Bất chợt tôi thấy đôi mắt Dung thoáng chút xao xuyến khi nét cọ chấm vào nhụy hoa. Hoa bỗng rực rỡ nhưng tay Dung run run.
Bất chợt tôi thấy đôi mắt Dung thoáng chút xao xuyến khi nét cọ chấm vào nhụy hoa. Hoa bỗng rực rỡ nhưng tay Dung run run.
Ảnh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long) |
Mái tóc cắt ngắn phủ xuống che khuất một phần khuôn mặt cô gái, để lộ một bên gò má và cái sống mũi thăng thẳng. Đôi mắt đen sáng lay láy hướng dẫn từng nét cọ nhún nhảy một cách uyển chuyển, khi chậm khi mau trên tay cô.
Trong gian phòng vẽ gốm sứ tĩnh lặng, nổi bật hình cô với thế ngồi chăm chú làm việc như một bức tượng. Đoàn khách được tham quan, được ngắm nhìn tận mắt những màu sắc trên gốm sứ và những nét hoa văn cực kỳ tinh xảo, sống động trên mỗi tác phẩm. Khách thỏa thích trầm trồ khen ngợi những tác phẩm gốm sứ mới ra lò, những tác phẩm được ưa chuộng nhất ở thị trường trong và ngoài nước.
Lời giới thiệu của nhân viên cứ thao thao bất tuyệt làm khách say sưa theo những sắc màu. Cô gái như không cảm nhận những sự việc xung quanh, mắt, tay cứ mải mê trên chiếc ấm trà. Có lẽ đây là công đoạn tương đối hoàn chỉnh chiếc ấm chuyển sang qua công đoạn của người thợ vẽ. Kìa!
Chừng như cô gái đang tô màu đỏ cho sắc hoa, màu đỏ tươi lắm phản chiếu lên đôi môi, gò má một chút hồng như vừa mới trang điểm. Tuyệt vời!
Tôi tách mình ra khỏi lời giới thiệu của nhân viên hướng dẫn và với đoàn từ lúc nào không hay biết, để cho nét vẽ và sắc màu trên chiếc ấm mê hoặc. Tôi trôi theo từng nét chấm phá, từng nét nặng, nhẹ của cây cọ trên tay cô gái mà quên đi nhịp tim của mình se lại khi nét cọ mong manh kéo một vệt dài như sợi chỉ. Tim đập mạnh khi nét cọ bỗng dừng lại rồi phẩy một nét rất đậm trên nền chiếc ấm.
Không gian dừng lại, lòng tôi bồi hồi đôi chút. Cô gái chừng như không di chuyển mà chỉ ngồi để lộ đôi chân ngắn ngũn teo tóp. Tim tôi bỗng dưng đau nhói và từ từ lui ra khỏi gian phòng, bỏ lại sau lưng đoàn người và lời thuyết mình đeo đuổi.
Bên tách trà, ông Hà- chủ lò gốm sứ chia sẻ với tôi: “Cô bé anh thấy đó tên Dung, con nuôi của tôi. Cha mẹ nó trước làm công nhân ở đây, hoàn cảnh cuộc sống áo cơm không mấy dư dả, rủi cho con bé sớm mồ côi mẹ, cha bỏ đi xứ khác…”
Ông Hà ngừng lại nuốt nước bọt như khó nói điều gì đó, rồi tiếp: “Tôi nhận nuôi con bé lúc nó tám tuổi cho học chữ và học vẽ. Giờ con bé tốt nghiệp mười hai và có bằng trung cấp hội họa. Điều bất hạnh cho bé Dung là đôi chân có tật bẩm sinh đi đứng chậm chạp trên nạng gỗ. Để bù lại nỗi bất hạnh này, trời phú cho con bé đôi tay với nét vẽ tuyệt vời. Từ lúc bắt tay vào vẽ, Dung đã thể hiện những đường nét tuyệt vời trên gốm mà tôi không thể ngờ được! Tôi thương yêu Dung như con ruột của mình”.
Sau chuyến đi thực tế ấy, hình ảnh và nét vẽ của Dung cứ như hiển hiện trong đầu tôi. Không biết bất ngờ bị nét vẽ của Dung làm mê hoặc hay hoàn cảnh bất hạnh của cô bé đáng thương ám ảnh lấy tôi. Tôi thường xuyên hỏi thăm cô bé qua điện thoại của ông Hà và ông cũng vui vẻ kể chuyện với tôi về cô, về sự thông minh, hiền ngoan dễ thương.
Tôi tự dưng thương ké với ông Hà, lâu lâu có dịp ngang qua cũng dừng lại ghé thăm cơ sở của ông Hà, thăm Dung, và không ngần ngại tặng Dung những món quà coi như con. Dung cũng mến tôi và gọi bằng bố, đôi lần Dung bày tỏ cảm nghĩ: “Đời con bất hạnh nhưng bù lại sự hụt hẫng đó bằng hai tình thương của hai người cha nuôi. Tình cảm này đem lại cho con sự ấm áp và giúp cho con thêm nghị lực trong cuộc sống”.
Mối tình cảm của tôi, ông Hà và Dung ngày một thắt chặt. Có khi ông Hà chở Dung qua thăm tôi, nhà ở cách nhau trên 30 cây số nhưng thường qua lại thăm nhau. Có khi tôi qua ông Hà cùng chở nhau đi ăn, đi mua sắm cho Dung. Có lần tôi chở ông Hà và Dung đi ăn tối. Nhắc những chuyện đời bỗng dưng Dung khóc, nước mắt rưng rưng chảy dài xuống má. Tôi vuốt ve an ủi Dung và hỏi “sao con khóc?”
Dung không trả lời mà lặng lẽ nhìn dòng người đi xuôi ngược ngoài đường. Ông Hà nói: “Con thường khi ngồi khóc một mình, những khi như vậy cứ để cho nó với khoảng lặng rồi từ từ nó bớt xúc động”. Tôi lấy khăn lau đưa cho Dung, Dung gật đầu cám ơn. Buổi đi ăn tối tưởng cho Dung vui nào ngờ con tủi thân khóc làm cho tôi và ông Hà cũng không vui gì nên về sớm.
Ngày ngày, Dung an phận với công việc, nhưng trong ánh mắt chừng chứa đựng một nỗi niềm đau khổ, sâu lắng khó tả. Đôi mắt luôn đượm nét buồn trầm lặng như dòng sông Cổ Chiên bên thành phố này. Đôi lần tôi hỏi về ao ước của con, Dung thỏ thẻ: “Niềm mong ước lớn nhất của con là được tham khảo, học hỏi sâu về nghề gốm sứ ở Việt Nam và những nước có nền công nghệ hiện đại, sự pha trộn giữa màu sắc, hoa văn và màu men của họ qua nhiều thời kỳ lịch sử của đồ gốm sứ”.
Tôi bất ngờ nghe lời nói phát ra từ cửa miệng của Dung, của cô bé chưa tròn 22 tuổi. Lòng tự dưng cảm phục ý chí nguyện vọng của con bé, nhưng tôi vẫn chưa hài lòng với suy nghĩ ấy, hỏi Dung: “Ngoài ước ao lớn như vậy, con có ước ao gì về hạnh phúc đời mình không?” Dung cười ngây thơ hỏi lại tôi: “Bố ơi, con có thể có quyền làm mẹ, làm vợ như những cô gái bình thường khác hay không?”
Tôi ngồi nhìn ra khoảng sân chói chang bóng nắng trưa khóe mắt hơi cay cay, chừng như nỗi cảm xúc dâng lên muốn rơi nước mắt. Cố dằn lòng, tôi nói: “Có chứ! Con vẫn bình thường, suy ra cho cùng con có chút khuyết tật ở đôi chân nhưng bù lại đó con có khuôn mặt đẹp, đẹp vượt trội hơn mọi người con gái khác.
Bên cạnh đó, con còn có ông bố nuôi là chủ doanh nghiệp gốm sứ ăn nên làm ra hết mực thương yêu con. Với địa vị ấy, ông Hà có thể tạo cho con một người chồng biết chiều chuộng, thương yêu vợ, chung thủy với con. Con yên tâm, việc hạnh phúc này bố Hà và bố sẽ thực hiện được cho con.
Những lần thăm hỏi nhau, ông Hà tâm sự: “Tôi thấy con Dung ngày một lớn, có nghề trong tay, nhan sắc không đến nỗi tệ, nên tôi đã lựa cho con một tấm chồng, hy vọng đời con sẽ được hạnh phúc. Tôi hỏi: “Cậu ấy ở gần nhà anh không? Và đang làm nghề gì?”
Ông Hà trả lời: “Là cháu ruột cũng là con nuôi của người bạn cùng nghề gốm với tôi. Thằng này chăm chỉ và siêng năng với nghề, ít rượu chè, tính tình hiền hậu, dễ thương”. Tôi nghe mừng, gặng hỏi: “Nhưng anh có chắc là nó thương con gái mình không?
Con của mình mang tật đôi chân, gia đình họ có biết không?” “Dạ biết! Ông già nuôi cậu ấy có đôi lần ghé chỗ tôi và tận mắt thấy Dung đang vẽ, ông ấy rất mến thương Dung, thằng đó cũng ưng ý!” Tôi nghe mừng vui trong bụng, như con ruột của mình có mối mang đến cưới xin.
Tôi được tham gia cùng với gia đình ông Hà bàn chuyện cưới gả Dung. Thấy Dung cười nói bên Tân- chồng tương lai của con, lòng tôi vui ngây ngất trong dạ. Đám cưới của Tân và Dung được người lớn đôi bên định đoạt và tiến hành vào cuối năm, cưới xong ăn tết. Theo lời đề nghị của ông Hà, tôi nên sắm một bộ veston cùng màu áo với ông Hà cho hai bố nuôi giống nhau trong ngày vui. Nghĩ tới hạnh phúc của con, tôi cũng vui lây đi đặt may ngay một bộ quần áo cho kịp ngày vui của con.
- Em có khuôn mặt trái xoan, nước da trắng mịn, sống mũi thẳng, đôi môi đẹp, ăn nói lại có duyên, ông xã cô chắc ưng ý lắm. Nè, em chọn áo cưới màu hồng phấn và màu vàng đi. Ui, màu nào đối với em cũng đẹp! Tóm lại em chọn màu nào cũng đẹp!- lời của chị chủ tiệm cho thuê áo cưới.
Tân lựa cho Dung một màu hồng phấn và bộ màu vàng, Dung mỉm cười gật đầu. Thấy hai đứa chọn áo cưới cho nhau, chị chủ tiệm buột miệng khen: “Hai đứa biểu lộ tình yêu nhau tha thiết lắm, mai này sống với nhau chắc hạnh phúc!”
Chị chủ tiệm cho thuê áo cưới nói với Tân như vậy. Tân thấy chủ tiệm khen có phần đúng nhưng trong lời nói đó còn có điều gì che giấu không nói ra, chẳng hạn như “đôi chân của Dung” mà lòng nhói đau.
Tân nhớ lời dạy dỗ động viên của cậu bên tai: “Dung có đôi tay nghề tuyệt vời, tính tình nhân hậu, dịu dàng, ngồi một chỗ để làm việc đâu cần phải có đôi chân khỏe làm gì? Con có người vợ như vậy là hạnh phúc cả đời. Vả lại, Dung là cô gái tốt, có hoàn cảnh đáng thương thì về làm dâu, làm vợ hẳn cô ta không có những ý nghĩ đèo bồng và gia đình sẽ yên ấm”. Tân luôn nghe lời cậu Út khuyên.
Tân lén nhìn sắc mặt của Dung coi có biểu lộ gì không? Chỉ thấy Dung bình thản đưa ánh mắt nhìn Tân. Hai ánh mắt chạm nhau, Dung ngại ngùng nói: “Em may mắn được anh ấy để ý tới là một diễm phúc lớn đó chị ơi. Anh Tân mà không cưới, em “ống chề” cho coi!”
Tân chở Dung ngồi phía sau cho xe chạy vòng vòng thành phố, qua những con đường vừa lạ vừa quen, có những nơi Dung đã thường qua lại đến trường nhưng bằng đôi nạng gỗ với lời chanh chua của vài đứa bạn: “Con què Dung bữa nào cũng đi trễ”.
Dung từ nhỏ tới lớn đã quen rồi lời chửi rủa, chanh chua, sĩ nhục của người khác dành cho hơn là những câu nói êm dịu. Hôm nay, trong trạng thái khác hơn, Dung nghe nhịp sống mới bừng dậy trong lòng, hình ảnh tuổi thơ mất mát bỗng dưng sống lại.
Dung thấy mình chạy nhảy vui đùa, chơi cút bắt, chơi búng dây thun cùng các bạn trang lứa bằng đôi chân lành lặn. Có cái gì đó len lỏi chạy êm đềm trong cơ thể, trong trái tim, liệu đó có phải “tình yêu” không? Một thứ tình mà chị chủ tiệm áo cưới vừa đề cập hồi nãy. “Tình yêu” là như vầy sao?
Dung chưa bao giờ cảm giác được trong đời mình có những trạng thái như thế này! Tai vừa mới biết nghe thì đã nghe tiếng bố say lè nhè, chửi bới, đánh đập mẹ không ngừng tay, cả khi đang ăn cơm. Mẹ nuốt cơm cùng với nước mắt. Mẹ qua đời trong cơn ho suyễn hấp hối, bố nằm ngáy như sấm trên giường.
Người hàng xóm gom tiền chôn cất mẹ xong thì bố ôm gói bỏ đi mất biệt. Dung sống nhờ tình thương của bà cô. Một hôm, bà cô đi vắng, cô bị bọn con trai đè hãm hiếp. Dung đau đớn sợ đến ngất xỉu trong một xó nhà hôi hám, may nhờ có chú Hà đi qua gặp đem về chữa trị thuốc men rồi nhận làm con nuôi.
Dung lớn lên tình thương của bố mẹ còn không có thì nói gì đến tình yêu. Cả một thời gian dài tuổi thơ Dung bị nỗi kinh hoàng, đau khổ trùm lấy. Nỗi đau mỗi lần hiện về, Dung bịt mặt, bịt tai mà vẫn nghe: “Mầy làm riết đi, tới tao! Ui, con nhỏ hết giãy giụa rồi, nó chết hay gì á! Có máu bây ơi! Tao không có nghen!”
Mỗi lời là mỗi vết đau khứa vào da thịt, đau rát như ai xát muối. Dung cố quên những hình ảnh đó bằng những nét chấm phá trên gốm sứ. Trước những con mắt trầm trồ khen ngợi: “Cô bé có đôi tay vàng. Nét vẽ của cô bé tuyệt vời hiếm thấy!” Trong khi đó, nào ai có biết rằng Dung đang bôi cho quên quá khứ đau thương thời thơ ấu mình.
Dung đang miên man theo dòng suy nghĩ thì Tân hỏi: “Em ơi, anh ghé quán mới mở ăn phở Nam Vang, phở này ngon lắm!” Dung không trả lời, không nói gì cứ mặc cho Tân ghé vào quán. Tân lau chén đũa cho Dung, ngắt rau ngò vào tô phở, giục: “Ăn đi em, để nguội mất ngon”.
Trên đường về, Tân thủ thỉ bên tai Dung: “Đám cưới xong mình đi hưởng tuần trăng mật mười ngày ở Đà Lạt nhé! Phong cảnh Đà Lạt thơ mộng và lãng mạn lắm! Đà Lạt không những bốn mùa có đủ các loài hoa đẹp mà còn có hồ, có suối trong mát quanh năm, có thông xanh ngút ngàn vi vu lòng du khách”.
Dung ngồi lặng yên phía sau xe, Tân vừa lái xe vừa kể chuyện ngày cưới, và tương lai mở ra vô cùng hạnh phúc. Dung nghe được chút ấm cúng, chút nồng nàn bên tấm lưng chắc khỏe của Tân.
Tôi đang ngập niềm vui với ngày hôn lễ của Dung thì trước năm ngày tôi bỗng nhận được cú điện thoại hấp tấp của ông Hà: “Anh ơi, Tân và Dung đi mua sắm bị tai nạn xe cộ nặng lắm, không biết sao nữa?” Tôi chết đứng tại chỗ, cứ cầm điện thoại hoài mà không nhốm chưn lên được.
Tôi tức tốc đi thăm con, lòng thầm khấn vái cho tụi trẻ bình yên vô sự. Tân bị vết thương ở đầu nặng lắm, phải chuyển đi thành phố. Còn Dung nhẹ hơn, sau tuần lễ chữa trị, Dung về nhà mà miệng cứ hỏi: “Anh Tân đâu rồi. Tân có sao không?” Tai nạn quá ác nghiệt đã đưa đến cái chết cho Tân vì chấn thương mạnh ở não đành xuôi tay sau hai mươi ngày chống chọi.
Gia đình Tân cố hết sức chạy chữa nhưng không cứu được mạng sống cho con mình. Ông Hà cùng gia đình giấu chuyện Tân chết, cứ nói với Dung: “Tân dần khỏe rồi! Chuyện đám cưới hai con tạm thời đình lại và sẽ tổ chức sau”. Tôi buồn như mất đi một phần xương thịt của mình, nói với ông Hà: “Sau giấu con lâu được đây?” Ông Hà buồn buồn nói:
“Thì giấu tới đâu hay tới đó! Giờ biết nói sao hơn?” Tôi than với ông Hà: “Biết con có đủ sức vượt qua nỗi đau này không?” “Hy vọng con sẽ vượt qua được!”- ông Hà nói.
“Thì giấu tới đâu hay tới đó! Giờ biết nói sao hơn?” Tôi than với ông Hà: “Biết con có đủ sức vượt qua nỗi đau này không?” “Hy vọng con sẽ vượt qua được!”- ông Hà nói.
Số phần con người gì mà đen đủi, sao cứ trùm xuống đời con bé? Rồi đây nó có chịu đựng nỗi cú sốc này không, đủ nghị lực để vượt qua không? Ông Hà chia sẻ: “Anh đừng buồn quá, không có lợi cho sức khỏe. Hy vọng con bé sẽ từ từ bình phục”. Tôi nhìn ông Hà có chút tự tin trong câu nói ấy.
Ông Hà nói tiếp: “Con bé sinh ra trong muôn vàn nỗi khổ nên chừng như có một sức mạnh hơn người, có tư chất thông minh và đôi tay đầy nghệ thuật, đã đôi lần tôi chứng kiến và thấy cháu đã vượt qua một cách kỳ diệu. Anh và tôi như bậc cha mẹ rồi nên tôi không giấu gì anh. Năm lên tám tuổi bị đám con trai đè làm nhục, nó đau khổ tưởng không thể sống nổi, nào đâu nó vượt qua được.
Tôi đưa về nhà an ủi, nuôi dưỡng cho đến nay, tưởng bất hạnh không còn đến với nó, nào ngờ... Lòng tôi cũng đau như xé. Tôi nghiêm cấm các con và vợ trong nhà không được nói gì để tổn thương bé Dung. Rất may các con tôi trân trọng và thương bé Dung như chị em ruột, nên Dung cũng xóa dần mặc cảm với đời. Thấy Tân thuận lời làm đám cưới với Dung, lòng tôi mừng vô hạn, nào ngờ đâu bất hạnh lại tìm đến với nó”.
Nghe ông Hà nói Dung ở miết trong phòng vẽ, cơm nước thất thường, không cho ai quấy rầy, tôi qua xem thử. Vừa bước vô phòng từ phía xa, đã thấy Dung ngồi bất động như một pho tượng. Đi nhẹ nhàng sợ khuấy động không gian tĩnh lặng của con, tôi đi lần đến từ phía sau lưng.
Dung cầm cây cọ trên tay lay hoay vẽ. Chiếc độc bình màu trắng ngà nhẵn bóng, có nhánh hoa nhỏ xíu uốn cong mình thả theo thân vài chiếc lá, bên trên nụ hoa hồng đang độ nở. Hoa văn tỏa sáng một thứ ánh sáng tương tác với màu men làm cho chiếc độc bình lung linh trên tay Dung.
Bất chợt tôi thấy đôi mắt Dung thoáng chút xao xuyến khi nét cọ chấm vào nhụy hoa. Hoa bỗng rực rỡ nhưng tay Dung run run. Dòng thời gian đang trôi chảy bằng nhựa sống cuộn tròn trên chiếc độc bình mong manh và thanh lịch, tao nhã một cách đáng yêu. Tôi không thể nào ngờ một người con gái đang trong nỗi đau mà tay vẫn cho ra những tác phẩm tuyệt vời như vậy!
Nghe tiếng động sau lưng, Dung quay lại thấy tôi gật đầu chào hai khóe mắt rưng:
- Con chào bố.
Tôi vuốt mái tóc Dung hỏi:
- Con có khỏe không?
- Dạ khỏe!
- Anh Tân đâu rồi bố?
Tôi trả lời thật khẽ:
- Nó khỏe rồi con ơi!
- Bố ơi! Con biết hết rồi! Anh Tân chết rồi hả bố?
Dung nói chưa hết câu đã khóc nức nở. Tôi cố cầm lòng, không để rơi nước mắt trước mặt con, khuyên:
- Mỗi người sinh ra gần như đã có một số phận. Tân có duyên mà không nợ với con nên ra đi sớm, con đừng buồn. Rồi ngày tháng sẽ nguôi ngoai thôi con.
Dung đề nghị:
- Bố ơi, nói với ba Hà cho con tiễn đưa anh Tân ra tận nơi an nghỉ cuối cùng được không bố?
Tôi nhìn nét mặt Dung rồi gật đầu:
- Bố đồng ý, nhưng con hứa là không được gào thét thê thảm để cho hương hồn Tân ra đi thanh thản nha con.
Dung mải miết trong phòng gốm sứ, đôi tay và đôi mắt luôn tẩn mẩn theo từng đường nét hoa văn mới lạ. Thấy vậy, ông Hà khuyên:
- Con ơi, nghỉ ngơi ăn uống cho khỏe rồi sẽ làm tiếp! Con làm như vậy bố thấy đau lòng lắm!
Dung nói rất khẽ:
- Bố ơi! Con không thể ngừng nghỉ được! Vẽ cho sắc màu khỏa lấp nỗi buồn trong lòng con.
Những hoa văn trên những tác phẩm gốm sứ của lò ông Hà bỗng dưng xán lạn trên khắp thị trường trong và ngoài nước. Màu men sắc gốm của Vĩnh Long khẳng định được vị thế của mình trên thương trường, khẳng định được vùng đất nước Cổ Chiên còn tiềm ẩn nhiều nét văn hóa phù sa màu mỡ.
Người ta không thể quên được những câu nói của khách hàng trầm trồ khen ngợi: “Nét vẽ, hoa văn trên gốm lò ông Hà sao mà sống động lung linh tuyệt vời đến thế!”
Có ai ngờ, những đường nét đó được nhả ra từ đôi tay của cô gái mà nỗi bất hạnh ngập cao hơn đầu.
NHẬT HỒNG (TP Cần Thơ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin