Nghị quyết ứng phó sạt lở, giảm thiểu rủi ro thiên tai: Để không còn nỗi lo sạt lở

05:30, 28/11/2024

(VLO) Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Trong đó, tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng nhiều đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất, tài sản và đe dọa tính mạng người dân. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống, cũng như giải quyết những hệ lụy do sạt lở gây ra.

Những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số luật, pháp lệnh liên quan đến phòng, chống thiên tai. Trong đó, Luật Phòng, chống thiên tai đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội bền vững, bảo vệ môi trường... phù hợp với điều kiện của đất nước và từng địa phương.

Tại tỉnh Vĩnh Long, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến quy định nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều; phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ sông... Qua đây, không chỉ giúp các địa phương ứng phó sự cố thiên tai mà còn hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn sau ảnh hưởng sạt lở.

Kỳ 1: Nỗi ám ảnh mang tên... sạt lở

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát tình hình sạt lở tại TP Vĩnh Long vào năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát tình hình sạt lở tại TP Vĩnh Long vào năm 2023.

Những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của phát triển kinh tế- xã hội thiếu bền vững, tình hình sạt lở đã và đang diễn biến rất phức tạp, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Sạt lở đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống ở ven sông.

Ăn ngủ không yên, phập phồng lo sợ

Nhiều người vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ sạt lở kinh hoàng ở cù lao An Bình (huyện Long Hồ) xảy ra vào tháng 12/2022. Khu vực sạt lở có chiều dài khoảng 350m, rộng khoảng 200m. Sạt lở đã ảnh hưởng đến 16 hộ dân với 58 nhân khẩu. Trong đó, đã làm thiệt hại 13 căn nhà, 1 nhà kho, 1 xe cuốc, 2 ao nuôi cá và khoảng 10ha đất.

Tổng thiệt hại vụ sạt lở khoảng 35 tỷ đồng. Ngay sau khi sạt lở xảy ra đã làm cho người dân thất thần, hoang mang. Nhiều người cho hay, chưa bao giờ nghĩ tới cảnh sạt lở nghiêm trọng như thế này. Chỉ sau một đêm, họ rơi vào cảnh tay trắng vì nhà cửa, tài sản đã đổ ụp hết xuống sông.

Vụ sạt lở nghiêm trọng tại ấp Tích Lộc (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) xảy ra vào tháng 6/2023, gây thiệt hại 9 căn nhà ở của người dân, ảnh hưởng trực tiếp 22 nhân khẩu, được UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Trà Ôn tại Quyết định số 1387 ngày 12/6/2023.

Vĩnh Long là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, thường xuyên xảy ra sạt lở bờ sông.
Vĩnh Long là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, thường xuyên xảy ra sạt lở bờ sông.

Do đây là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, buôn bán dọc theo bờ sông với khoảng 40 căn nhà (40 hộ dân). Đa số các căn nhà này được xây đã lâu, nằm cặp bờ sông nên đã có dấu hiệu sụp lún, nền và tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt, làm cho người dân rất bất an. Tổng thiệt hại vụ sạt lở khoảng 2,2 tỷ đồng.

Cồn Thanh Long (ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) là “điểm nóng” thường xuyên xảy ra sạt lở- được UBND tỉnh ban hành quyết định công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp.

Ông Phan Văn Minh- Trưởng ấp Phước Lý Nhì (xã Quới Thiện) cho hay: “Gia đình tôi không có năm nào thu được một mùa trọn vẹn. Cứ mỗi trận sạt lở, nước tràn vào cây lại chết đi một số, nên năm nào cũng phải trồng lại cây mới.

Đối với cây còn sống, thì yếu ớt, nên vừa phải... chăm cây cũ, trồng cây mới. Mấy năm qua, người dân trên cồn khó có đêm ngon giấc bởi ám ảnh những lần sạt lở. Người dân rất lo lắng, hoang mang, không biết nhà cửa, vườn tược sẽ trôi xuống sông khi nào”.

Có vườn và nhà ven sông, ông Mai Văn Công (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) chia sẻ: “Đoạn sông này sạt lở nhiều lần. Mỗi lần sạt lở là vườn của tôi lại “trôi xuống sông” thêm một ít. Dù đã tự gia cố và địa phương hỗ trợ gia cố nhiều lần nhưng lở vẫn lở. Tôi rất lo, không biết khi nào sẽ sạt lở tiếp nữa”.

Chỉ vào vết nứt trước thềm nhà, anh Ung Văn Dũng (xã Thuận An, TX Bình Minh) không giấu được sự lo lắng: “Nhà cặp mé sông lớn, ghe tàu qua lại nhiều nên đoạn sông này thường xuyên bị lở.

Điểm sạt lở trước nhà tôi đã xảy ra hơn 1 năm nhưng chưa được khắc phục và đang tiếp tục có dấu hiệu lở thêm. Hiện, căn nhà đã xuất hiện vết nứt, lún đến thềm nhà. Nếu không gia cố, khắc phục nhanh chóng thì căn nhà có thể bị sụp bất cứ lúc nào. Giờ ăn ngủ không yên, ngày nào cũng phập phồng lo sợ sạt lở”.

3 ngày 1 vụ sạt lở

Công tác tại một trong những địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở, ông Hồ Thế Nhu- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ cho hay: Huyện có hệ thống sông ngòi dày đặc với 914 tuyến sông, kênh, rạch, chiều dài 740km, đan xen và liên thông nhau ngoài những lợi ích mang lại như: cung cấp lượng phù sa, phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, thoát lũ hàng năm, là hệ thống giao thông thủy quan trọng trong khu vực trong việc phát triển kinh tế.

Cùng với thuận lợi đó cũng gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, sự tác động của dòng chảy làm cho tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng trở nên nghiêm trọng, khó lường, nhất trong mùa mưa lũ, sạt lở xảy ra với chu kỳ nhanh hơn, cường độ mạnh hơn và thời gian kéo dài lâu hơn gây nhiều thiệt hại nặng nề.

Giai đoạn 2021-2024, huyện Long Hồ xảy ra 50 vụ sạt lở với chiều dài trên 3.700m, ước thiệt hại 37,4 tỷ đồng. Sạt lở không gây thiệt hại về người, chủ yếu thiệt hại về tài sản của các hộ dân và các công trình, ảnh hưởng gián tiếp đến khoảng 200 hộ dân.

Sạt lở xảy ra thường xuyên trên các sông Cổ Chiên, Cái Cao, Cái Cam, Long Hồ, Ông Me, Bô Kê, Mương Lộ... Toàn huyện có 4 khu vực sạt lở nguy hiểm được tỉnh công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp, chiều dài 1.370m.

Là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, sạt lở bờ sông tại tỉnh Vĩnh Long thường xuyên diễn ra, gây tổn thất lớn đến cơ sở hạ tầng và nhà cửa, đời sống người dân ở ven sông. Với hơn 5.000 tuyến sông, kênh, rạch dài gần 5.600km, sạt lở diễn ra không phân biệt mùa khô hay mùa mưa.

Những năm trước, thường ghi nhận sạt lở nhiều trên các sông chính, nhưng thời gian gần đây thì vùng nội đồng xảy ra nhiều hơn. Tuy ít gây thiệt hại về nhân mạng, nhưng thiên tai này đã tàn phá nhiều đất đai, công trình, nhà cửa ven sông.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, sạt lở không theo quy luật nhất định, có năm nhiều, năm ít và thiệt hại mỗi năm mỗi khác. Năm 2021 đến tháng 8/2024 có 431 điểm, vị trí sạt lở làm mất 14,9km bờ sông, nhà ở và công trình, ảnh hưởng trực tiếp 112 hộ. Trong đó 42 hộ buộc phải di dời, thiệt hại gần 65,2 tỷ đồng.

Nhiều khu vực sạt lở được dựng bảng cấm phương tiện đi lại.
Nhiều khu vực sạt lở được dựng bảng cấm phương tiện đi lại.

Ông Nguyễn Thanh Cần- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, bình quân, mỗi năm toàn tỉnh xảy ra 125 vụ sạt lở. Điều này đồng nghĩa cứ khoảng 3 ngày xảy ra 1 vụ sạt lở.

Cá biệt có những vụ sạt lở quy mô lớn, phức tạp ảnh hưởng lớn đến tài sản của người dân như ở xã Hòa Ninh (huyện Long Hồ) gây thiệt hại 35 tỷ đồng. Sạt lở tại xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn) thiệt hại 1,2 tỷ đồng. Sạt lở không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm tổn thất về tinh thần, nỗi lo thường trực là không thể đo lường được.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, tình hình sạt lở tại đồng bằng có một số điểm đáng lưu ý. Mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng. Trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha, thì khoảng 16 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350ha. Đồng thời, xói lở xảy ra quanh năm. Trước đây, chủ yếu là mùa lũ. Hiện nay, về mùa khô xói lở lại nhiều hơn.

Tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch ở ĐBSCL ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi của các đợt sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn thường lớn hơn hạ nguồn sông (các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long). Xói lở bờ chủ yếu xảy ra vào mùa lũ, lũ càng lớn lòng dẫn càng bị xói mòn nhanh, diễn biến lòng dẫn càng mạnh.

Công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp đối với 23 khu vực

Trong tổng số 431 khu vực xảy ra sạt lở, dài gần 15.000m (năm 2021 đến tháng 8/2024), UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp đối với 23 khu vực bờ sông, kênh, rạch, đê bao bị sạt lở với chiều dài khoảng 12.000m.

8 khu vực bị sạt lở nặng có nguy cơ sạt lở thêm

Qua khảo sát, đánh giá thường niên, ngành nông nghiệp xác định trong tỉnh hiện có 8 khu vực đã bị sạt lở nặng và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao trên các tuyến sông, kênh lớn mà các địa phương và người dân cần chú ý. Đó là: khu vực bờ tả sông Cổ Chiên; cồn Thanh Long; trên sông Hậu có khu vực thượng và hạ lưu vàm kênh Hai Quý, khu vực quanh cồn Sừng, khu vực chợ xã Tích Thiện; các tuyến kênh Xáng; sông Cái Cao; sông Măng Thít.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI-THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh