Nghĩa tình keo sơn

01:10, 31/10/2015

Trên khoảng sân có những cây bàng rợp bóng mát của Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Long là quán cà phê Văn Nghệ- "tụ điểm" mà anh chị em hội viên thường ngồi bên nhau trao đổi công việc hoặc chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. 

Trên khoảng sân có những cây bàng rợp bóng mát của Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Long là quán cà phê Văn Nghệ- “tụ điểm” mà anh chị em hội viên thường ngồi bên nhau trao đổi công việc hoặc chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Một trong những “khách hàng” thường xuyên của quán là đôi vợ chồng trạc tuổi 80, họ thì thầm câu chuyện trông thật hạnh phúc.

Vợ chồng ông Nguyễn Duy Minh.
Vợ chồng ông Nguyễn Duy Minh.

Ông là NSNA Nguyễn Duy Minh. Đam mê nghề ảnh từ nhỏ, gắn bó với phong trào nhiếp ảnh từ lâu, ông là một trong những nhà nhiếp ảnh lão làng ở Vĩnh Long. Hiện dù tuổi cao nhưng ông vẫn đảm trách vai trò Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi, với hơn 20 thành viên.

Bà tên Huỳnh Ngọc Ẩn- hội viên Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Long (còn có bút danh Ngọc Duy) thích viết văn, làm thơ. Cả ông và bà đều ở tuổi 79 nhưng luôn thể hiện sự lạc quan, yêu đời và gần luôn luôn bên nhau.

Ông bà đã tròn 60 năm chung sống- chặng đường dài với buổi đầu khó khăn gian khổ, tự lực cánh sinh xây dựng gia đình với đôi bàn tay trắng đến khi có đầy đủ tất cả những gì cần có của một gia đình. Đặc biệt ông bà đã giữ được ngọn lửa yêu thương luôn lung linh tỏa sáng trong gia đình.

xxx

Thuở còn thơ, ông sống ở quê nhà tại ấp Vĩnh Thành (nay là ấp Vĩnh Tắc, xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn). Mẹ mất năm ông 7 tuổi, cha có vợ kế. Ông được người bác đón lên Vĩnh Long cho học chữ và học nghề làm ảnh.

Bà sinh ra tại xã Tân Tịch (huyện Cao Lãnh, nay là TP Đồng Tháp), có một em trai, một em gái. Gia đình rất nghèo nên cha mẹ gửi bà cho bà ngoại nuôi. Năm bà 13 tuổi, bà ngoại mất và cha bà cũng qua đời. Vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, bà vẫn tiếp tục học.

Năm 17 tuổi, học xong đệ ngũ (lớp 8 hiện nay), bà nói thông thạo tiếng Pháp và được xếp loại giỏi môn Tiếng Việt. Bà còn vẽ đẹp và biết cả nghề may. Bà xin việc làm và được nhận vào làm ở nhà sách Mỹ Lan với công việc: đứng trông coi tiệm bán sách, báo; chép bản thảo cho nhà xuất bản; có khi còn vẽ cả bảng hiệu.

Ông chủ nhà sách Mỹ Lan là bác ruột của ông. Tiệm ảnh Mỹ Phúc ở gần bên nhà sách. Có lần bác dâu (vợ ông chủ tiệm sách Mỹ Lan) nhờ ông viết thơ đòi nợ giúp và đó là cơ hội giúp ông bà có dịp quen nhau. Ông viết tháo, bác dâu không xem được phải nhờ cô Ẩn đọc hộ.

Qua câu văn ông viết trong thơ, cô gái trẻ hiểu đây là người thanh niên hiền lành, tốt bụng nên có thiện cảm với ông. Ông thấy bà đoan trang, lại siêng năng, tận tụy trong công việc nên cũng thầm mơ tưởng. Khi ấy, họ đều ở tuổi 19.

Hôm ấy như hàng ngày, sau giờ làm việc, bà sang nhờ ông dạy học đánh máy chữ. Học xong, khi bà chuẩn bị ra về, ông nhét vào tay bà một phong thư nhỏ và dặn “Về nhà hả xem nha!” Bà hồi hộp nhận thư và đi nhanh về nhà, trốn vào phòng tắm mở phong thư ra. Thì ra đó là một bài thơ tỏ tình, rất mộc mạc, không vần điệu gì cả, mà đến bây giờ bà vẫn còn nhớ:

“Em ơi! Anh đã yêu em

Mong em chớ phụ lòng thành của anh

Mai nầy em đến cùng anh

Chung lo xây dựng tương lai gia đình

Tình anh vốn kẻ khác thường

Không như những kẻ qua đường bỏ rơi

Xin em hạ bút trả lời

Lòng anh luống những đêm ngày đợi mong”.

Trái tim thiếu nữ đập dồn dập, mặt nóng bừng lên, nhủ thầm: “Anh này cũng… dạn quá hen”. Những ngày sau đó, họ cứ len lén nhìn nhau, không còn hồn nhiên như trước nữa. Bà im lặng đến khoảng 2 tuần sau, mỗi lần gặp nhau ông cứ lén lén nhìn bà.

Buổi chiều hôm ấy sau giờ làm việc, ông đánh liều mời bà đi ra quán ở chợ uống nước dừa. Ông ấp úng hỏi: “Em đọc thư chưa?” Bà nghịch ngợm lắc đầu: “Chưa!” Khuôn mặt ông lúc ấy như bóng xì hơi… thật tội nghiệp! Bà cười, khe khẽ nói: “Em đọc rồi mà!” và vụt đứng lên nói nhanh: “Chiều mai ra đây uống nước dừa anh hén?”, rồi đi như chạy về tiệm sách.

Vậy là từ hôm ấy, cứ mỗi chiều, ông bà hẹn nhau ra quán ở chợ uống nước dừa. Ông rất ít nói nên thường họ lặng lẽ ngồi bên nhau nhưng niềm hạnh phúc sáng lung linh trong đôi mắt họ.

Bà chỉ làm ở nhà sách được 5 tháng thì được Ty Tiểu học gọi đi dạy. Ông bà dù không còn làm việc gần nhau nhưng tình cảm đã chớm nở. Thế nên cứ cuối tuần, được nghỉ làm việc ngày chủ nhật là họ hẹn nhau cùng đạp xe đi dọc sông Thiềng Đức hoặc ra vùng ngoại ô để tìm cảnh đẹp chụp hình. Ông hướng dẫn bà cách bố cục và sử dụng máy ảnh và bà thích thú học nghề.

Cuối năm đó, ông nhờ bác dâu đến nhà gặp mẹ bà ở Cao Lãnh để dạm hỏi. Nh

ưng mẹ bà không đồng tình, vì người mẹ không muốn con gái phải tiếp tục sống trong cảnh nghèo. Bà không suy nghĩ như mẹ, mà chỉ mơ ước một người chồng có kiến thức, hiểu biết, có nghề nghiệp và đặc biệt không bị tiêm nhiễm những tật xấu như: hút thuốc, uống rượu, cờ bạc và nói lời thô tục. Bà nghĩ: Vợ chồng dù nghèo mà cật lực làm ăn, cùng có trách nhiệm với gia đình và yêu thương, tôn trọng nhau thì sẽ có hạnh phúc.

Người mẹ vẫn kiên quyết không chấp nhận tình yêu của con gái. Ông bà không nản chí, vẫn bền bỉ bảo vệ tình yêu của mình. Bà nghĩ: Khi bước tới hôn nhân, ông bà phải có đủ khả năng gánh vác cuộc sống gia đình, không thể dựa dẫm vào ai. Bà cũng tâm sự với ông: “Hoàn cảnh gia đình em, mẹ không làm ra tiền, hai em chưa tự nuôi thân được nên hàng tháng em lĩnh lương vẫn phải gửi tiền về lo cho gia đình em. Anh có chấp nhận không?”

Ông nở nụ cười hiền lành: “Thì trách nhiệm đối với gia đình, em hãy thực hiện như ngày nào. Anh cũng làm có tiền đủ sống mà”. Lòng bà yên tâm vì hiểu tính ông rất chân chất, đôn hậu và có trách nhiệm với người thân.

3 năm sau, cuối cùng người mẹ chấp nhận cho bà thành hôn với ông. Năm 1955, lễ cưới đơn sơ của ông bà được tổ chức rất ấm áp. Sau ngày cưới, ông bà tự lực cuộc sống, thuê nhà ở riêng.

Lúc đó, giá thuê nhà rất cao. Với sự giúp đỡ của bạn bè thân, ông bà đã mượn 13.000đ để sang thuê căn hộ 4 x 10m2 trên phố đường Tống Phước Hiệp (nay là đường 30 Tháng 4, Phường 1). Mỗi tháng đóng tiền thuê nhà có giá trị đến 2 chỉ vàng (200 đ/chỉ vàng).

Ông bà chỉ ở phía sau, dành gian nhà trước cho tiệm may thuê để giảm bớt được 1 chỉ vàng tiền thuê nhà hàng tháng. Khi đó, lương bà dạy học mỗi tháng 1.700đ, bà gửi về cho mẹ và hai em 1.500đ và chỉ giữ lại 200đ để góp vào cùng anh chi tiêu cho gia đình.

Ông bà chi tiêu tiết kiệm, bữa ăn hàng ngày thường xuyên là rau muống xào, khổ qua xào trứng hoặc trứng luộc, tương, chao. Dù cuộc sống kham khổ nhưng ông bà vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc ngọt ngào. Ông đi phát hành báo và lấy tin, chụp ảnh ở nhiều tỉnh miền Tây để viết bài.

Ông làm đặc phái viên cho 13 tờ báo, trong đó tờ Tiếng Chuông và Sài Gòn Mới phát hành rất mạnh nên trả nhuận bút cao nhất (nhuận bút bài phóng sự là 200đ; lương các tờ báo trả cho đặc phái viên cao nhất là 2.000 đ/tháng và thấp nhất cũng 800 đ/tháng).

3 năm sau ngày cưới, ông bà mua được căn nhà lá ở trong hẻm gần cầu Bình Lữ, cũng là lúc bà sinh con trai đầu lòng. Con trẻ lớn lên với bao nhiêu vất vả của cha mẹ nhưng căn nhà nhỏ của ông bà như ấm nồng hơn với tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ.

Bà vẫn hàng ngày đến lớp với đàn học trò nhỏ và ông vẫn chụp ảnh, làm báo. Năm 1960, ông bà mua được chiếc xe Vespa 45.000đ. Ông phải lên Sài Gòn học lái xe và có bằng lái thì mới được đem xe về. Khi về đến nhà, ông nhìn thấy quyển tập và cây viết bà để trên bàn, mở ra thì thấy mấy câu thơ của bà:

“Anh học lái xe suốt bảy ngày

Thoắt mà trôi mất trọn tuần nay

Anh về rộn rã mừng con trẻ

Em hết vào ra tính đốt tay”

Ông ôm chầm lấy bà và bao nhiêu thương nhớ tuôn trào... Trong gia đình ông bà, bữa cơm gia đình luôn đủ mặt các thành viên. Đó là giờ phút sum họp vui vẻ của gia đình, nơi cùng chia sẻ vui, buồn hàng ngày. Ông bà không chấp nhận vắng ai trong bữa cơm nếu không có lý do chính đáng.

Vào năm 1963, khó khăn lớn đến với gia đình ông bà, khi ông bị tai nạn giao thông phải nằm điều trị mấy tháng. Thời gian này, bà tất bật lo toan mọi việc thay ông. Ngày bà đi dạy 2 buổi, về đến nhà là nhanh chóng lo bữa ăn cho ông và các cháu; đêm đến thay ông ngồi viết câu truyện dài “Con quỹ ở vườn dâu” mỗi ngày trên nhật báo Buổi Sáng.

Cũng may là ông bà đều hiểu biết công việc của nhau, thường xuyên cùng nhau chia sẻ công việc. Bà không chỉ học hỏi ông việc chụp ảnh mà còn học đánh máy chữ, viết truyện, viết bài. Khi ông làm không kịp thì bà góp sức để kịp thời gian. Thế nên thời gian ông nằm dưỡng thương, công việc không hề bị ngưng trệ.

Năm Mậu Thân 1968, gia đình ông bà thêm phần gian nan. Sáng mồng 1 tết năm ấy, từ căn nhà ở cầu Bình Lữ, gia đình 5 người của ông di tản đến nơi an toàn ngoài vùng giao chiến, trên chiếc Vespa. Mồng 6 tết, ông bà đưa con trở về, nhà đã cháy rụi vì bom Mỹ. Tiếp theo là những ngày tháng gian truân xây dựng lại mái nhà. Rồi từ đôi bàn tay trắng, ông bà vừa xây dựng cơ nghiệp gia đình, vừa nuôi dạy con trưởng thành tốt.

Trong quá trình 60 năm chung sống, ông bà đã vượt qua quá nhiều thách thức, gian nan để xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc và giữ một nền nếp gia đình thật tốt. Hạnh phúc của đôi nghệ sĩ cao niên này thật đáng ngưỡng mộ.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, ông cười: “Cũng đơn giản thôi: Vợ chồng cần có sự cảm thông và hiểu nhau. Cần có trách nhiệm chung trong bảo vệ nề nếp gia đình, không nên gia trưởng với vợ, hãy đối xử với nhau bình đẳng, tình cảm vợ chồng sẽ ngọt ngào hơn. Đặc biệt là lòng chung thủy, đừng có “Đứng núi này, trông núi nọ”, hãy “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”.

Bà chia sẻ với ánh mắt suy tư: “Nền tảng của hạnh phúc là đạo đức và lý trí. Khi bước tới hôn nhân cũng phải có đầy đủ những yếu tố này, như vậy mới đủ sáng suốt chọn người mình thật sự yêu thương và phù hợp với mình.

Vợ chồng cần hiểu biết công việc của nhau để có sự cảm thông và chia sẻ, không được giấu giếm nhau điều gì. Đồng thời, cùng có trách nhiệm với nhau trong xây dựng gia đình về mọi mặt, nhất là trong việc nuôi dạy con, phải cùng có trách nhiệm và thống nhất nhau trong cách dạy con; cũng cần phải nói năng cẩn trọng để làm gương tốt cho con cái.

Trong mối quan hệ vợ chồng cần phải tương kính như tân. Những lúc nảy sinh vấn đề không thống nhất, bà lắng nghe ông nói, có khi đó là vấn đề khiến bà không hài lòng, bà vẫn bình tỉnh chờ đến khi sự việc lắng xuống, mới mang ra phân tích cho ông thấy những vấn đề cần “rút kinh nghiệm”.

Ông bà đều yêu công việc của nhau nên đã phối hợp sáng tác để in ấn 2 ấn phẩm chung có tên “Ý thơ qua ảnh nghệ thuật” và “Từ khóc đến cười”. Để thực hiện quyển “Từ khóc đến cười” dày 400 trang, bà đã về quê ông ở ấp Vĩnh Thành sống hơn 10 năm để yên tĩnh sáng tác.

Nơi miền quê, bà vừa sáng tác vừa nuôi nhiều gà, vịt, cá và trồng nhiều loại rau xanh để ăn và thết đãi bạn bè. Khi bà trở lên Vĩnh Long sống, đứa cháu ngoại vừa biết đọc đã phát hiện bài thơ bà viết cho ông. Ông thích thú ngân ca:

“Có ông lắm chuyện bực mình

Vắng ông trống trải như hình nhớ nhung

Nhớ gì không nhớ gì hung

Chỉ thấy lạnh lùng ngõ trước vườn sau

Không ai nói chuyện tầm phào

Không ai ra vào bày biện rối ren”.

Vẫn với nụ cười hiền lành, ông nói:

- Dù hoàn cảnh gia đình buổi đầu có khó khăn nhưng chúng tôi vẫn dạy dỗ các con sống phải có lòng tự trọng, không dựa dẫm ai. Chúng tôi lo cho các con học chữ, học nghề, dạy các con biết yêu thương giúp đỡ nhau và đoàn kết với xóm giềng. Con trai thứ hai bệnh mất năm 39 tuổi, các con còn lại làm nghề ảnh đều có cuộc sống ổn định. Riêng con gái thứ tư học hành tới nơi tới chốn và là một nha sĩ có cơ sở kinh doanh khá tốt.

NSNA Nguyễn Duy Minh đã nhận Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa thông tin và nhiều giải thưởng nhiếp ảnh cùng nhiều bằng khen của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long.

Bây giờ với tuổi gần 80, đôi chân bà bắt đầu yếu, bước chân không còn vững chắc, mắt cũng đã mờ, ông thì dáng đi cũng chậm chạp lắm rồi. Bà bộc bạch: “Chúng tôi sống với con cháu rất vui và cũng rất thoải mái”.

Để xây dựng một gia đình hạnh phúc và bền vững như ông bà trong 60 năm qua không phải dễ. Đòi hỏi tất cả các thành viên trong gia đình đều phải gắn bó nhau như cây với cành, đều phải có trách nhiệm với gia đình và biết quan tâm, chia sẻ công việc cùng nhau. Và một điều căn cơ nhất là lòng thủy chung của người chồng, người vợ, “đừng thay dạ đổi lòng mà phụ nghĩa tào khang” như ông bà ta xưa đã nói.

Những năm gần đây trong phấn đấu xây dựng gia đình đạt chuẩn Gia đình văn hóa cũng như tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Gia đình là tế bào của xã hội… Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình.

Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Vì thế, mỗi gia đình cần xem việc xây dựng gia đình ấm no- hạnh phúc, nuôi dạy con tốt là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Nguyễn Thị Thúy Vân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh