Đình là công trình kiến trúc cổ truyền của làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân. Đình làng thường được bố trí ở trung tâm làng xã, địa điểm thoáng đãng nhìn ra sông nước. Trong tiềm thức văn hóa người Việt Nam, đình làng gắn liền với hình ảnh cây đa, giếng nước, là địa điểm sinh hoạt chung và là linh hồn của làng xã.
Đình là công trình kiến trúc cổ truyền của làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân. Đình làng thường được bố trí ở trung tâm làng xã, địa điểm thoáng đãng nhìn ra sông nước. Trong tiềm thức văn hóa người Việt Nam, đình làng gắn liền với hình ảnh cây đa, giếng nước, là địa điểm sinh hoạt chung và là linh hồn của làng xã.
Sừng sững bao đời trải nắng mưa
Cây đa nọ với mái đình xưa
Trơ gan tuế nguyệt cùng sông núi
Rộn rịp bốn mùa khách sớm trưa.
Nơi khẳng định chủ quyền
Mỗi khi lập làng thì phải xây dựng một ngôi đình. Vĩnh Long có rất nhiều ngôi đình xây dựng từ thế kỷ XVIII. Ví dụ như: đình Tân Hoa (nay là Tân Hòa Bắc) (1796), đình Long Thanh (1754),… Đình làng ở Vĩnh Long thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh (tức linh khí của làng được triều đình phong kiến chính thức sắc phong), các bậc tiền nhân có công lập ấp, giữ làng và các anh hùng liệt sĩ.
Thỉnh sắc ở đình Tân Giai, đình Hòa Phú. |
Năm Tự Đức thứ 5 (8/1/1853 âl), nhà Nguyễn cấp đồng loạt cho mỗi thôn xã ở Vĩnh Long một đạo sắc phong thần Thành Hoàng với mỹ tự “Quảng Hậu Chánh trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Chi thần”. Mục đích của triều Nguyễn muốn xác nhận chủ quyền trên vùng đất này, đồng thời tạo điều kiện bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Khoảng 15 năm sau, thực dân Pháp xâm chiếm vùng đất Nam Bộ, chúng muốn xóa sạch văn hóa dân tộc thuộc địa. Chúng đốt, bỏ bom phá đình làng nhưng chúng chưa từng làm được vì cháy đình này, dân ta lập đình khác. Riêng sắc phong của vua ban, có đóng mộc của vua luôn được gìn giữ và lưu truyền (*).
Về căn bản, những đình làng Vĩnh Long có nét tương đồng là ngôi nhà có 4 cột cái theo hình tứ trụ. Các ngôi nhà vuông nối nhau theo kiểu “xấp đọi”. Một số khác thì theo kiểu 3 gian 2 chái. Giữa là chính tẩm phía sau là nhà khách. Phía trước là võ quy và võ ca.
Không chỉ là không gian văn hóa, đình làng còn là nơi nuôi chứa cách mạng, ở huyện Vũng Liêm có một ngôi đình gắn liền với sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám, đó là đình Bình Phụng ở xã Trung Hiệp. Đình Bình Phụng được tạo lập vào năm 1920, bằng tre lá đơn sơ thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và những bậc tiền nhân có công với làng xã. Bên cạnh đó, dân làng còn thờ ông Tà theo tín ngưỡng dân gian Khmer.
Múa rồng hoặc hát bội trong lễ Hạ điền. |
Đình Long Thanh (nay thuộc Phường 5- TP Vĩnh Long) có vào khoảng năm 1754, sau khi 4 họ: Mai, Hồ, Mạc, Võ và nhiều lưu dân khác khai phá thành lập thôn Long Thanh thì ngôi đình làng này được xây cất tại vàm Bùng Binh, ấp Hưng Long (Phường 5 ngày nay). Trong quyển Lịch sử đình Long Thanh ghi rõ: Năm 1844, ông Nguyễn Văn Khiêm cúng 2 mẫu đất ở bờ sông Long Hồ để dời đình về đây. 29/11 năm Tự Đức thứ 5 (mồng 8 tháng Giêng năm 1853), đình Long Thanh được cấp sức Bổn Cảnh Thành Hoàng Chi Thần.
Mái nhà chung cho cộng đồng
Mỗi năm, các đình có 2 lần cúng là Hạ điền và Thượng điền để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Tuy nhiên, mỗi đình có thời gian cúng hơi khác nhau. Lễ Hạ điền lớn hơn lễ Thượng điền. Trong những ngày hội ở đình, “ai có gì cúng nấy, mọi người quây quần cùng chưng bày, lau dọn, nấu nướng, nhờ đó tình làng nghĩa xóm cũng thắt chặt hơn”- ông Nguyễn Bá Hải- Bồi bái đình Hòa Phú (xã An Phước- Mang Thít) cho biết.
Đình làng là nơi sinh hoạt cộng đồng cũng như điểm vui chơi. |
Không chỉ là nơi hoạt động của văn hóa dân gian, hiện nay một số ngôi đình còn kết hợp làm với trung tâm học tập cộng đồng, như đình Hòa Phú. Ở đây, ngoài 2 lần cúng đình, nhiều hoạt động như lớp xóa mù chữ, CLB cờ tướng, dạy nghề cho lao động nông thôn,… cũng được tổ chức.
Mỗi kỳ lễ Hạ điền, đình Long Thanh có hàng ngàn người dân đến cúng lễ, tham quan. Đây là lễ lớn nhất năm của đình. Cô Trương Thị Ngân- người đã trông coi đình này hơn 5 năm nay- cho biết: “Lễ Hạ điền vào 15, 16 và 17/3 âm lịch, chúng tôi đều có thuê gánh hát bội đến biểu diễn, bà con đến xem rất đông vui”.
Khác với các đình bạn, đình Tân Giai (Phường 3- TP Vĩnh Long) còn có thêm lễ giỗ Tống quốc công Tống Phước Hiệp vào ngày 2- 3/6 âm lịch hàng năm. Trong đó, ngày 2/6 sẽ đi rước sắc ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long về để làm nghi lễ phơi sắc.
Dịp này, có rất nhiều bà con đến xem sắc và xem múa rồng. Cùng bạn bè dọn dẹp đình sau lễ Thượng điền, sinh viên Lê Kim Trúc Quyên- ngành kiến trúc, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cười: “Em đã đi cúng đình được 2 lần. Em thấy rất vui và học hỏi được nhiều thứ như chánh tế, thỉnh sắc,…”. Là quân lính khiêng kiệu khi thỉnh sắc, sinh viên Viên Hoàng Phương- ngành xây dựng- góp lời: “Ban đầu đóng vai lính, tôi thấy ngồ ngộ. Khi bắt tay vào việc thì tôi đã cảm nhận được không khí trang nghiêm và nét đẹp văn hóa trong nghi thức thỉnh sắc”. Theo ông Võ Trung Hải- Phó Ban quản lý đình Tân Giai: “Đình không chỉ là nơi hội họp của các cụ, các chú mà nhiều sinh viên cũng đến cùng làm việc đình”.
Ông Nguyễn Bá Hải cho rằng: Đình làng có sự tiếp biến theo dòng chảy lịch sử. Xuất hiện ban đầu mang tính chất bản địa là đình trạm, rồi thờ Phật mang chức năng tôn giáo, rồi lại đảm trách nhiệm thêm chức năng thờ hậu thần. Về sau thêm một chức năng nữa là công sở hành chánh, nơi sinh hoạt cộng đồng,… Có thể nói, đình làng là ngôi nhà chung của làng xã. l
(*)Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732- 2000), Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long biên soạn, xuất bản tại NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.
BÀI, ẢNH: CAO HUYỀN- KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin