Ngày xưa trên miệt đầu nguồn An Giang, cá éc xuất hiện rất nhiều vào mùa nước nổi. Cá éc tương tự cá chép, nhưng vảy màu xám đen, thân dài, thon hơn.
Ngày xưa trên miệt đầu nguồn An Giang, cá éc xuất hiện rất nhiều vào mùa nước nổi. Cá éc tương tự cá chép, nhưng vảy màu xám đen, thân dài, thon hơn. Giống cá này lội khỏe, thích vùng nước sâu, chảy mạnh, nên thịt chắc và dai; con lớn có thể lên đến 2 ký lô.
Do đặc tính vòng sinh sản gần giống với con cá linh, nên vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, cá éc theo nước vào đồng, chọn vùng nước sâu sinh sản đẻ trứng. Cho đến khi nước rút, cá con và cá trưởng thành lại theo nước ra sông tìm nơi trú ẩn.
Thực ra ngày xưa có lẽ có nhiều tôm cá quá chăng mà cũng ít ai “dòm ngó” tới loại cá này, một phần người ta chỉ chọn cá to con từ trên ký lô trở lên mới ăn.
Hôm rồi về An Giang, được thưởng thức lại món cá éc nướng lá sen, lại thấy đúng là món ngon, nên ngày nay chúng đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng. Hiện người ta đã nuôi được giống cá này trong môi trường nhân tạo, nhưng muốn ăn cá đồng tự nhiên nên phải đặt bà con nông dân từ nhiều ngày trước mới có được cá to.
Món cá éc nướng rất đơn giản, chỉ cần làm sạch, để vảy, cho cọng sả vào miệng cá, nếu thích có thể ướp lên mình cá lớp mỏng mật ong hoặc cứ để nguyên vậy, rồi quấn bằng lá sen nướng trên lửa than. Cách nướng này không làm cháy da cá, mùi thơm của lá sen tươi thấm vào thịt cá tươi, tăng thêm độ hấp dẫn, màu cá chín vàng óng (nếu phết mật ong) rất đẹp.
Món này ăn kèm với các loại rau, khế chua, chuối chát chấm muối ớt; hoặc cuốn với bún, bánh tráng chấm nước mắm me. Món ăn đơn giản, nhưng đã lâu rồi mới bắt gặp giống cá tưởng chừng tuyệt chủng, thấy tiếc nhớ một thời đồng nước nổi dồi dào tôm, cá đủ loại. Cho nên, cái giống cá ngày xưa người miền Tây không mặn mà lắm, giờ mới thấy “khói” đã cảm giác ngon từ trên bếp than hồng.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin