Hội thi "Tiếng hát sư phạm" tỉnh Vĩnh Long năm 2015 khép lại nhưng những hình ảnh, tình cảm ngọt ngào của người thầy thì mãi còn ở đó. Thời gian trôi đi, tình cảm thầy trò vẫn không hề thay đổi và "nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý".
Lịch sử, niềm tự hào dân tộc nhẹ nhàng sống lại qua những lời ca, điệu múa. |
Hội thi “Tiếng hát sư phạm” tỉnh Vĩnh Long năm 2015 khép lại nhưng những hình ảnh, tình cảm ngọt ngào của người thầy thì mãi còn ở đó. Thời gian trôi đi, tình cảm thầy trò vẫn không hề thay đổi và “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Tôi đã gác lại những bộn bề công việc, gác lại thời gian nghỉ ngơi để đến với hội thi suốt 4 đêm. Để rồi, ở Trung tâm Văn hóa tỉnh, tôi như tìm lại tuổi thơ của mình qua từng lời ca, tiếng hát của thầy cô. Có lẽ, hàng trăm khán giả cũng có tâm trạng giống tôi và cũng bị thu hút đến với sân khấu này không chỉ vì tình yêu nghệ thuật mà còn vì thầy.
Thầy giáo trẻ Nguyễn Thanh Việt- Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long thử sức với bài tân cổ “Thương em nhiều qua lá thư xuân”. Giọng hát thầy ngọt ngào như có cả tấm lòng gửi vào trong từng câu hát. Thầy cười: “Sở trường của tôi là nhạc trẻ nhưng tham gia hội thi, tôi muốn thể hiện mình trong thể loại mới và phát huy những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc”.
“Khúc ca người giáo viên nhân dân” do những “kỹ sư tâm hồn” biểu diễn khiến sân khấu sôi động bởi tốp ca múa hoành tránh. Có những tiết mục công phu đến nỗi phải tập gần 3 tháng trời.
Thời gian tập luyện, giáo viên phải tranh thủ khi rảnh tiết. Cô Nguyễn Thị Thúy Liễu- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch và tập luyện từ sớm, chỉ tính riêng luyện thanh cho giảng viên cũng hết 10 buổi rồi, múa thì tập lâu hơn”.
Cô giáo Bình Tân Lâm Thị Thanh Tuyền ngọt lịm giọng với bài hát “Gửi anh người lính đảo” do chính cô sáng tác làm nao lòng người. Cô là Phó Hiệu trưởng Trường TH Cấp II- III Mỹ Thuận.
Cô Tuyền là giáo viên dạy Ngữ văn cho nên tình yêu đất nước từ văn thơ vào nhạc nó cũng dịu dàng, ngọt lịm như giọng cô và như cả tâm tình cô giáo. “Tuổi trẻ chúng mình không sinh ra trong thời kỳ mưa bom lửa đạn, nhưng dòng máu anh hùng vẫn chảy mãi trong tim.
Biết bao người ngã xuống để non nước bình yên, thì hôm nay mỗi chúng ta phải giữ gìn thiêng liêng bờ cõi. Mỗi bước ta đi phải nhớ ơn nguồn cội, mỗi tấc đất quê hương ta phải giữ gìn”.
Cô Tuyền cười tươi: “Bài hát này tôi viết lúc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng biển Việt
Thêm tình yêu Tổ quốc nữa nên lời cứ tuôn ra”. Cô Tuyền không chỉ viết bài hát cho mình mà còn cho cả học trò. Cô dạy văn hóa, dạy lễ nghĩa và cả tình yêu Tổ quốc cho lớp trẻ.
Mỗi đội thi đều mang đến những nét đặc sắc riêng: sự hoành tráng, công phu, chắc lọc và chỉn chu như từng bài giảng. Hát về Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Bình Minh,… nơi đâu cũng trái ngọt, đất lành.
Tiết mục múa “Giọt sữa cuối cùng của mẹ” của đơn vị Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long phối hợp với Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long làm nhiều khán giả phải rơi nước mắt. Nỗi đau chiến tranh như sống lại, để rồi ta tự hào vì mình sống trên đất nước của những anh hùng.
Tiếng vỗ tay rào rào, một giọng khán giả khen “quá trời hay!” Hay vì tiếng hát sư phạm không chỉ nói về nghề giáo mà còn nói rộng ra nhiều lĩnh vực, đề tài. Người thầy khi đứng trên bục giảng mang cả cái tâm thì khi lên sân khấu cũng mang cái tâm tình lên đó. Thầy cô dạy học trò yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu quê hương qua từng “gốc lúa bờ tre hồn hậu”, chứ đâu chỉ nói về mình.
Lòng tôi cứ nao nao nhớ về câu hát cuối cùng trong bài “Gửi anh người lính đảo” của cô Thanh Tuyền: “Nơi sóng bạt gió ngàn anh đêm ngày canh giữ quê hương, ở lại hậu phương em dạy học trò tình yêu đất nước. Dù hai phương trời cách biệt nhưng trái tim cùng nhịp đập bởi Trường Sa”.
|
Ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long, Trưởng BTC hội thi- nói: Đây là hoạt động chào mừng 33 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2015) và thực hiện di chúc của Bác Hồ “Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tạo sân chơi nghệ thuật, thư giãn tinh thần sau những giờ dạy học, đồng thời tạo phong trào vui hát trong nhà trường”. Qua hội thi, các giáo viên đã bộc lộ tâm hồn, năng khiếu nghệ thuật của mình bằng tình yêu sư phạm. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin