Dấu chân xưa

12:10, 04/10/2015

Mặt trời tròn vạnh như lòng đỏ trứng vịt muối đang núp dần xuống cánh rừng giá mênh mông rồi khuất sau rặng chà là. Nền mây biển chiều tà trở nên tím thẫm. Hoàng hôn lúc nào cũng mang một nỗi buồn vì dự báo màn đêm sắp phủ trùm vạn vật.

Mặt trời tròn vạnh như lòng đỏ trứng vịt muối đang núp dần xuống cánh rừng giá mênh mông rồi khuất sau rặng chà là. Nền mây biển chiều tà trở nên tím thẫm. Hoàng hôn lúc nào cũng mang một nỗi buồn vì dự báo màn đêm sắp phủ trùm vạn vật.

Ảnh minh họa: Trần Thắng
Ảnh minh họa: Trần Thắng

Hai chiếc ghe chài to tướng đổ ba trăm quân lên miếu Bà làm cho cái xóm nhỏ bình lặng trở nên xôn xao vì một đoàn người lạ mặt. Một vài người nghêu ngao bài hát “Khúc hát người đi khai hoang” của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ để tự trấn an mình khi mới đặt chân lên vùng đất lạ:

“Ta đốt lửa cho rừng hoang ấm mãi, hẹn người lên tìm lại dấu chân xưa…”

Xen vào giọng hát ấy là giọng của Băng Đông- Trung đội trưởng thanh niên xung phong. Anh vừa hô hào điều động trung đội của mình sắp xếp quân trang quân dụng cho gọn gàng vừa càu nhàu than phiền trong lo lắng:

- Chà! Về đây ở khó kiếm được cái gì để sống. Xứ gì mà “chó ăn đá, gà ăn muối”, chỉ có cây hoang với cỏ dại.

Đêm ấy, đặt chân lên vùng Ba Động giữa lúc chưa có một chỗ nghỉ ngơi an toàn, ai cũng sợ mình biến thành mồi ngon cho muỗi. Muỗi Ba Động mùa gió nồm có tiếng không thua gì xứ Cà Mau. Có người mượn câu nói ở Cà Mau cải biên lại tặng cho Ba Động. “Ai về Ba Động mà coi, muỗi kêu như sáo thổi đứng ngồi cũng không yên…”.

Băng Đông không mấy vui vẻ khi đến với vùng đất còn quá nhiều gian khó này, song anh cũng tỏ ra am hiểu cuộc sống ở rừng. Anh gom vội những nhành giá khô rải rác quanh vùng, nhóm lửa lên xông khói cho đỡ muỗi. Anh giải thích:

- Cây giá có mũ độc vậy đó, nếu lấy cây giá khô đốt lên un khói xông muỗi thì muỗi cũng sợ, tản hàng ngay.

Đơn vị thanh niên xung phong chúng tôi nhận nhiệm vụ về ấp Ba Động thuộc xã Trường Long Hòa khai hoang phục hóa mười ngàn héc ta rừng tạp để xoa dịu vết thương chiến tranh.

Sau khi lán trại dựng xong, chung quanh nơi đóng quân hàng đêm bập bùng ngọn lửa rừng xua tan bóng đêm và nỗi nhớ nhà.

Có lẽ một vài anh em thanh niên xung phong chưa thấu rõ nỗi lòng của đất, chưa nghe về những ngôi nhà âm, về người dân Trường Long Hòa này đi tìm sự sống trong chiến tranh gian khổ, bị nhận chìm trong thuốc khai hoang và bom đạn… Tôi nhìn lại những đồng đội bi quan, thấy thương họ nhiều hơn trách.

Tôi may mắn hơn anh em nên hiểu một phần chuyện Trường Long Hòa sắt thép.

Tôi và anh Sáu Minh đều là dân thị xã, vậy mà khi đặt chân đến vùng đất Ba Động thì anh Sáu Minh giống như người bản xứ. Từ đồn Công an Biên phòng Ba Động cho đến từng người dân trong xóm ấp đều tiếp đón anh một cách thân tình. Nhờ cùng anh lang thang vào xóm làng Ba Động, tôi quen biết bà con nhiều hơn và nghe nhiều chuyện “hồi đó”.

Hồi đó ở đây… sự sống phải ẩn mình trong lòng cát. Dấu chân người in trên bãi biển đủ để cho máy bay bắn phá tơi bời. Dấu chân cũng trở thành kẻ thù của máy bay trực thăng hay A37. Còn rẫy hoa màu không được sống ngay hàng thẳng lối như những giồng rẫy mà chúng ta đã gặp ở những nơi khác. Chỉ cần một giồng rau ngay hàng thẳng lối thì đất trở thành kẻ thù của đội quân xâm lược.

Chúng xua máy bay đến oanh tạc, bắn phá tơi bời. Chưa đâu, mấy chiếc khu trục cơ A37 đi dội bom nơi nào đó còn dư mấy trái dưới bụng bay về ngang Trường Long Hòa thì nó tuôn đại xuống đất vô tội vạ. Đối với kẻ đi xâm lược thì Trường Long Hòa là “vùng oanh kích tự do”. Cái “tự do” của kẻ sợ sự sống tồn tại trên mặt đất. Từ những chuyện như vậy nên hồi đó ở đây… ăn trong lòng đất, ngủ trong lòng đất, trẻ con học trong lòng đất, khi yêu nhau người ta cũng phải tỏ tình trong lòng đất…

Đất rừng mở rộng tấm lòng ôm giữ đùm bọc hơn bảy ngàn năm trăm người khi họ bị chiến tranh xâm lược của Mỹ săn đuổi. Kẻ săn đuổi con người càng hung tợn bao nhiêu thì đất càng mở rộng lòng bao bọc chở che cho con người bấy nhiêu.

Hồi đó, lượng thuốc khai hoang rải xuống không làm sao kể xiết. Cứ vài hôm là có một chiếc máy bay thả từng vệt dài loại thuốc độc màu đỏ cam cắt ngang nền trời trong veo, nhìn lên thấy như bầu trời rớm máu… Vậy mà con người vẫn sống. Sự sống trong cái chết!

Tôi và anh Sáu Minh mang chuyện “hồi đó” kể lại cho anh em thanh niên xung phong nghe. Có người chưa tin hỏi tôi:

- Thuốc khai hoang rải vậy sao cây giá không chết để bây giờ mình phải làm công việc khai hoang thủ công?

Tôi không biết giải thích cách nào, chỉ gật gù đáp lại:

- Cũng lạ thật, cây giá vẫn tồn tại dù các cây khác chết.

Có lẽ nó sống như sự sống của người dân Trường Long Hòa trong chiến tranh. Phải sống trong không gian cái chết đang phủ xuống. Rất nhiều anh em thanh niên xung phong ngồi nghe chuyện kể và lặng im thin thít.

Thời gian trôi qua, cánh rừng hoang hẹp lại, nông trường mở rộng, lời hát cải biên ngày ấy như một lời hát vui không có ý nghĩa mỉa mai, trách cứ nữa.

Với anh em trong đoàn quân thanh niên xung phong quen cuộc sống đầy đủ vật chất nơi thị thành thì sự gian khổ bước đầu chỉ mới là thử thách. Khi hiểu huyền thoại của một vùng đất có sự sống tiềm ẩn trong lòng đất suốt một thời chiến tranh tàn phá khốc liệt, thì thử thách ban đầu này quá chừng nhỏ bé. Từ đó, Trường Long Hòa để lại trong tôi và bao đồng đội khác nhiều kỷ niệm.

Băng Đông lập gia đình với cô giáo làng ở ấp Ba Động và chọn nơi này làm quê hương. Tình yêu của anh chớm nở trên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn muối”. Riêng tôi, đất thép Trường Long Hòa vẫn còn là một huyền thoại nằm trong bí mật buộc tôi phải về tìm lại dấu chân xưa.

******

Xã Trường Long Hòa một vùng đất ven biển của Trà Vinh được phong tặng danh hiệu anh hùng. Điều không ai phủ nhận được là những mảnh đất anh hùng sau khi hòa bình lại là nơi rất thiệt thòi. Thời chiến tranh, nơi nào chiến sự xảy ra càng ác liệt bao nhiêu thì ngày hòa bình nó cũng trở thành vùng đất kiệt quệ về khả năng kinh tế bấy nhiêu.

Một sáng tháng tư, theo dấu chân kỷ niệm tôi trở về Ba Động. Ba Động đã hồi sinh, vết thương chiến tranh cũng được hàn gắn lại sau bao nhiêu năm vật lộn với đói nghèo. Khu chợ Ba Động có cái nhà lồng thay cho cái chợ chồm hổm ngày xưa, khẳng định sự hồi sinh rõ rệt.

Bờ giồng của những năm ấy đi bộ còn trượt chân té nhào, xe đạp chạy không được thì bây giờ đã là con đường rộng thênh thang, xe hơi có thể chạy một mạch từ Ba Động về thị trấn Duyên Hải. Nhớ hồi ấy, một lần thấy mấy đứa nhỏ đi học trượt chân trên bờ giồng, mấy bà má trong xóm lại càu nhàu đám thanh niên trai trẻ không chịu đắp cho mấy đứa nhỏ đi một cách an toàn. Thấy vậy, tôi cùng mấy anh em thanh niên xung phong mang cuốc xẻng ra đắp, mấy bà má trong xóm thấy khoái quá gọi tụi tôi là “thanh niên xôm xôm”.

- Tụi bây làm cái gì cũng xôm xôm. Bữa nay, tao đãi tụi bay mấy thẻ đường với một bình trà quạu.

Chúng tôi ăn đường thẻ uống trà đậm nghe ngọt ngào tình cảm của mấy má, mấy em gái suốt ngày chỉ biết lam lũ gánh nước tưới dưa.

Theo chân anh Bảy Thao, anh Sáu Tê, anh Út Thăng trở về thăm vùng kỷ niệm. Đi qua phà Láng Chim, anh Út Thăng nhớ một đồng đội cũ đã hy sinh. Anh chỉ chỗ cống Ông Thiện và nói với tôi:

- Đó, chỗ đó là nơi cha Năm Ly có biệt danh “Ly Lùn” chọi lựu đạn vô đoàn công voa.

Năm Ly ở ấp Ba Động. Gia đình nghèo khổ quá phải bỏ xứ lên Sài Gòn làm nghề chạy xe xích lô. Tới năm Đồng Khởi 1949 mới quay về. Năm Ly mở miệng ra phải có tiếng chửi thề như tiếng đệm. Lúc vô du kích, nhiều người không thích Năm Ly vì cái tật chửi thề. Nhưng Năm Ly là một người ngang tàng mà gan góc từng làm cho kẻ thù hoảng sợ.

Qua những chuyện vui buồn thời kháng chiến giữa anh Sáu Tê và Út Thăng, tôi được biết thêm nhiều chuyện của Năm Ly.

Hôm ấy, du kích Trường Long Hòa phục kích bắn xe. Năm Ly nói với Tiểu đội trưởng của mình:

- Mẹ bà… ! Bắn bên hông dễ gì trúng nó, giỏi lắm trúng một thằng, hai thằng thôi chứ làm sao trúng được nhiều thằng. Mầy để tao lên tao liệng lựu đạn. Khi liệng xong, mày bắn yểm trợ cho tao rút.

Cả tiểu đội có hai trái mỏ két, là chiến lợi phẩm lấy được của Tây. Năm Ly mang hai trái lựu đạn bò lên. Đoàn xe công voa của giặc đã tới. Đội du kích thấy Năm Ly cứ lú ra lú vô hoài không chịu đánh. Ai ngờ Năm Ly chờ chuyến chót, mới ném hai trái lựu đạn ấy. Nhờ đánh chiếc xe cuối cùng nên những chiếc xe trước không kịp quay lại phản kích và tiểu đội du kích rút về nơi an toàn.

Rồi như nhớ lại những ngày tháng ấy, anh Út Thăng kể cho tôi nghe tiếp chuyện Năm Ly như một kỷ niệm vui:

- Trận đó, ổng thảy một cái đi hai chục thằng. Riêng Trung đội tình báo của Chi khu Long Khánh có thằng đội Sơn ác ôn khét tiếng. Không biết ổng nổ súng thế nào mà bị tụi nó vây bắn ổng. Ổng với hai người nữa cứ bò qua bò lại né đường đạn rồi lừa thế ném lựu đạn nổ tung làm văng cái “của quý” thằng đội Sơn. Đám tình báo của đội Sơn hoảng hồn hoảng vía.

Chuyện anh Út kể làm chúng tôi cũng phải phì cười. Chỉ một cú đánh của Năm Ly mà tên đội Sơn phải mất giống “ác ôn”. Tôi hỏi thăm anh Út Thăng:

- Anh Năm Ly còn sống không anh?

Anh lắc đầu:

- Năm 1966, tàu mình bị đánh ở ấp Nhà Mát. Trực thăng của tụi nó phát hiện lực lượng chi viện của mình nên nó mới quần. Năm Ly bực mình bồng súng bắn chiếc trực thăng, bị nó phóng pháo lại chết tại chỗ. Coi như Năm Ly hy sinh tại Nhà Mát…

Anh trầm ngâm một chút rồi nói tiếp bằng giọng buồn buồn:

- Kể cho anh em nghe chuyện này giống như mình là kẻ sống sót sau chiến tranh thôi. Biết bao nhiêu người đã chết…

Từ chuyện Năm Ly hy sinh, anh Bảy Thao chợt nhớ một chuyện giặc dùng vũ khí hóa học, anh nói:

- Không biết thằng Mỹ nó rải thuốc gì mà vợ Ba Trọn bị sưng tay chết ngạt.

Tôi hỏi:

- Có phải thuốc khai hoang không anh Bảy?

- Không phải đâu, nếu thuốc khai hoang thì cỏ cây chết trụi, đàng này cỏ cây không có sao, mà người thì bị hủy hoại mới ác chớ.

Hồi chiến tranh, dân trong xã Trường Long Hòa ly khai với giặc, không làm giấy căn cước. Chỉ những cơ sở hợp pháp ở ngoài đưa tiếp tế vô cho mình mới làm giấy căn cước còn những người khác thì không có giấy tờ gì hết. Nhà không số, phố không đèn, người không hộ khẩu nhưng kết lại với nhau thành một khối. Dân nuôi chứa cán bộ, bảo vệ cán bộ.

Khi bị bắt hỏi cơ sở cách mạng, chẳng thà chết chớ dân không hề khai. Nhà dân cháy khi bị bom đạn giặc, thì cán bộ chạy tới đó ngay. Cùng nhau lo lắng cho nhau, xem có ai bị thương chở đi cứu chữa, ai khó khăn thì vận động những người khác quyên góp cứu trợ ngay tức khắc. Giặc đánh không còn một cái nhà. Theo anh Bảy Thao, cả xã không có một cái nhà nào còn nguyên vẹn, nhà cửa thành cái chòi giống như cái chuồng heo, chuồng bò.

Anh Bảy Thao nói thêm về nỗi đau của vùng đất mà con người phải đi tìm sự sống trong cái chết:

- Lúc đó, B52 nó cắt bom ngang con giồng vừa xong, đất bị cày xới. Cán bộ với dân cùng nhau lấp cái hố bom này lại, rồi tiếp tục sản xuất mà sống. Khi bom phá banh mấy khoảng cây rừng đất như được vỡ hoang, bà con đổi công nhau lấp hố bom thì đất rừng biến thành đất canh tác, đất canh tác từ đó rộng ra thêm, sản xuất được. Còn mấy cái hố bom sâu giữa rừng không lấp được thì người ta bỏ chà vô nuôi cá cũng sống được.

Anh nói thêm: Cồn Tàu, Cồn Trứng, Khoáng Tiều, Ba Động đều có hải thuyền đậu ngoài khơi dùng vũ khí tát dân ra khỏi Đảng.

Trên đường về Ba Động, tôi lén nhìn kỹ anh Bảy Thao. Tóc anh đã bạc hơn xưa nhưng giọng nói vẫn còn rang rảng như thời trung niên. Qua những chuyện vui buồn thời kháng chiến, tôi mới thấy anh Bảy Thao rất đặc biệt. Anh đã bị chiến tranh cướp mất một mắt, với một mắt còn lại anh vẫn nhìn vấn đề thật thấu suốt. Có lẽ anh nhìn vận động cuộc sống bằng chính trái tim mình. Anh nói:

- Lòng dân, lòng Đảng gắn bó như keo sơn, không gì diệt được mới có Trường Long Hòa sắt thép. Chính sự gắn bó này còn hơn sắt thép. Sắt thép còn bị rỉ sét chớ nghĩa Đảng tình dân không bao giờ bị rỉ sét…

Nói xong ý đó, anh mỉm cười sung sướng như tự hào cho tình nghĩa anh đã sống cùng bà con Trường Long Hòa. Lời anh nói như nhắc nhở tôi phải trở về thăm bà con vùng đất mình đã từng sống. Theo chân các anh, tôi xuống xe băng qua khu rẫy nhà anh Bảy Thao. Trên những rẫy dưa xa xa, những chiếc xe cải tiến đang chuyển dưa hấu từ rẫy ra lộ xe. Con lộ xe ấy ngày xưa chỉ là một bờ giồng nhỏ xíu.

Hôm nay, theo chân anh Bảy Thao, anh Sáu Tê và anh Út Thăng- những người còn sống sót sau chiến tranh, tôi lặng lẽ bước theo sau những dấu chân in trên nền cát. Những dấu chân ấy như thì thầm cùng tôi bao điều tâm sự thay cho nỗi lòng của đất. Ôi, ngày xưa máy bay phát hiện ra dấu chân này thì vùng đất trở nên tan tác. Bao năm trời tôi mới tìm lại dấu chân xưa. Những dấu chân chỉ nằm trong khúc ca và tiềm thức của người đi khai hoang mở đất.

NGỌC HIỆP

(Tặng Đội thanh niên xung phong Trà Vinh- Vĩnh Long)

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh