TỪ LONG HỒ DINH ĐẾN TỈNH VĨNH LONG TỰ HÀO VÙNG ĐẤT “ĐỊA LINH NHÂN KIỆT”, VỮNG BƯỚC ĐẾN TƯƠNG LAI:
Kỳ cuối: Tạo dựng vị thế tỉnh Vĩnh Long trong kỷ nguyên mới

10:41, 01/05/2025

Từ một tỉnh thuần nông lạc hậu, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thực hiện theo quan điểm, đường lối đổi mới kinh tế (KT) của Đảng gắn với tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Bên cạnh vị trí chiến lược trong khu vực ĐBSCL, cùng với ý chí tự lực, tự cường, tỉnh Vĩnh Long đã tạo nên bước đột phá trong phát triển KT, xã hội những năm đầu thế kỷ XXI. 

Cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, tỉnh Vĩnh Long đang đứng trước vận hội, thời cơ mới để tạo dựng thế và lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Hệ thống sông giữ vai trò quan trọng trong việc liên kết giao thông đường thủy và tương tác kinh tế trong vùng.
Hệ thống sông giữ vai trò quan trọng trong việc liên kết giao thông đường thủy và tương tác kinh tế trong vùng.

Những bước ngoặt quan trọng 

Tháng 5/1992, tỉnh Vĩnh Long chính thức được tái lập, mở ra chặng đường phát triển mới với những nhiệm vụ nặng nề, trong đó vấn đề lớn nhất, quan trọng là phát triển KT.

Ông Trương Văn Sáu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng: “Sau khi tái lập tỉnh Vĩnh Long năm 1992, tỉnh ra sức xây dựng các công trình thủy lợi, phát triển hạ tầng nông thôn, nâng cấp đường sá. Lãnh đạo tỉnh sớm nhận ra định hướng phát triển KT của tỉnh Vĩnh Long lấy nông nghiệp làm nền tảng, đồng thời phải chuyển dịch cơ cấu KT theo hướng công nghiệp (CN)- dịch vụ, tạo việc làm, giúp người dân khá lên”. 

Sự kiện thông xe cầu Mỹ Thuận vào tháng 5/2000 mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN, tạo thế tăng tốc đột phá cho nền KT. Nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (2001-2005) đánh dấu bước ngoặt quan trọng. Kế hoạch chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, lúc ấy, Vĩnh Long đã mời chuyên gia nước ngoài và những nhà khoa học hàng đầu trong ngành tư vấn; phối hợp với các viện, trường mở các lớp tập huấn về cây ăn trái, đặc biệt cây có múi cho nông dân.

Những vùng chuyên canh: bưởi năm roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, nhãn Long Hồ, quýt đường Trà Ôn và vùng nuôi cá tra, cá ba sa xuất khẩu, vùng nuôi bò, vùng sản xuất lúa nguyên chủng chất lượng cao… đã hình thành. Ngành CN tuy non trẻ cũng đạt thành quả đáng ghi nhận. Năm 2004, KCN Hòa Phú (giai đoạn 1) đi vào hoạt động và triển khai giai đoạn 2; còn KCN Bình Minh và Tuyến CN Cổ Chiên dần lộ diện. Các nhà đầu tư bắt đầu chú ý đến Vĩnh Long, đặc biệt là sau khi tỉnh ban hành chương trình thu hút đầu tư giai đoạn 2001-2005. 

Theo ông Trương Văn Sáu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy, giai đoạn 2001-2010 có thể coi là giai đoạn phát triển các khu- tuyến CN và cơ cấu KT có sự chuyển biến rất rõ nét. Từ những quyết sách chiến lược, góp phần phát triển CN của tỉnh đến năm 2010 cơ bản thích ứng với cơ chế thị trường và có bước tăng trưởng, phát triển khá tốt, chuyển dịch cơ cấu KT và cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ hơn. 

Trước yêu cầu hội nhập KT quốc tế ngày càng cấp bách và quyết liệt hơn, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2011-2015) xác định: “Đẩy mạnh CN hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, quyết tâm xây dựng Vĩnh Long thành tỉnh trung bình khá trong khu vực…”.

Đảng mở đường phát triển KT qua định hướng nâng chất nền KT, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thời gian này, bên cạnh KCN “kiểu mẫu” Hòa Phú; KCN Bình Minh, Tuyến CN Cổ Chiên càng sôi động… tạo sức bật quan trọng tăng trưởng KT, nâng cao đời sống người dân.

Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020, tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng bền vững và có khả năng cạnh tranh. Thay đổi tư duy sản xuất đồng thời hướng người dân vào sản xuất lớn cũng định hình trong giai đoạn này.

Vĩnh Long đã trở thành tỉnh khá khu vực ĐBSCL vào năm 2020, KT tiếp tục phát triển, quy mô không ngừng được mở rộng, hệ thống kết cấu hạ tầng KT- xã hội từng bước hoàn thiện và đồng bộ,... Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), định hướng nền KT của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Theo Niên giám thống kê tỉnh Vĩnh Long năm 2023 và ước tính cho năm 2024, tỉnh đã đạt những thành tựu quan trọng trong phát triển KT, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chỉ tiêu KT nổi bật như GRDP tăng từ 57,34 triệu đồng năm 2020 lên 85,2 triệu đồng năm 2024; tỷ lệ đô thị hóa từ 16,6% năm 2020 lên 28,53% năm 2023. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD… 

Xây dựng vị thế tỉnh Vĩnh Long trong kỷ nguyên mới 

Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long thành tỉnh mới là tỉnh Vĩnh Long.

Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc lấy ý kiến Nhân dân, đại biểu và cử tri, kết quả lấy ý kiến nhận được mức độ đồng thuận, ủng hộ rất cao đề án sáp nhập.

Các chuyên gia nhận định việc sáp nhập 3 tỉnh sẽ tạo nên một “mảng ven Biển Đông” liên tục với 130km, giúp tỉnh Vĩnh Long (mới) mở rộng không gian phát triển ra hướng biển. Nhờ vậy, không chỉ phát huy lợi thế nông nghiệp, mà còn phát triển mạnh KT biển.

Quy mô gần 6.300km², hơn 4,1 triệu dân và 124 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, sẽ giúp tỉnh mới có sức hấp dẫn cao trong thu hút FDI và đầu tư CN chế biến nông- thủy sản, logistics và năng lượng tái tạo. Việc kết nối hệ thống sông Mekong, hệ thống đường cao tốc, đường bộ, đường ven biển phía Đông của các tỉnh này sẽ tạo thành bộ khung vững chắc để tạo nên không gian phát triển KT rất lớn.

Trung tâm Chính trị- hành chính tỉnh Vĩnh Long nằm giữa hai nhánh sông Tiền, sông Hậu, với vị trí trung tâm ĐBSCL là đầu mối giao thương, logistics. Có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi như QL1, cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ, còn có tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ dự kiến khởi công năm 2027, cùng hệ thống đường thủy nội địa tạo điều kiện tối ưu cho vận chuyển hàng hóa. 

“Phát triển KT xanh bền vững là một trong những định hướng chiến lược của tỉnh. Vĩnh Long quyết tâm đến năm 2030 trở thành tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm KT nông nghiệp của vùng ĐBSCL”- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhận định. Cùng với các khu CN hiện có như: KCN Hòa Phú, KCN Bình Minh và đang triển khai KCN Đông Bình, KCN Gilimex Vĩnh Long, KCN An Định, các cụm CN đáp ứng nhu cầu “đất sạch” thu hút đầu tư, thúc đẩy các ngành CN chiến lược… 

Trong khi đó, Bến Tre là “thủ phủ” dừa của miền Tây và cả nước. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Trần Thanh Lâm, toàn tỉnh có hơn 79.000ha dừa, xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về hàng năm gần 500 triệu USD.

Qua đó, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2024 đạt 1,75 tỷ USD. Các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đã và đang được triển khai như: cầu Ba Lai 8, cầu Đình Khao nối tỉnh Vĩnh Long, cầu Cửa Đại, tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh…

Đặc biệt, cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang đã hợp long vào ngày 19/4/2025. Điểm nhấn thể hiện khát vọng phát triển, tầm nhìn chiến lược của tỉnh Bến Tre là khu lấn biển với diện tích khoảng 50.000ha để mở rộng không gian phát triển và phát triển mạnh KT biển... 

Cũng có bờ biển dài 65km (tương đương Bến Tre), tỉnh Trà Vinh đang là trung tâm năng lượng mới nổi trong khu vực ĐBSCL, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời quy mô lớn, cụm nhà máy nhiệt điện Duyên Hải công suất hàng ngàn MW. Cùng với đó là các lợi thế về phát triển CN, thu hút FDI; nông nghiệp công nghệ cao… Theo thống kê, GRDP năm 2024 của tỉnh ước tăng 10,04%, cao nhất khu vực ĐBSCL. Về văn hóa, du lịch, Trà Vinh có cộng đồng người Khmer lớn (chiếm 30% dân số), tạo nét văn hóa độc đáo. 

Cùng sông Tiền, sông Hậu hệ thống sông như Cổ Chiên, Ba Lai, Hàm Luông, Măng Thít… cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của tỉnh trong việc liên kết giao thông đường thủy và tương tác KT trong vùng. Đáng lưu ý, sau sáp nhập, tỉnh Vĩnh Long sẽ là tỉnh ven biển với đường bờ biển dài hơn 130km, mở ra khả năng lớn trong phát triển KT biển, logistics, cảng biển, điện gió và đồng thời sẽ định vị lại chiến lược toàn vùng ven biển ĐBSCL.

Theo các chuyên gia KT, với không gian địa lý rộng, vị trí trung tâm và sự đa dạng sinh thái- dân cư- nguồn lực, tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập sẽ có nhiều cơ hội để vươn lên trở thành trung tâm mới của ĐBSCL trong giai đoạn phát triển bền vững và hội nhập trong tương lai.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân- ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh
Với việc sáp nhập 3 tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long sẽ mang đến cơ hội tận dụng các nguồn lực đa dạng, giúp tỉnh Vĩnh Long có thêm lợi thế trong việc phát triển mạnh mẽ hơn các ngành CN chế biến, dịch vụ logistics, cũng như thúc đẩy các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược. Tỉnh cần tập trung cải thiện giao thông kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển mô hình KT bền vững. 
Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn 2026-2030, Vĩnh Long cần ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực CN, dịch vụ và hạ tầng giao thông, đặc biệt là công nghệ cao và chuyển đổi số. Sự phát triển đồng bộ của hạ tầng CN và chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thúc đẩy KT toàn diện.

 Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh