"Đã khát" cùng nghệ thuật đường phố

01:10, 31/10/2015

Đúng là TP Vĩnh Long còn quá thiếu những "sân chơi" nghệ thuật, nên "đã khát" là cảm nhận nhiều người khi được thưởng thức không gian nghệ thuật mới này tại Quảng trường TP Vĩnh Long.

Đúng là TP Vĩnh Long còn quá thiếu những “sân chơi” nghệ thuật, nên “đã khát” là cảm nhận nhiều người khi được thưởng thức không gian nghệ thuật mới này tại Quảng trường TP Vĩnh Long.

Một tiết mục đờn ca tài tử.
Một tiết mục đờn ca tài tử.

Sân khấu không cần khán đài, phông màn được “quây” lại giữa Quảng trường TP Vĩnh Long vừa đủ không gian cho những nghệ sĩ “bày cuộc chơi” theo phong cách của nghệ thuật đường phố, khán giả xúm quanh, nên mọi thứ đều thật gần gũi nhưng đậm chất nghệ thuật và không kém phần... máu lửa.

Các nghệ sĩ đường phố đã mang đến cho khán giả những buổi biểu diễn thật ấn tượng và đầy ý nghĩa, tạo nên một sân chơi lành mạnh, thêm sắc màu văn hóa, văn minh giữa lòng đô thị.

Thỏa “cơn ghiền” nghệ thuật

Có thể nói, nghệ thuật đường phố là hình thức biểu diễn đáp ứng được nhu cầu của đông đảo công chúng- đặc biệt là giới mộ điệu bình dân- khi họ phải tranh thủ thời gian giữa nhịp sống công nghiệp gấp gáp, những thị dân luôn tất bật trong cuộc mưu sinh, không có điều kiện đến rạp hát, sân khấu xem nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp biểu diễn.

Nắm bắt được nhu cầu đó, cộng với lòng nhiệt huyết, đam mê nghệ thuật, một số bạn trẻ trên khắp cả nước cùng nhau tập hợp thành nhiều nhóm nhạc khác nhau, với bộ “đồ nghề” như đàn, trống, kèn, dàn âm thanh để có thể biểu diễn một cách đầy ngẫu hứng, nhưng không kém phần lãng mạn, thu hút được nhiều sự quan tâm của đông đảo khán giả, du khách trong và ngoài nước tham gia, điển hình như: chương trình biểu diễn

“Tôi yêu sự chia sẻ” của dàn nhạc Học viện Âm nhạc Hà Nội, chương trình “Vũ điệu mùa xuân” của học sinh- sinh viên Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội… Sân khấu của những nghệ sĩ đường phố thường không lung linh ánh đèn, mà chỉ đơn giản là các công viên, vườn hoa, đường phố, quảng trường,…

Còn ở Vĩnh Long, loại hình nghệ thuật này tuy mới được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng tổ chức 2 lần tại Quảng trường TP Vĩnh Long (lần thứ nhất vào đêm 15/9 dương lịch, lần thứ 2 cũng được tổ chức vào đêm 15/9 nhưng là âm lịch- tức ngày 27/10), với các hình thức: ca nhạc, đờn ca tài tử, múa dân vũ, hip hop, trích đoạn cải lương, đặc biệt là lần đầu tiên đưa loại hình nghệ thuật hát bội xuống phố, đã thu hút một lượng lớn khán giả và khách du lịch đến xem, thưởng thức chương trình.

Không ai quen biết ai, nhưng khi đến đây mọi người có chung tâm trạng phấn khởi, tạm gác lại bao mệt nhọc, lo toan của cuộc sống thường nhật, đều vỗ tay theo điệu nhạc, cùng tán dương, khen ngợi các diễn viên, nghệ sĩ hát hay, múa đẹp không thua gì khi xem ở các rạp, sân khấu chuyên nghiệp. Điều đó, khẳng định rằng nghệ thuật biểu diễn đường phố cũng có một giá trị văn hóa đích thực, phần nào đáp ứng tốt nhu cầu đam mê nghệ thuật của quần chúng nhân dân, kể cả những ai khó tính nhất.

Chương trình hôm 27/10 đến 18 giờ 30 mới diễn ra, nhưng từ 17 giờ anh Tống Hữu Quang quê tận xã Long An (Long Hồ) đã có mặt ở Quảng trường để chờ xem đêm biểu diễn nghệ thuật đường phố do Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long tổ chức. Anh Quang cho biết: “Được bạn bè nói tối nay ở đây có biểu diễn nghệ thuật đường phố hay lắm, nên sẵn dịp đưa con đi học thêm gần đây, ghé lại chờ xem”.

Dõi theo trích đoạn vở cải lương nổi tiếng “Tiếng trống Mê Linh” do các nghệ nhân CLB Đờn ca tài tử xã Tân Hội (TP Vĩnh Long) thể hiện và vỗ tay khi các nghệ nhân hát một câu vọng cổ hay, xuống nhịp mùi, cô Nga (Phường 1- TP Vĩnh Long) tỏ vẻ phấn khích: “Cô thích cải lương lắm nghen, hồi đó tới giờ nghe hát biết bao nhiêu rồi, vậy mà vẫn thấy ở đây các nghệ sĩ diễn hay quá. Coi ở đây thoáng mát và có cảm giác rất gần gũi với mọi người, lần sau nếu có, cô sẽ tiếp tục đến xem nữa”.

Duy trì và phát huy có hiệu quả

Để loại hình nghệ thuật này ngày càng phổ biến và là sân chơi bổ ích, hấp dẫn đối với công chúng; đồng thời, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, diễn viên, nhạc công, những người có năng khiếu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được tham gia giao lưu, trau dồi kỹ năng chuyên môn và phục vụ nhu cầu giải trí của quần chúng nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh, cũng như đáp ứng lại niềm mong mỏi của đông đảo quý khán giả đến xem chương trình, rất cần sự quan tâm đặc biệt hơn.

Ông Nguyễn Văn Nết- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long- cho biết: “Qua 2 lần tổ chức, chương trình đã nhận được sự quan tâm, tham gia rất nhiều từ phía các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ, đặc biệt là nhân dân trong tỉnh Vĩnh Long và các địa phương lân cận đến cổ vũ cho chương trình một cách hào hứng, sôi nổi.

Hướng tới, với định hướng của Sở VH, TT và DL, Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ tiếp tục duy trì tổ chức loại hình nghệ thuật biểu diễn đường phố này vào đêm rằm hàng tháng, với nhiều thể loại như: ca, múa nhạc, tạp kỹ, hip hop, cải lương, đờn ca tài tử, dân ca… để phục vụ tốt phần nào thị hiếu đam mê nghệ thuật của công chúng”.

Đó cũng là cách để tăng cường giới thiệu, quảng bá nét văn hóa nghệ thuật đa dạng, đặc sắc của tỉnh Vĩnh Long có nhiều cơ hội “tiệm cận” với khách du lịch trong và ngoài nước. Một sân chơi lành mạnh, đầy tính nghệ thuật, tạo thêm nét văn minh, văn hóa mới cho đô thị TP Vĩnh Long; cũng là nơi “gặp gỡ” của nhiều loại hình nghệ thuật “xưa và nay”. Không gian nghệ thuật này cần được quan tâm hơn, để nó được duy trì và ngày càng phát huy hiệu quả.

 

Tham gia biểu diễn trích đoạn cải lương “Tiếng trống Mê Linh”, trong vai Trưng Trắc- nghệ nhân Ngọc Kim Thu thuộc CLB Đờn ca tài tử xã Tân Hội hồ hởi chia sẻ: “Các diễn viên, nghệ nhân của CLB chúng tôi dù biểu diễn, phục vụ khán giả ở nơi đâu cũng có ý nghĩa cả; nhưng có điều phục vụ ở đường phố thì rất là vui và rất phấn khích, vì được bà con ở đây đến xem rất đông, họ vỗ tay nhiệt tình quá, làm chúng tôi cũng diễn hết mình luôn”.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TRIẾT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh