Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển

12:11, 17/10/2024

(VLO) Thời gian qua, các dự án giao thông trọng điểm đã được triển khai và đưa vào sử dụng đã cho thấy hiệu quả, sức bậc đối với kinh tế- xã hội của tỉnh. Một số công trình giao thông khác đã được phê duyệt sẽ giúp Vĩnh Long khẳng định và khai thác tốt được tiềm năng, lợi thế sẵn có, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Vĩnh Long hiện có nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội. Trong ảnh: Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (trước đó là Phó Thủ tướng) Trần Lưu Quang cùng các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.Ảnh: TL
Vĩnh Long hiện có nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội. Trong ảnh: Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (trước đó là Phó Thủ tướng) Trần Lưu Quang cùng các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.Ảnh: TL

Nhiều công trình giao thông mới

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre theo phương thức đối tác công tư.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao thuộc dự án nhóm A, cơ quan có thẩm quyền là UBND tỉnh Vĩnh Long. Dự án được thực hiện từ năm 2024-2028 ở huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) và huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre).

Chiều dài dự án khoảng 4,3km; đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức vốn đầu tư bao gồm cả lãi vay
gần 3.000 tỷ đồng.

Trong đó, vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 1.519 tỷ đồng (chiếm 51,1%) và vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 1.452 tỷ đồng (chiếm 48,9%).

Mục tiêu dự án nhằm hoàn thiện và nâng cao năng lực khai thác cho QL57, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại tuyến phà Đình Khao, bảo đảm kết nối với hệ thống quốc lộ và cao tốc, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Vĩnh Long và Bến Tre với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, tăng cường sự liên kết vùng giữa các tỉnh.

Khi hoàn thành, cầu Đình Khao mở ra cơ hội thúc đẩy đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để cho hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre nói riêng và cả ĐBSCL nói chung phát triển toàn diện trong tương lai.

Trước đó, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng có quyết định về chủ trương đầu tư dự án tuyến tránh QL57 (đường dẫn cầu Đình Khao), dài khoảng 7km, đi qua địa phận huyện Long Hồ và Mang Thít. Tuyến tránh này sẽ là đường dẫn lên cầu Đình Khao trong tương lai.

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được đầu tư với quy mô 2 làn xe, giai đoạn hoàn thiện nâng lên 4 làn, vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.216 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh.

Theo UBND tỉnh, việc đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đình Khao góp phần kết nối đồng bộ với cầu Đình Khao, ĐT902, ĐT903B, các tuyến đường quy hoạch như đường nối QL53, QL54 và tuyến tránh QL53...

Trong khi đó, theo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, đơn vị cũng đang nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 kết hợp cầu đường sắt đi chung với đường bộ. Đây là điểm kết nối còn lại của dự án cao tốc Bắc- Nam.

Cầu Cần Thơ 2 nằm về phía hạ lưu cầu Cần Thơ hiện hữu, cách khoảng 4,5km. Điểm đầu kết nối với Dự án cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, điểm cuối nối vào cao tốc Cần Thơ- Cà Mau tại nút giao IC2 trên địa bàn TP Cần Thơ. Chiều dài dự kiến khoảng 14,65km, dự kiến đầu tư xây dựng trước năm 2030.

Dự án cầu Cần Thơ 2 đang được nghiên cứu 2 phương án đầu tư. Phương án 1, đầu tư cầu đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc đi độc lập theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư cho cầu đường bộ cao tốc khoảng 19.700 tỷ đồng và cầu đường sắt cao tốc khoảng 14.000 tỷ đồng.

Với phương án này, cầu dây văng dài hơn 1km, trong đó chiều dài nhịp cầu chính là 550m (trong trường hợp điều chỉnh quy mô đầu tư 6 làn xe, tổng mức đầu tư cầu đường bộ cao tốc khoảng 22.300 tỷ đồng).

Vĩnh Long hiện có nhiều giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Ảnh minh họa
Vĩnh Long hiện có nhiều giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Ảnh minh họa

Phương án 2, đầu tư cầu đường bộ cao tốc và đường sắt kết hợp theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 27.900 tỷ đồng.

Với phương án này, cầu dây văng dài hơn 1,1km, trong đó chiều dài nhịp cầu chính là 550m (trong trường điều chỉnh quy mô đầu tư 6 làn xe thì tổng mức đầu tư khoảng 32.300 tỷ đồng).

Tận dụng tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội mới

Theo ông Trần Minh Khởi- Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, Vĩnh Long tiếp giáp với 7 tỉnh, thành, là trung tâm ĐBSCL, nằm giữa 2 trung tâm kinh tế lớn là TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ. Hiện đã có cầu Mỹ Thuận 1 và Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ đi qua.

Sắp tới, khi cầu Đình Khao được triển khai, giao thông thuận lợi kết nối với các địa phương trong vùng. Đây có thể xem là một lợi thế lớn của tỉnh trong việc phát triển các khu công nghiệp, cũng như thu hút đầu tư vào tỉnh nói chung, các khu công nghiệp nói riêng.

Trong khi đó, hiện nay, tỉnh tiếp tục nỗ lực hoàn thiện xây dựng hệ thống giao thông với những dự án, công trình quan trọng nâng cao khả năng kết nối giao thương, như: Dự án đường từ QL53- KCN Hòa Phú (ĐT909B)- đường Phú Lộc Bầu Gốc- QL1; Dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Đôi (kết nối tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh); Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT907 (giai đoạn 2); dự án cải tạo, mở rộng các cầu trên ĐT902…

Đồng thời kiến nghị Trung ương quan tâm chỉ đạo hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia qua địa bàn tỉnh như: Dự án nâng cấp, mở rộng QL53, QL54 đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Long;…

Để phát huy những kết quả đạt được, định hướng, sắp xếp không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đó là việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, đây cũng là cơ sở để tỉnh thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, hướng đến mục tiêu Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, là một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; phát triển kinh tế nông nghiệp làm nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị và công nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng, hình thành được 1 trục động lực, 2 hành lang kinh tế, vùng không gian phát triển, các trung tâm đô thị động lực hiện đại.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh