Có thể nói tò he là một trong những sản phẩm tôn vinh hạt gạo, cũng như công sức lao động của người nông dân bởi nguyên liệu chính làm nên những sản phẩm tò he được nhiều người yêu thích là từ bột gạo, bột nếp…
Có thể nói tò he là một trong những sản phẩm tôn vinh hạt gạo, cũng như công sức lao động của người nông dân bởi nguyên liệu chính làm nên những sản phẩm tò he được nhiều người yêu thích là từ bột gạo, bột nếp…
Không rõ tò he có từ bao giờ, ông tổ nghề là ai, người ta chỉ biết rằng nó có xuất xứ từ làng Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên - Hà Tây) cách đây hàng mấy trăm năm. Người nặn tò he ở làng này có một nguyên tắc là chỉ truyền lại công thức cũng như phương thức làm tò he cho người trong gia đình, vậy nên những ai không phải là người của làng mà yêu thích và muốn học tò he thì chỉ có cách là tự tìm tòi nghiên cứu.
Và tại TP Vĩnh Long mấy tháng nay, tôi may mắn gặp được người đã bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu ra cách làm cũng như công thức bột cho sản phẩm tò he. Những buổi chiều ở góc Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên trở nên sinh động hẳn bởi những tò he đủ màu sắc hấp dẫn nhiều bạn nhỏ. Không gian trở nên vui nhộn.
Anh Lê Minh Thạnh cùng vợ rong ruổi từ Đà Nẵng vào Vĩnh Long, hành trang quí nhất của anh chị là kinh nghiệm làm tò he. Đi đến bất cứ tỉnh nào anh cũng ở lại gần tháng, theo dự tính anh sẽ mất khoảng 5 năm để đi hết dãy đất hình S giới thiệu tò he với tất cả mọi người.
“Tôi muốn truyền tình yêu tò he của tôi đến tất cả mọi người, để mọi người biết về tò he và cũng là để cho nghệ thuật làm sản phẩm này sống mãi, không bị mai một, đơn giản vì tôi nghĩ tò he là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc.”- anh Minh Thạnh vui vẻ chia sẻ.
Từng gắn bó với nghề đồ họa vi tính, công việc cũng cho thu nhập ổn định, song niềm đam mê nghệ thuật tò he chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng anh. Sinh ra tại Huế nhưng lớn lên và sinh sống tại Đà Nẵng, có được ba đứa con, đứa bé nhất chỉ mới 6 tuổi.
Cuộc sống bộn bề lo toan, anh đành gác lại niềm đam mê thuở bé. “Tôi biết và yêu tò he từ 18 năm trước nhưng mãi đến giờ mới thực hiện được. Tôi ước mình có được cửa hàng nhỏ để dạy tò he miễn phí cho những ai yêu thích tò he ngay trên đất Vĩnh Long. Vùng đất yên bình, con người sống rất tình cảm đã giữ chân tôi hơn 4 tháng rồi mà vẫn chưa muốn đi”- anh Thạnh bày tỏ.
Cách nặn tò he không khó, “chỉ cần người nặn khéo léo và giàu trí tưởng tượng”. Tuy nhiên “Có bột mới gột nên tò he” nên giai đoạn làm bột là giai đoạn công phu nhất. Bột sau khi xử lý phải thật dẻo, không dính, màu bền, không bị loang ra khi đem trộn lẫn chúng vào nhau. Người làm tò he đặc biệt quan tâm đến thời tiết, nhiệt độ… vì đó cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng tò he. Nhiều lần xin được học công thức làm bột điều bị từ chối, anh Thạnh quyết tâm tự chế công thức bột tò he cho riêng mình bằng bột gạo, bột nếp và màu thực phẩm.
“Hơn một năm ròng tôi mất rất nhiều công sức và không biết mình đã bỏ bao nhiêu bột. Đến khi thành công tôi không diễn tả được cảm xúc của mình lúc đó. Thật sự hạnh phúc lắm”.
Tuy nhiên, điều làm anh Thạnh cảm thấy tâm đắc nhất chính là từ sản phẩm tò he nhiều du khách nước ngoài đã biết đến một loại hình nghệ thuật dân gian của Việt Nam. “Ở đây có sự kết hợp giữa nghệ thuật dân gian và hạt gạo quê mình. Qua những sản phẩm đã theo chân du khách về với nước họ, giá trị của hạt gạo cũng được tôn vinh. Có lần, những du khách nữ là người Nga đã mày mò cùng tôi cả ngày trời, chỉ để học được cách làm tò he để mang về làm trên đất nước họ.
Một ngày sẽ khó mà thành công, tuy nhiên tôi tin với niềm đam mê thì những du khách thân thiện ấy sẽ làm được. Vậy là thêm một cơ hội nữa giá trị hạt gạo được tôn vinh. Nếu có điều kiện, tôi sẽ mở một gian hàng, làm những sản phẩm tò he thật công phu với cách thức gói quà đẹp mắt để bán cho khách du lịch, tôi chắc chắn rằng du khách sẽ rất thích thú” - anh chia sẻ.
Tò he có thể ăn được, song trong quá trình bán thì anh Thạnh đều dặn những bạn nhỏ đừng nên ăn vì tuy được làm bằng bột gạo, nhưng do tiếp xúc nhiều với không khí, khói bụi nên ăn sẽ không tốt cho sức khỏe. Thêm vào đó, “tôi muốn các bé giữ lại tò he làm kỷ niệm để thêm yêu nghệ thuật này. Cũng từ suy nghĩ đó, tôi quyết định rắc kim tuyến lên tò he để ngăn các em ăn nó”. Vừa nặn tò he theo yêu cầu các em nhỏ, anh Thạnh nhớ “có khi các em nhỏ đông lắm, vây quanh mình, các bé đòi làm con này con kia, rồi có bé lại thấy bạn có con khỉ cũng muốn làm cho mình tò he hình con khỉ. Vui lắm”.
Ở đâu có những nghệ nhân tò he là có đám đông trẻ nhỏ xúm quanh. Chỉ được xem các nghệ nhân thao tác thôi, cũng đủ thấy mê rồi. Người làm tò he bây giờ cũng năng động rất nhiều trước thị hiếu của khách hàng. Nếu như ngày trước các đối tượng để nặn tò he chủ yếu là hình các loại trái cây, con vật,.. còn bây giờ, trẻ em còn đòi nặn cả hình nhân vật hoạt hình mà các em yêu thích.
Dịp Xuân Bính thân, anh Thạnh cũng sáng tạo ra thêm nhiều mẫu mã “con khỉ” rất đáng yêu, thu hút trẻ nhỏ lẫn phụ huynh của các em.
Không chỉ là một thứ đồ chơi dân gian mang đậm hồn dân tộc, những con tò he từ lâu đã được xem như những tác phẩm nghệ thuật và có sức hấp dẫn đặc biệt. Có dịp trò chuyện cùng “những người trong cuộc”, chúng ta hiểu vì sao họ yêu quý và trân trọng tò he đến thế.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin