Hình ảnh con khỉ biểu trưng cho sự nhanh nhẹn, tinh nghịch, láu lỉnh. Bởi vậy, khi nhận xét về một đứa trẻ nghịch ngợm, có khi họ nói "nghịch như con khỉ"! Còn khi một đứa trẻ chơi đùa để mặt mày lấm lem thì họ cũng nói "nhìn như con khỉ vậy"! Để khẳng định điều này, chúng ta hãy đến đảo Khỉ để xem những chiêu trò của khỉ.
Hình ảnh con khỉ biểu trưng cho sự nhanh nhẹn, tinh nghịch, láu lỉnh. Bởi vậy, khi nhận xét về một đứa trẻ nghịch ngợm, có khi họ nói “nghịch như con khỉ”! Còn khi một đứa trẻ chơi đùa để mặt mày lấm lem thì họ cũng nói “nhìn như con khỉ vậy”! Để khẳng định điều này, chúng ta hãy đến đảo Khỉ để xem những chiêu trò của khỉ.
Con khỉ đầu đàn ngồi chễm chệ trên cây. |
Nằm cách trung tâm TP Hồ Chí Minh hơn 50km về phía Nam, huyện Cần Giờ là một trong những địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng đối với nhiều du khách. Từ một “vùng đất chết” hoang tàn bởi bom đạn và chất độc hóa học của chiến tranh tàn phá ngày nào, giờ đây, rừng ngập mặn Cần Giờ được coi là một trong những cánh rừng đẹp nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Đến đây, ngoài những điểm tham quan lý tưởng khác, bạn sẽ được hòa mình trong không gian ở Lâm viên với hơn 1.500 chú khỉ nghịch ngợm được thả tự nhiên.
Tuy nhiên, bạn nên chú ý vì máy ảnh, túi xách và các đồ ăn mang theo... kể cả những vật dụng mang trên người như dây chuyền, kính đeo mắt... đều có thể bị đàn khỉ “cướp” mất. Những chú khỉ hiếu động, dạn dĩ, nghịch ngợm, láu lỉnh... chỉ có thể nói là... đồ khỉ sẽ ngang nhiên giật nhanh như chớp những món đồ trên tay hay trên người của bạn. Không biết từ bao giờ khu du lịch này có tên gọi là đảo Khỉ, mặc dù tên “khai sinh” là Lâm viên Rừng Sác. Có lẽ do khỉ chiếm số lượng khá lớn, cũng như chuyện “quậy” tưng bừng của chúng.
Vừa vào tới cổng Khu du lịch Lâm viên, bạn sẽ thấy rải rác vài chú khỉ thong dong đi lại trên con đường nhựa như đón du khách. Tại điểm bán vé tham quan, các nhân viên Lâm viên căn dặn rất kỹ du khách: cất vào giỏ những vật dụng như túi xách tay, kiếng đeo mắt, dây chuyền... và những vật dụng không cần thiết khác để đề phòng lũ khỉ giật mất.
Dù bực mình khi bị quấy rầy nhưng du khách nữ cũng thường mua mía, đậu phộng cho chúng ăn và đùa giỡn. |
Vừa đi đường xa bằng xe máy, trời nắng nên chúng tôi ghé vào căng tin, phía trước Lâm viên và kêu nước uống. Vừa đem nước uống ra, cô nhân viên phục vụ mang cây roi tre dài chừng 70cm được chuốt kỹ lưỡng bóng nhẵn đặt lên bàn cạnh ly nước nghe “cái cốp”. Giật mình lẫn “ngạc nhiên chưa”, chúng tôi cười xòa khi nghe cô nhân viên giải thích “để cây roi như vậy bọn khỉ ít dám đến giật ly nước”. Tôi gọi là “đả khỉ bổng” (roi đánh khỉ), cô nhân viên cười hỉ hả đồng tình.
“Cây roi này em xài nhiều năm rồi đó. Bọn khỉ phá phách dữ lắm, sơ hở là nó lục chỗ này, lấy cái kia. Thậm chí nếu sơ hở thì tủ lạnh ướp nước cũng bị nó lục lọi, lấy nước. Nó phá dữ lắm; ngay cả thùng rác ở đây nó cũng lục lọi, rồi xả rác tùm lum. Chúng em lượm gom lại muốn chết. Cầm cây roi lên thì bọn nó chạy, chút xíu lại xáp vô, hễ có cơ hội là chộp cái gì đó rồi chạy”- cô nhân viên cười cho biết.
Thấy tôi đeo kính, cô nhân viên kêu cất kính vào giỏ, nếu thấy không cần thiết, để đề phòng bọn khỉ “cướp giật”. Rồi cô minh chứng: “Buổi sáng, có đoàn khách đi xe 16 chỗ vừa dừng ngay cổng vào. Một du khách nam có đeo kính bước xuống xe trước. Như đã rình sẵn, một con khỉ nhào lên chộp lấy cái kính, mặc dù giữ lại được, nhưng anh ấy cũng bị trầy mặt, rướm máu”.
Sâu vào trong một đoạn, chúng tôi thấy bầy khỉ hàng trăm con “dàn trận” trên đường đan, trên bãi cỏ, rồi “mai phục” trên cây hoặc đi lòng vòng kiếm ăn. Thấy du khách vào là chúng lại vây quanh, nhìn chằm chằm quan sát. Có con thì đi nhởn nhơ hay ngồi gặm rễ cây như chẳng có chuyện gì. Đặt giỏ xách xuống đất, tôi móc máy chụp hình ra, anh bảo vệ ngồi gần đó nói lớn: “Anh đeo máy ảnh vào cẩn thận, để chúng giật rớt hư máy nhe”!
Lát sau, có tiếng khóc ré của đứa bé khoảng 5- 6 tuổi, tôi nhìn lại đã thấy chú khỉ ngồi gần đó thản nhiên nhai cái bánh lá dừa. Mẹ cậu bé dỗ dành: “Thôi nó giỡn đó, cho nó ăn, lát nữa ra chợ mẹ mua cho cái khác”! Rồi chị nói với những người xung quanh: “Nó đòi mua bánh nhưng không ăn, cứ xách tòn ten hoài vậy đó, bây giờ thì cho khỉ ăn rồi!”
Từng bầy khỉ dày đặc trên đường vây quanh du khách. Bảo vệ Lâm viên phải canh để can thiệp khi chúng quấy rối du khách. |
Anh Lê Văn Hải- nhân viên Lâm viên cho biết: Từ số lượng ban đầu rất khiêm tốn, chỉ khoảng trăm con, hiện số lượng khỉ ở đây đã lên đến khoảng 1.500 con. Khỉ ở Lâm viên rất dạn, nó không sợ người mà ngược lại đôi khi du khách còn phải hốt hoảng bởi những hành vi “ăn cướp trắng trợn” giữa ban ngày của chúng. Nhiều du khách, trẻ em thường bị giật bánh trái trên tay.
Nếu không “cướp” được thì chúng không bao giờ “buông tha”. Bởi vậy khi du khách vào khu du lịch, người hướng dẫn sẽ khuyến cáo trước: “không mang theo thức ăn và tốt nhất là đừng ăn, đừng mang những trang phục có màu sắc sặc sỡ. Khi bị khỉ giựt đồ thì đừng đuổi theo chúng mà phải báo ngay cho đội bảo vệ để kịp thời xử lý…”
Vừa đi, vừa nói chuyện, bỗng nghe tiếng “Á”... Nhìn lại, đã thấy một chú khỉ ôm cái áo khoác trắng của một nữ du khách đang ngồi vắt vẻo tỉnh bơ trên cây đước. Anh Hải lấy bịch đậu phộng quăng lên, con khỉ liền chụp lấy và quăng trả lại cái áo. Rồi cũng gần đấy, một nữ du khách Tây cũng “Á” lên, một con khỉ đã “nẫng” cái nón tai bèo của cô khách Tây vừa mua ở quầy bán quà lưu niệm. Anh Hải lại quăng lên 1 bịch đậu phộng, chú khỉ mới chịu trả lại nón. Một du khách nam đi phía sau nói vui: “Bọn khỉ này cũng biết bắt con tin để trao đổi…”
Anh Hải cho biết thêm: Một ngày trung bình phải tốn từ 35 đến 40kg gạo kèm theo chuối, khoai lang, trái cây (tùy theo mùa) cho khỉ ăn. Ngày nào cũng thế, khi mặt trời đứng bóng, nghe tiếng hú vang vang hoặc tiếng gõ kẻng là họ hàng nhà khỉ bồng bế nhau từ trong rừng tràn ra con lộ đất để ăn trưa. Mỗi con một “tính cách”. Khỉ mẹ ôm con ngồi chăm chỉ bốc cơm lia lịa.
Các “cô”, các “cậu” choai choai ăn vội ăn vàng rồi phóng lên cây đu đưa, chí chóe trêu ghẹo nhau. Những “ông tướng” thì mắt liếc ngang, liếc dọc, bốc đầy họng cơm rồi đủng đỉnh tới lui, giả tảng nhìn xa xăm, rồi thoắt một cái, phóng đến cướp đồ đạc của một du khách đang cầm hớ hênh trên tay.
Ở đây chủ yếu là khỉ đuôi dài, cứ khoảng 3- 4 tháng đến một năm lại xảy ra việc “lập lại trật tự” ở cộng đồng khỉ. Lớp trẻ mạnh lên có nhu cầu cát cứ lãnh địa riêng của mình và cuộc lật đổ, tranh ngôi chúa diễn ra thường xuyên như một bản năng. Có sức sẽ có rừng, có nhiều khỉ cái.
Giờ đây, khỉ ở đảo đã chia thành 6 bầy. Họ hàng nhà khỉ cũng rất biết tôn trọng chủ quyền của nhau. Khi bạn thả một miếng thức ăn xuống đất thì chúng nhào vô giành giật nhưng hễ có một con đã cầm chắc trong tay rồi (lớn hoặc nhỏ) thì những con khác không xông vào “cướp” lại.
“Cứ mỗi tháng phải đếm số lượng một lần, vừa đếm vừa dùng camera ghi hình lại để kiểm lại cho chính xác. Khi rải gạo, lần lượt bầy này ra ăn rồi đến bầy khác. Bầy mạnh ăn trước, rồi từ từ đến bầy yếu, vì vậy cũng dễ đếm chứ không khó lắm. Trung bình mỗi năm số lượng khỉ tăng khoảng 10%”- anh Hải kể.
Anh Hải kể chuyện vui: “Thông thường đàn ông, thanh niên đi một mình ít bị lũ khỉ phá phách, nhưng gặp nữ đi lẻ hoặc 2 người thì bị bọn chúng quậy dữ lắm. Nào là nắm áo quần, leo lên người giật kẹp tóc, đồ đạc... cả nhân viên ở đây cũng bị vậy. Vì vậy, đa số nhân viên nữ được sắp xếp công việc ở ngoài cổng như bán vé, phục vụ căng tin... Có người nói chúng thích phụ nữ, nhưng theo tui thì chắc chúng biết phụ nữ nhút nhát nên dễ quậy hơn”.
Dọc theo tuyến tham quan du lịch, chúng tôi thấy có thùng đựng rác nhưng không có… rác. Anh Hải giải thích: “Thùng rác để ở đây cho có, chứ thực ra không có rác. Khách ý thức bỏ rác vào thùng thì khỉ nhào đến cướp lấy đem lên cây xả xuống rừng. Nắp đậy kín, chúng hè nhau khiêng và đập bể để tìm rác. Chúng tôi có những nhân viên thường xuyên đi nhặt rác, gom lại và chuyển ra ngoài Lâm viên…” Anh Hải còn cho biết, hiện Ban quản lý Lâm viên đang mở thêm đường sâu vào từng khu vực để phục vụ nhu cầu du khách nhiều hơn, và cũng để cho những bầy khỉ giãn mật độ ra theo du khách, như vậy chúng cũng bớt quậy hơn.
Tổng diện tích Lâm viên hiện nay khoảng 2.214ha với độ che phủ rừng đạt 80% diện tích tự nhiên, hệ thống động- thực vật phong phú và đa dạng. Trong đó, có những loài thú quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam như cá sấu hoa cà, rái cá lông mượt, giang sen, bồ nông xám, mèo cá,… Đặc biệt và ấn tượng nhất vẫn là họ hàng nhà khỉ rất dạn dĩ với người.
Bạn có thể ngắm chúng rất gần, cho chúng ăn và chơi đùa với chúng, nhưng hãy cảnh giác là đừng bao giờ chọc ghẹo! Đặc biệt trong năm Bính Thân này, chắc chắn sẽ có nhiều đoàn du khách hành hương về đảo Khỉ để “xông đất” đầu năm! Đến đảo Khỉ, ngoài việc ngắm nhìn lũ con cháu Tôn Ngộ Không, chúng ta còn có dịp trở về với khu tưởng niệm Di tích lịch sử rừngSác- Cần Giờ! L
BÀI, ẢNH: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin