Lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn: Nâng tầm, thu hút du khách

06:01, 17/01/2016

Diễn ra vào 2 ngày 10- 11/2/2016 (tức mùng 3, mùng 4 Tết Bính Thân), lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn là sự kiện đầu tiên trong chuỗi 65 hoạt động từ Trung ương đến các địa phương, được tổ chức để chào mừng Năm Du lịch quốc gia với chủ đề "Phú Quốc- ĐBSCL" khai mạc tại Kiên Giang vào tháng 4/2016.

Diễn ra vào 2 ngày 10- 11/2/2016 (tức mùng 3, mùng 4 Tết Bính Thân), lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn là sự kiện đầu tiên trong chuỗi 65 hoạt động từ Trung ương đến các địa phương, được tổ chức để chào mừng Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Phú Quốc- ĐBSCL” khai mạc tại Kiên Giang vào tháng 4/2016.

Lễ hội Lăng Ông Nguyễn Văn Tồn luôn thu hút đông du khách Kinh- Hoa- Khmer đến tham gia.
Lễ hội Lăng Ông Nguyễn Văn Tồn luôn thu hút đông du khách Kinh- Hoa- Khmer đến tham gia.

“Vệ tinh” quan trọng

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) Vĩnh Long cho biết, do là sự kiện đầu tiên của cả nước để hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia, nên rất chú trọng trong việc xây dựng kế hoạch, chọn những hoạt động phù hợp, xứng tầm để tổ chức tại Lăng Ông Nguyễn Văn Tồn, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người, những lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch và các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống độc đáo của Vĩnh Long đến với bạn bè, khách du lịch bốn phương.

Dịp này, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đánh trống khai hội để kỷ niệm 196 năm ngày mất ông Nguyễn Văn Tồn (4/1/1820- 4/1/2016 âm lịch)

Bên cạnh đó, Sở VH, TT và DL phối hợp UBND huyện Trà Ôn tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để phục vụ nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Nổi bật là liên hoan ẩm thực và làm bánh chủ đề “Món ngon ngày tết”, với sự tham gia của 15 gian hàng đến từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian; triển lãm 150 tên báo, tạp chí xuân trong cả nước và trưng bày 80 hình ảnh, tư liệu chuyên đề “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tỉnh Vĩnh Long”.

Ông Trần Văn Bảy- Trưởng Ban Quản lý Di tích Lăng Ông Nguyễn Văn Tồn thông tin thêm, Ban quản lý di tích cũng có nhiều hoạt động để hưởng ứng sự kiện này. Cùng với những nghi thức lễ truyền thống, đọc kinh cầu cho quốc thái dân an, trình diễn nhạc lễ của 3 dân tộc Kinh- Hoa- Khmer, múa lân nghệ thuật như hàng năm, năm nay Ban quản lý di tích còn mời đoàn hát Minh Khai (Sóc Trăng) đến biểu diễn hát bội gồm những vở tuồng cổ mang tính kinh điển làm say đắm nhiều thế hệ người hâm mộ như: “Điêu Thuyền- Lữ Bố”, “Châu Tiên phục nghiệp”, “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”, “Ngũ sắc châu- Tôn vương”.

Ông Nguyễn Văn Thanh- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phát triển du lịch Vĩnh Long hy vọng với những hoạt động được tổ chức tại Lăng Ông Nguyễn Văn Tồn, Vĩnh Long sẽ là một trong những “vệ tinh” quan trọng đóng góp vào sự thành công của Năm Du lịch quốc gia 2016 và tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách về một Vĩnh Long thân thiện, hiếu khách.

Vị phúc thần của nhân dân

Ông Từ Hoàng Đương (Trà Ôn) rất phấn khởi khi di tích được chọn để tổ chức các hoạt động chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2016. Ông vui mừng nói: “Đây không chỉ là niềm vui riêng của tôi, mà chắc còn là niềm vinh dự chung của người dân Trà Ôn. Tôi chắc rằng, các hoạt động diễn ra tại lễ hội là điều kiện thuận lợi để thu hút du khách đến với Lăng Ông nhiều hơn”.

Lăng Ông Nguyễn Văn Tồn tọa lạc tại ấp Giồng Thanh Bạch (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) bao gồm: chánh điện, võ ca, nhà khách, phần mộ thờ Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn và phu nhân của Ông. Ông Nguyễn Văn Tồn là người Khmer, tên thật là Thạch Duồng.

Năm 1802, ông được vua Gia Long phong chức Cai Cơ, trấn giữ đồn Trà Ôn (thuộc Trấn Giang), kiêm quản hóa phủ Trà Vinh và Mang Thít (thuộc Vĩnh Trấn). Ông có công giúp nhà Nguyễn dẹp loạn ở biên giới Tây Nam. Năm Gia Long thứ bảy (1808) và năm Gia Long thứ mười (1811), ông được triệu về kinh nhận thưởng và được thăng chức Thống chế, tước Dung Ngọc Hầu. Công đức lớn của ông là giúp dân vùng Trà Ôn, Trà Vinh, Mang Thít khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng…

Do lao tâm, lao lực, ông bị bệnh mất vào đầu năm 1820 và được triều đình truy tặng Tiền quân Thống chế, được tống táng theo nghi lễ. Cũng trong năm này, nước ta bị trận dịch lớn làm chết hàng vạn người. Trong lúc nguy ngập, ông được người dân địa phương xem như một vị thần linh bảo hộ, một vị tiền hiền. Người Hoa xem ông như ông Bổn ở địa phương, được thờ cúng dưới dạng “Báo hổ tư nguyên” và được vua nhà Nguyễn phong Trung Đẳng thần vào năm 1844.

Còn nhân dân Trà Ôn thì “xem Ông như vị phúc thần phò trợ cho bà con nơi đây được an cư lạc nghiệp”- ông Từ Hoàng Đương khẳng định như vậy và cho chúng tôi biết thêm: “Hàng năm cứ vào ngày mùng 3, mùng 4 tháng Giêng, hàng chục ngàn lượt nhân dân gồm người Kinh- Hoa- Khmer từ khắp nơi kéo về đây vui tết và cùng chung lo lễ giỗ của Ông. Sau này, quy mô lễ hội ngày càng được mở rộng chẳng những ở huyện Trà Ôn mà còn lan rộng ra khắp tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh lân cận cũng về dự”.

Vài năm trở lại đây, ngành VH, TT và DL Vĩnh Long đã có nhiều động thái để nâng tầm giá trị, sức ảnh hưởng của lễ hội Lăng Ông Nguyễn Văn Tồn như: xây dựng Đề án nâng lên lễ hội cấp tỉnh; tổ chức các hoạt động thể thao, tái hiện và khôi phục một số trò chơi dân gian truyền thống của địa phương trong dịp lễ hội.

Hiện, bên cạnh việc phát triển du lịch theo thế mạnh hiện có như du lịch sinh thái miệt vườn, homestay... thì Vĩnh Long cũng tập trung đầu tư phát triển du lịch gắn với các di tích danh nhân, di tích lịch sử văn hóa, trong đó có Di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn theo định hướng của Nghị quyết phát triển du lịch giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành, để di tích này là một trong những điểm đến lý tưởng, hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.

Ông Từ Hoàng Đương: Tôi rất tự hào vì ở huyện Trà Ôn có được di tích cấp quốc gia Lăng Ông Nguyễn Văn Tồn. Tôi sẽ cùng với các thành viên Ban quản lý di tích luôn cố gắng giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, để di tích và lễ hội sớm trở thành di sản văn hóa của quốc gia.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TÂM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh