Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa qua, người dân ở các vùng giải phóng rất coi trọng sản xuất, trước hết là cần cho sự sống của gia đình và còn có thể đóng góp nhiều lương thực thực phẩm cho kháng chiến.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa qua, người dân ở các vùng giải phóng rất coi trọng sản xuất, trước hết là cần cho sự sống của gia đình và còn có thể đóng góp nhiều lương thực thực phẩm cho kháng chiến.
Nhiều nơi do địch ban ngày thường xuyên bắn phá khiến cấy cày không được nên bà con len lỏi làm vào ban đêm hay phải vượt qua các khó khăn do bom đạn và nạn cướp phá của địch qua các trận càn tìm mọi cách duy trì đàn gia súc, gia cầm của gia đình… Nhân năm Hợi đến, xin kể vài mẩu chuyện nhỏ về chăn nuôi, đặc biệt là nuôi heo ở một số gia đình trong hoàn cảnh đó.
Gian nan chuyện chăn nuôi
Trong các vùng giải phóng, dù có thời điểm cuộc chiến đã trở nên ác liệt nhưng bên cạnh trồng lúa và hoa màu, việc chăn nuôi gia súc và gia cầm tại các gia đình người dân còn bám trụ vẫn diễn ra bất chấp rủi ro.
Thuận lợi nhất lúc đó là nuôi gà vịt bởi thân hình chúng nhỏ nhắn nên bom pháo cũng khó “xơi”, song trong các trận càn, chúng thường bị bọn lính đuổi bắt làm thức ăn hay cướp đi…
Nhưng chuyện đó cũng không dễ bởi “vườn rộng rào thưa khó…đuổi gà”, còn vịt được bà con nuôi thả trong môi trường sông nước hay trong ruộng lúa muốn tóm chúng càng khó hơn, nên nuôi gà vịt cũng còn có cái để ăn hay cúng kiếng ông bà bên cạnh con cá dưới sông rạch.
Điều buồn cười là đối với con ngỗng do nhiều tên lính địch nặng chuyện dị đoan không dám rớ tới nên chúng là loại gia cầm duy nhất ít bị thiệt hại...
Thế nhưng với số gia đình có nuôi trâu bò phục vụ sản xuất thì công việc phức tạp hơn nhiều bởi chúng lớn xác nên hay “dính” bom pháo. Để bảo vệ chúng, người chủ phải đắp tường đất chống đạn quanh chuồng hay cũng làm chuồng trại như thế nhưng đưa ra ngoài đồng là nơi ít bom đạn hơn.
Nuôi heo cũng tương tự nhưng đơn giản hơn vì thân heo nhỏ có thể nuôi thả quanh nhà hay quanh chòi tại những nơi bà con di tản ra đồng cất chòi để bám ruộng vườn ủng hộ kháng chiến.
Có điều là con bò lúc còn nhỏ (con bê) và con heo đang lứa cũng có chung số phận thời chiến như gà vịt là có khi bị lính địch đi càn bắt làm thịt hay cướp đi, nhất là khi gặp bọn xe lội nước M113. Khi một trận càn của địch có loại xe này yểm trợ rút đi thì bà con phải cảnh giác chúng có thể cướp lên xe một con heo hay một con bê nào đó…
Thời ấy, mối liên hệ giữa người và thú nuôi cũng có nhiều chuyện thú vị. Một cô cán bộ trẻ kể rằng một lần cô phải làm việc đêm một mình ở nhà bà con bám trụ tại một vùng giải phóng huyện Vũng Liêm.
Thấy cô kẽ kẽ viết viết cái gì đó trên giấy nhưng rất khổ sở với đàn muỗi vây quanh, bà chủ nhà tỏ ra thông cảm nói: “Tại tôi mới bán con heo hồi sáng, nếu có nó nằm dưới sàn ngựa chỗ cô ngồi thì muỗi đâu làm khổ cô nhiều như thế. Tụi nó thích cắn (chích) con heo hơn!” Còn bà má Ba ở ấp Trung Hòa 1 (xã Trung Hiếu nay là xã Trung An- Vũng Liêm) khoe rằng con heo nhà má không làm bậy trong ổ rơm của nó bao giờ lại biết ngủ mùng may bằng bao cát Mỹ, nên bà phải chảy nước mắt khi bán nó.
Một anh nhà báo trẻ của Báo Quyết Thắng (tiền thân của Báo Vĩnh Long ngày nay) kể rằng cũng tại ấp này có lần anh ghé thăm nhà một bà má, thấy con heo nái giống lai của gia đình má đang chửa bụng rất to, anh buột miệng khen chắc con heo sẽ đẻ tới… 20 heo con.
Mấy ngày sau, anh có việc ghé lại nhà má thì đứa con gái nhỏ của má kề tai anh nói nhỏ cho biết con heo nhà mình đẻ tới 16 con, chết ngộp 1 con còn 15 con và rằng anh ta không được hỏi tới mấy con heo vì má nói miệng anh nói xui lắm!
Thế nhưng khi đàn heo con rã bầy, má dặn con gái kêu cái thằng miệng “ăn mắm ăn muối” đó ghé nhà ăn cơm rượu mà má làm riêng cho nó ăn đã thèm. Những chuyện như vậy nhiều lắm...
Những năm sau sự kiện Mậu Thân 1968, tại huyện Càng Long (Trà Vinh) có một chuyện dính dáng đến con heo: Một đại đội bảo an địch đóng tại huyện mà bà con rất căm ghét nhưng không ai nhớ phiên hiệu của chúng vì cứ quen gọi đó là “đại đội heo”.
Bọn này ăn tạp rất dữ, càn quét qua vùng nào là chúng thẳng tay vơ vét, nhất là gà vịt của người dân. Khi hết loại này thì từ heo con đến heo lứa có khi chúng cũng chẳng tha nên bị bà con gọi chúng chết danh như thế…
Một chiến sĩ trong một đại đội của Tiểu đoàn 306 thuộc Quân khu 9 hoạt động trên chiến trường Vĩnh Trà kể rằng bọn lính trong đại đội heo này hầu hết lớn tuổi nên ban đêm rất ít ngủ. Biết vậy là vì ban đêm bám theo chúng cứ nghe hết tên này đến tên kia… ho. Đại đội của anh phải bí mật theo chúng ngày đêm cả tuần mới diệt gọn được trong trận đánh trên đồng xã Mỹ Cẩm vào mùa mưa năm 1970.
Ngày ấy, việc nuôi gia súc- đặc biệt là nuôi heo- ở gia đình tại vùng giải phóng nào cũng có dù lẻ tẻ, nhưng ở huyện Vũng Liêm có một nơi lúc là vùng giải phóng lúc là vùng tranh chấp giữa ta và địch rất gay gắt lại được coi là “lò” cung cấp heo giống. Đó là các ấp nằm dọc theo lộ Hàng Me từ Nhà Đài đến Thầy Phó thuộc xã Hiếu Thành (sau giải phóng xã được chia làm 3 xã nhỏ).
Tại các ấp này, nhiều gia đình khấm khá nhờ nghề nuôi heo nái, heo con xuất chuồng rất có uy tín với người nuôi các vùng xung quanh. Xã Hiếu Thành và xã ở đầu bên kia của huyện Vũng Liêm về mặt địa lý là cù lao Quới Thiện cũng có hoàn cảnh tương tự nhưng khá lên nhờ vườn cây ăn trái và trồng lác, nên đây là 2 địa phương cùng cung cấp nhiều người và của cho kháng chiến.
Khoảng thời gian các năm sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, số thanh niên 2 xã này trong các ban ngành hay đơn vị vũ trang thường khá đông. Lúc gặp nhau vui vẻ, 2 nhóm này thường hay ca ngợi nơi sinh ra mình, có khi nói thêm bớt hay khích bác nhau một chút cho vui, như có lần nhóm Hiếu Thành cao hứng có mấy câu thơ con cóc ca tụng sự trù phú của quê hương mình: “Hiếu Thành là xứ diệu kỳ/ Dưới sông máy chạy trên bờ máy may!”, ngầm ý khoe mức độ “cơ giới” của địa phương mình nhờ biết phát triển chăn nuôi heo.
Biết Hiếu Thành mùa nước nổi thì mênh mông nước đục ngầu, bên cạnh là nạn nhiều hộ nuôi heo thả lan, nên nhóm Quới Thiện phản pháo bằng nháy lại mấy câu vừa rồi của “đối phương”: “Hiếu Thành là xứ lạ kỳ/ Dưới sông nước đục, trên bờ… cứt heo !” Chạm vào chỗ kỵ, nhóm Hiếu Thành không nhường nữa : “Quới Thiện là xứ lạ kỳ/ Đến mùa nước nổi… ỉa quỳ cóng chân!”. Vậy là cười xòa với nhau!
Nuôi heo trong rừng
Năm 1972, nhóm nhà báo của Vĩnh Long lên R (Trung ương Cục miền Nam) học lớp báo chí dài hạn đóng ở một nơi trong rừng Tây Ninh. Họ được nhà trường phân công cất nhà để ở cùng một dãy với các anh em vùng T3 (miền Tây Nam Bộ) nên sinh hoạt với nhau rất thoải mái.
Hồi ấy, hậu cần của trường đang gặp khó khăn nên khẩu phần ăn của các học viên chưa thể gọi là no, nhất là đối với những học viên ở T3 quen được dân nuôi ăn cơm phè bụng. Thế nhưng anh em rất ngạc nhiên trong hoàn cảnh như thế mà bếp ăn tập thể của trường cũng nuôi được vài con heo.
Thì ra giống heo ở đây rất khỏe và giỏi tự kiếm ăn, hàng ngày chúng được thả rong chỉ được bếp ăn cho uống nước vo gạo và ăn một ít cặn rửa nồi rồi dong ra rừng kiếm thêm thức ăn, thế mà chúng lớn nhanh như thổi… Có điều lạ là chẳng nghe được ai, kể cả người ở các trường và cơ quan chung quanh săn được heo rừng, nhưng nghe nói đã có lần heo ở đây có chửa đẻ ra một bầy con lai heo rừng, con nào con nấy tròn lẳn có sọc vàng khè như trái dưa gang...
Chuyện đời cái khó ló cái khôn, bộ phận hậu cần của trường phát hiện giá đậu xanh bên đất bạn Campuchia sát bên trường chỉ bằng một phần ba giá gạo, bèn tham mưu với ban giám hiệu và xin ý kiến học viên bớt phân nửa khẩu phần gạo thay vào đó bằng đậu xanh thì phần cơm độn đậu mỗi ngày của học viên sẽ tăng thêm nhiều, ăn no lại khoái khẩu ai cũng khen rằng ăn vầy thì “láng da” hết!
Từ đó, phần cơm hàng ngày của các nhà có dư ra, trưởng nhóm T3 bèn nêu sáng kiến cùng nhau hùn tiền nuôi một con heo ăn cơm thừa để cuối khóa học có cái mà liên hoan. Thuận lợi là các nữ học viên của nhóm lại lãnh phần nuôi nên ai cũng tán thành.
Một con heo đen trũi giống như mấy con heo của bếp nhà trường mua từ Xóm Giữa được đem về, đúng là được ăn ngon và thức ăn tự nhiên trong rừng dồi dào con heo này lớn phổng phao, hàng ngày no bụng nó cứ quẩn quanh các nhà học viên để được ai đó gãi vào bụng rồi lăn ềnh ra đất…
Ngày mãn khóa học, dù ai cũng mến con heo qua cái trò đó nhưng cũng đành cho nó vào nồi cháo lòng. Anh em T3 vốn hiếu khách mời hết anh em các nhà xung quanh cùng liên hoan. Thịt luộc của con heo to thế mà chỉ cần chấm muối ớt cũng hết sạch sành sanh.
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin