VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VĨNH LONG :
Song hành cùng quê hương, đất nước

10:08, 06/05/2025

Nửa thế kỷ qua, văn học nghệ thuật (VHNT) Vĩnh Long đã song hành cùng lịch sử đất nước, lịch sử phát triển của quê hương Vĩnh Long. Cùng với việc bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống, là hành trình chuyển tải hơi thở cuộc sống đương đại, hướng về tương lai tươi sáng cùng vận mệnh của đất nước, đời sống Nhân dân đang từng ngày đổi thay, phát triển, thịnh vượng.

 

50 năm qua, hàng trăm tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được công chúng đón nhận.
50 năm qua, hàng trăm tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được công chúng đón nhận.

 “50 năm ấy biết bao nhiêu tình”

Ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: Nhìn lại chặng đường 50 năm qua (1975-2025) từ văn nghệ Vĩnh Long (30/4/1975-2/1976), văn nghệ Cửu Long của tỉnh Cửu Long (1976-1991) và văn nghệ tỉnh Vĩnh Long (5/1992-2025) đã thu được những thành tựu rất đáng trân trọng, đã góp phần xây dựng đời sống tinh thần của Nhân dân. Hàng trăm tác phẩm, công trình VHNT được khẳng định, được công chúng đón nhận.

Nói về văn xuôi, nhiều tác phẩm đầy tính hiện thực và sâu lắng đi vào lòng người. Nhà văn Văn Hiến Vĩnh nhận xét: Văn xuôi Vĩnh Long từ sau năm 1975 đến nay đã có những bước tiến kịp thời đại, hòa với xu thế phát triển của đất nước. Thời gian qua, truyện ngắn Vĩnh Long đã có những đóng góp đáng kể, tạo được dấu ấn, tạo được nét riêng của văn học Vĩnh Long.

Qua truyện ngắn, truyện ký, bút ký, có thể hình dung ra bức tranh chung của cuộc sống. Có những tác phẩm, tác giả đã khéo léo đưa thông điệp đến bạn đọc về sức mạnh tiềm tàng của VHNT trong đời sống, xã hội, trong nhận thức và tình cảm con người.

Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm thì cho rằng, 50 năm qua, sân khấu Vĩnh Long vẫn vững vàng tỏa sáng. 30/4/1975 sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là cái mốc của những năm thăng hoa của sân khấu. Từ 1975-1995 là giai đoạn lực lượng hùng hậu từ diễn viên, soạn giả, không khí sân khấu sôi động. Nhưng từ năm 1995 trở đi sân khấu dần thưa thớt ánh đèn.

Phân hội, Chi hội Sân khấu Vĩnh Long cùng anh chị em nghệ sĩ rút ra bài học kinh nghiệm, bằng giải pháp chuyên nghiệp hóa sân khấu quần chúng thông qua những trại thực tế sáng tác, quảng bá tuyên truyền chung tay xây dựng đổi mới quê hương. 

Họa sĩ Trần Thắng- Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, đánh giá, nhìn lại nền mỹ thuật tỉnh Vĩnh Long 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, đội ngũ họa sĩ tỉnh Vĩnh Long luôn tự hào về truyền thống vẻ vang, về những đóng góp của các họa sĩ, nhà điêu khắc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ vai trò nghệ sĩ- chiến sĩ đã được tiếp tục phát huy trong tình hình mới là nghệ sĩ- công dân và nghệ sĩ- trách nhiệm xã hội.

Công chúng đang trông chờ những tác phẩm mỹ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần mang cái đẹp của ngôn ngữ hội họa, điêu khắc phục vụ xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân tỉnh Vĩnh Long và vươn xa hơn nữa.

Phát huy thế mạnh phối hợp

Hội VHNT tỉnh đã phát huy lợi thế phối hợp, qua đó các tác phẩm, tác giả được đến gần hơn với công chúng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, lan tỏa các giá trị nghệ thuật, văn hóa, nhân văn tốt đẹp đến với nhiều tầng lớp nhân dân.

Ông Trần Thanh Sơn cho biết: Từ năm 2010, Hội VHNT tỉnh phối hợp với Báo Vĩnh Long thực hiện chuyên trang văn nghệ trên Báo Vĩnh Long chủ nhật. Trong 15 năm, ước khoảng 3.000 tác phẩm VHNT được đăng tải. Hoạt động phối hợp với Báo Vĩnh Long thực hiện trang văn nghệ chủ nhật đã tạo ra một không gian cho các tác giả sáng tác, đưa VHNT đến với công chúng hàng tuần.

Đặc biệt, với thế mạnh của Đài Phát thanh- Truyền hình (PT-TH) Vĩnh Long, thực hiện hàng tuần chương trình Tạp chí văn nghệ địa phương. Trong đó, đáng chú ý là thông tin hoạt động của hội, giới thiệu tác giả, tác phẩm, bàn tròn văn nghệ, các phóng sự tài liệu, về các chuyên mục, về VHNT. Đặc biệt năm 2021 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hội và đài đã phối hợp thực hiện Ngày Thơ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long trực tuyến trên sóng Đài PT-TH Vĩnh Long, tạo ra một hiệu ứng xã hội tích cực.

Bên cạnh đó, Đài PT-TH Vĩnh Long chủ động có nhiều chương trình dành riêng cho việc quảng bá văn hóa, văn nghệ địa phương trong suốt thời gian qua. Ông Huỳnh Tấn Phát- Phó Giám đốc Báo và Đài PT-TH tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Từ khi thành lập Đài PT-TH Vĩnh Long, nay là Báo và Đài PT-TH tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền và quảng bá VHNT của tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của VHNT tỉnh nhà”.

Theo đó, trên sóng phát thanh, đài thực hiện các chương trình giới thiệu, quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Tiêu biểu như: chương trình tài tử Nam Bộ, chương trình cung thương hòa điệu, cung điệu phương Nam… Các chương trình tác giả tác phẩm, giai điệu quê hương, tạp chí âm nhạc… giới thiệu về ca dao, tục ngữ, hò vè Nam Bộ.

Ông Huỳnh Tấn Phát khẳng định: “Có thể nói xuyên suốt trên sóng truyền hình Vĩnh Long gần 50 năm qua, chưa bao giờ thiếu vắng những áng văn thơ, tản văn, những câu vọng cổ mang đậm bản sắc miền sông nước Nam Bộ. Trên sóng truyền hình, đài luôn chú trọng nâng cao tính thẩm mỹ, tính giáo dục và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong các chương trình truyền hình, thực hiện tốt chức năng văn hóa của báo chí”.

Qua các hoạt động phối hợp tuyên truyền, các tác phẩm ngày càng đến gần hơn với công chúng. 
Qua các hoạt động phối hợp tuyên truyền, các tác phẩm ngày càng đến gần hơn với công chúng. 

Với thế mạnh “thương hiệu” Đài PT-TH Vĩnh Long suốt nhiều thập kỷ qua, đã góp phần to lớn trong hành trình phát triển, quảng bá những giá trị văn hóa, văn nghệ tỉnh Vĩnh Long được lan tỏa, đến với rộng rãi công chúng gần xa. Đài đã thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền, đưa VHNT trở thành một động lực góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Làm phong phú thêm đời sống tinh thần người dân, mang đến cho khán giả những phút giây thư giãn, giải trí; đồng thời nâng cao sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử quê hương. Thông qua đó, cũng góp phần thu hút khách du lịch đến với Vĩnh Long ngày một nhiều hơn.

Bằng tất cả vốn liếng trưởng thành của nền VHNT trong 50 năm qua, có sự tiếp nhận nền tảng di sản văn hóa truyền thống mấy trăm năm, Vĩnh Long đang có thế mạnh mới, sức bật mới để đưa nền VHNT tỉnh nhà vươn lên cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, cho biết, trong bất kỳ giai đoạn nào, hoạt động VHNT luôn được sự quan tâm lãnh đạo, định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện của các ngành, cấp. Cùng với đó, sự tâm huyết, nỗ lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ đã giúp hoạt động nghệ thuật của tỉnh không ngừng phát triển. Mỗi văn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm VHNT chân chính sẽ góp phần bồi đắp xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, mở cánh cửa tương lai tươi sáng của dân tộc.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh