Chuyện gì chứ về khởi nghĩa Nam Kỳ bữa nào vô nhà cô, cô còn một số kỷ niệm khó quên về những con người đã làm nên những kỳ tích to lớn đó, trong đó có chú Sáu Dân- cô Ba Hồng gọi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó là chú- người đồng chí chung chiến hào khởi nghĩa năm 1940
Cách đây hơn 20 năm, trong một lần đến dự một hội nghị tại Đảng bộ Phường 8, tôi ngồi cạnh cô Ba Hồng- Nguyễn Thị Hồng (tức Hà Thị Lan), một đảng viên lão thành của Đảng bộ phường; cô Ba Hồng vui vẻ nói: Chuyện gì chứ về khởi nghĩa Nam Kỳ bữa nào vô nhà cô, cô còn một số kỷ niệm khó quên về những con người đã làm nên những kỳ tích to lớn đó, trong đó có chú Sáu Dân- cô Ba Hồng gọi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó là chú- người đồng chí chung chiến hào khởi nghĩa năm 1940.
Nhận định đúng tình hình và các bước đi vào khởi nghĩa
Chân dung cô Nguyễn Thị Hồng, nữ Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm năm 1940. |
Đúng hẹn một ngày đầu hạ sáng chủ nhật, tôi xin phép cô chú được ngồi hầu chuyện. Căn nhà cô chú nằm bên dòng kinh nhỏ, dọc QL 1A khá yên tĩnh- khi đó chưa có đường tránh qua sân bay đi ngoại ô thị xã.
Cô Ba Hồng vừa pha ấm trà vừa nhỏ nhẹ kể: “Cô với chú Sáu Dân là đồng chí với nhau từ năm 1940. Lúc đó cô được cử làm Bí thư Quận ủy Vũng Liêm. Chú Sáu là một thanh niên hăng hái, nhanh nhẹn, thông minh nên thường được Huyện ủy giao những trọng trách khá nặng. Song chú Sáu rất giỏi vận động các thanh niên cùng tham gia, kể cả những việc bí mật, đều có hiệu quả khá lớn và vẫn giữ được nguyên tắc bí mật cho Đảng mà lúc đó là việc sống còn”.
Theo cô Ba Hồng, tình hình Vĩnh Long nói chung và Vũng Liêm lúc đó, khá ít đảng viên và cán bộ nòng cốt, do lực lượng của ta bị địch bắt bớ, giam cầm. Thời gian này, đồng chí Trần Văn Bảy- Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ về phụ trách Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long từ cuối năm 1939 đầu 1940.
Tỉnh ủy Vĩnh Long lúc đó gồm Bí thư Tỉnh ủy đồng chí Trần Văn Bảy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ- phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau này), Mai Văn Tám (Tám Lùn), Lê Quang Phòng, Sáu Thông và sau bổ sung đồng chí Lưu Văn Tài.
Tại cuộc họp triển khai Nghị quyết của Xứ ủy Nam Kỳ, Tỉnh ủy đã đề ra nhiệm vụ cần kíp là phải củng cố được các cơ sở đảng cơ sở. Việc cần làm trước là củng cố được các chi bộ, nhất là các xã Long Mỹ, Long Hồ (nơi đứng chân cơ quan Tỉnh ủy lúc đó) thuộc quận Châu Thành và làng Phú Lộc (quận Tam Bình).
Tỉnh ủy giao các chi bộ, nơi nào chưa có đủ đảng viên thì giao cho cán bộ cốt cán có cảm tình với cách mạng phải tiến hành vận động quần chúng tham gia các hội phản đế, tổ chức mít tinh (tùy điểm hội họp nhiều hay ít), tổ chức tuyên truyền, nói chuyện vạch rõ âm mưu kẻ thù. Một tài liệu sau này của Pháp ta bắt được, ghi lại: Tại làng Phú Trường Yên (Tam Bình) đêm ngày 6 rạng 7/7/1940, có trên 50 quần chúng tập trung nghe nói chuyện, trong đó một diễn giả là ông Hoàng Văn Đạt đã đứng lên kêu gọi mọi người chống bắt bớ của địch, không thừa nhận chính quyền của bọn tề làng, đó là bọn tay sai của đế quốc cử ra để cai trị nhân dân ta.
10 ngày sau tại làng Phú Lộc (Tam Bình), hơn 100 quần chúng nhân dân do hai ông Phạm Văn Khiết và Nguyễn Văn Nhu (Sáu Bôn) chủ trì triệu tập để nghe nói về tình hình và vận động tham gia vào Đảng. Cuộc nói chuyện kết thúc bằng hô khẩu hiệu “Liên Xô muôn năm” và hát bài Quốc tế ca (Báo cáo tháng 7/1940 tài liệu số 1632/ATI này 21/8/1940 của Thống đốc Nam Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương- Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2- TP Hồ Chí Minh).
Được tin báo của bọn tề xã, chủ tỉnh Vĩnh Long đã huy động cảnh sát lưu động cùng cảnh sát đặc biệt Cần Thơ về lùng bắt đi 2 người và 22 quần chúng đã dự nghe.
Theo cô Ba Hồng, lúc đó quần chúng rất có cảm tình và thống nhất với các cơ sở Đảng để tham gia lực lượng vũ trang chuẩn bị cho khởi nghĩa sắp đến. Tại mỗi làng, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, thành lập mỗi đội tự vệ vũ trang từ 10- 15 người.
Các đội tự vệ vũ trang này đều được luyện tập võ nghệ và các động tác quân sự cơ bản. Tại cấp tỉnh, Tỉnh ủy mở lớp đào tạo cán bộ quân sự do đồng chí Phan Văn Bảy (Bảy Cùi)- Ủy viên Thường vụ Xứ ủy về trực tiếp hướng dẫn.
Tháng 10/1940, Tỉnh ủy Vĩnh Long họp tại Gò Ân Nước Xoáy để nghe phổ biến Nghị quyết của Xứ ủy Nam Kỳ. Tỉnh ủy nhất trí những chủ trương do Xứ ủy đề ra. Qua kiểm điểm những phong trào quần chúng phát triển nhanh trong những tháng vừa qua, Tỉnh ủy Vĩnh Long nhận thấy tuy địch vẫn khủng bố mạnh, ta có bị thiệt hại, nhưng tình hình chung các chi bộ cơ sở vẫn được duy trì, quần chúng ngày càng có lòng căm ghét kẻ địch tàn ác, hăng hái tham gia các đợt biểu tình, mít tinh, ủng hộ và phấn khởi thấy các đội du kích hoạt động. Từ những chủ trương đó, Tỉnh ủy quyết định đẩy mạnh hơn nữa cho cuộc nổi dậy, theo hướng nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Xứ ủy đề ra.
Hội nghị đã quyết định thành lập Ban Khởi nghĩa toàn tỉnh, do đồng chí Thái Văn Đẩu làm trưởng Ban (lúc này Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bảy vừa bị bắt); đồng chí Ngô Thị Huệ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở tỉnh lỵ Vĩnh Long và quận Châu Thành; Đồng chí Nguyễn Hiếu Tự lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại quận Tam Bình; đồng chí Nguyễn Thị Hồng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại quận Vũng Liêm.
Ngoài ra, đồng chí Quảng Trọng Hoàng- Xứ ủy viên kiêm Bí thư liên Tỉnh ủy đang có mặt tại Vĩnh Long, trực tiếp phụ trách Ban Chỉ huy quân sự tỉnh- có sự hỗ trợ của đồng chí Nguyễn Hùng Phước.
Như vậy, về tổ chức cũng như các bước cho cuộc nổi dậy từ các quận, đến tỉnh, hội nghị Gò Ân Nước Xoáy của Tỉnh ủy Vĩnh Long đã bàn, thống nhất cao trong Tỉnh ủy để chỉ đạo trong toàn tỉnh.
Vũng Liêm đứng vững trên toàn địa bàn
Sau hội nghị Gò Ân Nước Xoáy của Tỉnh ủy Vĩnh Long, tại địa bàn Vũng Liêm 5 giờ chiều 22/11, Ban khởi nghĩa quận Vũng Liêm nhận được lệnh khởi nghĩa của cấp trên. Và ngay trong chiều tối đó, đồng chí Nguyễn Thị Hồng- Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Quận ủy và Ban khởi nghĩa quận đã tiến hành cuộc họp lịch sử để thống nhất kế hoạch khởi nghĩa tại Vũng Liêm.
Hội nghị diễn ra lúc 18 giờ ngày 22/11/1940 và kết thúc sau đó 2 tiếng- sát ngay giờ quy định khởi nghĩa của Xứ ủy, gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Hồng- Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Quận ủy, và các quận ủy viên: Nguyễn Văn Nhung, Phạm Văn Ba, Trần Ngọc Đảnh, Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt), cùng các cán bộ Hồ Chí Thiện (Năm Tép), Huỳnh Văn Đắc, Nguyễn Ngọc Yến, Trần Văn Nghị (Trần Kim Giảo).
Khí thế Nam Kỳ khởi nghĩa. Ảnh: Internet |
Hội nghị đã bàn và nhất trí kế hoạch cụ thể, chia các cánh quân ra 3 mũi:
Mũi thứ nhất; khoảng 80 nghĩa quân thuộc các xã Trung Thành, Trung Hiếu do các đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phạm Văn Ba, Út Tạo… chỉ huy, có nhiệm vụ đánh chiếm quận lỵ, đồn lính mã tà, nhà bưu điện… Sau khi chiếm được các điểm trên thì đưa lực lượng đi chiếm đồn lính làng Trung Ngãi và hỗ trợ cho mũi thứ 3.
Mũi thứ hai; nghĩa quân do đồng chí Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt) chỉ huy, có nhiệm vụ đánh chiếm Bắc Nước Xoáy (nay là xã Tân An Luông) và ngăn chặn giao thông địch từ Vĩnh Long đi Trà Vinh.
Mũi thứ ba; do đồng chí Nguyễn Văn Nhung (Ba Sa) chỉ huy với lực lượng khoảng 30 nghĩa quân của làng Trung Ngãi, có nhiệm vụ chiếm và phá cầu Mây Tức, cầu Giồng Ké không cho địch tiếp tế và cắt cho địch không tiếp tế giữa Vĩnh Long đi Trà Vinh.
Đây là kế hoạch chính các mũi do Ban khởi nghĩa quận Vũng Liêm trực tiếp điều hành, còn tại các chi bộ các xã, còn có nhiệm vụ trực tiếp huy động quần chúng nổi dậy chiếm nhà việc, phá tề, chặt cây ngăn chặn giao lộ, ngăn cắt điện thoại, điện tín.
Đúng 24 giờ đêm 22/11, đồng chí Nguyễn Thị Hồng phát loa chính thức kêu gọi nhân dân nổi dậy. Đồng loạt theo lệnh đã chỉ đạo của Ban khởi nghĩa quận, tất cả các điểm đã chuẩn bị sẵn, nhân dân đều đứng lên.
Tại mũi thứ nhất, nghĩa quân nhanh chóng tiến vào bắt giữ 2 tên lính gác, chiếm được dinh quận và trại lính, nhà bưu điện. Nhìn thấy lúc nửa đêm nhân dân hò reo, nghĩa quân ào ạt tiến vào dinh quận, tên Quận Hải hoảng sợ bỏ chạy. Nghĩa quân nổi lửa đốt dinh quận, phá cổng trại giam của, giải thoát 45 cán bộ và đồng bào ta đang bị chúng giam giữ.
Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được đồng chí Phạm Văn Ba và Nguyễn Ngọc Yến treo ngay trên nóc trại lính, phấp phới bay trong tiếng hò reo và cũng là lần đầu tiên nghĩa quân cùng nhân dân Vũng Liêm nhìn thấy lá cờ của Tổ quốc.
Cùng thời điểm trên, khoảng 100 nghĩa quân- phần lớn là thanh niên do đồng chí Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt) chỉ huy- đã đánh chiếm Bắc Nước Xoáy trên sông Măng Thít. Sau đó, nghĩa quân vượt qua sông phía quận Tam Bình, gặp các nghĩa quân do đồng chí Quảng Trọng Hoàng chỉ huy, đã cùng phối hợp phá đồn lấy súng, hoàn thành nhiệm vụ mũi thứ hai.
Tại mũi thứ ba, nghĩa quân đã nhanh chóng chiếm được đồn Trung Ngãi, hoàn toàn làm chủ tình hình. Tại làng Tân An Luông và Hiếu Thành, nghĩa quân ngay trong đêm đã chiếm đồn, nhà việc, sau đó nghĩa quân vào các ấp giải tán tề địch, đốt sổ sách của nhà việc tại các làng này.
Theo cô Nguyễn Thị Hồng, cuộc khởi nghĩa tại quận Vũng Liêm đạt được kết quả đầy mong muốn, là do sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, Ban Khởi nghĩa của Tỉnh ủy Vĩnh Long và Huyện ủy Vũng Liêm. Từ sự chỉ đạo chặt chẽ đó, phát huy yếu tố bất ngờ, huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân và đi đến làm ta rã toàn bộ hệ thống thống trị của chính quyền bù nhìn thực dân Pháp từ quận đến làng xã. Yếu tố huy động nhân dân và phát huy sức mạnh của nhân dân, là điểm cơ bản đáp ứng cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tại quận Vũng Liêm đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Lúc đó, tôi hỏi cô Ba Hồng là cô còn nhớ ngày cô là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Quận ủy khoảng bao nhiêu tuổi. Cô Nguyễn Thị Hồng nhớ ngay: 25 tuổi tròn. Vì trước đó 1 năm, tháng 9/1939 cô được điều về xây dựng lực lượng cùng đồng chí Lê Quang Phòng tại Quận ủy Vũng Liêm, đến cuối năm đó xây dựng được 8 chi bộ cơ sở ở địa bàn Vũng Liêm, rồi tháng 6/1940 được bầu là Bí thư Quận ủy vào tuổi 25.
Không những cô mà nhiều đồng chí cán bộ cốt cán lúc đó của Vũng Liêm cũng chỉ 18 - đôi mươi, như Phan Văn Hòa (tức Thủ tướng Võ Văn Kiệt) lúc đó chỉ 18 tuổi đã chỉ huy cả cánh nghĩa quân đánh chiếm Bắc Nước Xoáy và làm chủ địa bàn quan trọng từ Vũng Liêm đi Tam Bình- cô Ba Hồng nhấn mạnh.
Qua 75 năm, từ ngày những đảng viên trung kiên chỉ 18- 20 tuổi đã làm nên những chiến công đầy tính anh hùng trong Nam Kỳ Khởi nghĩa 1940, mà mọi thành công lúc đó, như nữ Bí thư Quận ủy Vũng Liêm trẻ tuổi lúc đó là cô Nguyễn Thị Hồng nói và khẳng định: bắt đầu từ nhân dân mà ra.
Phạm Bá Nhiễu (TP Hồ Chí Minh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin