Mùa Trung thu trước nghe có vẻ "mới đây", nhưng thật ra thời gian trôi qua hàng mấy chục năm rồi.
[links()]
Mùa Trung thu trước nghe có vẻ “mới đây”, nhưng thật ra thời gian trôi qua hàng mấy chục năm rồi. Nhưng nỗi nhớ thì nó rất hiện hữu, bằng những cảm xúc đằm thắm, dịu dàng tựa làn khói mỏng tang nhẹ bốc lên từ chung trà đậm vào mỗi mùa trăng tháng tám.
Trung thu rực rỡ ở TP Hồ Chí Minh những năm gần đây. Ảnh: Internet |
Chiếc đèn lồng đầu tiên
Khi nhìn ngắm những dãy đèn lồng đủ màu sắc rực rỡ treo trong các tiệm bánh cũng rực rỡ không kém là chợt nhớ như in cái đèn lồng đầu tiên trong đời do chính tay mình làm. Nhớ không sót chi tiết nào cả, cho đến hình ảnh “nâng niu” cái đèn vừa làm mang đến trường và tụ họp cùng các bạn xếp hàng đi diễu qua con đường làng, tràn ngập ánh trăng vằng vặc. Đó là năm tôi học lớp ba. Đúng ra, là tôi với 3 người em họ cùng làm với sự “hỗ trợ” nhiệt tình của người lớn.
Để có được những chiếc đèn lồng tự làm, chúng tôi phải gom góp “nguyên liệu” trước đó mấy tháng trời, bởi có một món không phải tốn tiền nhưng rất khó kiếm đó là những tấm giấy kiếng màu, còn lại những thứ khác thì không lo. Đó là những giấy kiếng người ta hay bọc những mâm xính lễ cưới hỏi, hay những thuẩn bánh đi đám giỗ hồi xưa, nên phải nhờ người lớn hỏi xin rồi xếp lại đó để dành. Tôi với thằng Điền (em họ) cùng tuổi và 2 người anh của nó là Đắc học lớp 5, Khanh học lớp 7. Công việc làm lồng đèn bắt đầu ngay từ sáng sớm ngày rằm tháng tám.
Đầu tiên nhờ người lớn đốn tre, cưa ra từng đọan, chẻ thành miếng. Còn lại mỗi đứa tự vót nan, gồm có: 10 miếng nan dẹp và dài làm hình ngôi sao, 4 đoạn tròn cỡ ngón tay cái khoảng 2- 3 tấc để chỏi khung, 1 cọng nan tròn nhỏ tạo thành hình tròn “ngoại tiếp” ngôi sao và một cây làm cán dài. Nghe đơn giản vậy, chớ phải ngồi vót nan cả buổi, thật chăm chút cho đến khi dùng tay vuốt cọng nan tre nghe thiệt láng lứt mới thôi, đó là cả một kỳ công đối với mấy đứa con nít. Nhưng có một niềm vui rộn rã trong lòng luôn hối thúc tụi nhỏ cố gắng làm nên một chiếc đèn thiệt đẹp đi chơi trong ngày hội trăng rằm. Công đoạn thứ hai là bày những tấm giấy kiếng màu ra (đây là... tài sản riêng), rồi chia sẻ qua lại vì chúng đủ các màu: xanh, đỏ, tím, vàng. Việc khó nhất là ráp khung hình ngôi sao, tôi với thằng Điền chịu thua, phải nhờ dượng Ba làm dùm. Cuối cùng là mỗi đứa tự vuốt từng tấm giấy kiếng màu, đo cắt cẩn thận rồi dán hồ vào- khâu này mới thấy “yêu quý” giờ học thủ công. Ở mỗi đầu ngôi sao và khung tròn bên ngoài được dán những hình tua bằng giấy màu trang trí, cái này thì khỏi lo vì đứa nào cũng có giấy thủ công cứ lôi ra tận dụng.
Thích thú nhất là khi những chiếc đèn lồng đã làm xong, phun nước vào giấy kiếng và đem phơi nắng. Không đứa nào dám rời mắt đi đâu cứ nhìn chăm chăm, thỉnh thoảng lại phun ít nước, từ những tấm giấy kiếng nhăn nheo nó dần dần căng lên, trở nên đẹp rực rỡ vô cùng. Đương nhiên, tụi con nít hồi đó chỉ có thể “tậu” được những chiếc đèn lồng đẹp đến thế là cùng. Còn các thầy cô giáo, mấy anh lớp lớn thì làm những chiếc đèn phức tạp nhiều hình dáng hơn và nó phải thật to, để đi dẫn đầu. Đó là những chiếc “đèn cái” để khoe giữa nhóm này với nhóm kia và lớp này với lớp kia trong trường.
Dám chắc chiều đó đứa nào cũng nôn nao, chẳng thiết gì cơm nước cứ đợi đến giờ tập trung về sân trường. Rồi theo thứ tự xếp hàng đi diễu hành dọc theo con đường làng, người lớn đứng cả ra hai bên đường xem đông nghịt. Mà ngộ, hồi đó hình như đêm Trung thu thường không có mưa như bây giờ, trăng sáng thì khỏi phải nói. Tội nghiệp, thỉnh thoảng có những chiếc đèn lồng bị ngã đèn cầy bắt lửa cháy rụi, có đứa khóc um sùm. Sau đêm Trung thu, những chiếc đèn lồng được cất lại cẩn thận dành cho năm tới. Niềm vui thật đơn giản mà ngập tràn những cảm xúc vô tư, trong trẻo biết bao.
Trăng rằm có mất đi đâu!
Còn khoảng 10 ngày mới đến Trung Thu, nên sức mua bánh chưa mạnh lắm. |
Dạo gần đây nghe nhiều người có ý trách móc, nào là “Trung thu của người lớn”, “còn cách cả tháng là đã bày bán bánh trung thu”, “đèn lồng pin điện hóa”, “đèn lồng khuyến mãi theo sữa”... Tôi thấy trách móc vậy nó cũng có phần cực đoan lắm. Mỗi thời mỗi khác, không thể trách chuyện mấy hãng bánh, mấy cửa tiệm kinh doanh được. Âu đó cũng là cái chuyện đương nhiên của cạnh tranh thị trường, miễn sao kinh doanh đàng hoàng thì thôi. Còn chuyện quà cáp “ăn theo” những dịp lễ thì càng tốt chớ sao, chuyện tặng quà nó văn minh, tao nhã biết bao, nó cũng là cái “đòn bẩy” kích thích xã hội tiêu dùng, vấn đề ta đừng làm biến tướng nó thôi.
Thử đặt ngược vấn đề lại xem: “Con nít bây giờ có còn thích trăng rằm trung thu không?” Thời nay, làm gì có con nít ngoan ngoãn đi nấu nước cho ông bà pha trà, rồi núp ló canh me người lớn thưởng thức những miếng bánh trước tiên, mới được... “hưởng xái”. Đành rằng vẫn còn đó những đứa bé nghèo nông thôn thèm thuồng chiếc đèn lồng, thèm được ăn bánh trung thu, nhưng chắc chắn rằng đó không phải là “mẫu số”. Những chiếc đèn lồng hiện đại, sặc sỡ đủ kiểu, tụi nhỏ bấm điện chạy... e... e, đờn mấy bản nhạc, chưa kịp hư là tụi nó chán rồi. Còn bánh trái thời nay, có mà năn nỉ.
Thời đại ngày nay đương nhiên phải đổi khác ngày xưa rồi, có những cái ta phải cố giữ gìn, nhưng có những cái cũng phải chấp nhận nó tồn tại theo dạng thức mới hoặc có cái nó cũng mất đi. Có người nói, trong thế giới phẳng thì không gian, thời gian cũng phẳng và khái niệm “mùa” cũng phẳng luôn. Không hẳn, có lẽ ai đó vì quá yêu quý cái xưa mà nói kiểu “trách móc”; bên cạnh những “mùa” dần phai nhạt, có những “mùa” không cần khuyến khích thì con nít, tuổi trẻ nó theo rần rần đó thôi. Ví dụ như: mùa Giáng sinh, mùa Valentine... Cả cái mùa “quái quỷ” đi hù dọa trước cửa nhà người ta, cũng được cổ xúy ì xèo trong nhà trường đấy, mà chuyện này cũng không thể lấy “thuần phong mỹ tục” ra mà cấm đoán người ta được.
Và rồi đây, theo cái gọi là toàn cầu hóa, những người hoài cổ cũng nên bình tĩnh mà chấp nhận cái tâm thế “đám đông” của xã hội sẵn sàng mở lòng, mở hầu bao ra mà đón thêm rất nhiều, nhiều thứ kiểu vui chơi, lễ hội lạ hoắc lạ huơ ở tận đâu đâu. Đó cũng... bình thường thôi. Còn những ngày này, ai có buồn, có hoài cổ thì cứ mà ngồi “nhớ mùa Trung thu trước” và cứ yên tâm, trăng rằm tự ngàn triệu năm nay và cả sau này thì vẫn cứ tròn, vẫn sáng trên trời đấy thôi.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin