Liên hoan đờn ca tài tử: Có sức hút và sự lan tỏa

11:09, 14/09/2015

Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) tỉnh Vĩnh Long năm 2015 diễn ra trong không khí cả nước đang tưng bừng các hoạt động chào mừng

[links()]

Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) tỉnh Vĩnh Long năm 2015 diễn ra trong không khí cả nước đang tưng bừng các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9), chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tiết mục tham gia Liên hoan ĐCTT của đơn vị TX Bình Minh.Ảnh: HỮU THOẠI (TP Vĩnh Long)
Tiết mục tham gia Liên hoan ĐCTT của đơn vị TX Bình Minh.Ảnh: HỮU THOẠI (TP Vĩnh Long)

Liên hoan này là dịp để đánh giá lại phong trào ĐCTT trong tỉnh, là lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân chung tay bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Về tham dự liên hoan có 8 đội ĐCTT với 66 nghệ nhân đến từ 8 huyện- thị- thành trong tỉnh tham gia 48 tiết mục. Tuổi đời cao nhất của nghệ nhân trong liên hoan là 76 tuổi, thấp nhất là 16 tuổi. Trong đó có 28 nghệ nhân đờn, 38 nghệ nhân ca tham gia trình diễn, với nội dung phong phú, thể loại đa dạng, các chương trình có chủ đề sát yêu cầu và bố cục hợp lý đã mang đến sự thành công cho liên hoan. Các chương trình đã tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, truyền thống cách mạng, ca ngợi quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Vĩnh Long và của địa phương mình… đúng với yêu cầu BTC đã đặt ra.

BTC đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của các đơn vị từ khâu xây dựng chương trình, lựa chọn tiết mục, phân vai nghệ nhân đảm trách phù hợp, tập dợt, đầu tư kinh phí, nhất là sự nhiệt tâm, yêu nghề, tham gia biểu diễn hết mình của các nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca- những người trực tiếp tạo nên sự thành công của liên hoan.

Đa số đơn vị đều sử dụng nghệ nhân tại địa phương mình, quyết tâm khắc phục những khó khăn về mọi mặt để có thể tham dự liên hoan. Điều đó cho thấy phong trào đờn ca tài tử ở các địa phương trong tỉnh phát triển không ngừng, thể hiện sự quan tâm sâu sát của các cơ quan quản lý ở các địa phương, tạo điều kiện cho phong trào phát triển, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT của tỉnh nhà.

Trong trình diễn, đa số các tiết mục tham gia liên hoan đã trình diễn đúng với phong cách của ĐCTT Nam Bộ, dù thể lệ liên hoan có mở ra về phong cách thể hiện nhưng các đơn vị đã khéo léo dàn dựng hòa quyện giữa tính cổ truyền và tính hiện đại để tạo nên hiệu quả đặc biệt cho các tiết mục, đem lại sự thích thú cho người xem.

Đặc biệt, một số đơn vị đã mạnh dạn lựa chọn, dàn dựng và biểu diễn rất ấn tượng những bài bản khó trong các bài bản tổ, những bài bản mà trước nay ở các cuộc liên hoan ĐCTT trong tỉnh ít thấy xuất hiện. Đây là điểm rất quý và rất nên phát huy thêm trong thời gian tới, không chỉ trong các cuộc liên hoan trình diễn cấp tỉnh mà còn trong các buổi sinh hoạt CLB, giao lưu giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Về chất lượng, BTC đánh giá có sự đồng đều giữa các đơn vị. Liên hoan cũng đã xuất hiện những tiết mục được trình diễn rất hay bởi nhiều nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca tuổi còn rất trẻ, có triển vọng, chứng tỏ lực lượng kế thừa của phong trào ĐCTT trong tỉnh đã được chuẩn bị khá tốt, có chất lượng, sẵn sàng nối tiếp các bậc tiền bối trong việc phát triển phong trào. Bên cạnh đó, liên hoan có nhiều tác phẩm tự biên có nội dung tốt, thể hiện sự dồi dào của lực lượng sáng tác tại các địa phương, có thể đáp ứng ngay việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít đơn vị chưa chuẩn bị thật tốt cũng như chưa thực hiện đúng yêu cầu thể lệ của BTC, chưa đầu tư cao về tập luyện ca, đờn nên bản lĩnh và kỹ thuật của một số ít nghệ nhân trong trình diễn còn hạn chế, thao tác chuẩn bị và trình diễn của một vài ban nhạc đờn còn chưa đạt yêu cầu.

Theo BTC, các đơn vị cần chú ý thực hiện đúng với một không gian ĐCTT; chú trọng tính biểu diễn trong từng tiết mục, mà để có tính biểu diễn cao thì phải có tính nghệ thuật cao, do đó nên quan tâm hơn về công tác chỉ đạo nghệ thuật, tăng cường tập luyện, thường xuyên rút kinh nghiệm qua mỗi đợt sinh hoạt. Mặt khác, cần chú ý đến việc hóa trang, lựa chọn trang phục cho phù hợp với tiết mục và nội dung chương trình, đảm bảo tính thẩm mỹ trên sân khấu.

Qua 3 đêm diễn, liên hoan được sự quan tâm theo dõi và cổ vũ của đông đảo khán giả yêu mến nghệ thuật ĐCTT. Điều đó cho thấy rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng ĐCTT vẫn sống trong lòng công chúng. Với sự yêu mến của các tầng lớp nhân dân, với sự quan tâm sâu sát của các cơ quan chức năng và với sự nhiệt tâm của đông đảo quý nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca trong làng ĐCTT trong tỉnh, chúng ta có thể tin tưởng rằng nhất định việc thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2015- 2020)” sẽ có những kết quả tốt đẹp, phong trào ĐCTT của tỉnh nhà sẽ có nhiều bước phát triển mới, tạo nên những điểm nhấn trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Kết quả: 11 giải A, 10 giải B, 12 giải C cho các tiết mục, 5 giải phụ bao gồm: giải Nghệ nhân cao tuổi nhất: Phan Văn Kiên (Vũng Liêm); Nghệ nhân nhỏ tuổi nhất: Mai Tú Hảo (TX Bình Minh); Sáng tác tự biên hay: Võ Viết Hưng (Vũng Liêm); Dàn dựng hay: huyện Tam Bình; Ban đờn hay: TP Vĩnh Long.

Giải A liên hoan này là đơn vị TP Vĩnh Long. 1 giải B: Trà Ôn. 2 đơn vị đạt giải C là: Tam Bình và Vũng Liêm. 8 đơn vị đạt giải khuyến khích: TX Bình Minh và các huyện: Long Hồ, Bình Tân, Mang Thít.

VĨNH TUYÊN- HỒNG OANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh