Được đưa vào sử dụng từ 7/5/2015, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Trần Đại Nghĩa ở xã Tường Lộc (Tam Bình) trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
[links()]
Được đưa vào sử dụng từ 7/5/2015, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Trần Đại Nghĩa ở xã Tường Lộc (Tam Bình) trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Ở đây không chỉ là nơi chốn thiêng liêng để mọi người cùng nhớ một Anh hùng lao động, ông “vua” vũ khí Việt Nam- người con của quê hương Tam Bình, mà còn là điểm văn hóa, vui chơi của mọi người.
Khu lưu niệm còn là nơi các bạn trẻ chụp ảnh cưới, ảnh lưu niệm của học trò. |
Chúng tôi đến Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa vào một ngày khá đẹp trời. Không gian miền quê của huyện Tam Bình như bừng sáng hơn bởi khu lưu niệm. Không quá rộng nhưng thoáng, sạch sẽ; nghiêm túc nhưng không kín cổng cao tường là những gì có thể cảm nhận được khi mới đặt chân đến đây. Nụ cười ngọt ngào của các chị thuyết minh áo dài tha thướt làm xao xuyến lòng người. Trên quảng trường, nhiều em học sinh trong huyện tụm năm, tụm ba đùa giỡn. Số khác chạy điền kinh chuẩn bị cho Hội khỏe Phù Đổng, một vài bạn vào tìm đọc sách và tra cứu tài liệu trên máy tính.
Dự án Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa có tổng diện tích hơn 16.000m2, với các hạng mục chính gồm: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, thư viện và trung tâm tích hợp dữ liệu về khoa học và công nghệ, phòng hội thảo, chiếu phim, sinh hoạt truyền thống, quảng trường, các hạng mục phụ trợ và cảnh quan với tổng mức đầu tư gần 51 tỷ đồng.
Nhà tưởng niệm là khuôn viên có bức tượng GS.VS Trần Đại Nghĩa. Nhà trưng bày trình bày những hiện vật liên quan đến cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của ông. Bên cạnh đó, còn có thư viện với khoảng 2.000 đầu sách về Trần Đại Nghĩa, về khoa học công nghệ và nhiều loại sách khoa học quý.
Đặc biệt, Trung tâm Tích hợp dữ liệu khoa học công nghệ với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng là công trình đầu tiên được Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư xây dựng gồm: Cổng thông tin điện tử giới thiệu Khu lưu niệm và tích hợp thư viện điện tử về thân thế, sự nghiệp và các đóng góp to lớn về khoa học và công nghệ của GS.VS Trần Đại Nghĩa; là nơi lưu trữ, quảng bá thông tin khoa học và công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn mới vùng ĐBSCL, đồng thời phục vụ rộng rãi cho khách tham quan, nghiên cứu, tiếp cận thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, quốc tế… Võ Thị Vân Anh- nhân viên phụ trách công nghệ thông tin của Trung tâm Tích hợp dữ liệu cho biết: “Máy tính ở trung tâm có thể truy cập và tải về những tài liệu khoa học kỹ thuật” mà không phải tốn một loại phí nào.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga- Tổ trưởng tổ quản lý Khu lưu niệm cho biết: Tại đây còn có hội trường với sức chứa 200 người, thoáng mát, sạch đẹp. Ngoài ra, còn có phòng chiếu phim tư liệu màn hình lớn, âm thanh sống động. Không khí thoáng mát, trong lành, cảnh quan đẹp đã thu hút khoảng 1.000 lượt khách/ tuần. Chị cho biết thêm: Hiện tại mọi thứ trong Khu lưu niệm đều miễn phí cho tất cả mọi người tự do tham quan. Sắp tới, khi có quy định có thể các nơi như hội trường khi cho mượn sẽ thu phí phần điện nước. “Chúng tôi luôn trên tinh thần sẵn sàng phục vụ người dân khi có yêu cầu. Vì đây là khu mở, không gian mở cho mọi người mà!”- chị Nga nói.
Là người con của quê hương Tam Bình, được làm thuyết minh viên trong Khu lưu niệm chị Nguyễn Thị Tuyết Lam rất đỗi tự hào: “Càng tìm hiểu tôi càng kính yêu bác Trần Đại Nghĩa hơn. Tôi tự hào là một người con của quê hương Tam Bình vì vậy mỗi đoàn khách đến tôi mang cả cái tâm của mình để giới thiệu về bác ấy đến mọi người. Tùy theo đoàn (nông dân, học sinh, khách nước ngoài,...) mà mình có cách giới thiệu khác nhau, từ ngữ và điểm nhấn nhưng vẫn đảm bảo nội dung cốt lõi”.
Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa là nơi sinh hoạt văn hóa của mọi người dân, là nơi để mọi người có thể trau dồi kiến thức về khoa học, công nghệ, sinh hoạt truyền thống.
Bạn Phạm Hoàng Thăng lớp 10A6- học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình): Ngày nào em và các bạn cũng tập chạy ở đây. Tháng 10 là em thi Hội khỏe Phù Đổng rồi. Không gian ở đây thoáng và rộng rãi nên dễ tập hơn bên trường em. Em cũng có tham quan, thắp hương cho bác Trần Đại Nghĩa ngay ngày mới đưa vào sử dụng. Em nghĩ các bạn nên đến đây để giảm căng thẳng sau giờ học, đọc sách và truy cập thông tin. Bạn Lê Hoàng Quyên- học sinh lớp 11A1 Trường THPT Trần Đại Nghĩa: Em và mấy bạn thường ghé đây chơi, em có xem và đọc tư liệu về bác Trần Đại Nghĩa. Vì vậy, em càng cảm thấy yêu quý và tự hào vì mình được sống trên quê hương, học ở ngôi trường mang tên một nhân tài như bác Nghĩa. Gia đình anh Hồ Hữu Trí (vợ anh là chị Trần Thanh Nga và con gái Hồ Thảo Anh): Nhà tôi cách Khu lưu niệm chừng 4km nhưng chiều nào vợ chồng tôi cũng dẫn cháu đến đây chơi. Bé mới 15 tháng, mới biết đi nên ham lắm. Không khí ở đây trong lành, cảnh lại đẹp… Nói chung là tôi không biết nên chê chỗ nào nữa! |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin