Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đối với thành viên trong Đoàn văn công Cửu Long thì đó là những ngày tháng "không thể nào quên". Gặp lại nhau mừng rơi nước mắt, những kỷ niệm cũ ùa về vui có, buồn có nhưng luôn rất đỗi tự hào.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đối với thành viên trong Đoàn văn công Cửu Long thì đó là những ngày tháng “không thể nào quên”. Gặp lại nhau mừng rơi nước mắt, những kỷ niệm cũ ùa về vui có, buồn có nhưng luôn rất đỗi tự hào.
Đoàn văn công ngày ấy với bài hát “Xuân chiến khu” (chụp lại ảnh tư liệu). |
Tiếng hát át tiếng bom
Ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long cho rằng: Cùng với lực lượng chánh trị, bằng lời ca, tiếng hát của mình, Đoàn văn công Cửu Long cổ động nhân dân bám ruộng vườn sản xuất và chiến đấu giữ làng.
Ngoài biểu diễn phục vụ nhân dân, đoàn còn biểu diễn đặc biệt vào dịp lễ tết. Có cuộc biểu diễn thu hút hơn 2.000 người dự. Đồng bào vùng yếu, vùng kềm, thị trấn, thị xã được tin đoàn văn công tới là băng đồng, vượt khó đến xem.
Các thành viên trong đoàn vẫn còn nhớ như in buổi biểu diễn ở xã Mỹ Thuận (Bình Tân), chương trình có vở cải lương “Bước chân đã chọn”.
Nội dung vận động thanh niên tòng quân, trong lúc vở diễn đang đến cao trào: con thì quyết xin đi, mẹ thì muốn thử lòng con nên không đồng ý. Trong khi cuộc đấu lý diễn ra gay gắt thì một phụ nữ là khán giả đang xem ở dưới chạy lên sân khấu nói: “Bà ở nhà không ai bỏ bà đâu, bà nên cho nó đi đi”.
Lúc này, 2 diễn viên trong đoàn bối rối chưa biết làm thế nào thì đạo diễn (ông Trần Mộng) trong cánh gà nhắc nhỏ. Diễn viên đóng vai mẹ mới nói: “Bà chị ơi, tôi thử lòng con xem ý chí nó thế nào chớ nào tôi không giác ngộ mà không cho con đi tòng quân”. Dứt lời, khán giả vỗ tay rầm rầm!
Đoàn văn công Cửu Long đã khơi gợi tinh thần yêu nước, thôi thúc thanh niên lên đường kháng chiến.
Ông Nguyễn Thanh Hùng- nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và cũng từng là Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long- chia sẻ:
“Lúc tôi còn nhỏ, Đoàn văn công Cửu Long đến xã Tân Ngãi quê tôi biểu diễn, bà con xem rất đông. Lần đầu tiên, chúng tôi được xem văn nghệ nên rất phấn khởi. Những lời ca, tiếng hát đó thắm sâu vào tình cảm mỗi người. Sau đó ít lâu, đoàn có buổi mít tinh ở Tân Hạnh, tôi đã rủ bạn bè đi xem. Năm 1964, tôi thoát ly gia đình cùng các bạn của mình tham gia kháng chiến”.
Ông Trịnh Văn Lâu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- nói rằng hình ảnh đoàn văn công là “không thể nào quên”:
“Có lần tôi đang công tác ở cồn Ông (xã Trường Long Hòa- Trà Vinh- PV) thì hay tin có đoàn văn công đến biểu diễn. Người già, trẻ nhỏ và nhiều chị bồng con còn bú đi xem. Tiết mục gây ấn tượng nhất là bài múa hát “Mùa hoa nở”, cứ hát múa xong thì khán giả lại reo lên đòi hát múa lại, đến lần thứ hai lãnh đạo đoàn phải xin lỗi để cho tiết mục khác,… Và đã quá nửa đêm mà không ai chịu ra về!”
Nhiệm vụ Đảng giao, chết cũng phải hoàn thành!
Đoàn văn công Cửu Long được thành lập năm 1961 với nhiệm vụ tập hợp quần chúng nhân dân theo cách mạng, hun đúc nuôi dưỡng tinh thần cách mạng và ý chí kháng chiến của chiến sĩ.
Ông Trịnh Văn Lâu cho rằng: “Với tôi, việc phát động tinh thần của nhân dân cán bộ, chiến sĩ trong kháng chiến thì không có loại hình nào có khả năng thâm nhập nhanh, thu hút mạnh, nhập tâm sâu và hấp dẫn khán giả bằng các đoàn văn công”.
Hơn 15 năm hình thành, hoạt động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 22 thành viên trong Đoàn văn công Cửu Long đã hy sinh và rất nhiều người bị thương.
Ông Trần Mộng- Trưởng đoàn cho biết: “Mỗi tháng, chúng tôi có nhiệm vụ phóng thanh 3 lần vào đồn giặc để kêu gọi binh sĩ ngụy đầu hàng, làm lung lay ý chí giặc. Mỗi lần phóng thanh là một lần nguy hiểm vì chúng thả bom, càn quét”.
Ông Trần Mộng vẫn còn giữ giọng sang sảng: “Tôi nhớ năm 1966, sau khi phóng thanh xong, trực thăng Mỹ bắn phá dữ dội, chúng thả pháo sáng và nổ súng. Tôi, Mười Khoa và Út Hương vượt sông vẫn không quên ôm theo đờn, loa,… Chúng tôi hiểu rằng: đây là nhiệm vụ của Đảng giao, có hy sinh cũng phải làm”.
Ông Trần Lâm bên những bức ảnh của Đoàn văn công Cửu Long mà vợ ông là bà Huỳnh Thanh Trang làm biên đạo múa của đoàn. |
Chiến tranh đồng nghĩa với hy sinh, mất mát. Có những thành viên đã khóc khi kể lại chuyện của đồng đội mình. Ông Trần Mộng nhớ diễn viên Thanh Hải hy sinh, em trai anh là Thanh Sơn lau nước mắt nhờ xã lo hậu sự cho anh để tiếp tục cùng đội tham gia tiến công.
Rồi sự hy sinh của nhạc sĩ Thanh Giang, nghệ sĩ Út Hương, nhạc sĩ tân nhạc Nam Cường,… Đoàn văn công chỉ còn lại 9 người, một số vì mất sức chuyển công tác, một số hy sinh nhưng “còn 9 người thì diễn 9 người”.
Tất cả vẫn vững vàng vượt lên từ biểu diễn đội phải chuyển sang biểu diễn tổ. Bởi, đoàn văn công còn cũng như cách mạng còn.
“Được thấy mấy em cháu ra, tôi với bà con ngoài này mới biết cách mạng còn. Ở đây, bọn bình định nói: Việt cộng chết với đầu hàng hết rồi. Nếu còn lại thằng nào thì 3 thằng đeo tàu đủng đỉnh không gãy”- ông Trần Mộng nhớ lại những lời chân tình của bà con.
Mỗi người trong đoàn bây giờ là một hoàn cảnh, có mất mát có đau thương, người lớn nhất cũng tuổi 80, người trẻ cũng trên 50 nhưng đều có chung một niềm vui đã bằng lời ca tiếng hát của mình đóng góp một phần công sức vào chiến thắng chung của dân tộc.
|
Tháng 6/1961, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Vĩnh Long thành lập Đoàn văn công Cửu Long trên cơ sở Đoàn ca múa nhạc Mỹ Thuận gồm 17 người do đồng chí Nguyễn Văn Mẫn làm trưởng đoàn, đồng chí Ngô Ngọc Bỉnh làm phó đoàn. Đến tháng 6/1962, đoàn đã có 35 thành viên, mỗi năm biểu diễn từ 60- 70 buổi, phóng thanh vào các đồn địch từ 30- 36 cuộc. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin