Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn (NT) đạt khoảng 150 triệu đồng/năm, cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng đang tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế NT theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, chất lượng sống và khả năng tiếp cận dịch vụ thiết yếu của người dân NT, từng bước tiệm cận mức sống đô thị.
![]() |
Dự kiến đến cuối năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn đạt khoảng 58 triệu đồng/năm, tăng 1,4 lần so năm 2020. |
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần
Giai đoạn 2021-2025, việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp (NN) gắn với phát triển kinh tế NT được các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, mang lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân.
Tỉnh Vĩnh Long đã và đang tập trung cải tạo, phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế NT gắn với xây dựng NTM hướng đến “NN sinh thái, NT hiện đại, nông dân (ND) văn minh”. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được hình thành và nhân rộng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân NT ngày càng được nâng lên.
Theo BCĐ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, kinh tế NT từng bước chuyển dịch theo hướng đa giá trị, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy chuyển đổi số. Tăng trưởng bình quân của ngành NN giai đoạn 2021-2024 khoảng 3,18%, duy trì mức ổn định so các nước trong khu vực. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với chất lượng và giá trị nông sản ngày càng được nâng cao. Nhiều tỉnh, thành phố đã hình thành các vùng sản xuất NN hàng hóa tập trung, gắn với vùng nguyên liệu và hệ thống logistics NN; giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất NN tăng 5-10% so năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá: Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước, được người dân đồng thuận cao, thúc đẩy phát triển NN sinh thái, NT hiện đại, ND văn minh. NN Việt Nam hiện nay tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ ngày càng khẳng định vai trò then chốt trong phát triển NN, NT theo hướng hiện đại, bền vững. Công nghệ được áp dụng rộng rãi trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đặc biệt là công nghệ số, sinh học, truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Các mô hình sản xuất thông minh, HTX ứng dụng công nghệ số, sàn giao dịch nông sản trực tuyến từng bước hình thành, thúc đẩy đổi mới tư duy và phương thức tổ chức sản xuất.
![]() |
Nhiều nông dân tiên phong thoát nghèo và thi đua làm giàu. |
Tiên phong thoát nghèo và thi đua làm giàu
Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người khu vực NT đạt khoảng 54 triệu đồng/năm, tăng 1,3 lần so năm 2020. Đến tháng 6/2025, cả nước có 81% xã đạt tiêu chí thu nhập, tăng 4% so cuối năm 2021. Có 93,2% xã đạt tiêu chí về lao động. 88,3% xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế NT. Dự kiến đến cuối năm 2025, thu nhập bình quân đầu người cả nước đạt khoảng 58 triệu đồng/năm, tăng 1,4 lần so năm 2020, cơ bản hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025. Về định hướng chương trình giai đoạn 2026-2035, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người khu vực NT tăng ít nhất 2,5 lần so năm 2020. Đến năm 2035, tăng ít nhất 1,6 lần so năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy việc xây dựng, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về NN, ND, NT là đúng, trúng, phù hợp, hiệu quả mang lại rất tích cực, đã góp phần cơ cấu lại, phát triển kinh tế đất nước theo hướng nhanh, bền vững. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa, giáo dục, điện, đường, trường, trạm, diện mạo NT, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên toàn diện...
Phân tích các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tô Lâm; sự chung sức đồng lòng của cả dân tộc, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự hợp tác của bạn bè quốc tế; phát huy sức mạnh tổng hợp trong mối quan hệ NN, ND, NT, phát triển NN, xây dựng NT, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của ND; phát huy nguồn lực thiên nhiên, nền văn hóa, văn minh lúa nước và phát huy nguồn lực con người, sự tham gia của người NT.
Phó Chủ tịch Quốc hội- Lê Minh Hoan Kinh tế NT không chỉ là NN. Khi sản xuất NN ngày càng chịu nhiều rủi ro về thời tiết, giá cả, dịch bệnh thì việc đa dạng hóa sinh kế là một yêu cầu sống còn. Kinh tế NT cần phát triển cả dịch vụ, du lịch, làng nghề, sản phẩm OCOP, logistics. Hộ gia đình không chỉ là hộ ND trồng trọt, chăn nuôi mà là nhà sản xuất, nhà kinh doanh và nhà quảng bá sản phẩm của mình. Tổ chức kinh tế cộng đồng như HTX, liên hiệp HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương là điểm tựa để gia tăng giá trị, hài hòa lợi ích, san sẻ rủi ro. |
Với người ND, Thủ tướng đề nghị thực hiện “3 tiên phong”: Tiên phong thoát nghèo và thi đua làm giàu từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển; tiên phong xây dựng ND văn minh; tiên phong sản xuất xanh, bền vững, chuyển đổi số và đặc biệt là triển khai phong trào bình dân học vụ số, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin