Nói đến vùng đất cù lao Bến Tre người ta nghĩ ngay đến cây dừa. Được thiên nhiên ưu đãi, dừa tươi xanh cùng thời gian. Dẫu trải qua hai cuộc kháng chiến khắc nghiệt, bị bom đạn cứa sâu vào da thịt nhưng dừa vẫn ưỡn mình vươn lên. Dừa như cô gái xõa tóc dài mượt nép mình bên sông. Nhưng cũng có đôi khi mạnh mẽ như một chàng trai dang rộng đôi tay che chở nắng mưa cho người con Bến Tre thân thiện.
Nói đến vùng đất cù lao Bến Tre người ta nghĩ ngay đến cây dừa. Được thiên nhiên ưu đãi, dừa tươi xanh cùng thời gian. Dẫu trải qua hai cuộc kháng chiến khắc nghiệt, bị bom đạn cứa sâu vào da thịt nhưng dừa vẫn ưỡn mình vươn lên. Dừa như cô gái xõa tóc dài mượt nép mình bên sông. Nhưng cũng có đôi khi mạnh mẽ như một chàng trai dang rộng đôi tay che chở nắng mưa cho người con Bến Tre thân thiện.
Khác với những loài cây khác, dừa có công dụng hầu như “không bỏ thứ gì”. Lá, mo nang dùng làm củi đốt. Trước khi có các dụng cụ nấu bằng điện, gas thì củi dừa được sử dụng thường ngày ở Bến Tre. Thậm chí có nhà trồng quá nhiều dừa nên xuất hàng sang các tỉnh khác.
Dừa dùng làm nước giải khát, làm mứt, nước màu kho cá, lên men rượu hoặc làm bánh. Thân dừa lâu năm thì được dùng làm gỗ xây nhà, làm bàn ghế, đũa ăn cơm, hàng thủ công mỹ nghệ. Xơ dừa có công dụng làm thảm, mùn cưa thì làm phân bón hữu cơ. Đặc biệt nhất là chiếc gáo dừa, có thể làm được nhiều thứ. Một trái dừa có 5 lớp: vỏ ngoài, xơ dừa, gáo dừa, cơm dừa và nước. Dừa càng khô thì gáo càng cứng.
Tôi còn nhớ rất rõ, để giữ nóng cho bình trà, ngày xưa ông tôi thường dùng trái dừa khô để làm vỏ bọc. Ông chọn trái dừa khô to và đều đặn, sau đó thì dùng cưa cưa ngang với tỷ lệ 3 - 7. Phần nhỏ để làm nắp còn phần to thì làm thân. Ở phần to, ông còn cưa tiếp một lớp mỏng bằng để đặt lên bàn không ngã. Sau đó thì ông nạo sạch cơm dừa, để lộ phần gáo dừa bên trong.
Rồi ông lau khô, dùng vẹc-ni đánh bóng và mang ra ngoài nắng phơi khô. Chỉ một nắng thôi đã có thể sử dụng làm vỏ đựng bình trà. Coi vậy mà nó giữ nóng rất lâu, làm hương vị trà thơm ngon hơn. Bởi do hơi trà phảng phất bên trong quả dừa, thấm vào phần xơ, không thể thoát ra bên ngoài được. Hầu như ở quê tôi, những ông cụ ngày trước đều dùng quả dừa để giữ nóng bình trà kiểu này.
Gáo dừa còn dùng làm đồ múc nước rất thông dụng. Ngày trước người ta không sử dụng đồ nhựa nhiều như bây giờ. Muốn mua đồ dùng kim loại bằng nhôm thì lại tốn kém nên người dân địa phương luôn tận dụng những gì sẵn có xung quanh mình để làm đồ dùng sinh hoạt.
Đồ múc nước bằng gáo dừa coi đơn giản nhưng nhìn kỹ thì thật kỳ công, tỉ mẩn. Người ta lựa chiếc gáo dừa phải tròn, cạo cho sạch phần xơ đến nhẵn thín. Kế đến là dùng dao nhọn khoét hai lỗ nhỏ để xiên cây tay cầm. Công đoạn này vô cùng tỉ mỉ. Ngày trước không có khoan máy nên người ta khoét bằng dao từ từ. Nếu vội tay quá thì gáo dừa sẽ xuất hiện đường nứt, như thế thì hỏng. Để tay cầm chắc theo thời gian, người ta dùng dây kẽm siết chặt hoặc một loại keo kết dính của thợ mộc để giữ cho chặt.
Chiếc gáo dùng làm than ủi. Hồi trước, khi chưa có điện, mỗi lần đi ăn cỗ là mẹ tôi hay ủi đồ bằng chiếc bàn ủi than có biểu tượng con gà gật lên gật xuống. Trước khi ủi đồ, gáo dừa được đốt nóng để cháy thành than hồng. Sau đó mẹ tôi gắp than bỏ vào bàn ủi và ủi quần áo. Than gáo dừa, giống như than củi bây giờ, cháy lâu tàn, giữ nóng lâu. Ngoài ra, than gáo dừa còn có thể dùng để nướng thức ăn, giữ ấm (đặt dưới giường) cho phụ nữ sau khi sinh con.
Gáo dừa bây giờ đã bước vào thế giới sang trọng. Người ta biết khai thác nó để làm hàng mỹ nghệ bán cho du khách nước ngoài. Nó được người ta mang đi khắp thế giới, đặt ở những nơi sang trọng. Đã thế, có nhiều ý tưởng dùng gáo dừa để làm gạch lót nhà, ốp tường ôm xi-măng. Điều đó thật đáng mừng. Bởi chính những chiếc gáo dừa giúp cho người dân cải thiện kinh tế, cuộc sống no ấm hơn. Nhưng cũng từ đây, hình ảnh chiếc gáo dừa đặt trên lu nước mưa chỉ còn là hoài niệm…
Theo http://baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=46065
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin