Gió mới cù lao

07:10, 25/10/2015

Đêm trên cù lao Tân Lộc mát dịu lạ thường. Gió từ hai mé sông Hậu thổi lên bờ lồng lộng phát ra những tiếng kêu lào xào dồn dập. Chú Sáu " Rượu mận" chậm rãi đi trên con đường rộng trong tâm trạng hớn hở, thỉnh thoảng lại cười khà khà .

Đêm trên cù lao Tân Lộc mát dịu lạ thường. Gió từ hai mé sông Hậu thổi lên bờ lồng lộng phát ra những tiếng kêu lào xào dồn dập. Chú Sáu “ Rượu mận” chậm rãi đi trên con đường rộng trong tâm trạng hớn hở, thỉnh thoảng lại cười khà khà .

Ngày mai chú được mời về Cần Thơ để báo cáo điển hình mô hình sản xuất rượu mận “độc chiêu” làm rạng danh cây trái miệt này. Bất chợt chú giật mình nhớ lại cái quá khứ vàng son nhưng cũng đầy cay đắng cho chính mình và hàng trăm hộ dân trên cù lao đầy nắng gió.

 Ảnh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Ảnh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

Ai nghĩ sao thì nghĩ chớ dân miệt này vốn được tiếng chơi sang nhất miền Tây. Tất cả nguyên cớ cũng từ khi xứ cù lao này xuất hiện dồn dập mấy tay cò dắt mối làm mai con gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Một nhà, hai nhà, rồi cả xóm rộ lên phong trào gả con ngoại quốc để đổi đời. Nhà mới mọc lên. Con gái xứ này cạn kiệt. Vui thì ít chớ lo thì nhiều. Dăm đứa báo tin có chồng tử tế nhưng kinh tế cũng “khô” dần. Vì vậy việc về thăm quê cha đất tổ ngày càng thưa thớt. Nhiều đứa bặt vô âm tín khi gia đình chạy tìm tin tức xấc bấc xang bang. Rồi chuyện bể nợ của hàng trăm gia đình chuyên nghề nuôi cá tra theo kiểu cha truyền con nối mấy chục năm qua. Doanh nghiệp ép giá, làm núng làm níu. Ao treo. Ruộng thất. Cây trái rớt mùa, rớt giá. Cù lao không ngủ đêm này qua đêm khác trong tiếng thở dài não nuột, trong tiếng sóng cười cợt xé lòng.

Đêm nay, Tân Lộc lại không ngủ. Không ngủ vì niềm vui đang lan tỏa trên khắp xóm làng. Tiếng đờn kiềm, đờn cò, ghi ta phím lõm hòa lẫn tiếng ca của mấy tay nghệ sĩ “ không chuyên” miệt vườn nhưng điệu nghệ và hơi hướng hổng thua gì nghệ sĩ chuyên nghiệp cứ lanh lảnh vang xa, trùm lên những cánh đồng vàng lúa chín đẹp trong ngần dưới ánh trăng rằm. Hôm nay, nhà chú Sáu Thế gả con gái cho con bà Sáu “Bánh bò” nhà ngang lộ nên lối xóm kéo tới chơi đông và vui vẻ.

- Tui nói thiệt nghe. Tưởng cái xứ cù lao này tiêu tán đường vì cái “chiện” có chồng Đài Loan, nấu mía đường thua lỗ, rồi bị thêm cái “mửng” phá sản vì cá tra rớt giá “từa lưa hột dưa”. Vậy mà… chưa thấy thua- tiếng chú Sáu “Rượu mận” lè nhè trong cơn say.

- Anh nói vậy nghĩa là sao? Tui mà biết, tui chết liền- tiếng dì Năm Sương sa hột lựu đáp trả.

- Thì tui nói, nhờ ơn trên hộ độ nên bây giờ bà con mình bắt đầu có “gió máy” trở lại.

- Tưởng gì, “chiện” hồi xửa, hồi xưa nhắc chi cho nó “dội”.

Ngày đó, sau buổi họp dân tại ấp bàn về chuyện làm con đường lớn chạy vòng hết xứ cù lao này. Ai nấy cũng đồng tình hớn hở ra mặt, chỉ có dì là phản đối kịch liệt.

- Tui không nhứt trí gì hết trọi. Mấy ông muốn làm thì tìm cách khác. Mắc mớ gì mà đất tía má tui để lại, tự dưng tui đi cho không Nhà nước- dì nói rất lớn với thái độ giận dữ.

- Mình vì mọi người dì Năm ơi. Có đường thì bà con mình thuận tiện trăm bề- tiếng Tám - Bí thơ Đảng ủy xã nhỏ nhẹ khuyên lơn.

- Tui nói không là không. Tui già rồi bí thơ ơi!

Nói xong, dì đứng lên bỏ đi một nước quên cả chuyện vói lấy cái nón lá máng ở cánh cửa nhà thông tin ấp, quên nhìn những ánh mắt bất đồng, bực dọc của bà con chòm xóm.

Ra khỏi chỗ họp thì mưa tầm tã mỗi lúc mỗi nặng hạt. Con đường đất bắt đầu lầy lội, trơn trợt. Chưa về đến nhà thì dì thấy con Tấm chạy hớt hơ hớt hải trên bờ đê, nước mắt đầm đìa, đầu tóc rối tung.

- Má dìa lẹ đi. Thằng Cám chắc bị phong đòn gánh giựt giẫy đạch đạch ở nhà, mình mẩy xanh dờn xanh ẻo, má ơi…

Nghe con nói mà dì muốn té xỉu trên bờ đê. Ở cái cù lao xa xôi này, làm sao đem thằng nhỏ qua sông cho kịp. Từ đây tới Cần Thơ đó cả mấy mươi cây số. Phải chi hổng mưa thì dì năn nỉ Ban tế tự chùa Hảo Hòa cho xe cứu cấp tới tiếp giúp. Đằng này đường sá lầy lụa, trắc trở khó đi. Và… Mới lúc nãy đây dì là người duy nhất không chịu hiến đất làm đường nhựa nông thôn, giờ mặt mũi nào nhờ bà con giúp đỡ.

Thằng Cám lại lên cơn co giật. Hai mẹ con ôm nhau nước mắt đầm đìa. Mưa xối xả. Gió ầm ào. Bỗng có tiếng còi xe cứu thương vang lên và mỗi lúc một gần. Trên xe là chú Sáu Thế, bà Sáu Bánh bò, anh Tám Bí thơ và nhiều người khác nữa. Thì ra con Tấm thấy nguy dầm mưa chạy tới nhà thông tin ấp cầu cứu.

Thằng Cám được chuyển lên băng ca. Xe lao đi trong mưa gió, sấm chớp đầy trời. Mỗi khi xe sụp bánh xuống các vũng sình thì bà con hai bên đường túa ra. Người dùng cây, người dùng dây kéo để kéo xe qua khỏi những đoạn đường lầy lội. Cám được chuyển qua sông Hậu và được cứu sống kịp thời tại bệnh viện Cần Thơ. Sau lần đó, dì bứt rứt, ân hận, tự giày vò vì việc làm nhỏ nhen của mình rồi xuống tóc và ăn chay trường cho đến bây giờ.

Người dân cù lao Tân Lộc khá bất ngờ trước sự thay đổi của một phụ nữ được xem là “rắc rối lu bu” nhất xứ này. Không chỉ hiến đất làm đường nhựa giao thông nông thôn, dì Năm còn “chơi đẹp” bằng việc hiến tặng mấy công đất ruộng để xây nhà trẻ mẫu giáo đầu tiên trên đất cù lao. Dì còn vận động bà con chung tay xây dựng phòng thuốc Nam miễn phí cho dân nghèo, thành lập tổ làm nhà tình thương, trại hòm miễn phí, tổ sửa chữa cầu đường, tổ cấp cháo nước sôi miễn phí tại bệnh viện…

Năm đầu tiên người dân Tân Lộc thay đổi cách nghĩ, cách làm nên lúa trúng đầy đồng. Thương lái đến mua nườm nượp với giá cao, nhà nhà hớn hở đón cái tết thật vui và hạnh phúc sau mấy năm nếm quả đắng thất mùa, mang nợ. Tiếp đến là những mảnh vườn mận hồng đáo đá, An Phước, chôm chôm, nhãn phát triển xanh tốt hứa hẹn mùa bội thu sản lượng. Nhiều khu du lịch miệt vườn mọc lên với nhiều loại hình giải trí dân dã, thú vị kết hợp phát triển dịch vụ đờn ca tài tử, khám phá sông nước, thưởng thức đặc sản cá đồng Tân Lộc thu hút ngày càng nhiều khách đến tham quan.

Trời không phụ lòng người. Năm đó dân cù lao trúng đậm mùa lúa “bể tay” luôn. Mấy cái ao “ treo” dân thả cá lóc cá rô đồng, tưởng làm chơi ai dè ăn thiệt. Hàng trăm công vườn đốn bỏ các loại cây già cỗi, khó tiêu thụ sản phẩm để thay vào đó những loại đặc sản thơm ngon, hấp dẫn, có giá trị cao. Thừa thắng xông lên, dân xứ này còn đầu tư làm mô hình du lịch sinh thái miệt vườn.

Càng về khuya thì người đến chung vui càng đông và rôm rả. Dân xứ này là vậy. Cứ nghe ở đâu động dao động thớt là hàng xóm tới giúp đông đủ, không nề hà ngày đêm khó nhọc. Ngày thường đã vậy chớ nói gì bữa nay là đám cưới. Mà đám cưới một nhà là cả xóm vui lây như chính nhà mình có đám. Nghĩa tình xứ cù lao ngộ thiệt. Những bài hát quê hương cứ nối tiếp nhau trong đêm sôi động dưới ánh đèn rực rỡ, trong tiếng nhạc rộn ràng. Trong ánh sáng huyền hoặc lèm lẹm của trăng rằm, những trụ điện cao thế im lặng cùng thời gian đang đứng sừng sững kênh kiệu cao ngất trời mang nguồn sáng qua sông. Những chiếc ghe, tàu cập bến rồi lại ra đi vội vã mang theo bao trái cây thơm ngon của vùng quê Tân Lộc. Những lò sấy lúa to đùng hoạt động hối hả ngày đêm như minh chứng cho sự hồi sinh thật lạ lẫm diệu kỳ.

Bên chung rượu đế nồng cay, tiếng chú Sáu Thế ngọt lịm nhấn nhá từng chữ từng lời khi ca “ cặp” với chị sui là bà Sáu Bánh bò qua bài vọng cổ “Về thăm Tân Lộc quê tôi”: “… Em có về Tân Lộc nhớ ghé nhà anh ăn mận ngon chín ngọt, nghe sóng hát ru tình yêu đôi lứa giữa quê hương trên đường dựng xây nông thôn mới. Cù lao xanh điệu đàng trên sông Hậu. Dẫu lắm gian lao nhưng xanh thắm khúc nhạc yêu đời…”

Có lẽ Tân Lộc đã quên đi cái quá khứ buồn, chua xót lắm khó khăn để hôm nay đang đón lấy luồng gió mới trong lành, tự tin, đầy sức sống mãnh liệt đang thổi bùng lên một bức tranh đẹp đầy nét chấm phá của một hòn đảo ngọc xanh rì ước vọng ở tương lai.

PHAN THỊ ANH THƯ (TP Cần Thơ)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh