Tôi còn nhớ, năm học lớp 8, tôi đã mua được bộ sách quý "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam"- đó là một... tài sản lớn. Nhưng đặc biệt trong đó, tôi rất ghét truyện Tấm Cám; bởi xây dựng hình ảnh dì ghẻ quá độc ác và cả cô Tấm trả thù cũng quá độc ác, không đúng bản chất người Việt Nam nhân hậu.
Tôi còn nhớ, năm học lớp 8, tôi đã mua được bộ sách quý “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”- đó là một... tài sản lớn. Nhưng đặc biệt trong đó, tôi rất ghét truyện Tấm Cám; bởi xây dựng hình ảnh dì ghẻ quá độc ác và cả cô Tấm trả thù cũng quá độc ác, không đúng bản chất người Việt Nam nhân hậu. Hay như hồi lớp 4, tôi cũng... không ưa câu ca dao: “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”.
Má Hai (hàng ngồi). |
Lý do đơn giản, là tôi có người mẹ kế rất hiền, hết lòng yêu thương chồng con, hiếu thảo với nội tôi.
Má mất đúng ngày tôi được sinh ra, anh Hai tôi được 6 tuổi. 2 năm sau, ba tôi đi bước nữa và có thêm 4 đứa em (3 trai, 1 gái). Tôi thường suy nghĩ, nếu má (mẹ kế) là má ruột thì chúng tôi có một gia đình hoàn hảo, dù gia đình cũng trải qua rất nhiều thăng trầm, gian nan, bởi một thời gian dài khó khăn về kinh tế.
Nhưng chính trong những tháng năm gian nan, vất vả đó, tôi cảm nhận được tình yêu thương của gia đình, sự hiếu thảo của má đối với bà nội. Đặc biệt là tình cảm giữa má và anh Hai tôi, còn tôi sống với ngoại nên thỉnh thoảng mới đạp xe về thăm nội.
Tôi nhớ như in ngày tôi có “nhận thức” đầu tiên về má, lúc đó má đang quét sân, ngoại biểu “con ra thưa má Hai đi”. Nội đang ngoáy trầu liền ngừng lại nói: “Chị sui dạy cháu kêu bằng “má”, đừng phân biệt má Hai, má Ba gì hết”. Tôi ra thưa má, má biểu “con vô đi, bụi lắm, chút má mua bánh cho ăn...”
Mấy năm sau, khi anh Hai tôi học lớp sáu, từ Mỹ Hội Đông (Chợ Mới) phải qua đò Rạch Gộc, bắt xe lam xuống tới Long Xuyên hơn 20 cây số, nên mỗi ngày phải dậy đi học từ 4 giờ sáng. Anh học rất giỏi, nhưng vì quá khó khăn về tiền bạc, đường sá cách trở, anh Hai tôi tự quyết định nghỉ học ở nhà phụ với ba má. Hay tin, bà ngoại xuống cự má quá trời, tôi thấy má làm thinh đi vô buồng khóc. Anh Hai mới giải thích: “Tại con tự nghỉ học, đâu có ai biểu nghỉ”.
Những năm đó, gia đình cũng như bà con xung quanh quá khó khăn. Nhà có 2 công đất mà ở bên cồn, mỗi lần đi làm rẫy phải chạy ghe qua lại sông lớn, cực lắm. Lúc đó, ba mới tự nghĩ ra nghề đúc lò trấu, dần dần bán đi khắp nơi, có lúc thuê thợ đến 6- 7 người. Mới có 13- 14 tuổi nhưng anh Hai rất tháo vát phụ ba rất nhiều việc. Má thì quán xuyến việc nhà, lo chợ búa, bếp núc.
Lâu lâu, ngày cuối tuần, tôi đạp xe về thăm nội, má mừng lắm, hay giấu nội đưa tiền biểu tôi đi mua bánh, vì nội hay rầy: “Con nít không được xài tiền”. Khi về, bao giờ má cũng nhét trong túi cho tôi ít tiền, dặn dò: “Con qua đò cẩn thận, sông Vàm Nao sống dữ lắm đó”. Tôi đạp xe xa xa, ngoái lại vẫn thấy má đứng trông theo, tự nhiên cảm thấy thương má lắm.
Má rất hiền lại hay cười, nên có khi gặp “tai nạn” với bà nội. Nội tôi có bệnh run tay và mắt không nhìn tỏ lắm. Suốt ngày, nội hay ngồi trên bộ ván ngựa ngoáy trầu, khi có mấy đứa cháu lại gần chơi, nội hay đọc thơ, nói tích xưa, đọc chữ nho. Nội nhớ rất nhiều truyện và ngâm nhiều lời ru rất hay.
Thí dụ như câu hát xưa này mà tôi chưa nghe ai hát: “Nhà đó, có một con chó; nhà đó, có một con heo; có con dê nọ ở bên góc nhà”. Nội thương con cháu lắm nhưng có lẽ cao tuổi nên nội hay lẩm cẩm. Thấy má tôi hay thăm hỏi, cười nói với mấy chú thợ, nội hay mắng: “Đồ đàn bà hư, nói chuyện với trai mà cười hóng hớt”. Vậy là má chỉ vô buồng ngồi khóc, chớ tuyệt nhiên không dám cãi nửa câu.
Những năm bán lò trấu thịnh hành rồi cũng qua đi, ba lại đóng khung xe làm nghề đánh chỉ, dây ny lông, kiếm thêm tiền chợ. Tôi còn nhớ, ngày ấy xứ mình ăn cơm toàn ngồi bệt dưới sàn nhà, nhưng bao giờ má cũng dọn một mâm riêng cho nội. Để có đồ ăn ngon cho nội, ba tôi làm 4- 5 cái bò- dạng chất chà trong những khung lớn đan bằng tre, rồi dùng dây tời trên bờ kéo lên mỗi khi muốn bắt cá. Những con cá ngon, cá bự ít xương nấu riêng cho nội. Những ngày nước rong không kéo bò, thì đi chợ má cũng mua đồ ăn riêng cho nội.
Má có cuốn sổ tay, ghi chép chi li những gì chi tiêu hàng ngày, như đi chợ má cũng ghi ra thức ăn nào cho cả nhà, thức ăn nào mua cho nội. Thiệt tình là tôi thương và quý má một cách rất tự nhiên. Còn anh Hai thì thương má khỏi nói, khi lớn rồi là anh giành mọi việc nặng như đi gánh nước một quãng dài ra bến sông. Hôm nào má gánh nước là anh Hai cự dữ lắm: “Nói để đó đi, má gánh chi cho cực”...
Có chuyện này mới... đáng nể má luôn. Nhà đang khó khăn, tự nhiên má bàn với ba cất nhà ngói, ba trợn mắt: “Tiền đâu mà cất nhà sàn lợp ngói”. Vậy mà đúng 8 năm sau gia đình tôi có cái nhà ngói to đùng, lót sàn bằng ván căm xe đàng hoàng.
Cứ mỗi mùa rẫy, mỗi đợt thu tiền dây, má “xẻ” ra một ít tiền, lâu lâu má kêu ba chạy ghe đi lựa mấy tấm ván về chất đó, ngói cũng mua lần một ít. Đến khi đủ vật liệu thì ba làm thợ chính, anh Hai và mấy người trong xóm phụ túc tắc, ròng rã 6 tháng trời cất xong cái nhà “hoành tráng” như ai. Má hỏi cắc cớ: “Ba thằng Thiều thấy tui hay hông?” Ba cười cười, nhìn má đầy yêu thương. Anh Hai tôi nịnh: “Má con là số một”.
Bây giờ má lớn tuổi rồi, vậy mà lâu lâu lại đi đầu này mấy bữa, chạy đầu kia ít hôm nuôi cháu cho sắp nhỏ. Mấy hôm nay vợ chồng đứa em thứ tư không có con, đang chạy đôn đáo xin con nuôi. Nghe nói là má điện thoại hoài: “Mấy đứa ôm lẹ về đi, má nuôi cho, đừng sợ cực”.
Còn nhớ, hồi đó anh Hai tôi cũng nói là không bao giờ dám học bài to cái câu: “Mấy đời bánh đúc có xương…” vì sợ má buồn.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin