Nhà giáo ưu tú Lưu Thị Ngọc Nương- giáo viên Địa lý, Trường THPT Vĩnh Xuân (huyện Trà Ôn) là người có uy tín trong chuyên môn, đạt nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh, giỏi quốc gia. Đó là kết quả của cả một quá trình, cô Nương cùng tập thể nỗ lực thực hiện sứ mệnh của Bác: “Con đường đưa đất nước thoát khỏi yếu hèn, đó là phát triển giáo dục, bồi dưỡng nhân tài”.
Để hoàn thành sứ mệnh “trồng người” cần thiết phải có đội ngũ nhà giáo tài năng, đủ phẩm chất và năng lực đồng thời, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, theo tinh thần Nghị quyết số 29/TW và tiến đến là Kết luận số 91 của Bộ Chính trị.
Những tiết học Địa lý của cô Ngọc Nương luôn vui tươi, thu hút học sinh học tốt hơn. |
Từ chất lượng giáo dục mũi nhọn
Chúng tôi đến Trường THPT Vĩnh Xuân vào một sáng cuối tuần, khi “má Nương” đang tranh thủ thời gian trống tiết ôn tập thêm cho 2 học sinh của trường, các em đang ôn luyện chuẩn bị cho cuộc thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Ở trường, cô Nương được nhiều học sinh gọi là “má Nương” và cũng nhờ “má Nương” mà không ít học sinh yêu thích môn Địa lý.
Hơn 22 năm làm công tác giảng dạy, cô Nương đã có 17 năm thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý. Cô Nương cười, chia sẻ: “Hành trình đó luôn có nhiều khó khăn, thách thức, tôi vừa phải bảo đảm chất lượng chuyên môn, vừa phải hoàn thành chỉ tiêu chất lượng mũi nhọn, chủ nhiệm lớp, các hoạt động văn nghệ, đoàn thể,… Có giai đoạn chất lượng học sinh giỏi chưa đạt yêu cầu đặt ra, nhất là năm học 2017-2018 chỉ có 1 giải khuyến khích cấp tỉnh”.
Trăn trở với kết quả đó, cô Nương và các giáo viên trong tổ bộ môn của trường kiểm điểm lại từ nội dung, phương pháp ôn luyện,… từng khâu có thực hiện đồng bộ, có đủ quyết tâm, có thực hiện nhiệm vụ bằng tinh thần trách nhiệm cao. “Riêng tôi chịu trách nhiệm chính trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi đã thực hiện kiểm điểm trước chi bộ một cách nghiêm túc”.
Được sự động viên, góp ý đồng hành và tin tưởng của Đảng bộ Trường THPT Vĩnh Xuân, cô Nương tiếp tục chịu trách nhiệm chính trong bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn Địa lý. “Tôi làm tốt hơn nữa việc giữ vai trò kết nối, phân công các thành viên dạy Địa lý thực hiện các chuyên đề, nhất là chuyên đề theo sở trường của giáo viên. Trong quá trình ôn luyện luôn dành thời gian để lắng nghe ý kiến phản hồi từ giáo viên dạy chuyên đề và từ học sinh để có những giải pháp kịp thời trong từng giai đoạn. Gieo niềm tin và khát vọng đến học sinh tham gia ôn luyện qua việc thực hiện các nhiệm vụ học tập, đánh giá, khích lệ, khen thưởng, chỉ rõ những mặt làm tốt và những thiếu sót cần phấn đấu hoàn thiện. Song song đó, cần thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể trong trường để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học sinh yên tâm học tập”- cô Nương chia sẻ giải pháp của mình.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, rút kinh nghiệm qua từng năm học. Đến nay, cô Nương đã bồi dưỡng 94 học sinh giỏi cấp tỉnh, 6 học sinh giỏi cấp quốc gia. Em Nguyễn Ngô Minh Thư- sinh viên Trường ĐH Y dược Cần Thơ, từng là học sinh đoạt giải nhì quốc gia môn Địa lý, năm 2023, cho biết: “Ngày còn nhỏ, em cùng mẹ là nhân viên thư viện của Trường THPT Vĩnh Xuân đi làm và gặp “má Nương”. Em nghe “má Nương” dạy học rất hay và càng yêu thích môn học này. Em chọn thi học sinh giỏi môn Địa lý như “một thử thách tuổi thanh xuân” có nhiều thầy cô đồng hành, trong đó có “má Nương””.
Đến uy tín, trách nhiệm người thầy
Luôn sẵn lòng chia sẻ và quan tâm đến đồng nghiệp và học sinh; làm việc với tinh thần trách nhiệm, chủ động và sáng tạo, cô Lưu Thị Ngọc Nương được đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh tin tưởng, quý trọng.
Gắn bó với nghề như những sợi tơ duyên, cô Nương chọn làm giáo viên Địa lý vì “bị thu hút” vào môn học này từ những năm cấp 3 bởi “thầy dạy quá hay”. Chồng cô Nương- thầy Ngô Hồng Thái- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân, cũng là giáo viên Địa lý. Đến trường, cô Nương chia sẻ, lan tỏa tình yêu môn học này đến các em học sinh, để càng nhiều em gọi “má Nương”, thích được cô dạy và thích môn Địa lý hơn. Về nhà, cô Nương cùng chồng chia sẻ, góp ý để cùng nhau tiến bộ hơn trong nhiệm vụ chuyên môn.
Bên cạnh đó, cô Nương còn tổ chức, hướng dẫn nhiều chuyên đề thu hút học sinh tham gia. Cụ thể như: “Phòng chống bạo lực học đường trên cơ sở giới”, “Giáo dục sức khỏe sinh sản- phòng chống xâm hại tình dục”; “Tình bạn đẹp- nói không với bạo lực học đường”; “Nữ sinh Trường THPT Vĩnh Xuân xây dựng nếp sống thanh lịch văn minh”,… các hoạt động được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa nhằm chia sẻ đến học sinh để các em có những suy nghĩ đúng, hành động đúng.
“Thông qua đó, giáo viên nắm bắt được quan điểm tư tưởng của học sinh. Từ đó, các em hiểu được và tham gia sinh hoạt một cách nghiêm túc. Lưu ý là hoạt động, chuyên đề cần phù hợp với văn hóa vùng miền; đồng thời, giáo dục tình yêu nước cho các bạn trẻ”- cô Nương, nói.
Sinh ra trong gia đình có cha mẹ đều là thương binh, cô Nương hiểu được sự hy sinh của cha mẹ, của những thương binh liệt sĩ cho đất nước; vì lẽ đó, cô Nương chú trọng giáo dục lòng yêu nước cho học sinh. “Thông qua những kiến thức môn Địa lý, tôi kể cho các em nghe những câu chuyện về văn hóa, lịch sử, kinh tế vùng miền,… hay thông qua các chuyên đề nâng cao kiến thức, văn hóa, bản lĩnh chính trị của học sinh. Qua đó, tôi và các em cùng phấn đấu sống và làm việc, học tập sao cho xứng đáng với sự hy sinh đó.
Chân dung nhà giáo Lưu Thị Ngọc Nương. |
Được học cô Nương từ lớp 10, hiện đang được cô ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, em Lê Phương Uyên- học sinh lớp 11 Trường THPT Vĩnh Xuân, cho rằng: “Cô sẵn sàng dành thời gian riêng để dạy thêm cho chúng em. Cô dạy dễ hiểu, sinh động nên giờ học trên lớp lúc nào cũng hấp dẫn, thu hút. Không chỉ ôn tập, cô còn tâm sự với em từ chuyện gia đình, chuyện học, nhờ vậy em giảm áp lực khi vừa học, vừa ôn thi”.
Không riêng chất lượng giáo dục mũi nhọn, môn Địa lý cô Nương dạy luôn có điểm thi cao hơn điểm trung bình của tỉnh nhiều năm liền. Với cô Nương, việc bồi dưỡng, giáo dục học sinh giống như ươm mầm. Nếu giáo viên biết thường xuyên chăm sóc, vun xới thì mầm sẽ xanh tốt, phát triển. “Tôi tự hào vì mình là đảng viên, nhà giáo mang tâm, sức của mình cống hiến cho nền giáo dục của địa phương, nước nhà. Thành tích nhỏ nhưng đó là cả sự quyết tâm, nỗ lực của tôi và sự đoàn kết phấn đấu của tổ Sử- Địa chúng tôi”- cô Nương trải lòng.
Thầy Trần Quang Huy- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân, cho rằng: “Cô Nương là một nhà giáo có uy tín cao trong ngành, có vai trò quan trọng đối với tập thể. Ngoài ra, cô còn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp cùng trở thành giáo viên dạy giỏi. Đặc biệt, trong bồi dưỡng học sinh giỏi, Ban giám hiệu nhà trường luôn tin tưởng về vai trò, trách nhiệm của cô Nương; cô và những thành viên trong tổ Sử- Địa đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của Trường THPT Vĩnh Xuân. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin