Với tinh thần khẩn trương, các xã, phường trong toàn tỉnh tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030, trọng tâm là xây dựng văn kiện đại hội. Đây cũng là khâu ưu tiên hàng đầu mà đảng bộ cấp xã đang tập trung để khẳng định vai trò trong bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Minh Dũng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý một số vấn đề cần quan tâm tại hội nghị thẩm định văn kiện đại hội. |
Đánh giá toàn diện, khách quan
Trong chuẩn bị văn kiện đại hội, báo cáo chính trị của đảng bộ cấp xã là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác. Vì vậy, quá trình chuẩn bị báo cáo phải đánh giá toàn diện, khách quan, trung thực tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đồng thời, tiếp thu các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng của cấp trên, dự báo tình hình để đề ra phương hướng nhiệm vụ, chỉ tiêu, các giải pháp cho nhiệm kỳ 2025-2030.
Theo đó, các xã chú trọng thực hiện việc lấy ý kiến vào các dự thảo báo cáo chính trị nhằm phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ cao nhất của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cho sự phát triển của địa phương trong giai đoạn mới.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Ngãi Tứ Lê Minh Hiền, Văn kiện Đại hội đảng bộ xã đã trải qua 4 lần lấy ý kiến đóng góp. Xã thực hiện lấy ý kiến toàn thể đảng viên trong Đảng bộ bắt đầu từ ngày 22/7 và lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức, đồng bào dân tộc tôn giáo, người có uy tín tại địa phương với đặc thù xã có đông đồng bào dân tộc Khmer. Quá trình nắm bắt kịp thời mong muốn, nguyện vọng và các sáng kiến, giải pháp từ Nhân dân sẽ góp phần giúp việc xây dựng văn kiện, nghị quyết sẽ sát với yêu cầu thực tế.
Song song đó, hội nghị thẩm định văn kiện là bước chuẩn bị quan trọng, đảm bảo văn kiện đại hội đảng bộ các xã nhiệm kỳ 2025-2030 được định hướng kỹ lưỡng, phù hợp thực tiễn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Theo đề xuất của Tổ Công tác thẩm định Văn kiện Đại hội đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2025- 2030 (Tổ 3) tại hội nghị thẩm định, báo cáo chính trị các xã cần cân đối dung lượng phần kết quả nhiệm kỳ qua và phần phương hướng nhiệm kỳ tới; chủ đề đại hội cần đủ 5 thành tố, phương châm đại hội cũng cần đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Cần lưu ý, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu cần được thể hiện rõ bằng bảng biểu, là sự tổng hợp kết quả thực hiện của các xã cũ trước sáp nhập và có thể hiện riêng kết quả của từng xã (cũ) trong bảng phụ lục giúp dễ theo dõi đánh giá…
Tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị của các xã tại hội nghị thẩm định văn kiện, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy- Hồ Văn Minh nhận định, các báo cáo chính trị thể hiện được sự đầu tư, tinh thần tập trung trí tuệ xây dựng văn kiện của đảng bộ các xã. Tuy nhiên, dự thảo báo cáo chính trị khá dài nên cần rút gọn, các phần nội dung cũng cần sắp xếp đảm bảo tính logic.
Bám sát thực tiễn địa phương
Trong quá trình chuẩn bị văn kiện đại hội, nhiều địa phương cũng xác định rõ khâu đột phá cho nhiệm kỳ mới, gắn liền với thực tiễn. Theo đồng chí Nguyễn Thụy Yến Phương- Bí thư Đảng ủy xã Cái Ngang, để phát huy niềm tự hào lịch sử tại Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, xã lựa chọn “phát triển và khai thác hiệu quả khu di tích theo hướng kết hợp giữa bảo tồn giá trị lịch sử, phát triển du lịch, giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế- xã hội địa phương” là 1 trong 3 khâu đột phá thực hiện trong nhiệm kỳ mới.
Với tinh thần xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, Đảng ủy xã Tam Bình đề ra khâu đột phá nhiệm kỳ mới là đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền phục vụ Nhân dân. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Trang- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy lưu ý, trên tinh thần xác định các khâu đột phá, các xã cần quan tâm thực hiện đột phá về cải cách hành chính, thực hiện chính quyền số, nâng cao năng lực của chính quyền địa phương. Tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và Nhân dân trong phát triển kinh tế- xã hội; quan tâm vấn đề an sinh, an dân, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Minh Dũng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Tổ trưởng Tổ Công tác số 3 nhận định các xã đã chuẩn bị văn kiện công phu, chu đáo với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Đồng thời, đề nghị quan tâm rút gọn văn kiện, cân đối nội dung giữa các phần, đảm bảo kết cấu hài hòa; lựa chọn, bổ sung số liệu nổi bật để minh họa kết quả thực hiện trong nhiệm kỳ qua.
Về khâu đột phá nhiệm kỳ tới, gợi mở cần quan tâm các nội dung về xác định huy động các nguồn lực nâng cấp, xây dựng cơ cấu hạ tầng; chú trọng cải cách hành chính, thực hiện chính quyền số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xác định cụ thể các nội dung thực hiện đột phá phù hợp với tình hình thực tế để từ đó mở ra không gian phát triển mới mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, các xã cần tính toán, xác định cơ cấu phát triển kinh tế kèm các giải pháp đi kèm; bám sát khung chỉ tiêu theo định hướng, xác định thế mạnh địa phương để cụ thể các chỉ tiêu cần thực hiện; rà soát, điều chỉnh một số chỉ tiêu theo góp ý của tổ công tác...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Nguyễn Minh Dũng đề nghị các thành viên tổ công tác, sở ngành, cơ quan chuyên môn theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ địa phương, tham mưu thực hiện tốt các nội dung công việc. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sinh khí mới, động lực mới, thực hiện tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2025-2030. |
Bài, ảnh: TUYẾT NGA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin