Tết Mậu Thân 1968: Một cái tết chấn động địa cầu

06:02, 13/02/2016

Những ngày đầu xuân rực lửa năm 1968 đã ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta một nét son chói lọi, sôi động dư luận năm châu.

 

Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân 1968 tại TP Vĩnh Long. Ảnh: NVH
Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân 1968 tại TP Vĩnh Long. Ảnh: NVH

 

Những ngày đầu xuân rực lửa năm 1968 đã ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta một nét son chói lọi, sôi động dư luận năm châu.

Đã có trên 20 cuốn sách của tác giả nhiều nước viết về Tết Mậu Thân 1968. Trong đó, được đánh giá cao nhất vẫn là cuốn sách của nhà báo Mỹ, Đôn Ô-bơ-đô-phơ, do Nhà xuất bản A von TP New York phát hành vào năm 1972.

Cuốn sách rất phong phú ấy gọn trong một “Tết”- một từ đã trở thành phổ biến một thời, trong kho từ vựng của nhân loại. Nhân ngày tết, xin trích giới thiệu với bạn đọc cuốn sách “Tết” nổi tiếng này.

Tết Việt Nam- náo động tòa Nhà Trắng

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân giải phóng miền Nam đã đánh thẳng vào TP Sài Gòn, tiến công cả sứ quán Mỹ. Đôn Ô-bơ-đô-phơ viết: “Sứ quán Mỹ là nơi lá cờ sao và vạch của Hoa Kỳ chính thức cắm trên đất Việt Nam, đó là trung tâm tượng trưng cho nỗ lực của người Mỹ.

Khi được tin này, mọi người đều hiểu rõ rằng Việt cộng đang tiến công vào trái tim của nước Mỹ ở giữa Sài Gòn. Đối với mỗi người dân ở Mỹ, cuộc tiến công vào tòa đại sứ Mỹ là trận đầu tiên trong cuộc chiến tranh mà người Mỹ có thể hiểu ngay được ý nghĩa”.

Cuộc tiến công nổ ra vào đêm giao thừa, lúc 2 giờ 45 phút sáng mồng một tết (lịch miền Nam đi trước miền Bắc một ngày- HMĐ). Vào lúc 3 giờ sáng, điện khẩn của Cố vấn chính trị sứ quán Mỹ Con-nen, gọi từ nhà riêng ở Sài Gòn cho Ben-giê-min Rít, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao. Một cuộc đối thoại qua nửa vòng Trái đất:

- Họ đang bắn ngay ở phía ngoài.

- Thế nào? Có phải nghĩa là họ còn đang ở ngoài sứ quán?

- Trong sứ quán. Họ đã vào trong tòa nhà của chúng ta.

Rít kinh hoàng, vội báo ngay cho Ngoại trưởng Đin Ra-xcơ tin tức chấn động này. Đúng 7 giờ 25 phút, hãng AP ở Sài Gòn đưa tin: Việt cộng tiến công từ sáng thứ tư (31/1) và đã chiếm một bộ phận sứ quán Mỹ. Quân cảnh Mỹ tìm cách vào sứ quán khi trời hửng, nhưng họ đã bị đánh bật ra, do hỏa lực mạnh bắn từ tòa sứ quán.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở đâu?

Cho đến sau này, người ta vẫn chưa biết khi nổ ra cuộc Tổng tiến công, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở đâu. Sau khi điều tra, xác minh, Đôn Ô-bơ-đô-phơ cho biết như sau:

Trước hết, Thiệu đã ký lệnh hủy bỏ ngừng bắn (trong dịp tết). Ông ta giao cho các tướng Trần Thiện Khiêm và Cao Văn Viên truyền lệnh đó đi và giữ quân lính trong tình trạng báo động thường trực, thực hiện đúng chỉ thị từ Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phương Đông.

Nhưng bản thân Tổng thống, từ trước giao thừa đã chuồn về TX Mỹ Tho, quê vợ, ở trong một biệt thự rất xa xỉ và kiên cố.

Đêm giao thừa, trong lúc Thiệu cùng vợ con và một số bộ hạ tin cẩn đang chè chén ăn chơi, thì cuộc tiến công lớn nổ ra. Quân giải phóng cũng đánh vào thị xã. Thiệu sợ quá, tìm nơi trú ẩn, không dám trở về Sài Gòn, vì có tin Dinh Độc Lập cũng đang bị tiến công.

Đại sứ Bân-cơ và Tướng Oet-mo-len, Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ, không liên lạc được với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

Sau đó được biết Thiệu đang ở nhà vợ, bèn ra lệnh cho máy bay lên thẳng vũ trang của quân đội Mỹ đi tìm bằng được. Xế chiều ngày 31/1, chiếc máy bay đó đã đưa Tổng thống Thiệu về trụ sở Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn.

Một số tướng Sài Gòn, một số vị bộ trưởng, tướng lĩnh cũng được người Mỹ đi tìm và “đưa” về Bộ Tổng tham mưu. Ấy thế mà cũng chẳng yên. Ngôi nhà đã bị rốc két bắn vào, có phát chỉ cách chừng 30m. Những trận đánh ác liệt diễn ra chung quanh đó- Đài phát thanh Sài Gòn đã bị chiếm. Các sở chỉ huy hải quân, thiết giáp Phù Đổng, pháo binh Cổ Loa đều bị đánh.

Lúc này, những viên tư lệnh địa phương làm gì, ở đâu? Đ.Ô-bơ-đô-phơ kể rằng: Viên thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh, Tư lệnh Quân khu 4 đang ở nhà riêng trong TP Cần Thơ, khi cuộc tiến công bắt đầu. Từ đó ông ta không hề bước ra khỏi cái ổ của mình.

Những sĩ quan dưới quyền Mạnh cũng tương xứng với ông ta. Lúc nổ ra cuộc tiến công, một trong ba tư lệnh sư đoàn đang đi đánh bạc, không có mặt ở nhiệm sở. Ở một tỉnh khác, viên cố vấn Mỹ bắt gặp ngài đại tá- tỉnh trưởng mang bộ quần áo bà ba của dân thường ra ngoài bộ quân phục, để dễ chuồn khi gặp tình thế nguy ngập.

Còn ở Vĩnh Long, viên đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tư lệnh sư đoàn hoàn toàn mất tinh thần. Viên trung úy cố vấn Mỹ Giôn Li-pin-cót cùng người phiên dịch vào phòng làm việc, hỏi gì ông ta cũng im lặng, không trả lời, mặt cứ trơ ra như người mất hồn…

Ngày “tạ thế” về chính trị của Tổng thống Johnson

Theo lời kể của Đôn Ô-bơ-đô-phơ, ngày 28/3 tại cuộc họp để thông qua bản dự thảo diễn văn cho Tổng thống Johnson ở trụ sở Bộ Ngoại giao có mặt Ngoại trưởng Đin Ra-xcơ, Bộ trưởng Quốc phòng mới Clip-phớt, Cố vấn an ninh Oan Rô-xtâu, Mác Phe-xơn, người chuyên viết diễn văn cho tổng thống. Bản dự thảo đã được sửa nhiều lần, nhưng vẫn theo tinh thần cũ.

Đêm hôm trước, Clip-phớt đã đọc và cảm thấy bản này nếu đưa ra sẽ là một thảm họa. Vẫn những từ ngữ cũ: kêu gọi hy sinh, kiên nhẫn, can đảm…

Ông ta bảo Ra-xcơ: bản này không ăn, “không bán chạy” được đâu! Tổng thống cần một bài diễn văn về hòa bình, chứ không thể là một bài diễn văn chiến tranh thêm nữa. Cuộc họp giao cho Phe-xơn thảo lại một bài nói hoàn toàn mới.

Ngày hôm sau, Johnson tập trung tất cả tinh lực vào bài diễn văn lớn này. Đoạn quan trọng nhất lại là phần “tái bút” cuối cùng đầy kịch tính: Johnson chính thức báo tin không ra tái cử Tổng thống trong nhiệm kỳ tới, kết thúc cuộc đời chính trị của mình.

31/3, ngày tận cùng của tháng ba đầy biến động, cũng là ngày “tạ thế” về chính trị của L.Johnson. Đôn Ô-bơ-đô-phơ kể rằng: Hôm nay là ngày chủ nhật, trong cánh tay của Nhà Trắng, những người vận động cho việc tái cử của Johnson khẩn trương làm việc.

Tổng thống mới chỉ hé cho họ biết về quyết định ngừng ném bom bộ phận. Còn cái quyết định bi thảm không ra tái cử vẫn được ông ta giữ kín trong túi áo trên ngực.

Còn vài phút nữa là 9 giờ tối. Johnson, vợ và con cái cùng các thành viên chính phủ đi đến “Phòng bầu dục” lúc này đầy những ống kính truyền hình báo chí chờ sẵn. Linda và Lusi, hai con gái của Johnson khóc tràn nước mắt. Johnson ngồi xuống trước bàn, mặt đăm chiêu. Đúng 9 giờ, Johnson từ từ rút bài diễn văn trong túi ra đọc…

Đêm 31/3/1968, cả thế giới sửng sốt nghe tin L.Johnson đích thân tuyên bố không ra ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ hai.

TRẦN THỊ HOẠT (giới thiệu)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh