Nửa đời người đồng hành với Trịnh Công Sơn, được coi là "hồng nhan tri kỷ" nhưng nữ danh ca Khánh Ly thừa nhận nhiều thời gian bên cạnh, họ chia sẻ với nhau bằng....im lặng.
Nửa đời người đồng hành với Trịnh Công Sơn, được coi là “hồng nhan tri kỷ” nhưng nữ danh ca Khánh Ly thừa nhận nhiều thời gian bên cạnh, họ chia sẻ với nhau bằng....im lặng. Nỗi buồn sâu kín thấm đẫm trong ca từ của Trịnh, bà biết nhưng “không đủ sức để giải quyết”...
Trịnh Công Sơn- Khánh Ly: Sự đồng cảm trong im lặng |
Để tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vào ngày giỗ ông hàng năm đều có những chương trình âm nhạc diễn ra. Riêng bà, vào những ngày này, bà có nghĩa cử riêng tư đặc biệt nào dành tưởng nhớ “nửa đời sống” của mình?
Khi mình nhớ về một người, nhất là người đó không còn nữa, chuyện người đó đi ra khỏi đời sống này đối với mình rất quan trọng. Mình sẽ nhớ cả đời chứ không chỉ nhớ một ngày hay giây phút nào đó. Không phải đợi đến ngày 1/4 mình mới nhớ nhau đâu mà nhớ cả đời. Tôi quan niệm người ta là “một nửa đời sống” vì thế nhớ cả đời.
Mình nhớ người nào đó không nhất thiết phải khóc lóc, kêu gào hay than thở, lăn lộn. Nhiều khi sự im lặng lại là điều quan trọng dành cho nhau. Cứ nghĩ đến nhau đi, trong im lặng. Đối với tôi, như Trịnh Công Sơn nói “một ngày như mọi ngày”, ngày nào cũng giống nhau, nỗi nhớ cũng vậy, ngày nào mình cũng nhớ.
Lần đầu tiên về nước tham gia đêm nhạc tưởng nhớ ngày mất Trịnh Công Sơn, “Đường xa vạn dặm” tại Hà Nội, cảm xúc của bà thế nào?
Nhiều khi mình nghĩ, mình đang hát và ông ấy đang ở nơi nào đó như Sài Gòn chẳng hạn. Ông đang nghe mình, đang chờ kết quả “hát có tốt không?”. Từ khi mình biết người đó xa mình lắm rồi, trong lòng mình vẫn có cảm tưởng đó nhưng mình lại được chia sẻ với những người có liên quan tới đời sống với ông Sơn. Điều đó nghĩa là mình thêm niềm vui, thêm hạnh phúc, thêm an ủi vì rõ ràng nỗi cô đơn không phải mình mình gánh chịu. Bên cạnh có Cẩm Vân, Hồng Nhung, Quang Dũng, Khắc Triệu...., những thế hệ gần trực tiếp với ông Sơn, sau đó nữa có cô bé ni cô Huyền Trân. Dù là ai, giới nào, tuổi nào cũng yêu nhạc Trịnh Công Sơn.
Như bà chia sẻ, lúc sinh thời Trịnh Công Sơn như ở đâu đó mỗi khi bà hát để rồi nghe kết quả, hỏi sau mỗi chương trình của bà. Vậy có khi nào Trịnh Công Sơn tỏ thái độ về việc bà hát không tốt?
Ông Sơn không nỡ chê ai bao giờ cả. Ông chỉ có thể nói là hát đúng hay sai thôi. Với tôi, ông không nói gì hết. Tôi hiểu là ông không chê, điều đó thêm cho mình sự can đảm- hát tới, hát tiếp đi. Tác giả không chê nghĩa là họ chấp nhận mình. Nhiều lúc có hát sai, ông không nói. Có thể thấy mình hát sai nhưng ông vẫn chấp nhận. Để đến bây giờ, hát những nốt đó mình vẫn sai...
Giọng hát của Khánh Ly, Hồng Nhung gắn liền với nhạc Trịnh và có rất nhiều gắn bó đời sống với Trịnh...Vậy, có khi nào bà và Hồng Nhung trò chuyện chia sẻ với nhau về Trịnh Công Sơn?
Chia sẻ bằng lời thì không có nhưng đi diễn chung, ngủ chung phòng, ăn chung một mâm thì có. Điều đó nói lên tất cả sự đồng hành, đồng cảm đối với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi có nghe Trịnh Công Sơn khen ngợi Hồng Nhung. Ông Sơn rất mừng khi có Hồng Nhung. Ông Sơn có nói chuyện với tôi, ông bộc lộ niềm vui khi có Hồng Nhung hát. Khi mình không làm được việc gì cho người ta, có người khác đến thì mình phải mừng.
Thực sự lúc đó tôi chưa biết Hồng Nhung, chỉ nhìn ảnh, nghe qua về phong cách Hồng Nhung, tôi rất thích. Tôi nhìn thấy lại mình qua hình ảnh hơi ngổ ngáo ở cái tuổi đó. Mặc dù khởi đầu tôi không bằng Hồng Nhung vì Hồng Nhung được đào tạo bài bản qua trường lớp còn tôi bắt đầu từ sự ngẫu nhiên. Từ sự giới thiệu của Trịnh Công Sơn cho đến giờ cảm tình của tôi đối với Hồng Nhung chỉ tăng chứ không có giảm.
Bà từng nói không một ca khúc nào Trịnh Công Sơn viết tặng bà nhưng bà đều tìm thấy hình bóng của mình trong những ca khúc của ông. Còn Hồng Nhung lại khác, “Bống” được Trịnh viết tặng hơn một ca khúc trong thời gian ngắn..., cùng gắn bó và được coi là “giai nhân nhạc Trịnh”, thực sự bà không cảm thấy chút hụt hẫng nào?
Không đâu. Làm sao buộc nhạc sĩ chỉ sáng tác cho một người. Có thể nhạc sĩ, văn sĩ yêu nhiều người, mình cũng thế. Tình yêu của nghệ sĩ đẹp và không trần tục. Chính vì điều đó ông viết nhạc được và chính vì điều đó khi mình hát ca khúc của ông nhiều khi không hiểu gì cả nhưng vẫn thích. Hỏi thì không dám hỏi nhưng cảm thấy nỗi buồn của mình được an ủi, được chia sẻ. Đó là lý do tại sao nhạc của ông Sơn đi sâu rộng, lâu dài. Ông Sơn không phải phù thủy âm nhạc như ông Phạm Duy, không phải như Văn Cao nhưng nhạc ông Sơn có nhiều thứ người khác không có...
Khi bắt đầu cuộc sống xa cách Trịnh Công Sơn nửa vòng trái đất, bà còn nhớ cuộc trò chuyện đầu tiên với cố nhạc sĩ không?
Hai anh em lần đầu tiên nói chuyện điện thoại vui lắm. Bên kia cứ “anh khỏe không?”, bên này trả lời “Mai khỏe không?”. Cứ hỏi khỏe không là hết cuộc gọi gần tiếng đồng hồ rồi. Tôi còn nhớ cuộc gọi hết 297 USD, số tiền thời đó lớn lắm. (Cười)
Nghe được giọng ông Sơn là tôi mừng rồi. Giọng ông khỏe lắm. Lúc mình nói “anh cúp đi”, ông lại nói “Mai cúp đi”, cứ thế... Lần nào cũng thế, không ai muốn rời điện thoại, cứ muốn hỏi thăm nhau. Lúc nào chúng tôi cũng lo lắng cho nhau về sức khỏe, còn hạnh phúc của mỗi người là riêng.
Ông Sơn có ngày hạnh phúc riêng tư của ông và tôi có ngày hạnh phúc riêng tư của tôi. Không ai động chạm tới cả. Biết ông còn sức khỏe là đủ rồi, biết ông còn viết, còn gặp bạn bè còn vui. Tôi còn sức khỏe là còn đi hát. Chẳng lẽ lại hỏi, giờ anh yêu ai? Ông lại hỏi, bây giờ chồng em sao à? Điều đó, không cần phải hỏi.
Lần đầu tiên hai người gặp nhau sau bao năm xa cách thì sao?
Lần đầu tiên gặp ông Sơn là ở bên Pháp năm 88. Tôi không nghĩ là được gặp ông Sơn và ngược lại, ông Sơn cũng không nghĩ là được gặp tôi. Ông Sơn khóc, tôi cũng khóc. Hai người muốn gặp mà không dám vì đều sợ. Sau cùng vẫn gặp và tôi vẫn nhớ lời ông nói: “Anh đi nửa vòng trái đất mà chẳng lẽ bây giờ anh em mình không gặp được nhau. Bây giờ không gặp thì bao giờ gặp được?” Tôi nghe ông nói qua điện thoại như thế thì mặc kệ tất cả, ai nói gì thì nói, tôi đi gặp ông Sơn.
Năm 97, tôi về Việt Nam, vì muốn tạo sự ngạc nhiên cho ông Sơn nên không báo trước. Tôi đi với chồng. Chúng tôi về khách sạn trước rồi mới tới nhà thăm ông. Không ngờ ông Sơn biết trước rồi, ông biết tôi xuống máy bay lúc nào, ở đâu. Bởi vì có người hỏi ông: “Sao, đã gặp cố nhân chưa?”
Lần gặp gỡ Trịnh đầu tiên trong đời, lần gặp gỡ định mệnh, khi đó bà đã là bà mẹ đơn thân đi hát ở Đà Lạt, trải qua nhiều trắc trở trong đời sống riêng. Trong nửa thế kỷ đồng hành, có khi nào Trịnh Công Sơn bận tâm, lo lắng đến cuộc sống riêng của bà hay đưa ra lời khuyên nhủ?
Tôi và ông Sơn quan tâm đến nhau không giống như mọi người bình thường. Người khác người ta sẽ nói, “ờ em ơi sống như vậy không được, chồng như vậy không được” chẳng hạn. Nhưng ông Sơn lại chỉ lẳng lặng theo dõi mình.
Hơn nữa nếu tôi có buồn, khổ chuyện gia đình cũng không bao giờ tôi nói. Ông Sơn chỉ biết lúc anh em gặp nhau vui vẻ hát hò, chỉ nói chuyện về nhạc. Còn riêng tư của mỗi người tự giải quyết lấy. Ông Sơn cũng hiểu, ông nói gì cũng vô ích. Tôi cũng đủ sức hiểu, tôi có than thở cũng chỉ vậy thôi, ông không thể quyết định cho mình được. Ông Sơn là người tế nhị, không xen vào cuộc đời của người khác mà để họ tự giải quyết.
Về nỗi buồn riêng, trăn trở riêng của Trịnh Công Sơn- điều này thấm đẫm trong các sáng tác của ông. Có lẽ bà cũng không bao giờ xâm phạm đến?
Tôi biết nỗi buồn của ông Sơn. Nếu từ ở trong gia đình của ông Sơn, tôi cũng không đủ sức để giải quyết. Nếu ông buồn chuyện tình cảm, ví như yêu nhiều quá chẳng hạn, tôi cũng không có cách nào giải quyết. Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm đời sống cũng như quyết định của mình.
Dù sao bà cũng là “hồng nhan tri kỷ” của Trịnh Công Sơn...
“Hồng nhan tri kỷ” cũng có nhiều nghĩa lắm. Im lặng để chia sẻ. Tôi nghĩ đó là cách chia sẻ tốt nhất. Nhiều khi anh em ngồi với nhau cả tiếng đồng hồ cũng không nói nhiều. Nếu không quý nhau thì lặng ngồi cả tiếng bên cạnh nhau để làm gì? Những giây phút ngồi bên cạnh nhau đáng quý, đáng trân trọng. Dù không nói gì chỉ để “gió cuốn đi”...
Vậy những bóng hồng khác của Trịnh hay những người đàn ông của bà, họ có bao giờ... ghen với vị trí hai người dành cho nhau?
Nếu có ghen thì tôi không biết. Nhưng có lẽ họ không ghen đâu, tại vì đối với tôi, cái tình dành cho ông Sơn cao lớn hơn cả tình vợ chồng. Đó là tình gia đình, tình cha con. Nếu một người đàn ông yêu một người đàn bà và ngược lại, nó có thể xảy ra nhiều chuyện. Nhưng tôi và ông Sơn không xảy ra chuyện gì mà là tình nghĩa, không ai có thể lên án hay xuyên tạc tình cảm này. Đó là lý do tại sao tình cảm lâu dài...
Xin cám ơn bà về cuộc trò chuyện!
Theo Dân trí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin