Vân nói: "Anh, em thích lồng đèn hình cá chép". Khi nhận quà, em đâu dám nói xin đổi lại đâu. Tôi vui vẻ sẵn lòng đưa cho em cái đèn hình cá chép, và nhận lại cái đèn hình ông sao. Chúng tôi hào hứng chơi đèn đến hết mùa Trung thu ấy.
[links()]
Vân nói: “Anh, em thích lồng đèn hình cá chép”. Khi nhận quà, em đâu dám nói xin đổi lại đâu. Tôi vui vẻ sẵn lòng đưa cho em cái đèn hình cá chép, và nhận lại cái đèn hình ông sao. Chúng tôi hào hứng chơi đèn đến hết mùa Trung thu ấy.
Sau này tôi mới biết hễ đến Tết Trung thu là thường mưa. Bởi vì lúc này là giữa mùa mưa tháng 8. Chiều hôm đó, khi bếp lửa sau nhà còn chưa tới giờ mẹ nhóm, thì bên đây tôi, bên kia em Vân đã đi ra đi vào, háo hức, áo xống xênh xang. Số là hai đứa có tên trong danh sách trường mời nhận quà Tết Trung thu năm nay. Nghe thầy cô nói trường vận động Mạnh thường quân ngoài chợ huyện hỗ trợ quà, vừa để thưởng cho kết quả kiểm tra xếp loại đầu năm học của những học sinh gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở các khối lớp có thành tích tốt.
Từ hôm nghe có tên trong danh sách, về nghe mẹ nói còn 9 bữa nữa là tới rằm Trung thu. He he, thích ơi là thích. Nhà tôi và Vân cạnh nhau, không họ hàng, nhưng hàng xóm láng giềng thân thiết. Cũng sau này mới nghĩ tới, chứ hồi đó học lớp 5 có biết gì đâu, rằng hổng biết hai nhà có “hứa hẹn” gì với nhau sau này không nữa. Rồi mấy sợi khói mỏng manh cũng nương nhau bay vào giữa thinh không, trước khi bắt đầu tan đi vì sương chiều, vì mưa. Cơm nước xong, chúng tôi í ới gọi nhau, cốt là khoe bộ đồ mới mẹ đã mua hồi lâu để dành chưa mặc. Mẹ tôi bỏ lời qua nhà mẹ em Vân: “Chừng nào chị dắt con Vân lại trường kêu tui một tiếng, tui dẫn thằng Thái đi một lượt luôn”.
Trời vẫn lâm râm. Lâm râm thì mặc lâm râm, mẹ áo mưa quàng vai đưa tôi và Vân đến trường. Trên đường làng lầy lội, hồi đó làm gì có đan, nhựa như giờ, nhiều phụ huynh dẫn con em mình đến lớp đón hội trăng rằm, nhận quà trung thu. Lớp học ngày thường quen bỗng dưng nay lạ. Nhiều màu sắc, nhiều chữ to dán trên tường. Đứa nào cũng chộn rộn, như để góp vào cho buổi họp mặt thêm ý nghĩa.
Chẳng mấy chốc thủ tục của chính quyền địa phương, trường và nhà tài trợ cũng xong. Tới phần chính là trao quà và tổ chức trò chơi cho học sinh. Khi kêu tên học sinh lên nhận quà, tôi và Vân lên nhận quà cùng một lượt với nhiều bạn nữa. He he, thích lắm, cảm xúc lạ lắm! Học cùng trường, chung lớp, đi học mỗi ngày cùng đường, giải bài tập, học làm văn,... giờ lên nhận quà cũng cùng luôn. Em Vân được nhận đèn ông sao. Tôi được trao đèn con cá chép.
Những trò chơi do thầy cô ở trường, đoàn tổ chức cho bọn chúng tôi đã làm tất cả quên bẵng cả chiều nhập nhoạng và rỉ rả giữa mùa ngâu. Đêm xuống sâu cũng là lúc mọi người lục tục kéo về. Trời hết mưa. Hòa lẫn cùng đêm, đường làng ọp ẹp, là cảm xúc, niềm vui, là những lời bàn tán xôn xao của bọn trẻ, được cha mẹ nắm tay cho khỏi trơn trượt để về nhà. Vân nói: “Anh, em thích lồng đèn hình cá chép”. Khi nhận quà, em đâu dám nói xin đổi lại đâu. Tôi vui vẻ sẵn lòng đưa em cái đèn hình cá chép, và nhận lại cái đèn hình ông sao. Chúng tôi hào hứng chơi đèn đến hết mùa Trung thu năm ấy. Năm ấy ông trời mưa suốt.
Cảm giác vui khi nhận quà giữa mùa Trung thu trong hai đứa tôi (trong cả chúng bạn) giữ nguyên từ đó tới nhiều năm sau này. Trung thu, dù trời mưa chưa hẳn đã buồn. Trung thu có thể đã từng là một kỷ niệm đáng nhớ đối với rất nhiều người ở thuở học trò, lúc còn để chỏm. Giờ thì mỗi người trong hai đứa ngày xưa, mùa trung thu năm ấy vẫn còn là một miền ký ức vẹn nguyên, tươi đẹp.
MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin