Đài Phát thanh Giải Phóng vang vang trong vùng địch những ngày giáp tết

06:02, 13/02/2016

Từ những khoản tiền dành dụm được, cận Tết Nguyên đán năm 1972, ông Nguyễn Văn Tý- có người còn gọi là Tư Tý hay thợ mộc Tý, cư ngụ ấp Hiếu Văn, xã Hiếu Thành nay là ấp Hiếu Hạnh xã Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) mua được cái radio

Từ những khoản tiền dành dụm được, cận Tết Nguyên đán năm 1972, ông Nguyễn Văn Tý- có người còn gọi là Tư Tý hay thợ mộc Tý, cư ngụ ấp Hiếu Văn, xã Hiếu Thành nay là ấp Hiếu Hạnh xã Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) mua được cái radio.

Ông Tý có dáng người cao to, râu rìa lông ngực nhưng bị bệnh lảng tai (nghe kém). Ngoài nghề mộc ông Tý còn làm được cái vó hàng ngày đặt trên con sông Ngã Chánh để bắt cá tép cho bữa ăn gia đình và bán để tăng thu nhập cho gia đình.

Từ trại mộc và cũng là nhà ở cách cái vó khoảng 50 đến 60m, lại bị lảng tai nên để nghe được cải lương hay thời sự ông Tý lúc nào cũng mở radio thật lớn, cả xóm đều nghe được.

Hồi ấy, Hiếu Văn là “ấp Chiến lược” lại nằm cặp theo Đường tỉnh 36 (nay là 906) nên bọn địch hàng ngày luôn lui tới.

Nhưng vốn căm thù giặc và có nhiều tình cảm với cách mạng nên từ khi có được cái radio, ông Tý luôn mở Đài Phát thanh Giải Phóng. Bọn tay sai ở ấp Hiếu Văn lúc ấy dù phát hiện điều này nhưng vẫn không dám phản ứng vì sợ sự thẳng thắn dám nói dám làm của ông.

Vì vậy nên chúng đã phải báo cáo lên bọn “Bình định”. Sáng ngày 29 Tết Nguyên đán năm 1972, một toán “Bình định” từ Nhà Đài đi vào. Khi chúng dẫn đến nhà ông Trần Văn Sanh (Bảy Sanh) ở bên này bờ sông, đối diện với nhà ông Tý, nghe tiếng radio nhà ông Tý phát vang bảng tin thời sự của Đài Phát thanh Giải Phóng.

Lập tức hai tên trong bọn này, không cần hỏi chủ hung hăng lấy chiếc ghe của ông Sanh bơi liền qua nhà ông Tý, miệng thì quát tháo: “Tắt mau nếu không tao kéo đầu mầy bỏ tù chết mẹ”.

Lúc này ông Tý đang ráp cái khung tủ chén cho người hàng xóm, do tiếng radio quá lớn nên không hay biết điều gì.

Chừng hai tên “Bình định” bước vào nhà hùng hổ lập lại lời đe dọa ấy; ông Tý đứng lên bình tĩnh nói: “Nè tôi nói cho hai ông biết, cái radio này tôi mua tại tiệm Sung Phát Lợi ở chợ Vĩnh Long, có giấy phát- tia (hóa đơn) đầy đủ, chớ không phải tôi làm được cái radio này nên trong đó tôi bắt được đài nào thì tôi hát bài đó.

Thấy ông Tý dáng người vạm vỡ, giọng nói dứt khoát lại cũng có cái lý của nông dân nên một trong hai tên “Bình định” này thấy khó mà hù dọa nên đổi giọng: “Ông có mở thì cũng có mở nhỏ đủ nghe thôi, chớ còn mở như vầy là ông tuyên truyền cho Việt Cộng đó; nếu ông còn mở như vầy nữa là tôi tịch thu cái radio ông đó”.

Nghe tên “Bình định” này nói vậy, đôi chân mày rậm của ông Tý như dựng lên, mặt đỏ bừng: Nè, tôi nói cho hai ông biết, tôi bị điếc mà mở nhỏ làm sao nghe được, không tin hỏi bà con chung quanh coi tôi có điếc không? Còn bây giờ ai mà lấy cái radio này của tôi thì tôi sẽ lấy cái búa đập bể đầu nó liền”.

Nghe ông Tý miệng nói thế mà mắt thì nhìn chầm chầm vào cái búa thợ mộc bén ngót nằm bên cạnh. Hai tên “Bình định” tên nào mặt cũng biến sắc, nhìn nhau không nói gì, lặng lẽ đi xuống sông bơi ghe về trả cho ông Sanh rồi rút luôn theo đồng bọn.

Vậy là từ đó cho đến ngày miền Nam giải phóng, bà con xóm giềng quanh nhà ông Nguyễn Văn Tý, ở ấp “Chiến lược” Hiếu Văn ngày đêm luôn được nghe vang vang các chương trình phát thanh Giải phóng.

Trọng Lai

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh