Tôi sinh ra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Miền đất, sông lớn sông vừa sông nhỏ, ken cả bầy. Kéo thành dòng, chằng chịt hơn mạng nhện khổng lồ. Dù xẻ ngang chẻ dọc, đều xuôi êm ra biển.
Cơn ngà say đang thoi thóp ở màng tang, ngang lỗ tai. Tôi nói với người lái xe.
- Tôi anh, lang thang hết tiền trong túi tôi, hãy về.
Anh ngại, vì biết tôi đang buồn, hay bận việc gì khác. Nên quay lại nói:
- Thôi về anh ơi. Sáng tới giờ năm quán rồi, nhậu hoài làm chi, mệt lắm. - Tôi cười, cổ khàn rát bỏng. Tôi nghĩ, chuyên nghề của tôi làm sao anh hiểu. Tôi đùa, lúc lòng càng vắng ngắt.
Tôi nói:
- Anh sợ tôi trả công không xứng?
- Không phải vậy. Trông anh đừ lắm. Tôi ngại cho sức khỏe của anh.
Nói:
- Không sao, tôi nhậu tới lúc, trên kia- ngón tay chỉ lên trời xanh- hiện ra một dòng sông, lúc đó mới say. Thôi đừng vẩn vơ nữa. Nổ máy đi. Tôi còn khỏe, tôi co tay gồng con chuột nổi. Khoe mẻ.
Tưởng tôi nói chơi như mọi khi, anh nói:
- Dòng sông đôn hậu trên cao của anh ở chỗ nào. Anh chỉ, tôi bay tới đó liền. Rồi tụi mình về. Chắc nhậu quá bị ảo giác rồi.
Anh nói chơi. Còn tôi rất thật lòng.
- Không.
Tôi trả lời lớn tiếng, linh cảm dòng sông của mình bị xúc phạm. Tôi giận cố dằn cơn nổi nóng.
Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Tôi sinh ra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Miền đất, sông lớn sông vừa sông nhỏ, ken cả bầy. Kéo thành dòng, chằng chịt hơn mạng nhện khổng lồ. Dù xẻ ngang chẻ dọc, đều xuôi êm ra biển. Thời qua, tôi như con nhện nhỏ đưa chân ngắn, đo từng li, từng tấc.
Tìm chút thơ mộng, chút lang thang, chút lãng mạn, chút cay chút đắng, trong lòng độ lượng dòng nước mát. Cũng chính ở đây, âm thầm dạy tôi rất nhiều điều, biết thế nào là bao dung, là vị tha, trong cuộc sống cạnh tranh, thời đất nước lúc tôi mới mười bốn tuổi. Chút xíu, trong sự bí mật vô bờ của nó. Vỏ ốc rỗng đôi khi chở cả đại dương. Hãy lắng nghe.
Ngày. Tôi nhớ thật rõ, lần đầu tiên, tía tôi say rượu về ấu đả với má tôi. Hôm đó, sức tôi còn quá nhỏ, không ngăn được cơn giận lớn. Tôi thương tía, cũng thương má. Tại sao vậy? Làm sao đây? Lúc trận cãi đụng tới đỉnh, xoay rần trong đầu tôi. Tôi biết, tía tôi đau, má cũng vậy, riêng tôi cơn đau nhói từng cơn, theo những lời thóa mạ buốt tận đáy lòng.
Đứng ngoài nhìn, còn anh Sáu, chị dâu và mấy chị của tôi. Người nào cũng trào nước mắt. Vì tất cả thương nhau lắm. Tôi nhỏ nhất, không chịu đựng nổi nữa. Bất thần, tôi hét lên một tiếng, co giò phóng ục xuống dòng sông đầy nước, trước nhà. Tôi chưa biết lội. Và không biết tại sao, mình dám làm vậy? Phải.
Phải lòng tôi quá yếu đuối, bồng bột hay nông nổi? Không. Tôi trả lời tôi rất dứt dạt. Vì, dù lúc còn nhỏ, tôi đã được cả nhà lẫn hàng xóm quý trọng vì tính trầm tĩnh trước mọi việc. Vậy lúc nãy nó là cái gì? Ma đốc quỷ xúi? Nên làm vậy.
Tôi quyết định, không trồi lên để được chết ngộp. Tôi giận dữ ủi đầu mạnh vào lớp bùn non, hai tay bấu xuống. Bườn tới, bườn tới, bất kể. Như con dế bét, khoét hang, đào thoát dưới mặt đất lỏng. Ý muốn chết, ẩn hiện sáng tối trong đầu hoài. Tôi giận ai, trở nên tàn nhẫn với bản thân mình. Chính tôi cũng không biết. Tôi không thương mình, thử hỏi còn ai thương tôi.
Tới khi hai lỗ mũi bị bụi sình non lấp kín. Ngộp quá, tôi đầu hàng quyết tâm chết của tôi, vì thân không muốn, mình tự nổi hoài, sau rồi cũng trồi lên dưới bụi tra um tùm bên sông, ngang nhà. Lúc tận lực chạy trốn cơn đau không tì vết. Tôi làm con dế nhũi ngầm, ngang qua con rạch trước nhà, lúc nào không biết. Mệt đừ. Nên ngồi im với nó. Lúc đó bên kia, tiếng tía má, anh Sáu, chị dâu và mấy chị tôi, đổ nhào xuống sông, vang rền réo khóc. Đầy nhóc một khúc sông.
- Con ơi lên. Em ơi lên. Trời đất! Sao mầy làm vậy. Khùng quá đi.
Rồi tất cả mò tìm. Tiếng kêu nhỏ dần. Nghe thấy, tự dưng nước mắt tôi chảy dòng dòng, rớt xuống môi mằn mặn. Tôi khùng, làm cả nhà lo lắng. Tôi hoảng thật.
Mới đó. Tôi nhớ nhà khủng khiếp. Và muốn lội về liền để gặp và xin lỗi gia đình. Giờ, làm sao lội về? Khi lòng mình không hờn giận cái gì cả. Và mắc cỡ, tự hỏi tại sao mình khùng quá. Lúc đó, tôi phải lo chống mệt, mồm há to, thở dốc. Chờ đến khi trong đầu thật rỗng.
Tất cả ổn. Bình thường lại như cũ. Buộc lòng, tôi chui đại lên căn chòi ông Tư Xi (căn chòi nửa trên bờ, nửa trên thân cây gừa, bò sát bãi sình lòng con rạch Cái Bần). Ông Tư lớn hơn tía tôi chừng vài tuổi. Nghe nói lúc nhỏ ông học rất giỏi, nhưng bị sự cố gì làm cho thất chí, nên bây giờ thất nghiệp ở cái làng nầy. Ghiền rượu. Không vợ con.
Lang thang đốt cháy hết ba phần đời với chất cay, chất đắng của rượu. Chắc vì vậy. Nên lúc nào ông cố ý bỡn cợt, làm phiền, quấy nhiễu với cuộc sống đàng hoàng xung quanh thì ai cũng tránh né, khinh chê. Tía tôi là một. Nên thường căn dặn anh em tôi, lấy ổng làm gương xấu.
Cấm không cho qua. Riêng ông biết, không được mọi người quý trọng, ông thường co mình con cuốn chiếu. Nên, đem lòng khinh ghét, mặc cảm, đố kỵ, tự ti lẫn tự tôn, trộn tất cả vào cho mình làm một. Vì thế, dần dần nảy sinh thù hận. Và ổng? Phải vậy không? Cầu trời cho tôi không gán ép oan cho người đã khuất. Một chữ một đọi máu. Cẩn thận, tới lúc xuống mồ, cầm bút cẩn trọng. Tôi dặn lòng. Dặn cây bút bi. Chuyện đúng viết đúng.
Nãy giờ. Tôi ngửa lưng nghỉ mệt trên một nhánh tra, bò sát mặt sình. Lúc này, lòng tôi trống trơn, trống lỏng. Tuổi thơ thời hoa mộng thường không thèm để ý đến việc khác. Chỉ một điều tôi biết rõ, không thể sai. Cả gia đình tôi, thương nhau lắm. Khi ấy, tôi luôn thầm vái điều đó là mãi mãi, ai chạm đến, là tôi quên tôi liền. Nhưng giờ tóc bạc rồi tôi biết, dễ dầu có được dòng tình cảm an toàn đó. Khó lắm, tỉ mò kim đáy biển. Lòng dạ con người mà. Làm sao dò? Làm sao đo? Tôi sống được tới giờ, nhờ vào lòng tin điều kiến nghĩa bất di.
Tôi chui lên, căn chòi nhỏ, phần trên bờ. Ông Tư đang nhậu một mình. Như đang buồn, gặp chiếu manh. Gặp tôi, ông mừng thật. Lật đật, nhắc cái ghế đẩu, ép tôi ngồi xuống. Rồi, lẹ làng đưa nguyên con rắn mối chỗ chín vàng lườm, nướng ẩu, nguyên khúc đuôi nhiều chỗ còn sống, đang óng ngời dưới nắng xế. Rót ly rượu, ân cần đưa. Và rồi. Rồi:
- Uống đi, tía mầy lần đầu hạ cố nhậu với tao, hồi nãy ở đây. Hơn đủ thứ, phải có một thua. Như vậy đời mới có công bằng chứ. Tệ quá, mới một lít, đã sảng hoàng. Ngồi bên này, tao nghe thấy hết. Kể cả việc mầy nhảy xuống sông. Khà… khà. Tao chờ mầy đi ngầm qua. Lúc quá đau, tuổi nhỏ thường làm như vậy. Tốt lắm. Hổng lẽ gia loạn mới sinh hiếu tử. Hì… hì…
Ông nói liên tu:
- Uống rượu một mình với nỗi buồn thân phận, thê lương lắm, mầy biết không? Mầy biết con c. gì. Thôi uống đi, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ, ở cái làng hiu hắt của mình. Bán vợ, đợ con là cơm bữa. Chỉ gia đình mầy, chưa chắc có cơ may thoát, mới ràng ràng đó. Hà… hà… Hơi đâu mà. Khi vương cái buồn muôn thuở, mầy thấy nó nhẹ tênh hè. Nói là nói vậy, tao đang điếng hồn với nó đây hè. Tao coi nó tựa cánh chuồn không thèm chỗ đáp. Nhân chứng cả đời tao đó. Buồn thê thảm mầy ơi. Khà… khà…
Riêng tao, tao hận tao, sao không được mọi mặt như ông tía mầy. Cùng là một kiếp người, sao lại vậy? Tao biết hận vậy là bậy. Là tự giết. Mà nó cứ sao sao đó. Tao cố dứt ra hoài nhưng không được. Càng bứt nó càng dính. Nghĩ hoài, tao tìm được một cách san bằng độ dốc này. Là khi say rượu trời đất, sang hèn, tốt xấu đều bằng nhau. Mầy còn nhỏ, thử kiểm nghiệm đi.
Tao giúp cho. Nhớ, lúc nhỏ nông nổi, tao có vài lần suýt chết như mầy, lúc nãy đó. Nhưng thôi, dù gì mừng cho mầy. Nhờ vậy, mầy biết lội rồi, dù hơi trễ. Không nhảy xuống, đời nào biết lội- chợt ông ngừng nói và chắc lưỡi- Mầy uống đi “Vô tửu, bất thành nhân cách”. Tao nói vậy mầy nghe lạ không? Sớm muộn gì mầy cũng hiểu. Bây giờ, không cần. Biết nhiều khổ nhiều. Tao cắt nghĩa đùi chi cho mệt. Tự hiểu điều đáng trọng.
Nói rồi, ông vò thắng khói mái tóc; bộ râu quắn, lợn cợn sợi trắng, sợi đen ôm nhau xoắn tít, quơ quơ qua lại trước mặt tôi. Miệng khà hơi rượu ê, thum thủm. Ông tiếp:
- Uống một ly, con buồn lắng đọng. Hai ly, vơi cái cơi trầu đựng rượu. Ba ly, đi không cần lối. Ly thứ bốn, nằm không đúng chốn.
Bất ngờ, ông nghiêm sắc mặt, nhìn sững đâu đâu, không nói nữa mà gật gật cái đầu, ra vẻ. Nước bọt hột lớn hột nhỏ văng dính đầy hàm râu, bệt than đước dưới cái mũi đỏ, lấm tấm, tựa bụi tuyết trắng xát. Ghê thấy mẹ. Còn hai dòng nước dãi, treo mép miệng thấp cao, nãy giờ dai nhách, đang đong đưa đùa với hàm râu loe hoe quắn.
Và, tự nhiên câm bặt. Ông ngồi bệt xuống đất, hai chân chòi chòi như con nít. Rồi, ôm mặt khóc hu hu. Tôi không hiểu ất giáp gì cả. Tôi trố mắt. Và, đực người ra chịu đựng. Ông say quá hay đang dở trò ma quỷ. Trêu chọc. Hù dọa.
Mặc, ông nói trăng làm cuội, nãy giờ. Thế mà, con giận con buồn trong tôi không chỗ thoát sáng này, hình như nó đã nương cánh chuồn, từ từ thoảng, nhẹ tênh rồi mất tiêu. Chợt, ông đứng dậy, ngã tới ngã lui. Di dí con rắn mối và ly rượu, sát môi tôi hoài.
Lúc này, tôi thật sự tởm. Dù lơ mơ trong đầu chưa hiểu rõ. Cơn cớ gì, uống rượu với ổng hồi sáng, tía tôi say bí tỉ về hoành hành gia đình cỡ đó. Trước đó tới giờ tôi chưa thấy. Tía tôi là người tốt, có nhà cửa, có nghề nghiệp đàng hoàng. Má tôi yên ổn, nép phận.
Tại sao vậy? Tại rượu? Có phải đây, sự mặc cả đạo đức, cách định vị danh dự? Trong chuỗi ngày dài trưởng thành con người. Như không có, thật ra nó nghiêm ngặt lắm. Đấu tranh sinh tồn tinh thần, không kém. Gai góc lắm.
Tôi nhìn hai cái gò má tím bầm vì rượu liên tục, nghiêng qua rồi nghiêng lại, theo cái vẻ cố làm dáng coi khinh tất cả, xem cuộc đời là số không. Tôi đoán ông đang đau buồn số phận hẩm hiu.
Mà cố ý giễu cợt chính mình, hầu che lấp. Thói đời khoe là che. Tự nhiên, lòng tôi chùng xuống và đưa tay quàng lấy cái buồn cố dấu. Tôi lặng lẽ, cầm ly rượu đổ vào miệng, hết ly này đến ly khác. Tôi muốn gì lúc này. Mà tự đày đọa, thú vui bệnh hoạn này, đến mức. Hay đây sự nông nổi quá trớn, của tuổi nhỏ. Nếu vậy, con sáo sổ lồng hãy thả luôn. Như vậy đỡ cô đơn hơn. Ứ… hử… Bốn ly đó.
Thật sự, lúc ấy lòng tôi đang đắng. Tôi không muốn gì hết. Vì căn nguyên nỗi buồn ông Tư, tôi mới loáng thoáng thấy. Chưa rõ. Làm sao chia sẻ được. Nếu được, chưa chắc ông nhận. Vì tôi, đáng con, đáng cháu. Nhớ, lần tía dạy, quay đầu là bờ, dễ làm. Để hiểu thấu mà làm, khó lắm. Nồng độ rượu tôi đang uống quá cao, làm tôi chỉ thấy là cay là xé. Ráng chịu. Ừ. Còn lại tôi với tôi. Đáng đời, tự nhiên quàng lấy cái ách giữa đàng. Ngu.
Tôi lừ đừ cắn từ đuôi con rắn mối, nướng còn sống, tìm chất ngọt cội nguồn. Và thấy đoạn đuôi nó giãy tê tê trong vòm miệng. Cắn là hiện thực, khúc đuôi giãy tê tê là hư cấu. Tôi chậm rãi nhai, nhai nhằm cái mật của nó, đắng là từ đơn cộng với nghét, ra từ kép, tăng nghĩa thêm đắng nghét. Đắng lắm, tôi vừa nhai vừa suy nghĩ vậy. Rồi. Và rồi.
Tôi thừ ra. Từ đó, giờ phút giây vận hành nhẹ như cơn gió thoảng. Tới lúc, ông Tư gượng đứng dậy, cặp cổ tôi. Hai thằng người té tới, té lui. Thế đó, đời công bằng chưa hở ông Tư. Rồi, tự nhiên tôi nghe giọng ông rè quá. Lúc tà qui ở hướng Tây hực lên lần cuối, mặt trời đâm gai tua tủa, đang giãy chết, cùng ánh sáng vàng rực cháy. Khiến giọng nói và cả mình tôi khét lẹt. Khào. Khô khốc. Ông lại cố nói:
- Tiểu đệ kiến tiểu huynh một ly nữa. Xin tiểu huynh nhận một lạy này, kết tình… bằng hữu.
Tía tôi say trước quậy trước. Ông Tư say sau quậy sau. Mỗi người mỗi kiểu, mỗi bi thiết. Rồi tới phiên tôi chuẩn bị. Ôi! Rượu ở quê tôi. Ván bài thử thách.
Lúc đó, tôi muốn đứng dậy đỡ ông Tư Xi lên, nhưng không được, vì tay chân tôi bị rượu làm mỏi nhừ, nó sắp rụng khỏi cơ thể. Ừ. Cảnh tình tồi tệ quá, thà chết đi, còn hơn. Cái thằng tôi. Thằng con nít. Tập tọng làm người lớn, mà chi. Nên không và không nên vào lúc kéo tôi chuyện này, tôi vô tội mà. Tôi tỉnh trong, trong suy nghĩ. Thấy nó càng lạ quá. Chợt nhớ tía dạy. Vật cùn tất biến, cái đúng còn ở. Đừng sợ.
Chính lúc đó.
Trên cao từ vòm trời xanh. Lừng lững hiện ra, một dòng sông quê, êm đềm chảy qua. Về đâu. Về đâu. Tự nhiên tôi thấy, tía má anh Sáu, chị dâu và mấy chị tôi, nhẹ nhàng đi tới đi lui trên mặt nước. Tía tôi đang ngồi trên ghế đay, cùng tách trà bốc khói. Má, bưng xấp bánh phồng, bánh tráng nướng, nhẹ đặt lên.
Khi tôi thấy tía tôi bất ngờ tụt xuống khỏi chiếc ghế và ngồi xếp bằng trên mặt nước. Chiếc ghế đay từ từ chìm xuống. Là lúc, mắt tôi tối sầm và té chúi dưới chân ông Tư Xi. Từ, một góc âm u, tôi mê đuối loáng thoáng nghe. Tiếng ai lè nhè vẳng.
- Ồ, tiểu huynh té rồi. Tiểu đệ kè tiểu huynh vào long xà nằm nghỉ nghen.
Long xà là cái quái gì? Thây kệ của ai? Mãi mãi không cần có câu trả lời.
Sáng hôm sau. Lúc tỉnh rượu. Tôi thấy, tôi trần truồng nằm đưa háng mông tù hụ, tênh hênh trên một nhánh gừa già de sát mặt sông của con rạch Cái Bần, đầy ắp. Và nước đang lách chách vỗ về tấm lưng trần của tôi. Long xà, gác mấy cọc cây sơ sài như ổ chim cu gáy, biếng nhác. Không biết tại sao, cả đêm qua tôi không té xuống nước. Hỏng lẽ. Tôi say nguyên đêm, không cử động được. Có lẽ.
Từ đó.
Tôi biết uống rượu. Nhờ ông Tư Xi. Và tôi giã biệt thời ngây thơ, cũng từ đó.
Sau buổi nhậu đầu tiên. Ông Tư khiến tôi thành người lớn. Trên mọi miền đất nước, tôi hồn nhiên bước vào những trận nhậu bất tận. Đổi những cơn say cháy. Tôi chỉ được một điều duy nhất. Điều gì?
Đó là.
Mỗi lần say, nếu tôi té chúi xuống. Tự nhiên, tôi thấy tuốt trên trời cao, lừng lững hiện ra một dòng sông. Một dòng sông bình thường, sóng sánh nước, dập dềnh màu hồng xác hoa ô môi. Và, chúng lách chách vỗ về, an ủi tấm lưng trần của tôi. Tía tôi an nhiên cùng tách trà bốc khói.
Thỉnh thoảng ông bẻ lắc cắc, tiếng bánh phồng, bánh tráng nướng. Còn anh chị tôi, tạo nên âm thanh mê đắm, cụp cùm cum. Đôi khi cuối dòng sông đó, có thêm một con trăng đầy đặn đỏ ối. Trang trọng trồi lên. Lúc đó, cả gia đình tôi, yên vui trong ánh sáng chan hòa và thanh bình. Điều này, chỉ đến với tôi, sau những cơn say dữ dằn. Ôi! Dòng sông quê. Thương lắm.
Vĩ thanh.
Giờ tôi già rồi. Tía má tôi đã chết. Ông Tư Xi cũng chết.
Con rạch Cái Bần còn đó. Mỗi ngày nước hai lượt vẫn đi về.
Riêng tôi xin một lần, được quỳ xuống cúi hôn nỗi buồn của ông Tư Xi.
27/2/2014
Phạm Trung Khâu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin