Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử

06:11, 14/11/2015

Vĩnh Long là một trong 21 tỉnh- thành Nam Bộ vinh dự được UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Song, ĐCTT Nam Bộ vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị mai một, nên vấn đề đặt ra là cần có giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật này.

Vĩnh Long là một trong 21 tỉnh- thành Nam Bộ vinh dự được UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Song, ĐCTT Nam Bộ vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị mai một, nên vấn đề đặt ra là cần có giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật này.

Các nghệ nhân cao tuổi truyền nghệ thuật ĐCTT cho thế hệ sau. Ảnh: HÒA BÌNH
Các nghệ nhân cao tuổi truyền nghệ thuật ĐCTT cho thế hệ sau. Ảnh: HÒA BÌNH

Vĩnh Long là một trong 21 tỉnh- thành Nam Bộ vinh dự được UNESCO công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Song, ĐCTT Nam Bộ vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị mai một, nên vấn đề đặt ra là cần có giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật này.

Sự cấp thiết cần có đề án bảo tồn

Trải qua chiều dài của lịch sử, ĐCTT đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nổi danh, ở Vĩnh Long có Tống Hữu Định- người có công đưa ĐCTT tiến thêm một bước gần đến sân khấu là ca ra bộ, tiền thân của sân khấu cải lương; Trần Quang Quờn- Trưởng nhóm ĐCTT miền Tây; Trương Duy Toản- nhà soạn nhạc nổi tiếng Nam Kỳ...

Đặc biệt, nhiều thế hệ nghệ sĩ của Vĩnh Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ sĩ nhân dân” như: Nghệ sĩ nhân dân Ba Du, Phan Văn Huệ, Thành Tôn, Út Trà Ôn, Lệ Thủy…

Hiện Vĩnh Long có trên 197 CLB ĐCTT. Các CLB này thường xuyên sinh hoạt định kỳ hàng tháng, còn hàng quý thì sinh hoạt, giao lưu theo cụm (khoảng 3- 5 xã hợp lại) như tại huyện Vũng Liêm, TX Bình Minh,… để trao đổi, học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao kỹ năng và trình độ nghệ thuật.

Qua đó, số người am tường 20 bài bản Tổ được nâng lên đáng kể. Ghi nhận năm 2010, số người biết chơi 20 bài bản Tổ là 40/1.306 người biết đờn ca; đến năm 2013 con số này khoảng 90/1.700, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa văn nghệ của người dân bình quân trên 0,3 lần/người/năm; mức độ sinh hoạt của các CLB, tổ, nhóm trên 10 lần/năm.

Những con số này tuy chưa cao, nhưng cũng nói lên được sự đam mê nghệ thuật ĐCTT của các nghệ nhân trong tỉnh. Đây cũng là dòng chảy chủ lưu góp phần ươm mầm và nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên, đặc thù của nghệ thuật ĐCTT là truyền khẩu và truyền ngón nghề trực tiếp, mà trong bối cảnh hiện nay, nhiều loại hình nghệ thuật mới hiện đại đã du nhập vào nước ta, mở ra nhiều sự lựa chọn cho mọi người trong việc thưởng thức nghệ thuật, nên ĐCTT rất dễ bị biến dạng, mai một và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác.

Thêm vào đó, lực lượng kế thừa của loại hình nghệ thuật này cũng dần hạn chế, một số gia đình nghệ nhân nổi tiếng nhưng con cái lại không nối nghiệp. Các CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt định kỳ, song đa phần phát triển tự phát, nội dung sinh hoạt không đa dạng.

Mặt khác, số lượng nghệ nhân theo đúng chuẩn qua 2 đợt kiểm kê là không nhiều (năm 2010 chiếm khoảng 3% trong tổng số người biết đờn ca, năm 2013 con số này cũng khoảng hơn 5%), lực lượng này đang dần mất đi- nhất là đối với nghệ nhân đờn.

Nhằm kế thừa và phát huy tốt những giá trị tinh hoa của nghệ thuật ĐCTT mang lại, Vĩnh Long đã có nhiều giải pháp bảo tồn giá trị của nghệ thuật truyền thống này theo tinh thần của Nghị quyết BCH Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết BCH Trung ương 9 khóa XI.

Mới đây nhất, trên cơ sở đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL), UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2015- 2020” với nhiều nội dung thiết thực và quan trọng.

“Cú hích ” đúng thời điểm

Đề án được ban hành như “cú hích” đúng ngay thời điểm Bộ VH, TT và DL vừa công bố chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ giai đoạn 2015- 2020, là tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng hơn đến việc phát triển loại hình nghệ thuật này ở địa phương. Đặc biệt, đề án tập trung nghiên cứu và đề ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT ở Vĩnh Long từ nay đến năm 2020.

Trong đó, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của nghệ thuật ĐCTT, sưu tầm các tư liệu về nghệ thuật ĐCTT, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, nhất là giới trẻ bằng nhiều hình thức, với nội dung thiết thực, có chất lượng và giá trị nhân văn cao.

Đồng thời, biên soạn, xuất bản quyển sách “Tổng quan về nghệ thuật ĐCTT Vĩnh Long”. In và phát hành 2.000 tập viết về 20 bài bản Tổ ĐCTT, 4.000 đĩa CD, VCD làm tư liệu nghiên cứu. Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức 5 cuộc hội thảo, tọa đàm về nghệ thuật ĐCTT, hợp tác với các trường cao đẳng, đại học đưa bộ môn ĐCTT vào giảng dạy tại các trường.

Nghệ nhân là những người luôn lặng lẽ bảo tồn, “giữ lửa” cho nghệ thuật ĐCTT.  Ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TÂM
Nghệ nhân là những người luôn lặng lẽ bảo tồn, “giữ lửa” cho nghệ thuật ĐCTT. Ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TÂM

Ngành VH, TT và DL sẽ hỗ trợ nghệ nhân lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Cùng với đó, tổ chức nhiều hội thi, liên hoan ĐCTT, định kỳ cấp huyện tổ chức mỗi năm/lần, cấp tỉnh tổ chức 2 năm/lần. Mở 10 lớp ngắn hạn ĐCTT và xây dựng chuyên mục “Trao đổi về nghệ thuật ĐCTT” trên Bản tin Văn hóa và trang Website của Sở VH, TT và DL tỉnh Vĩnh Long…

Để thực hiện đạt chỉ tiêu, đề án trên cũng đặt ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, tỉnh chú trọng, quan tâm đến chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân và tăng cường đầu tư nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ĐCTT.

Trước mắt, tỉnh sẽ quy hoạch, đầu tư xây dựng thêm một số điểm trình diễn nghệ thuật ĐCTT gắn với các cơ sở du lịch tạo điều kiện cho du khách thuận lợi tiếp cận với ĐCTT. Vận động, thành lập CLB ĐCTT tỉnh Vĩnh Long làm nòng cốt cho phong trào ĐCTT của tỉnh phát triển đúng hướng.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, thường xuyên xây dựng chương trình biểu diễn phục vụ các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh; đặc biệt là các địa phương được Vĩnh Long kết nghĩa và ký kết hợp tác như: tỉnh Xiêng Khoảng của Lào, Kampong Speu Vương quốc Campuchia…

Vinh danh, cấp giấy chứng nhận cho nghệ nhân am hiểu và có cống hiến cho nghệ thuật ĐCTT. Tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới trong hệ thống 20 bài bản Tổ ĐCTT và huy động mọi nguồn lực xã hội cùng chung tay với Nhà nước đảm bảo nguồn vốn cho công tác bảo tồn, cũng như hoạt động ĐCTT ở các địa phương tiếp tục được duy trì và phát triển hiệu quả.

 

 
Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT là nhiệm vụ quan trọng vừa có tính cấp bách và lâu dài, đòi hỏi cần có sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan hữu quan và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. ĐCTT đã, đang và sẽ tồn tại, phát huy những giá trị độc đáo của mình, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần quan trọng vào việc xây dựng con người Việt Nam nhân hậu, nghĩa tình.


NGỌC TRẢNG- MINH TÂM

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh