Thân thương mái nhà sàn

12:11, 28/11/2015

Những ngôi nhà sàn từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ. Nhà sàn gỗ không lộng lẫy, mà đơn sơ và na ná như nhau vẫn còn hiện hữu ở rất nhiều vùng quê. Mái nhà bình yên và ấm cúng một thời trong những ngày đầy nắng hay khi lũ về nay đã trở thành ký ức không thể quên của biết bao thế hệ.

Những ngôi nhà sàn từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ. Nhà sàn gỗ không lộng lẫy, mà đơn sơ và na ná như nhau vẫn còn hiện hữu ở rất nhiều vùng quê. Mái nhà bình yên và ấm cúng một thời trong những ngày đầy nắng hay khi lũ về nay đã trở thành ký ức không thể quên của biết bao thế hệ.

Nhà sàn ở cù lao Mỹ Hòa Hưng
Nhà sàn ở cù lao Mỹ Hòa Hưng

Tôi chợt nghĩ, có lẽ người miền Tây tính tình phóng khoáng, hồn hậu nên không chỉ trong cách đối đãi với nhau, mà ngay cả nếp sinh hoạt và ăn ở cũng thể hiện rõ điều đó.

Nhà sàn của người miền Tây rộng rãi, sẵn sàng đón khách, chứ không luôn “cửa đóng then cài” như những ngôi nhà ở vùng khác. Từ ngoài nhìn vào có thể thấy trọn gian phòng chính của nhà, nơi bàn thờ gia tiên được đặt trang trọng ở giữa, hai bên có hai cửa đối xứng.

Kiểu kiến trúc này cùng với cách trang trí chi tiết, màu sắc thường giống nhau, trong đó màu xanh là màu chủ đạo phổ biến nhất. Nhà sàn dựng bằng gỗ trên khoảng sân rộng, mái lợp ngói tạo nên vẻ cân đối và đẹp mộc mạc. Đặc biệt là từ lan can đến các khung cửa trong nhà được chạm khắc bằng nhiều hình tượng khá công phu: Chim phụng, rồng, cây lá, hoa đào, các đường nét góc cạnh vuông, tròn, nhọn lồng vào nhau...

Cái hay của thợ cất nhà ngày xưa là biết làm “trọn gói”, hoàn chỉnh ngôi nhà, họ đảm nhận luôn tự thiết kế hoa văn, cưa, đục tỉ mỉ đến những chi tiết nhỏ nhất.

Ông Nguyễn Văn Mầm, thợ làm nhà sàn có thâm niên hơn 40 năm ở Hòa Lạc (Phú Tân) giới thiệu: “Tùy theo ý gia chủ mà nhà sàn mỗi căn cất mỗi khác, nhưng thường một căn nhà phải có hàng ba, hai thông hành, trung tâm nhà, buồng phía trong. Ở hàng ba thường có 2 cửa sổ, lộng hình hoa sen, ngũ quả, long, phụng; ngăn cách giữa buồng với nhà chính cũng có chắn ba, gọi là thành lộng. Ngày xưa, nhà nào khá giả thường chọn các loại gỗ tốt như cà chắc, thao lao, còn nhà nghèo thậm chí gỗ tạp cũng cất được. Nhà sàn hổng mấy lộng lẫy và màu sắc, nhưng nhìn vào chất liệu người ta cũng biết ngay điều kiện của gia chủ như thế nào”.

Ông cho biết thêm, do đặc trưng sống với lũ hàng năm, cột nhà sàn có nơi cất cao đến 2 – 3m và có nhà chỉ thấp lè tè. Sau này, với chính sách an cư của Nhà nước, dân sống vùng lũ dần di chuyển vào các khu dân cư an toàn nên nhà sàn cũng thưa vắng đi nhiều.

Gian trước của một nhà sàn được trang trí toàn bộ bằng gỗ
Gian trước của một nhà sàn được trang trí toàn bộ bằng gỗ

Cũng như những ngôi nhà khác ở vùng quê Nam Bộ, mọi sinh hoạt gia đình đều được tập trung ở hàng ba khi thì tiếp khách, ăn uống, học hành, khi thì đám tiệc, hội tụ thành viên trong gia đình.

Bà Thơ sống trong một gia đình ba thế hệ ở xã Tân An (Tân Châu) gắn bó với căn nhà sàn kể: “Hồi xưa cứ tới mùa lũ, mọi sinh hoạt trong nhà đều gói gọn trên nhà sàn. Bữa cơm vừa xong là tụi trẻ chơi riêng một góc, không gian còn lại là nơi người lớn ngồi làm các dụng cụ đánh bắt cá, tôm. Cuối ngày, có khi đến nửa đêm, các thành viên lớn nhỏ lại tùm tụm bên ngọn đèn làm cá, làm mắm từ những mẻ cha đi đồng xa kiếm được đem về. Ngôi nhà nằm giữa nước mênh mông nhờ tiếng người cười nói suốt ngày mà ấm cúng”.

Dưới đất, những hàng cột dài làm trụ đỡ vững chắc cho cả căn nhà, chất liệu thường là gỗ, đá, xi măng, tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ. Gầm sàn là một không gian khác của ngôi nhà được tận dụng triệt để, khi là kho trữ nông cụ, nông sản, khi là chỗ của trẻ con vui chơi tránh mưa, tránh nắng, khi lại là không gian nghỉ mát của cả nhà chỉ với vài cái võng hay chiếc giường tre giản dị.

Theo thời gian, hình ảnh những ngôi nhà sàn thưa dần, thay vào đó là nhà tường kiên cố, gạch men bóng loáng. Dĩ nhiên, ai cũng lấy làm vui vì đời sống đã được nâng lên khá giả. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người luyến tiếc giữ lại căn nhà sàn màu xanh “quê mùa” qua năm tháng.

Ở vùng quê, gầm sàn nay được tôn tạo thành nhà tường phía dưới và căn nhà sàn thuở nào trở thành “lầu gỗ” độc đáo. Những căn nhà sàn thấp thoáng màu xanh sau hàng cây, hàng hoa giữa khoảng sân rộng vẫn đẹp mộc mạc trong lòng của nhiều người con đã lớn lên, trưởng thành nơi vùng sông nước.

Theo http://baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Van-hoa-Du-lich/Than-thuong-mai-nha-san.html

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh