hơn.
Mỗi lần Nguyễn Ngọc Tư ra mắt tác phẩm mới, cũng kín đáo, nhẹ nhàng, mộc mạc như chính con người chị. Thế nhưng càng đọc những tác phẩm gần đây, càng thấy bút lực ngày một đầy hơn, dày dặn hơn và câu chuyện mà chị kể với mọi người cũng thâm trầm, sâu lắng hơn.
Nhà văn quê Cà Mau, là niềm tự hào của miền sông nước Cửu Long lôi cuốn độc giả bằng những câu chuyện hiền lành, chân thật đến trần trụi về quê hương, về thân phận con người. Có người nói, chị đã làm cho người ta thấy xã hội sao mà buồn, sao mà day dứt đến vậy.
Nhưng đó mới chính là xã hội. Bởi dù cuộc sống có phát triển đến đâu, con người có hiện đại đến đâu thì ẩn sau nó vẫn còn nhiều câu chuyện buồn, nhiều mảnh đời mãi ngụp lặn trong vũng bùn không tìm được lối thoát.
Nguyễn Ngọc Tư luôn dành cho những góc khuất này sự đồng cảm, sẻ chia và nói hộ họ những khát khao, cùng khóc với họ vì những cay đắng mà họ phải gánh chịu.
Bằng trái tim hiền lành, nhân hậu, cộng với giọng văn đơn giản, mộc mạc đã làm nên phong cách riêng của Nguyễn Ngọc Tư trong gần 20 năm đến với văn đàn. Giờ, trang viết của chị sâu lắng hơn bởi những trải nghiệm của cuộc sống.
Tập truyện “Không ai qua sông” gói ghém tất cả những điều cần nói về chị, một tuyển tập ngồn ngộn hơi thở cuộc sống của những thân phận con người.
Tập truyện là 13 truyện ngắn, đưa người đọc len lỏi khắp xóm làng của miền sông nước để sống cùng với những mảnh đời đơn độc. Những nhân vật của chị cũng quanh quẩn với cái tên thường gọi ở Nam bộ: chị Hai, chị Tám, thằng Sáu,…
Cũng như những tác phẩm trước, người đọc bị cuốn vào mạch chuyện đầy cảm xúc bằng lời văn thủ thỉ, tâm sự, rồi bị bất ngờ và vỡ òa bởi những bất ngờ dồn dập, nhưng không phải là sự hớn hở, mà là xót xa đến quặn lòng… Văn của chị là vậy, cách viết của chị bao năm vẫn không đổi.
Từ truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn,… thể loại nào cũng mang lại cảm giác dễ chịu cho người đọc, nhưng cũng khiến họ xao lòng, làm tâm hồn con người như mềm ra sau từng câu chữ, để rồi chợt nhận ra mình vẫn còn may mắn, hạnh phúc hơn rất nhiều người, để có thêm sức mạnh bước tiếp.
Vẫn mạch viết bằng cảm xúc, Nguyễn Ngọc Tư đã làm cho những thân phận người nhỏ bé, thường bị che lấp bởi sự xô bồ, thờ ơ, được sống dậy và có chỗ đứng ngang bằng với tất cả mọi người. Bởi họ vẫn là con người, có khát khao, mơ ước và đang từng ngày cật lực với công việc của mình để mong có được cuộc sống trọn vẹn, đủ đầy hơn…
Những câu văn gãy gọn nhưng đong đầy cảm xúc, làm người đọc chợt thấy sống mũi cay cay khi tự đặt mình vào bi kịch của từng nhân vật mà nhà văn đã bày biện ra, dẫn dắt người đọc lạc vào trong mớ hỗn độn của những số phận, để rồi khi ghép trang sách lại, cuộc đời của mỗi nhân vật lại chính là những trải nghiệm giúp họ nhận ra dù có xô đẩy đến đâu, cuộc sống này vẫn còn rất nhiều thứ để sống, để phấn đấu…
Nhờ có cách thể hiện nhẹ nhàng, đầy tính nhân văn này mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có được sự yêu mến của độc giả, từ đó, mỗi tác phẩm mà chị ra mắt đều được đón nhận. Tập truyện ngắn “Không ai qua sông”, do NXB Trẻ vừa ấn hành cũng không ngoại lệ.
Theo http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE18655D/Dong_day_cam_xuc.aspx
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin