Tiết trời se lạnh, mai vàng khoe sắc khắp nơi, báo hiệu một mùa xuân mới lại về. Mọi người háo hức đợi tết sang để tận hưởng niềm vui gia đình sum họp. Đây cũng là thời điểm khiến tôi nhớ về cái tết xưa với những ký ức đong đầy.
Tiết trời se lạnh, mai vàng khoe sắc khắp nơi, báo hiệu một mùa xuân mới lại về. Mọi người háo hức đợi tết sang để tận hưởng niềm vui gia đình sum họp. Đây cũng là thời điểm khiến tôi nhớ về cái tết xưa với những ký ức đong đầy.
Tết đến, gia đình sum họp là dịp để con cháu mừng tuổi ông bà. (ảnh minh họa) |
Với tôi, tết xưa thật giản dị nhưng luôn chan hòa, ấm áp. Năm nào cũng thế, khi vừa bước sang tháng Chạp là mọi người, ai nấy đều tranh thủ lúc nông nhàn để chuẩn bị dần các thứ cho ngày tết. Bởi hồi ấy, mọi thứ trong nhà từ đồ ăn, thức uống cho đến các vật dụng trang trí nhà cửa đều tự làm lấy, không khí náo nhiệt của ngày tết vì thế mà lan tỏa khắp thôn quê. Tuy cuộc sống người dân quê tôi lúc đó còn thiếu thốn trăm bề nhưng “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” nên lúc nào cũng vui. Tết đến, tận dụng những thứ nuôi trồng trong ao, ngoài vườn như cành mai, cây bông, mớ rau, con cá… bà con trong xóm biếu nhau dùng lấy thảo và chúc cho nhau có một cái tết vui tươi.
Ngày giáp tết, bếp quê nhà tôi lại đỏ lửa, người lớn thì quây quần gói bánh tét. Khi ấy, bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng nhõng nhẽo đòi các cô, các dì gói cho mình một đòn bánh tét nho nhỏ mới chịu. Còn trong bếp, mẹ tôi trổ tài làm các loại mứt: chuối, dừa, chùm ruột…- những loại mứt rẻ tiền nhưng ngọt ngào phong vị quê hương. Đêm đến, người lớn trong nhà nói chuyện rôm rả bên những tách trà nóng, còn chúng tôi một công đôi chuyện- ngồi canh nồi bánh tét và đợi đón giao thừa.
Ngày tết tất nhiên không thể thiếu bánh tét. (ảnh minh họa) |
Trong tiết trời se lạnh cuối năm, mùi thơm phưng phức tỏa ra từ nồi bánh tét như thổi vào lòng người hơi ấm, xua tan đi cái lạnh. Ngày tết, tất nhiên không thể thiếu thịt heo kho rệu, dưa kiệu… nhất là dưa hấu. Bởi tuổi thơ ai có lẽ cũng mong đợi tết đến thật nhanh để thưởng thức cái vị ngọt thanh mát của loại quả này. Giờ đây, có lẽ cảm giác nôn nao đó không còn nữa vì dưa hấu được trồng quanh năm và có mọi lúc, mọi nơi.
Hồi đó, bọn trẻ như tôi làm sao thấu hiểu nỗi vất vả của người lớn- quanh năm làm lụng “đầu tắt mặt tối” để có cái ăn, cái mặc đủ trang trải cho qua tết là mừng rồi, có đồng ra đồng vô cũng để dành sắm đồ tết cho con cháu. Nét hồn nhiên, vô tư của tuổi thơ chúng tôi là niềm vui sướng khi được cha mẹ mua cho quần áo mới để khoe với lũ bạn, được người lớn lì xì những tờ tiền mới tinh.
Ngày nay, đời sống vật chất nâng cao nên vui xuân đón tết khá đầy đủ- dịch vụ mua sắm thì đa dạng, thậm chí phục vụ tận nhà, còn lại rất ít hoặc không còn những gì tự làm cho ngày tết. Điều này vô tình khiến không khí ngày tết dần phai nhạt.
Trong nhịp sống hối hả thời nay, tết xưa đã đi qua một cách lặng lẽ nhưng những ký ức mà nó đọng lại trong tôi vẫn đong đầy và ngọt ngào như tình làng nghĩa xóm của cái thuở chưa có chuyện giàu nghèo. Đó là những ký ức không thể phai mờ với thế hệ chúng tôi- những người con miền Tây từng trải qua những cái tết ngọt ngào như thế. l
BÀI, ẢNH: PHẠM PHONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin