Pithi (chỉ về các nghi lễ, lễ hội chung) hái hoa cau là một trong những nghi lễ quan trọng trong lễ cưới của người Khmer. Pithi này hiện nay còn rất ít gia đình người Khmer thực hành, có nguy cơ bị mai một, cần có sự kiểm kê và lập danh mục bảo tồn những giá trị văn hoá của nó.
Pithi (chỉ về các nghi lễ, lễ hội chung) hái hoa cau là một trong những nghi lễ quan trọng trong lễ cưới của người Khmer. Pithi này hiện nay còn rất ít gia đình người Khmer thực hành, có nguy cơ bị mai một, cần có sự kiểm kê và lập danh mục bảo tồn những giá trị văn hoá của nó.
Lễ cưới là nghi lễ quan trọng trong đời người. Vào ngày thứ nhất của lễ cưới, khi mặt trời mới soi rõ đường chỉ tay, Kru Achar-peale (đại diện nhà trai là người hướng dẫn nghi lễ chung), không ngại khó dẫn dắt chú rể đi tìm hoa cau trong Phum Sróc (xóm làng). Pithi này luôn có mặt bà con trong Phum Sróc đến tham dự, chung vui ngày hái hoa cau.
Hoa cau được các vị Kru Achar lựa chọn và xin chủ người trồng cây cau trước vài tháng. Hoa cau được lựa chọn từ cây cau tươi tốt, trái đẹp, đầy buồng, có nhiều hoa, không hư hỏng để tượng trưng phẩm chất của cô dâu, đặc biệt là tìm cây cau ở gần nhà chú rể nhất để thuận tiện đi lại, đây cũng chính là chỗ ngồi cúng thần theo hướng trời mọc.
Lễ vật cưới: bánh, trái cây, trầu, cau …, mỗi thứ đều là số chẵn.Ảnh internet |
Trước khi hái hoa cau, Kru Achar phải thiết lễ cúng Krung-Pea-Ly ngay gốc cau để xin hái hoa cau, đây là nghi thức xin phép thần đất, thần nước trước khi lên hái hoa cau. Lễ vật gồm có: Bay-say (một loại lễ vật của người Khmer không thể thiếu trong các nghi lễ), rượu trắng, bánh trái, mâm cơm, chỉ cột tay, nhang, đèn cầy và các loại trái cây để cúng vái cầu mong được bình an sống mãi trăm tuổi.
Theo truyền thống, trước khi chuẩn bị Pithi của nghi lễ, lễ hội nào đó đều phải làm mâm cơm cúng để tưởng nhớ đến Krung-Pea-Ly, Krung-Pea-Ly sẽ chúc phúc đến gia đình đó luôn được hưởng nhiều phước báo và thành đạt trong cuộc sống; nếu như không có được lời chúc của ông, không có sự chứng giám chúc phúc của thần linh thì khi gặp tai nạn, sự không hạnh phúc và thất bại trong cuộc sống của gia đình thì sẽ không có người chở che.
Do đó, đồng bào người Khmer luôn thực hành nghi thức cúng Krung-Pea-Ly và nghi thức này được thực hành hầu khắp trong các nghi lễ, lễ hội.
Người lên hái hoa cau cũng được lựa chọn là 1 hoặc 2 thanh niên có gia đình hạnh phúc. Sau khi hái hoa cau xuống thì có 2 thiếu nữ đón nhận. Xong Kru Achar - peale cột chỉ tay cho hoa cau và cho các đôi thanh niên nam, nữ đồng thời phía gia đình nhà trai cũng tặng quà, tiền cho họ... Riêng 2 bẹ hoa cau được để lên mâm vàng, mâm bạc và tất cả mọi người cùng đến nhà gái.
Nhà gái ra đón nhận các loại mâm trái cây, bánh trái và bẹ hoa cau từ phía chú rể, Kru Achar, họ hàng nhà trai. Xong, Kru Achar gọi họ nhà trai, họ nhà gái thắp nhang đèn cúng vái xin chia cắt bẹ hoa cau thành nhiều hoa trái nhỏ và trang trí nhiều bó hoa để cúng đến đức Phật, để tượng trưng nhớ ơn đức của người thân phía nhà gái và một phần nữa là để rải lên cô dâu, chú rể trong giây phút ngồi lễ Phật để chúc phúc đến vợ chồng trẻ sống mãi trăm tuổi, đầu bạc răng long.
Trong nghi thức hái hoa cau thì âm nhạc cũng là một thành phần không thể thiếu. Từ khi đưa chú rể cùng họ nhà trai đi hái hoa cau đến khi mang hoa cau đến nhà cô dâu, dàn nhạc liên tục được diễn tấu những bài: Chau-p’rem (chú rể xin hái hoa cau và bưng mâm các loại trái cây đến nhà gái), ma-lup-đôl (dưới bóng mát cây dừa), Sa-dach-den (vua đi)... đây là những bài hát, điệu nhạc chúc phúc, bảo vệ cho đôi cô dâu, chú rể với mong muốn được bình an, hạnh phúc.
Hiện nay, đồng bào người Khmer ít thực hành nghi lễ hái hoa cau do thời gian tổ chức nghi lễ cưới đã được rút ngắn hơn so với đám cưới truyền thống. Mặt khác, do đô thị hoá, cây cau ít được trồng ở đô thị nên việc tìm được cây cau như ý cũng gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, để có được hoa cau sử dụng trong ngày cưới, người dân Khmer phải mua từ nơi khác rồi mang đến làm lễ ở nhà gái. Ðiều này đã làm mai một đi một nghi thức cổ truyền mang giá trị văn hoá tiêu biểu của người Khmer. Thiết nghĩ đây là nghi thức cổ truyền của dân tộc Khmer có giá trị văn hoá tiêu biểu cần kiểm kê nhằm hướng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vốn có của nó./.
Theo http://baocamau.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=38111
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin